Có lẽ từ hôm qua đến giờ, chúng ta đều biết về chấn thương kinh hoàng của Hùng Dũng, và đối với một người là fan bóng đá như mình, mình muốn nêu lên một vài ý kiến về sự việc đã xảy ra.
Đỗ Hùng Dũng
Chấn thương của Hùng Dũng nghiêm trọng thế nào ?
" Hùng Dũng đã bị gãy 1/3 dưới xương cẳng chân phải, gãy cả xương mác và xương chày. Và xương gãy sẽ cần thời gian để liền, khoảng vài tháng, với trường hợp gãy xương phải kết hợp đinh, nẹp vít thì cần khoảng 9 tháng để xương liền, ổn định sau đó mổ lấy đinh ra. Chấn thương gãy xương không nguy hiểm đến tính mạng nhưng mất thời gian để phục hồi. Điều đó đồng nghĩa với việc Hùng Dũng phải mất một khoảng thời gian để trở lại" - Võ Tường Kha (Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam) nói.
Với những thông tin trên, chúng ta cũng đã ít nhiều hiểu được sự nghiêm trọng của nó. Nếu để so sánh thì chúng ta sẽ lấy ví dụ về chấn thương kinh hoàng của Luke Shaw vào năm 2015.
Như bạn đã thấy, đây là pha bóng mà Ngô Hoàng Thịnh đã vào bóng bằng 2 chân khiến cổ chân của Hùng Dũng bẻ gập xuống. Chỉ nhìn ảnh chắc các bạn cũng đã đủ rợn người.
Còn đây là pha bóng mà Hector Moreno cũng đã vào bóng bằng 2 chân với Luke Shaw. Và chấn thương này tưởng như đã lấy đi sự nghiệp của Shaw (lúc đó Shaw 20 tuổi).
Hoàn cảnh xảy ra trận đấu ?
Nếu như các bạn có theo dõi V-league trong 3 năm qua, thì bạn sẽ được sự phát triển vượt bậc của bóng đá Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội FC và Câu lạc bộ Bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh. Đó cũng là lý do khiến những trận đấu giữa 2 đội luôn ở tình trạng kín khán giả và cực máu lửa. Có thể ví nó như những trận đấu siêu kinh điển giữa Real Madrid và Barcelona, hay Superclasico giữa River Plate hay Boca Juniors. Và những trận đấu như thế sẽ không bao giờ thiếu những chiếc thẻ đỏ hay những pha phạm lỗi thô bạo. Nhưng dù có là thế đi nữa, thì nên nhớ, kể cả là V-League, La Liga hay Primera División Argentina, đó vẫn là một hành động thiếu fair play. Bạo lực trong thể thao vẫn là một vấn đề nhức nhối của giải quốc nội trong 10 năm trở lại đây. Tình trạng bỏ bóng đá người vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại dù cho đã có nhiều trường hợp bị xử phạt. Điển hình nhất pha vào bóng của Quế Ngọc Hải đã khiến Anh Khoa phải giải nghệ cũng vào năm 2015. Hải đã bị phạt 15 triệu đồng, cấm thi đấu 6 tháng. Ngoài ra, anh còn chịu mọi chi phí chữa trị cho Anh Khoa với tổng số tiền là 834 triệu đồng. Pha vào bóng cũng đã được lên những trang báo nước ngoài vì độ ghê rợn. Nhưng sau đó, Hải đã được giảm án và được Bầu Đức hỗ trợ điều kiện để thanh toán số tiền chữa trị cho Anh Khoa. Điều đó cũng ít nhiều góp phần tạo nên Hải Quế của ngày hôm nay, một người đội trưởng bản lĩnh và đĩnh đạc. Vậy liệu chúng ta có nên mở rộng lòng thương để cho Hoàng Thịnh một cơ hội ?. 
Pha vào bóng khiến Anh Khoa giải nghệ.
Nếu là mình, câu trả lời sẽ là không. Thứ nhất về mặt tình huống, lúc bóng đến chân Hùng Dũng, đó là tình huống đang diễn ra ở giữa sân, trong khi pha bóng giữa Ngọc Hải và Anh Khoa là ở mép vòng cấm, một tình huống có thể dẫn đến bàn thắng, có nghĩa là chẳng có lý do gì để Hoàng Thịnh phải vào bóng bằng cả 2 chân như vậy, trừ khi có ác ý.
Thứ hai, với một cầu thủ đã có kinh nghiệm và đã từng ăn cơm tuyển, Hoàng Thịnh phải hiểu là vào bóng bằng 2 chân trong bóng đá là điều cấm kỵ nếu như không có kỹ thuật tốt. Kể cả những hảo thủ như Ramos, Pique hay Van Dijk cũng hiếm khi vào bóng như thế dù thi đấu ở vị trí hậu vệ, trong khi vị trí thi đấu của Hoàng Thịnh lại là tiền vệ.
Thứ ba, vì từng là cầu thủ của đội tuyển Việt Nam, anh ta càng phải cho thấy được bản lĩnh và một cái đầu lạnh, chứ không phải là một pha bóng nghiệp dư đến như thế. Chính chiếc thẻ đỏ của Hoàng Thịnh cũng là dấu chấm hết cho Thành Phố Hồ Chí Minh khi mất đi một mắt xích quan trọng ở tuyến giữa, và thua trắng 0-3.
Thứ tư, khác với Ngọc Hải, lúc xảy ra trường hợp đáng tiếc đó, Ngọc Hải mới 21 tuổi, có nghĩa là vẫn còn tiềm năng phát triển, còn Hoàng Thịnh năm nay đã 28 tuổi, độ tuổi chín nhất trong sự nghiệp, nhưng vài năm qua, Hoàng Thịnh tạo được rất ít dấu ấn trên tuyển, và gần như không đóng góp gì trong sự phát triển của đội tuyển Việt Nam trong 3 năm qua.  
Với chừng đó lý do cũng đã đủ để thấy, pha vào bóng đó của Hoàng Thịnh là một trường hợp nên xem xét kỹ hơn thay vì giải quyết nhẹ nhàng như những trường hợp trong quá khứ, vì đây sẽ là một bước ngoặt lớn trong việc thay đổi bộ mặt và xoá bỏ những định kiến mà V(õ)-League đã tạo ra từ quá khứ cho đến hiện tại.
Truyền thông
Cũng như trường hợp của Ngọc Hải, pha vào bóng của Hoàng Thịnh cũng đã lên những trang báo nước ngoài với cái title không mấy hay ho. Điều đó đã tạo nên một hình ảnh xấu xí trong mắt những khán giả ngoại quốc, và do đó, giải đấu cao nhất của chúng ta sẽ dễ bị quy chụp như là một giải đấu nghiệp dư và thiếu đầu tư về việc đào tạo nhân cách lẫn chuyên môn cho cầu thủ. Nếu như bạn hay lượn lờ các trang bóng đá trên Instagram như 433, khi có bất cứ bài đăng nào về bóng đá Việt Nam, bạn đều sẽ chỉ thấy những lời dè bỉu như so sánh với Sunday League, Farmer League hay thậm chí là Trash Football. Điều đó sẽ còn tiếp diễn dài dài nếu như chúng ta không cố gắng thay đổi triệt để, tạo dựng ý thức cho người hâm mộ lẫn các cầu thủ về một môi trường bóng đá lành mạnh và chuyên nghiệp hơn. 
Nguồn : sportbible.com
Người trong cuộc
Hùng Dũng là một quân bài quan trọng của đội tuyển, nên gặp chấn thương, người lo lắng nhất chắc chắn là thầy Park.
Như đã thấy trong hình, thầy Park đã ngay lập tức chạy xuống gặp Hùng Dũng và vẻ mặt lo lắng đã nói lên tất cả.
Ngoài ra thầy Park còn nhờ trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa viết một bức thư tay để lại cho Hùng Dũng. Bức thư viết: "Tôi rất buồn vì sự cố này. Nhưng Dũng hãy cố gắng, đừng đánh mất dũng khí. Chúng tôi luôn ở bên cạnh Dũng cho tới giây phút cuối cùng - Park Hang Seo".
Còn về phần Hoàng Thịnh, anh cũng đã lên tiếng xin lỗi và hối hận về hành động của mình.
Nguồn : Bongda24h
Trước khi xảy ra vụ việc trên, mối quan hệ của Hoàng Thịnh và Hùng Dũng vẫn rất tốt.
Câu lạc bộ Bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đăng bài trên Facebook để gởi lời xin lỗi tới Hùng Dũng.
Nguồn : trang Facebook của Câu lạc bộ Bóng đá Thành Phố Hồ Chí Minh
Còn bức ảnh dưới đây là phản ứng của Lee Nguyễn (tân binh mới chuyển đến câu lạc bộ Bóng Đá Thành Phố Hồ Chí Minh).
Chúng ta có thể thấy khuôn mặt tái xanh của Lee Nguyễn khi trực tiếp chứng kiến vụ việc. 
Phản ứng của người hâm mộ
Một sự việc kinh hoàng như vậy xảy ra việc nhận chỉ trích là điều đương nhiên và không thể tránh khỏi. Nhưng lại một lần nữa, chúng ta lại thấy được sự độc hại của cộng đồng mạng Việt Nam. Trong trường hợp trên, người xứng đáng bị chỉ trích là Hoàng Thịnh, nhưng lại có một số thành phần lấy điều đó để tẩy chay cả câu lạc bộ thành phố Hồ Chí Minh. Rõ ràng, đây là một cách giải quyết không khách quan, khi mà không chỉ ở trong bóng đá, việc vơ đũa cả nắm là một thói quen xấu và cần phải bỏ. Ví dụ : một người Việt hay xả rác đâu thể quy chụp tất cả người Việt đều xả rác, đúng không ?
Không chỉ tẩy chay, việc xúc phạm nhân phẩm của một người khác cũng là một việc nên được xem lại.
Án phạt 
Chiều ngày 24/3, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam có án phạt cho Ngô Hoàng Thịnh sau hành vi vào bóng thô bạo với Đỗ Hùng Dũng.
Trưởng Ban kỷ luật LĐBĐ Việt Nam Vũ Xuân Thành xác nhận: "LĐBĐ Việt Nam (VFF) phạt 40 triệu đồng, đình chỉ thi đấu Ngô Hoàng Thịnh đến ngày 31-12. Hoàng Thịnh có trách nhiệm đền bù theo khoản 4 điều 39 trong Quy định về kỷ luật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (sửa đổi, bổ sung năm 2021)". Vậy liệu mức phạt kia đã đủ thoả đáng chưa ?
Đối với mình là chưa. Thứ nhất, việc đá xấu đã diễn ra từ rất lâu ở gần như tất cả các giải quốc nội của bóng đá Việt Nam, và vụ việc mới nhất của Hoàng Thịnh chỉ là một hồi chuông cảnh báo và là giọt nước tràn ly, điều đó khiến chúng ta phải giải quyết một cách quyết đoán hơn khi mà dấu hiện "thi triển võ công" trên sân bóng chưa có dấu hiệu dừng lại. Nó chẳng kém gì việc bán độ hay những sai lầm của tổ trọng tài cả. Thứ hai là mức độ nghiêm trọng của hình phạt, nghe thì có vẻ dài nhưng bây giờ đang là cuối tháng 3, có nghĩa là Hoàng Thịnh chỉ phải nghỉ thi đấu 9 tháng, còn ngắn hơn cả vụ việc thủ môn Onana của Ajax vô tình sử dụng Doping. Và rõ ràng, nó chưa đủ răn đe cho những cầu thủ thế hệ sau. Có thể không cần một mức án quá nặng như cấm thi đấu vĩnh viễn, nhưng ít nhất cũng phải 1 năm rưỡi cho tới 2 năm. 
KẾT :
Nếu như trường hợp xấu nhất xảy ra, chúng ta có thể sẽ mất đi một tiền vệ có thể gọi là thuộc hàng top nhất mà lịch sử bóng đá Việt Nam có thể sản sinh ra. Người đã góp công lớn đưa chúng ta có được chiếc huy chương vàng đầu tiên ở sân chơi SEA GAMES, một mắt xích quan trọng kết nối 3 tuyến ở trên tuyển, một người thủ lĩnh mẫu mực và một người đàn anh tuyệt vời. Sự kiện ngày hôm nay chắc chắn sẽ là bước ngoặt cho bóng đá Việt Nam, và liệu chúng ta có nên thay đổi cách giải quyết vấn đề đang tồn đọng. Phải chăng chúng ta nên "hy sinh" 1 Hoàng Thịnh để đổi lấy bộ mặt mới cho V-League và 10 Hùng Dũng trong tương lai ?. Câu trả lời là nằm ở bạn, một khán giả tận hưởng bóng đá.
#Staystrong Hùng Dũng
P/S : Chúc Hùng Dũng mau sớm bình phục.