Dịch từ bài gốc của Meredith Hall trên The Paris Review
Meredith Hall là tác giả tiểu thuyết Beneficence (2020). Hồi ức Without a Map của bà được chọn là Best Book of the Year do Kirkus và BookSense bình chọn.
---
Khi Raymond Carver qua đời, nhà văn để lại một tờ giấy gấp bỏ trong túi, danh sách những thứ ông không muốn quên đi:
trứng
bơ đậu phộng
sôcôla nóng
Úc?
Nam Cực
Bạn cũ Robin của tôi gọi điện hồi tuần rồi, thuật lại rằng một người bạn trung học đang hồi tưởng lúc cùng đội bóng rổ với tôi.
“Giỡn hoài,” tôi cười phá lên. “Cậu hình dung ra cảnh tôi chơi bóng rổ sao?”
Bạn tôi đáp, “Có đó. Tôi gửi bồ ảnh chụp trong kỷ yếu. Bồ chơi trong đội suốt 3 năm trước khi bị tống cổ ra khỏi trường. Bồ chơi dở ẹc. Chơi đẹp nhưng chả tấn công gì được.”
Vậy rõ ràng tôi đã từng tham gia đội bóng rổ trường trung học trong 3 năm rồi bị đuổi cổ khỏi trường, một đứa con gái 16 tuổi có thai. Làm sao tôi lại quên cái chuyện như thế chứ? Sự quên lãng khiến tôi cực kỳ khó chịu. Tôi chẳng muốn xem chỗ hình kia.
Ta nhớ rồi ta quên. Rất nhiều người biết cần sa khiến ta quên, và các nhà nghiên cứu vào thập niên 60 và 70 muốn cho chúng ta hiểu vì sao điều đó xảy ra. Họ khám phá ra rằng não người có các thụ thể đặc biệt thích hợp hoàn hảo với các hóa chất hướng thần như THC, hoạt chất trong cần sa. Nhưng họ thắc mắc vì sao chúng ta lại có các thụ thể thần kinh cho thứ hóa chất đến từ bên ngoài như vậy? Chúng ta không hề có. Các thụ thể này chính là cho hóa chất não bộ tự sản sinh ra. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng chúng ta có hợp chất cannabinoid nội sinh, phiên bản THC của não bộ, vừa khít các thụ thể kia. Các nhà khoa học bắt gặp chứng năng sinh hóa của sự lãng quên, mà chưa hề hiểu qua trước đây. Họ nhận ra rằng con người được thiết kế không chỉ để nhớ mà còn để quên. Chất dẫn truyền thần kinh đầu tiên được khám phá ra được đặt tên là anandamide, nghĩa là phước ân theo tiếng Phạn.
Ánh sáng sớm mai xuyên qua cửa sổ cũ cáu bụi bị tản thành những hình vuông li ti hắt lên bàn. Chỉ có bà tôi, Twila, và hai anh em tôi thức giấc. Cha mẹ, chị gái, em trai và bà cố, hai người ông người bà nữa hãy còn đang ngủ trên giường và sofa và giường con ở khắp các căn phòng ở lán trại nhỏ nhắn liêu xiêu bà tôi thuê vào mỗi hè. Hồ nước ánh bạc. Tôi giật đồ bơi, vẫn còn cóng và ẩm ướt từ đêm trước, ra khỏi cây phơi và tròng vào làn da ấm của mình. Tôi còn bé lắm, chừng 5 tuổi, và tôi yêu sao cái nơi này, yêu bà và cha mẹ và những ai còn say ngủ và chiếc hồ bạc và ánh sáng vàng ươm hắt lên chiếc bàn cũ kỹ.
Bà Twila tiến lại đứng gần tôi. Bà gọt vỏ một quả đào chín, đoạn giữ nó trong lòng bàn tay và tách thành từng mẩu óng ánh vào tô của tôi. Nước đào vàng óng rỏ giọt giữa kẽ tay xuống bàn. Bà đổ sữa lên mớ đào và nhẹ đẩy tô về phía tôi.
Tôi nói, “cha mẹ.” Cha có ở đó không nhỉ? Tôi cho là có. Nhưng không cách nào để biết hết. Tôi chỉ nhớ mỗi quả đào.
Những người mắc rối loạn hậu sang chấn thường không thể quên sang chấn đã gây ra rối loạn. Giả sử chúng ta có thể điềm nhiên tẩy đi thời điểm đó, tiêu hủy đi như thể nó chưa từng xảy ra thì sao? Các nhà nghiên cứu vẫn đang bào chế các loại thuốc mô phỏng chất cannabinoid sản sinh trong não, các dược chất có thể tìm tới các thụ thể đang chờ đợi và khép lại - tách - một cách hoàn hảo. Thoát khỏi ký ức. Lãng quên. Ân sủng.
