Chúng ta tung hô sự phát triển hay sự phá hoại?
Trong khoảng 7 - 10 năm gần đây, chúng ta thấy sự nổi lên của các loại hình kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng, với các địa điểm du lịch...
Trong khoảng 7 - 10 năm gần đây, chúng ta thấy sự nổi lên của các loại hình kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng, với các địa điểm du lịch biển đảo trở thành trọng tâm khai thác. Một điều đáng buồn là khi nhìn lại sau nhiều năm, đi kèm với sự nở rộ của hoạt động du lịch là sự ăn mòn nghiêm trọng các mảng xanh trên các vùng đảo, dễ thấy trong các bức hình so sánh như link dưới đây.
Cũng đi kèm với sự gia tăng của hoạt động du lịch là sự mở rộng của các doanh nghiệp khai thác các dịch vụ này: Vin Group, Sun Group, FLC... Xuất phát thông thường là một đại gia ở Đông Âu, tương đối kín tiếng, các doanh nghiệp này được thành lập ở Việt Nam và nhanh chóng có được quyền khai thác các khu vực có thắng cảnh đẹp và thuộc hàng đắc địa nhất đối với việc triển khai các hoạt động du lịch. Chưa bàn luận đến vấn đề công bằng kinh tế trong sự đi lên nhanh chóng của các doanh nghiệp này, những hình ảnh thực tế cho thấy hoạt động du lịch đã tàn phá thiên nhiên nghiêm trọng như thế nào ở các khu vực biển đảo này.
Điều đáng nói là, các doanh nghiệp này và hoạt động của họ lại được tung hô rất nhiệt tình bởi báo chí và dân mạng với lý lẽ: phát triển du lịch mang lại nguồn thu cho dân địa phương và ngân sách quốc gia trong khi những vùng đất "để không" thì "không mang lại hiệu quả kinh tế". Câu hỏi đặt ra ở đây là, liệu đây có thực sự là "sự phát triển" và nó có đáng để đánh đổi môi trường không?
Khi nhìn vào lợi ích trước mắt, sự gia tăng của nhu cầu du lịch mang đến nguồn thu cho nhiều đối tượng, bao gồm doanh nghiệp, dân địa phương và ngân sách nhà nước. Mặc dù vậy, bản thân việc gia tăng nhu cầu đến mức quá lớn về du lịch chính là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp này tăng cường phá rừng, phá hoại cảnh quan, chiếm đoạt các vị trí đắc địa, tách dân địa phương khỏi nguồn sinh kế và quyền lợi bờ biển của họ. Về lâu dài, cảnh quan tự nhiên sẽ không còn là màu xanh của những cánh rừng hoang sơ nữa mà thay vào đó là những khối bê tông và cáp treo vô hồn, phục vụ cho sự tò mò và ích kỷ của con người. Việc gia tăng hoạt động du lịch vượt quá ngưỡng tải thậm chí còn dẫn tới các vấn đề rác thải, ô nhiễm môi trường và làm phai nhạt bản sắc địa phương thông qua các hoạt động du lịch "công nghiệp", đại trà. Về lâu dài, đó là sự suy thoái môi trường không thể hồi phục, đó là sự phá hoại.
Có thể đây là một vấn đề không mới, tuy nhiên ý thức về việc phải bảo tồn thiên nhiên lâu dài đang dần phai nhạt đi trước cái gọi là "phát triển kinh tế". Ok dăm ba cái cây ở hòn đảo xa xôi nào đó bị chặt cũng chẳng làm giảm oxy đến mức ngạt thở đâu, nhưng một khi ý thức bảo vệ môi trường đã bị xói mòn, sự ô nhiễm và kiệt quệ nguồn sống sẽ gõ cửa nhà bạn một ngày không xa.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất