Khi tôi còn nhỏ, tôi nghe rất nhiều người lớn ở thế hệ baby boomer hay gen x nói về công việc hay cuộc sống khổ cực của một người trưởng thành là như thế nào. Hết đi làm đầu tất mặt tối chỉ để lo cho bữa ăn, rồi thì chân tay lấm lem bùn đất vì chỉ mong có một công việc lương ổn định. Họ trải qua những khó khăn của nền kinh tế, của một xã hội đang phục hồi sau chiến tranh, sau lạm phát.
Họ sống cho hiện tại, chỉ cần hôm nay mở mắt ra có việc làm, có đồng ra đồng vô để tiêu, để lo cho gia đình, thì một ngày hôm đó đã đủ ý nghĩa với họ. Vì ở thời của họ, mở mắt ra là đạn dược, là tiếng súng nổ ình trời, là một ngày mà chẳng biết ngày mai có tới hay không. Nên chỉ cần mỗi ngày đều bình yên mở mắt thức dậy, thì dù là tiếng mắng chửi của ông sếp khó tính, hay cãi vã với đồng nghiệp cũng chỉ là một chuyện hết sức nhỏ nhặt, và họ vui sướng bởi vì ít ra, những điều đó còn nhẹ nhàng hơn so với cái chết, cái đói, cái khổ.
Lớn lên một chút, thì những người ở thế hệ trước luôn cố nhồi nhét vào đầu một đứa trẻ gen Y những tư tưởng đó của họ. Phải đi làm, phải tìm một công việc ổn định, phải cố gắng có chỗ đứng trong công ty, phải quen biết thật nhiều người… vân vân và mây mây.
Rồi thì tôi cũng lớn lên theo những gì mà họ đã dạy bảo, bởi tôi không biết thế giới mình đang sống sẽ ra sao. Nên cứ chạy theo những gì người đi trước đã trải qua, có lẽ như thế sẽ khiến tôi hạnh phúc, ít nhất là vào lúc đó, tôi đã nghĩ như vậy.
Đến khi tôi chập chững trưởng thành, vào cái tuổi 18 vào đại học. Công việc, kinh nghiệm, tiền lương, phúc lợi công việc, những thứ đó được đặt làm tiêu chí hàng đầu. Tôi vẫn vào đại học, nhưng vẫn ôm trong đầu những ý nghĩ công việc là quan trọng nhất, kinh nghiệm đi làm là quan trọng nhất, mà bỏ quên những giá trị ngoài lề. Tôi cũng quên mất, thế hệ gen Z đã chào đời.
Ở thời của Baby Boomers, hay gen X, công nghệ thiếu hụt, kinh tế còn nghèo, lối sống còn giản dị. Người ta chỉ biết mở mắt ra được chính là một niềm hạnh phúc, thế nên có công việc gì thì làm việc đó. Họ có ước mơ, nhưng là ước mơ để sống, để kiếm tiền. Họ không sai, vì thời họ thì ai cũng thế.
Thời nay thì cũng vậy, nhưng đổi lại là công nghệ thì tiên tiến, kinh tế thì phát triển, lối sống thì phải xa xỉ. Những lớp trẻ đi quá nhanh khiến người ta còn không kịp nhìn thì đã thấy họ trên đỉnh cao của sự nghiệp. Công nghệ tiên tiến khiến chúng ta cập nhật thông tin cũng nhanh, so sánh ngầm từ những thành quả được khoe khoang trên mạng xã hội càng lúc càng tăng. Không khó để thấy một bạn trẻ mới 17 tuổi đã kiếm hơn trăm triệu nhờ tiktok, không ít những bạn mới 19 20 đã là giám đốc, ceo của một công ty khởi nghiệp.
Vì thời nay là thế, tuổi đời còn trẻ là chúng ta còn khỏe và năng động để bức phá, để làm giàu. Mà cũng vì thế, căn bệnh trầm cảm cũng càng lúc càng tăng. Người đi trước thì phì cười bảo “ vì bọn mày rãnh quá nên sinh ra bệnh tâm lý, chứ thời bọn tao chỉ biết bục mặt ra kiếm ăn”.
Ừ, thì thời nào phải theo thời nấy. Giá trị của một con người ở thế kỉ 21 đã không còn gói gọn trong việc đi làm và kiếm tiền. Ở thời này, người ta phải có giấc mơ, có đam mê, phải tự khẳng định được bản thân mình, và tự tìm ra giá trị cho mình hơn là đồng tiền, vậy thì mới thành công được.
Thế là gen Y kẹt giữa ở hai lý tưởng, một là kiếm việc làm để sống, để ổn định, một là tìm đam mê, tìm ra bản thân mình. Họ loay hoay giữa hai giá trị từ thế hệ trước và thế hệ sau đem đến. Mà có lẽ chắc chỉ còn có một số người như tôi là kẹt giữa như thế. Mãi chẳng biết bản thân mình cố đi làm để làm gì, khi mà đồng tiền làm ra còn chẳng có chút sức lực nào để xài. Mà nghỉ việc, thì suy nghĩ “chẳng còn gì để sống, để ổn định “ cứ bám lấy trong đầu.
Rồi thì tin tức người A, người B, 20 tuổi đạt được Abcxyz đầy rẫy trên mạng, như thể muốn nhấn chìm những người trẻ tuổi đang lạc lối. Có lẽ 10 người trẻ, ít nhất 6 đã rơi vào trầm cảm. Một căn bệnh còn khủng khiếp hơn cả dịch bệnh, bởi vì chúng ta không thể nhìn thấy, cũng không thể làm gì giúp họ. Thuốc trầm cảm thì đắt tiền mà chẳng mấy tác dụng, bác sĩ tâm lý thì không phải ai cũng có thể giúp họ mở lòng.
Thế hệ của những người trẻ tuổi cứ bị mắc kẹt trong câu hỏi “ Rồi thì mình là ai, đam mê cái gì, làm được cái gì “. Chúng ta chạy theo những người thế hệ trước để tìm một công việc ổn định, rồi giật mình nhận ra những lứa trẻ sau chúng ta, đam mê và cuồng nhiệt với công việc họ làm. Còn mình thì không. Thế là lạc.
Nhưng mà, có phải ai cũng đang tiến quá vội hay không? Có lẽ, giữa những chặn đường đầy gai nhọn này, chúng ta có nên dừng lại đôi chút không hả, tôi ơi?
Dành thời gian cho bản thân để lắng nghe những mong muốn trong lòng mình, rằng mình cần tiền, hay đam mê, hay thời gian, hay tình yêu. Là cái gì cũng được, nhưng đừng đi theo những người đã lớn, họ ở một thế giới mà bệnh tâm lý với họ chỉ có bệnh tâm thần. Đừng chạy vội theo người trẻ, vì họ biết ngoài chạy ra họ chẳng thể cạnh tranh với những người cùng trang lứa, họ ở một thế giới mà chỉ cần dậm chân lại một nhịp cũng bị người ta đạp xuống đất. Ừ thì, mình cũng thế. Nhưng mà, đó là cuộc sống của họ. Cố chạy theo, chỉ có ngã sõng soài chứ chẳng bao giờ ở được đỉnh vinh quang.
Chúng ta, những con người kẹt giữa lưng chừng của hai thế hệ, chẳng biết có nên chạy hay cứ bình tĩnh mà đi. Thế thì, cứ dành cho mình một chút lắng lại. Nghe một bản nhạc, uống một tách cà phê, tìm lại những đam mê lúc nhỏ, dành dụm một ít tiền để khám phá bản thân. Đường đến đầu cầu tự nhiên thẳng, cứ mãi chạy theo tương lai khi hiện tại còn chẳng biết mình là ai thì tương lai làm gì tồn tại. Nhưng cũng đừng cứ mãi trì hoãn ở hiện tại, rồi thì ai sẽ chịu khổ dùm mình ở tương lai.
Ai cũng sẽ có con đường riêng  của mình, nhanh hay chậm, thành công hay thất bại, cuộc đời này ngắn lắm, trước hay sau chúng ta cũng sẽ có câu trả lời. Đừng vì vội mà đem giấc mộng của kẻ khác vác trên mình, thứ gì không thuộc về mình đều khiến chúng ta rất đau khổ. Nên hãy để bản thân có thời gian trả lời cho câu hỏi “Mình thực sự muốn gì, và muốn là ai”.
Cứ chậm lại vài giây rồi tăng tốc, cuộc đua đường dài nào mà chẳng có trạm dừng chân.
Mỗi người một cuộc sống, xuất phát điểm của người này có thể nhanh hơn người kia. Cách kiếm tiền của người này có thể nhanh hơn người kia. Nhưng chúng ta đều phải sống vì bản thân mình ngày hôm nay, và cho ngày mai, nên hạnh phúc mỗi người mỗi khác. Xin đừng vì áp lực của thế hệ, của cuộc sống mà gồng mình sống một cuộc sống của người khác. Bạn không thích làm ông này bà nọ, vậy thì cứ làm một nhân viên bình thường, sống một cách bình thường như bạn mong muốn. Họ làm tiền tỉ hàng ngày, xài hàng triệu hàng ngày, thì mình kiếm hàng triệu, xài hàng trăm. Miễn vui là được.
Mà cũng đừng chỉ chăm chăm những bài viết khoe khoang trên mạng. Tôi cũng đã thử khoe những gì mình đã trải qua, có nhiều người trầm trồ, có người chúc mừng, có người ngưỡng mộ. Nhưng chỉ có tôi mới biết, tất cả những gì mà tôi đã đạt được chưa bao giờ khiến tôi hạnh phúc. Tôi chỉ cố tô vẽ một cuộc sống hết sức đẹp đẽ trong mắt người khác, còn với mình thì không. Nên nếu cảm thấy áp lực, hãy cố tìm một chỗ nghỉ ngơi, đừng so tới so lui rồi chẳng biết bản thân mình đang cố vì thứ gì.
Hãy là chính mình, dù ít tiền, dù thành công chậm, nhưng cũng đã tận hưởng trọn vẹn giấc mơ và cuộc đời này.
-Lâm Hảo-