Các nhà khoa học vô cảm hơn có thể tạo ra những con chuột có lượng cannabinoid cao và thấp khác thường. Trong một thí nghiệm, chuột được nghe một âm thanh thật lớn sau khi xung điện kích thích vào chân. Chuột có lượng cannabinoid thấp còn nhớ điều gì sắp sửa xảy ra. Một tiếng vọng trong bộ não bé nhỏ của chúng cảnh báo một mối hiểm nguy nào đó sắp xảy tới. Chúng cứng đờ trước âm thanh, rõ ràng sợ sệt. Nhưng lũ chuột có lượng cannabinoid cao thì không. Cú sốc theo sau cứ mỗi lần xảy ra lại như mới. Đâu mới là là điềm lành - ký ức về cái đau và mối dọa kéo theo, khả năng đưa ra thích ứng để giữ cho bản thân an toàn? Hay ân phước được quên, chẳng còn tưởng tượng nguy hại gì sắp tới?
Có quá nhiều chuyện cần phải kể:
Cha mẹ ly hôn khi tôi lên 10.
Cha tôi, không có gì ngạc nhiên, vắng mặt từ trước và sau đó.
Không có gì ngạc nhiên, tôi yêu thương ông.
Tôi có thai lúc 16. Đó là năm 1965.
Tôi bị tống khỏi trường.
Mẹ tống tôi ra khỏi nhà. 
Cha và vợ mới của ông nuôi tôi.
Đứa trẻ được đem cho.
Về sau, tôi cự cãi với vợ của cha.
Bà tống cổ tôi đi, một lưu đày vĩnh viễn khỏi người cha thinh lặng.
Tôi lên 10, 16, 19. Giờ tôi 65. Tất cả những chuyện này xảy ra từ quá lâu rồi.
Đó. Tôi đã kể hết mọi thứ bạn cần biết. Tôi đã kể hết các câu chuyện kia tại những chốn khác, bởi những lẽ khác, và tôi chần chừ không còn muốn kể lại. Tôi đúng là có tham gia đội bóng rổ. Tôi đơn giản chỉ là đang tìm kiếm cái phần khuyết kia.
Tôi vẫn còn ngửi thấy mùi đào. Giọng của bà, dù không cất lên suốt 30 năm. Bà nói gì với tôi lúc đó? Bà có nói, Đừng sợ? Bà có nói, Ngoan nào, những ai yêu thương con đều vẫn đang ngủ? Bà có nói, Hãy nhớ đôi bàn tay đang cắt đào chín cho con ăn? Thời khắc ấy thật quan trọng.
Tôi cũng nhớ:
Mẹ nói, “Mày không được ở đây. Biến đi.”
Con tôi khóc, một cuộc gọi tôi nghe vang khẽ như tiếng vọng từ núi xa.
Vợ của cha thì nói, “Mày đừng hòng quay lại ngôi nhà này nữa.”
Cha tôi không nói gì.
Chúng ta cần phải quên. Hãy hình dung việc nhớ lại từng thời khắc rời rạc mỗi sáng, khi tắm, cho con ăn hay pha cà phê, khép cửa và vặn khóa xe. Như một văn bản trần thuật dở tệ, mỗi khoảnh khắc đều có sức nặng như nhau, nước đào màu vàng rõ qua kẽ tay cũng quan trọng như cảnh tượng băng ra khỏi trường trung học trong tủi hổ một ngày đông giá. Nếu mỗi giây đòi hỏi chúng ta cần phải tập trung tối đa, ta sẽ rút ra được ý nghĩa gì đây?
Ta phải quên để giành không gian mà nhớ. Giờ đây chúng ta có một phép ẩn dụ cho quá trình này: delete. Đây là quên lãng. Nhưng cũng ở đó là nỗi cồn cào chúng ta muốn biết trọn vẹn câu chuyện. Sự quên của chúng ta là thứ phá bỏ đi hy vọng ấy. Nếu chúng ta tập hay thi đấu 120 phút suốt 5 ngày trong tuần, suốt 10 tuần của mùa giải, 18000 phút vàng ngọc ấy đâu rồi?
Có lẽ nếu sản sinh ra nhiều cannabinoid, chúng ta đang may mắn. Tắm tưới bộ não bằng quên lãng. Nhưng điều gì xảy ra nếu chúng ta xóa đi cái nằm gần trung tâm của chuyện kể? Tôi nhớ, một ngày nọ, đã lao vào phòng thay đồ của nữ để ói sau giờ ăn trưa ở canteen. Tôi nhớ đã băng qua y tá của trường, khòm người che lại cái bụng năm tháng. Rồi ít lâu sau tôi ngồi ở bàn của bà, và bỗng đến lúc tôi cầm trên tay mình một tấm thẻ đuổi học màu xanh lá. Giờ đây tôi vẫn còn giữ, thế nên tôi biết đó là ký ức, không phải hư cấu. Tôi nhớ đã vơ lấy găng và áo khoác trong tủ riêng, đi dọc theo hành lang yên ắng, trên sàn vải lino và tiếng vang, và bước qua cửa sổ văn phòng to lớn. Các nhân viên nhìn tôi chằm chằm. Tôi không còn nhớ tên bất kỳ ai. Tôi còn nhớ chuyến đi trở về nhà, và tôi còn nhớ nỗi khiếp sợ. Tôi nhớ một lần bỏ cuộc, hiểu rằng cuối cùng những gì đang xảy ra là khởi đầu của một cái gì đó quá to lớn và buồn bã.
Ấy vậy mà tôi vẫn chơi bóng rổ hồi trung học, giữa lúc cái bụng bí mật của tôi phình lên.
Bức Sir Ashton Lever's Museum của Sarah Stone
Người Lakota ở vùng đồng bắc phía Bắc từng giữ “lịch da”, những tảng da bò rừng hoặc vải lớn mà họ, người lưu giữ, vẽ ra những danh mục hình ảnh, mỗi hình ảnh tượng trưng cho một sự kiện đánh dấu mỗi năm. Họ ghi lại thời tiết khác thường, những giao lưu bộ lạc, sinh ra và mất đi. Mỗi Đông, người lưu giữ sẽ nhờ các trưởng lão chọn ra biểu tượng sẽ sử dụng vào năm đó. Sự kiện được chọn không nhất thiết phải là sự kiện quan trọng nhất trong năm, mà là đáng nhớ nhất. Năm 1701, một người bị một mũi tên bắn sượt qua hông khi đang săn bò. Năm 1883, các vì sao lao qua bầu trời trước bình minh. Năm 1889, một phụ nữ bước vào một con sông cách vài dặm. Mỗi năm, người lưu giữ sơn vẽ lại từng hình ảnh đang phai nhạt, không để quên lãng xảy ra.
Tôi đã quên tất cả mọi thứ ấy. Không, tôi nhớ, nhưng đều sai. Nhà mới của cha. Tôi, con gái ông, mười hay mười hai tuổi. Ngôi nhà cha xây cho vợ mới khang trang, lắp kính, nóc nhà là một chái rộng. Đó là một ngôi nhà ngập tràn đam mê. Cha tôi và vợ ông biến mất vào căn phòng của họ trên gác vào các chiều êm ả, hay mang những chồng củi khô từ phòng này sang phòng khác nho nhau. “Catherine!” Cha tôi từng gọi lớn giữa rừng đêm. “Chúa ơi, Catherine! Vì ơn Chúa! Hãy quay vào nhà đi! Ngoài đó có gấu!” Vùng đất hoang vu, chiếc hồ óng ánh cách xa, bên dưới một con dốc nhiều cây. Một đóa hồng y, đóa đầu tiên tôi thấy, mọc cạnh suối. Tôi còn là một đứa bé, chứng kiến tình yêu thương nồng nàn và vẻ đẹp hoang sơ lần đầu tiên trong đời.
Hè rồi, tôi trở về những con đường đất chằng chịt ở hồ New Hampshire ấy. Gia đình tôi rời khỏi nơi này hơn 40 năm. Ai từng trải qua mùa hè ở đó nay đã đi mất để tránh đông. Vải dầu đắp lên những máy cắt cỏ và củi ẩm và hàng đống xe đạp cũ. Tôi nhớ sai hết cả. Ngôi nhà chỉ là một căn nhỏ, xây vụng về, mái nhà như chiếc phễu làm hỏng hóc các bức tường, và con dốc đến hồ vừa ngắn vừa dốc. Cánh cửa xiên xẹo, mắc kẹt nhưng không khóa. Tôi đi vào trong bóng tối.
Ở góc nhà là chiếc giường tầng và một cái bàn nhỏ mà trước kia cha từng làm cho tôi. Tôi đã quên. Lớp sơn ông phết, xanh sáng, một món quà, vẫn còn nguyên.
Tôi nhớ sai hết tất cả - quá lớn, quá phóng túng, quá sặc sỡ. Nhưng điều mà tôi không còn nhớ lại ở đây, được gìn giữ hoàn hảo. Sự riết róng. Nỗi sợ một điều gì đó kinh khiếp trờ tới. Cha. Cha. Cha.
