Anh Thành, bị cướp giật giữa thủ đô Hà Nội.

Vừa phóng ra khỏi khu tắc đường, bỗng một hồi chuông vang. Anh biết là sếp gọi đến. Đành dừng lại nghe vậy. Tấp vào lề, anh vội rút điện thoại ra nghe. Bỗng hai đối tượng khả nghi từ sau phi lên, áp sát. Gã trai trẻ ngồi sau giật điện thoại anh, rồi cả hai rú ga đi mất.
Sau cơn bần thần, anh chỉ kịp nói: "Mẹ kiếp, trai trẻ không chịu học hành làm việc tử tế mà lại đi ăn cướp".
Cái điện thoại chẳng đáng bao nhiêu, thôi kệ.

Anh Tùng, bị xã hội đen đến tận nhà quấy rối.

Anh Tùng rất sợ mấy thằng hàng xóm dưới: xăm kín người, trọc lốc, răng bịt đầy vàng, lúc nào cũng đeo kính đen và cái giọng của chúng thì hằn học cáu bẳn, như lúc nào cũng ngậm những cục đờm béo ngậy để khạc thẳng vào mặt người khác.
Một ngày đi học thêm, con anh nhỡ chửi bậy một câu, mà tai bay vạ gió, thằng con của lũ đầu gấu nghe được, tưởng là mình bị chửi, hẹn đánh gãy chân thằng con anh. Chả biết làm sao, anh đành hạ cố đến tận nơi để xin lỗi gia đình chúng vậy. Vì biết mặc dù chúng chả làm gì mình, mà mình có khi đấm chết chúng nó được, nhưng chúng nó thuê mấy thằng ma cô, nay tạt sơn, nay tạt cứt, chơi mấy trò tiểu nhân thì mình cũng đến mạt vận.
Anh chỉ biết nghĩ: "Mẹ sao bọn đầu đường xó chợ này lại giàu thế nhỉ, bao hết ông can, chả ai làm gì chúng nó"

Chị Thanh, chửi bà lão 70 tuổi vì lấn chiếm vỉa hè khiến chị tắc đường, không kịp về nhà đón con.

Đường thì đã chặt, bà lão lại bầy đầy những thứ đồ lỉnh kỉnh, chặn hết cả đường của cô khiến cô chả thể nào len lên vỉa hè mà đi được. Hôm nay, chợt nghe Hà Nội có đợt giải tỏa, trả lại vỉa hè cho người đi bộ, thấy bà lão bị đuổi đi, cô mừng lắm. Trách: "Bà lão quê mùa, sao chẳng về quê mà sống, hoặc vào quách cái viện dưỡng lão nào đó, sao lại ra đây làm gì"

Cũng là anh Thành, chiều hôm đó:

Anh đi trên đường, thấy một chú trung niên đang chở hàng gì cồng kềnh quá, toàn những hộp chồng lên nhau, chằng dây nhằng nhịt. Nhưng chịu thôi, đời mà, ai chả phải sống.
Đường thì đông, dòng người đang chờ tàu hỏa ở ngã tư vọng. Bỗng một người mặc áo mưa có mũ trùm kín đầu lúi húi làm gì đó đằng sau lưng chú.
Ô, trộm! Thằng đó đang cầm dao cắt đứt dây buộc hàng của chú trung niên, nó đã cắt được 2 dây, chỉ còn 1 dây nữa thôi, là sẽ có thể dễ dàng lấy được hàng!
Anh dáo dác nhìn quanh, kìa, một vài anh thanh niên trai tráng to khỏe cũng thấy cảnh đó và chăm chú nhìn. Anh thầm mắng: "Mẹ lũ hèn, thanh niên trai tráng sao không tri hô lên, nó sắp cướp được rồi kia kìa."
Mãi sau có một ông già, đáng tuổi bố anh, chắc cũng độ tám mươi, chở sau lưng một đứa bé trên con xe ba bét nhè hét lên: "Giữa ban ngày ban mặt mà dám cướp của người ta à". Ông lão nói xong, lao đi, như sợ bị đánh.
Anh Thanh thở phào: May thế, có người nói hộ mình, chứ mình nói sợ nó chém chết!
Tối hôm đó anh đi uống bia Hải Xồm, kể lại câu chuyện cho đám bạn, tiện gọi thằng nhóc, mới 12 tuổi, làm việc ở quán bia lên mà kể lại câu chuyện, họ đều thấy là anh may quá, nhỡ nó chém chết anh! Cứ hèn thế mà sống, biết đâu lại thọ hơn ông già cũng nên!
Sẵn tiện, nhìn thằng nhóc bẩn thỉu, họ cũng nhớ đến thằng nhóc năm nào phục vụ ở quán Bún chả nem cua bể trước cổng ký túc xá mễ trì. Đến giờ đã là hơn 15 năm. Thằng bé vẫn ở đó phục vụ những người qua lại suốt từ sáng đến đêm, chưa một ngày được đi học, chưa một ngày biết đến bạn bè.
Mà thôi kệ mẹ, mạnh ai nấy sống!