Khi tôi lên 12, ông bà Jameson nhờ tôi giữ con gái họ, một đứa hai và một đứa bốn tuổi, mỗi tối thứ Bảy. Tôi dần cảm thấy chút gì đó tựa như yêu thương dành cho hai đứa. Nhà Jameson sống gần bãi biển trong một căn hộ hiện đại phía trên hầm xe, những căn phòng sang cả và đô thị ngay giữa thị trấn nhỏ bình dị của chúng tôi. Mỗi lần ông bà Jameson đi từ thang ngoài xuống chiếc xe to đậu bên dưới, tôi cảm nhận có điều gì đó không hay nơi ngôi nhà này. Họ đều điển nét, sẵn sàng để đi, trao đổi với nhau về đêm kế tiếp, dường như chẳng nhìn lũ trẻ đang âm thầm quan sát mình. Tôi lành với hai đứa bé gái ấy. Tôi cảm thấy buồn cho chúng, dù chẳng thể nói vì lý do gì.
Một đêm nọ, xe cứu hỏa lao nhanh qua nhà tôi về bãi biển. Sáng hôm sau, ai đó ở trường bảo với tôi rằng ông bà Jameson vừa thoát khỏi một vụ hỏa hoạn. Hai đứa con gái bị mắc kẹt trong phòng, có lẽ đã chờ đợi hai người cha và mẹ xinh đẹp nhưng chểnh mảng lao qua làn khói để cứu chúng. Mẹ không bao giờ nói với tôi về hai đứa con gái nhỏ bé ấy, do đó không có câu chuyện nào được kể. Tôi còn không nhớ tên, mặt, đôi chân hẳn đã từng choãi dọc theo chân tôi khi chúng tôi cùng chơi trên sàn. Tôi chỉ nhớ cầu thang dài dẫn xuống đất, chiếc xe quay đầu chuẩn bị rời đi, vẻ sang trọng của áo khoác, tay của ông trên khuỷu tay bà. 
Năm 1806, bảo tàng Leverian ở London, một wunderkammer (ngôi nhà của những điều kỳ diệu) khổng lồ rao bán toàn bộ bộ sưu tập. Các căn phòng diệu kỳ kia từng xuất hiện vào thời Phục Hưng như tiền thân của các viện bảo tàng. Người giàu sưu tập những món vật gây tò mò, thú vị và đem trưng bày, phô trương thẩm mỹ cá nhân của họ trước thế gian. Những tòa nhà khổng lồ với hàng tá những phòng triển lãm đông đúc, đôi khi chúng còn được gọi dưới tên nhà hát ký ức. Danh sách đấu giá ở bảo tàng Leverian liệt kê như sau: 
1052Bản đúc kỳ thú một vỏ ốc
1056 Trái thông ….
1078Cốc mã não sang trọng hình oval
1080 …
5401Ghế ngủ lớn, và đĩa đựng cá
5412Một bức tượng khắc vào lục bảo; một ống tiêm, và một ống tiêm khác
5419Một chiếc nón tết lông cực đẹp
5420Rắn đốm đen
5425Trứng lạ, vỏ trứng lồng vào nhau
Một ngày nọ, tôi đánh xe năm giờ đồng hồ tới nhà của cha và Catherine, ngôi nhà nơi em và anh tôi hay ngủ, ngôi nhà tôi chưa từng thấy. Không ai ở nhà. Tôi nhìn thấy:
Một chiếc cút kít gỉ sét ngả vào kho thóc
Máng ăn cho chim vơi một nửa
Máng nước cho chó trên hiên nhà
Một chiếc ghế bên lò sưởi; áo ấm màu nâu dành cho nam giới vắt lên một thanh gác tay
Ống nhòm ở bệ cửa sổ
Một ghi chép của Catherine, dán lên cửa: Albie, làm ơn coi lại bơm hút nước
Một chiếc bàn lớn để dùng bữa, có thư và tạp chí, ghế bị xô đi
Solomon Shereshevsky, “S”, là một ký giả người Nga sống vào đầu thập niên 1900 có thể nhớ một lượng khổng lồ thông tin và nhắc lại chúng nhiều năm sau. Mỗi con số, mỗi từ ngữ khắc vào ký ức của ông ta như một hình ảnh. Thymesis: tiếng Hy Lạp, nhớ. Hyperthymesis: trí nhớ siêu việt. Ông ta chỉ đạt điểm trung bình về trí tuệ và là người nhút nhát, khó gần. Nhưng S chỉ trong vòng ít phút có thể ghi nhớ loạt danh sách các công thức toán học phức tạp hay các bài thơ bằng ngôn ngữ ông không hề sử dụng. Không ai có thể đưa cho S bài kiểm tra trí nhớ nào đánh bại được ông. Ông trở thành một người nổi tiếng, trình diễn kỳ tài trí nhớ của mình trước đám đông. Nhưng S cảm rất nhiều mà lại không quên gì cả. Ông gặp khó khăn trong việc nhận dạng các khuôn mặt quen thuộc hay giọng nói trên điện thoại bởi ông quan sát mọi chi tiết biểu lộ ra ngoài; thậm chí những thay đổi vi tế nhất trong giọng nói hay cảm xúc cũng khiến ông cảm thấy khó lòng nhận ra đó là cùng một người mà ông đã từng biết trước đó. Cuộc sống của ông trong tư cách một cường ức giả trình diễn gây ra vô khối buồn phiền và rắc rối, và cuối cùng ông chọn từ bỏ sân khấu. Dằn vặt bởi việc không thể quên, ông cố viết ra tất cả mọi thứ, tất cả, và đốt sạch, một sự xóa có hệ thống. Chẳng có công dụng.
S cho hay, “Những gì tôi thấy mỗi khi đọc không có thật, chúng không vừa vặn đâu cả. Nếu tôi đọc mô tả về một nơi nào đó, vì lý do nào đó mà mấy căn phòng chính luôn trở thành những căn phòng trong căn hộ tôi sinh sống thủa bé.” Chẳng phải lúc nào cũng về mái nhà? Một quả đào trên tay người bà. Một người mẹ, xoay lưng. Một chiếc bàn xanh mà cha làm cho con gái. Một chiếc áo ấm vắt trên ghế.
Một người khác cũng nhớ rất nhiều, VP, nhớ hết, khi lên năm, bản đồ toàn bộ các con phố ở thành phố Riga, Latvia, toàn bộ thời gian biểu chạy tàu và xe buýt. Khi lớn lên, VP có thể đánh liên tục tới 7 ván cờ vua cùng lúc, bịt mắt, và ít nhất 60 ván cờ đối kháng mà không cần ghi chép lại. Ông có thể nhớ lại những danh sách thật dài những âm tiết vô nghĩa hay những chuỗi số khổng lồ.
Frederic Bartlett là một nhà nghiên cứu tiên phong về tâm lý học thần kinh. Ông tin rằng ký ức không chỉ dừng lại ở ghi lại và trích xuất các chi tiết. Ông đã viết ra một chuyện ngụ ngôn với những phi lý cài cắm và những tình huống chẳng đầu đuôi, sau đó mời đối tượng tham gia thí nghiệm đọc thử. Dù họ có được mời đọc đến bao nhiêu lần đi nữa, họ vẫn quên câu chuyện ngụ ngôn của Barlett, và thay đổi những chi tiết theo hiểu biết và trải nghiệm cá nhân của mình.
Nhưng VP thì không. Ông ta có thể, chỉ sau hai lần đọc, lặp lại hoàn hảo. Khi được yêu cầu lặp lại nhiều năm sau đó, ông vẫn có thể kể lại câu chuyện một cách chính xác hoàn hảo.
Cuộc chiến các Hồn ma của Frederic Bartlett:
Một đêm nọ hai chàng trai trẻ từ Egulac xuống sông săn hải cẩu, và đang lúc họ ở đ,ó trời bỗng trỗi sương mù và tĩnh lặng. Rồi họ nghe tiếng thét xung trận, và nghĩ: “Có lẽ đây là một chiến trận.” Cả hai thoát ra bờ biển, nấp sau một khúc gỗ. Giờ thì các chiếc thuyền xuất hiện, và họ nghe tiếng mái chèo, và nhìn thấy một chiếc đang tiến lại gần mình. Có năm người trên đó, chúng bảo nhau: “Bọn mày nghĩ sao? Bọn ta muốn mang chúng mày theo. Bọn ta sẽ đi ngược sông và gây chiến với loài người.” Một gã trẻ tuổi nói: “Tao không có cung tên.” “Tên trong thuyền,” chúng nói. “Tao không đi đâu. Tao bị giết mất. Họ hàng không biết tao đã đi đâu. Nhưng mà mày,” hắn nói, xoay sang kẻ còn lại. “có thể đi với bọn chúng.” Thế là một trong hai chàng trai trẻ đi theo, người kia trở về nhà. Và các chiến binh đi ngược sông vào một thị trấn bên kia dòng Kalama. Lũ người tiến xuống sông, và bắt đầu giao chiến, và nhiều người bị giết. Nhưng lúc đó chàng trai trẻ nghe một chiến binh nói rằng: “Nhanh, cho bạn tao về: tay thổ dân đó đã bị bắn.” Giờ thì hắn nghĩ: “Ồ, hóa ra chúng là hồn ma.” Anh không thấy nhợn, nhưng chúng bảo anh cũng đã bị trúng thương. Thế là thuyền trở về Egulac, và chàng trai lên bờ trở về nhà, nhóm một đóm lửa. Và anh kể với mọi người rằng: “Ra mà xem tôi đã đi theo các hồn ma ra trận. Nhiều đứa bị giết, và nhiều kẻ tấn công bọn ta cũng bị giết. Chúng bảo tôi bị trúng tên, nhưng tôi vẫn chẳng thấy gì.” Anh kể hết, rồi bỗng im bặt. Khi mặt trời lên anh ngã quỵ. Một cái gì đó màu đen túa ra từ miệng. Mặt anh méo xệch. Mọi người nhảy thốc lên và khóc than. Anh đã chết.

VP kể đi kể lại câu chuyện phi logic này suốt nhiều năm mà không hề thay đổi chi tiết gì. Ông không thể xóa đi thậm chí những chi tiết vô nghĩa để có thể tạo ra câu chuyện phản ánh cảm thức cuộc sống và thấu hiểu của chính mình về cuộc sống. Không có món quà quên lãng, các câu chuyện ông kể chỉ là các danh sách ký ức, những chi tiết vô dụng chẳng hề mang ý nghĩa nào.
Tôi đã viết đi viết lại về một đứa trẻ bị tôi bỏ lại trong một căn nhà thật lớn có nhiều phòng.
Độc giả hỏi tôi, “Làm sao bà nhớ dai đến vậy?”
Tôi ngạc nhiên. Những gì tôi nhớ thật sống động. Tôi viết lại ký ức. “Tất cả như phim trong đầu tôi,” tôi bảo họ. “Tôi chỉ xem phim. Các bạn có nhớ hay không?”
Nhưng rõ rành rành là cha tôi đã đóng cho tôi một chiếc bàn học và sơn màu xanh. Khói bốc lên, che đi gương mặt mẹ.
Tôi ở làng Kyparissi ở Peloponnese, Hy Lạp. Đang gần nửa đêm. Tôi vừa vào nghĩa trang sau nhà thờ, sau khi bị thu hút bởi hàng trăm ánh sáng lập lòe. Tôi cảm thấy mình như đang đột nhập trái phép, nhưng rất đỗi ngạc nhiên bởi những gì trông thấy, và tôi muốn lưu lại. Mỗi ngôi mộ - mỗi tảng cẩm thạch trắng - có một ngọn đèn dầu bên trên, và tất cả đều thắp sáng. Ai làm? Ai lại đến đây vào nửa đêm và thắp sáng hết chỗ đèn kia? Quả là một lòng tưởng nhớ hết sức ân cần.
Cạnh mỗi ngọn đèn là tấm ảnh người đã khuất, và thường còn có một chậu hoa tươi. Tên của người quá cố được tạc trên một thánh giá gỗ vươn cao khỏi mộ, và độ tuổi của người chết: 88, 96, 91. Người già, được yêu thương, được giữ lại ở nghĩa trang này thay vì rơi vào quên lãng.
Xếp quanh chân của mỗi nấm mồ và tường ngoài của nghĩa trang là những chiếc hộp cẩm thạch nhỏ, kích thước nhỏ như rương du lịch. Một số có chứa ảnh chụp, và đèn. Một số ngọn đèn được thắp. Những hộp cốt, tôi nhận ra. Mỗi gia đình giữ người đã khuất trong mộ trong năm năm. Sau đó, cốt sẽ được di dời vào một chiếc hộp để dành chỗ cho xác dân làng kế tiếp.
Rồi thì sao? Chuyện rõ rành rành: chẳng có đủ chỗ cho tất cả. Rốt cuộc, cốt được dời vào nhà đựng cốt, một nhà kho nhỏ phết sơn trắng ở sau nhà thờ, tựa vào các bức tường vữa cũ xưa. Tôi đi qua những ngôi mộ trong ánh sáng lập lòe. Sau cánh cửa nhà đựng hài cốt không có đèn là một hũ xương cẩm thạch, thắp sáng cũng bằng đèn, một tấm ảnh mỉm cười. Tôi bật đèn pin. Sàn nhà bẩn. Các dụng cụ làm vườn - bồ cào, xẻng, kéo tỉa - được ném thành đống cạnh cửa. Giữa phòng các hộp các tông cũ lăn lóc thành đống. Chúng chứa đầy những mẩu xương nâu, memento mori, nương vào nhau - những chiếc xương đùi và cẳng tay. Bên trong hộp trên cùng, hai chiếc sọ phẳng phiu, ngăm đen và đã phai, đang ngự trên một chồng xương nhỏ hơn, xương bàn tay bàn chân và xương sườn. Ký ức của chúng ta còn lại, nhưng đến một lúc xác thân có thể bị trút sang một bên.
Đến sáng tôi quay lại. Tôi muốn nhìn thấy hai hộp sọ trong ánh sáng Địa Trung Hải chói lóa. Nhưng chỉ có một phụ nữ dọn mồ, đang vừa làm việc vừa cầu nguyện khe khẽ. Bà bước qua cổng. Bất thình lình tôi thấy xấu hổ vì có mặt ở đó. Bà đến gần tôi, một phụ nữ nhỏ nhắn, và nói liến thoắng bằng tiếng Hy Lạp. Tôi không hiểu, tôi đáp. Bà cầm tay tôi và đưa lên trái tim mình rồi khóc, nhìn vào mắt tôi. Có phải chúng tôi đều là những bà mẹ, cùng có mặt ở đây, con của chúng tôi đã mất? Con gái của một người cha, với chúng tôi không khác gì đã mất? Ai mất?
Ngôi nhà thơ ấu. Cây kim ngân hồng vàng ngoài bậu cửa sổ phòng ngủ. Mẹ tôi đọc sách trên giường. Rồi tối đến. Rồi bóng đêm, và dế kêu.
Buổi đấu giá tại bảo tàng Leverian:
3721Heo quái vật, mõm dài
3722Bốn con gà quái vật, hai đầu
3728Bàn chân và bàn tay xác ướp Ai Cập
3729Mèo, bị chết đói khi ngoạm chuột trong miệng
3731Tiêm một bé trai, năm tuổi
3734Chân và xương bàn chân bé trai, bị đốt khi đang hôn mê
3741Thai nhi, chừng sáu tháng tuổi
3762Tay người, đang cầm nắm
Một người có bộ não phi thường, HM, vừa qua đời - cùng ngày vào năm mẹ tôi mất, 5 tháng 12. Mẹ tôi, người đã đuổi tôi đi khi tôi có thai, nhớ lại câu chuyện theo cách riêng của bà, mẹ tôi chưa từng nói về điều đã xảy ra - dù đã quên hay vẫn còn nhớ hay đã viết lại câu chuyện, tôi chẳng bao giờ biết được. HM bị chứng mất trí nhớ vĩnh viễn trọn đời. Cha tôi hẳn cũng biết một thuật mất trí nhớ vĩnh viễn nào đó. Cha tôi người hẳn còn nhớ tôi khi còn bé. Cha tôi người hẳn biết tôi suốt 19 năm rồi đuổi tôi đi, người cha đã già và chẳng bao lâu nữa sẽ lìa đời.
Kẻ còn lại bị mắc chứng quên, HM, Henry Gustav Molaison, bị chứng động kinh nghiêm trọng chí tử. Ngày 1 tháng Chín, 1953, khi ông 27 tuổi, một bác sĩ giải phẫu đã tiến hành phẫu thuật não để làm thuyên giảm các đợt động kinh, tách bỏ phần lớn hồi hải mã và hạch hạnh nhân. Vị bác sĩ không làm bệnh tình thuyên giảm. Nhưng ông đã khám phá ra phần não đưa trí nhớ tạm thời - những thời khắc diễn ra hàng ngày của chúng ta - vào trí nhớ dài hạn, vào câu chuyện. HM mất cả đời mắc kẹt trong hiện tại thường trực, không thể nhớ bữa ăn sáng hay chuyến thăm của người bạn hay bản nhạc hay mà mới ít lâu vừa khiến ông sướt mướt.
HM có thể nhớ lại tất cả những gì chứa trong trí nhớ dài hạn trước khi phẫu thuật, và thế là ông cũng sống đồng thời trong quá khứ thường trực. Một quá khứ không bị suy vi bởi mất mát và hân hoan lũy tích theo đời người. Các trải nghiệm mới không thể truy cập vào ký ức mới thu nhận để tái thiết nhận thức của HM dành cho chúng. Không thể nào có trí tuệ. Từ tuổi 27 đến khi qua đời ở tuổi già, HM quên tất cả mọi thứ. Nhưng rồi còn có chi tiết này: ông thường nói mình là một con người hạnh phúc. Sủng ân.
Ký ức của tôi về Cuộc chiến các Hồn ma:
Một người đàn ông cùng vợ mới cưới ra bờ biển. Họ xây một ngôi nhà to có mái như chái lợp trên mặt nước. Khi họ ở đó, lũ con của người đàn ông đến. Chúng ngủ ở phòng ngủ dưới nhà. Không có cầu thang dẫn tới chỗ cha chúng và vợ của ông nói với xuống. Cha và vợ ông quấn quýt bên nhau mỗi ngày, vừa cãi cọ vừa thầm thì, vừa cãi cọ vừa hôn hít. Một đêm nọ người vợ đập cửa và bước đi giữa bầy gấu trong đêm tối om. Người đàn ông hét to vào cánh rừng thẳm. Sáng hôm sau người vợ trở về và cả hai lại hôn nhau. Về sau, người vợ mang người cha đi, ông kể lại như thế, nhưng thật ra ông bỏ đi cùng bà. Cô con gái không bao giờ gặp lại cha mình, dù lũ trẻ còn lại vẫn thường gặp ông. Cô con gái nhớ hết tất cả. Giờ, cô con gái mở miệng và các câu chuyện kể tuôn ra, ắp đầy những hồn ma bị lãng quên.
Hoặc thế này:
Một cô gái có con bên dòng sông chảy ra biển khơi. Mẹ cô đuổi cô đi. Cô sợ hãi và cô độc. Cô bỏ đứa con của mình lại bên dòng sông trong một ngôi nhà lớn có nhiều căn phòng. Đứa trẻ phải xoay trở mà không có mẹ, một chiến binh đơn độc trên một chiếc thuyền vĩ đại. Về sau, cả hai gặp nhau, và họ kể nhau nghe những câu chuyện đã trải qua, từng khoảnh khắc một. Nhưng các câu chuyện tựa như bóng ma. Tất cả những gì đã từng có đều đang xuất hiện lại, lúc này.
Tôi viết. Tôi bấm xóa. Nó biến mất, nhưng có lẽ vẫn chưa, và ai đó có kỹ năng mã hóa số vẫn có thể truy trở lại. S, nhà cường ức người Nga, tha thiết muốn có thể quên. Khi cố tìm cách đốt đi các danh sách vô tận, ông có thể nhìn thấy trong ánh lửa những từ ngữ khơi ra những từ ngữ khác và lại những từ ngữ khác. “Không,” ông khóc thét. “Quá lắm rồi! Mỗi từ ngữ gợi ra những hình ảnh, chúng va đập vào nhau, và kết quả là sự hỗn mang. Ta không thể hiểu nổi điều gì nữa.” Quá khứ luôn hiện hữu, dù còn được nhớ tới hay không.
Hai nghệ sĩ Doug Goodwin và Rebecca Baron muốn thấy - thật sự muốn - cái gì sẽ mất đi khi phim analog chuyển sang phim kỹ thuật số. Chuyển hệ một bộ phim 35 ly trung bình sẽ cần tới 400 chiếc DVD. Điều gì xảy ra khi toàn bộ dữ liệu ấy rút vào một chiếc DVD duy nhất? Vô vàn dữ liệu đã bị bỏ lại bên ngoài.
Goodwin và Baron nghiên cứu chuyển động trong chùm Lossless, thao túng sự nén dữ liệu và phơi bày những hiệu ứng còn sót lại sau quá trình ấy. Rất nhiều khung hình buộc phải bỏ đi. Hầu hết phải bỏ đi. Làm thế nào chúng ta có thể chứng kiến một chu kỳ chuyển động không gián đoạn, khi mà phần lớn hình ảnh mất đi? Sử dụng bộ phim kinh điển The Searchers của John Ford, có sự tham gia của John Wayne, Goodwin và Baron đã chuyển bộ phim analog sang định dạng số và rồi phục hồi lại những gì đánh mất trong quá trình này. Kết quả thu được là một chuỗi đẹp đẽ nhưng lạ kỳ những hình ảnh hoen mờ, chảy tan của người và ngựa lao qua sa mạc. Chúng ta có thể nhìn thấy con người, bầy ngựa, những cái chân vung ra và cánh tay cao bồi giương súng. Nhưng hình ảnh lại vỡ nát, chập chờn, chông chênh và nhòe trở lại. Chúng ta đang nhìn thấy những gì? Chính là ký ức. Hầu hết ảnh nguyên tác đều được phép bị lãng quên. Như thế chừa lại rất nhiều khung hình trống, những ô khuyết chờ được điền vào. Khi ấy, Goodwin nói rằng, “các khung ảnh kia nhìn trước nhìn sau dòng thời gian để khắc họa lại bức họa tổng thể… Chúng tôi loại bỏ những khung hình chính và để cho tập tin tìm cách gắn kết những khung hình trung gian đó.”
Điều mà tôi nhìn thấy là tất cả những thành phần câu chuyện bị vứt đi, quên lãng, những hồn ma bị lãng quên, lừng lững. Những gì mất đi trở nên hiện hữu, và tuyệt đẹp.
Giọng của cha tôi rất hồ hởi, chòng ghẹo, vô lo. Tôi vẫn hay nghe giọng ông mỗi khi lặng yên và lắng nghe từ tận tâm can. Giờ thì giọng nói ấy đã không còn. Khi ông mất, tôi sẽ thắp ngọn đèn, dọn mộ, và dời cốt.
Chúng ta sinh ra để quên đi. Tôi chơi cho đội bóng rổ. Tôi đi con đường cũ băng qua những gian phòng vĩ đại, khôi phục tất cả những gì lưu cữu ở đó. Một tiếng khóc trẻ con. Nước quả đào. Quyển sách của mẹ đang mở, chờ bà từ vườn trở ra đọc tiếp. Nước cuốn đi từ dòng sông ra biển qua những con hồ. Chiếc áo ấm của cụ già trên ghế. Những căn phòng khổng lồ.
k.