Cũng là anh Tùng, một buổi chiều dịu mát:

Đi trên hồ Gươm, giữa thủ đô Hà Nội. Hay thật, thủ đô hào hùng, ngàn năm văn hiến. Dừng đèn đỏ ngay tại ngã tư Tràng Tiền, anh thấy một đôi trai gái đang đèo nhau. Hai người ôm chặt lấy nhau như hòa làm một.
"Ừ thì cũng phải thôi" anh nghĩ "Ôm nhau tí cũng là bình thường, ở tuổi mình mình cũng thích thế bỏ mẹ".
Bỗng, ở ngay cạnh, có một thằng bé từ từ mở túi của cô gái, mò vào trong ...
Anh sợ, đứng hình. Mặc dù anh đấm 1 cái thì thằng nhóc đó bay răng, nhưng anh sợ quá. Ôi chả phải việc của mình. Mà lỡ thằng nhóc đấy là con của họ thì xấu hổ lắm nhỉ.
Đèn xanh, thằng bé cũng phóng đi. Anh hiểu như vậy là không ổn, anh phóng theo đôi trai gái kia, lý nhí: "Hai cháu ơi, kiểm tra túi xem, nãy chú thấy ..." Nói xong anh cũng vội vọt mất, sợ họ hiểu nhầm.
Trên đường về nhà, anh chờ ở nóc hầm Kim Liên. Có người ăn xin đang ngồi đó. Anh thấy người ăn xin này ở đâu rồi thì phải. Nhưng thôi, họ ăn xin mà, cứ cho vậy. Anh về nhà với tâm trạng thoải mái! Mình đã làm việc tốt!

Cũng là chị Thanh, 20 năm trước.

Lúc đó chị còn nhỏ, vẫn còn thấy phố thị là cái gì đó lớn lao lắm. Lớn hơn nhiều so với những gì đầu óc một đứa trẻ có thể tưởng tượng. Chị chỉ biết, ông Tương ở đầu xóm nó, lên Hà Nội làm bảo vệ, mà bằng tiền bố mẹ chị cấy lúa vất vả cả năm. Nhất định phải lên Hà Nội, chị nghĩ thế. Mà bao nhiêu người đều đi Hà Nội được, chả lẽ chị không di được?
Hai mươi năm trôi qua như khoảnh khắc, thoáng chốc chị đã cưới chồng mua nhà, mua xe. Chị thấy rằng ồ, cuộc đời sao dễ quá. Dù rằng lương người bảo vệ thì đã bèo bọt, chẳng còn "ngon" như trước, nhưng thành phố vẫn là như một tảng mỡ béo. Ăn thì hơi hại, mà bỏ thì không. Chị cũng nghĩ đây chẳng phải là những gì mà những người như chị, cứ kiên trì thì ắt có hay sao?
Chị cũng muốn kiếm lấy căn nhà có mặt phố, mà mặt chợ cũng được, làm cái kiot nho nhỏ cho thuê, thế là vừa có dòng tiền thụ động, vừa có nhà để đầu tư.
Chẳng phải mình chị, cả một thế hệ như chị, đều làm vậy.

Chuyện thằng Biển

Quê nó nghèo. Ừ nghèo thì ai chả nghèo. Thành phố người ta chửi nó là loại chó ăn cứt. Nó chỉ biết cười, vì ăn cứt đã tốt. Quê nó cứt cũng chả có mà ăn.
Cái nóng hầm hập của Hà Nội khiến ai cũng muốn trốn, nhưng nó thì chả thấy sợ. Nó sợ lạnh hơn. Tuổi thơ sống ở một cái xóm bần hàn chân núi ở một vùng biển. Nó ở tít sau một cái hẻm, một đầu ra đường cái, nhưng đằng sau lại thông ra bãi biển. Không phải bãi cát vàng mà người từ thành phố hay tưởng tượng, mà là một bãi đá dăm lởn chởm gần vách núi, pha tí nước biển.
Cái lạnh với hơi muối cứ vương vất quanh cái xóm nghèo. Nhà ở đây toàn nhà gỗ, đường thì đường đất. Chất ngổn ngang nào là gỗ, đá, xà bần để khiến mặt đất không biến thành lầy lội, cát lún, nhưng như thế thì lại khiến nạn thủng xăm, hư xe liên tục. Gió thổi quanh năm nên gỗ cứ mòn kiểu mìn mịn. Do có muối xông, từng phiến gỗ cứ đen đen và lành lạnh, như thể một sinh vật nào đó được ngâm khô trong nước biển. Nhiều khi nó nhìn vách tường hàng xóm mà còn không dám chạy nhanh, sợ đâm vào đó thủng cả mảng tường lại phải đền thì khổ.
Dân thất bại, đĩ điếm, phò phạch, cờ bạc, bá dơ tứ xứ đổ về, đời sống văn hóa thấp kém, toàn chửi rủa, bài bạc, bao cao su vất đầy đường. Nơi đây chó mèo cũng chả có, chả loại sinh vật nào sống được, trừ người. Quanh năm lúc nào cũng một màu ảm đạm, gió lạnh ù ù, trời lúc nào cũng mưa. May có những cơn mưa nên mới át được cái tiếng chửi rủa.
Thế rồi 10 tuổi, nó bỏ học, mẹ nó "bán" nó cho một bà họ hàng xa ở tận trên thành phố. Nó chỉ biết: ngày từ 6h đến 10h đên nó phải làm việc ở quán bún. Cuối tuần "bà" nó cho nó 200 ngàn, thích tiêu gì thì tiêu.
Lúc bé, nó đâu biết gì nhiều. Chỉ đến khi lớn lên, nó mới thấy ... sai sai.
Nó đếch biết chữ. Muốn đi đâu phải nhờ người ta chỉ đường bằng cách hỏi: còn bao nhiêu cột đèn nữa thì đến nơi, đường hình dáng cong hay thẳng. Có lần nó xin được số một con nhỏ xinh lắm. Nhưng nó đếch dám lưu tên, vì có biết chữ đâu mà lưu được tên. Nó không lưu số, nhưng nhớ số của tất cả những người mà nó biết. Con nhỏ đó cũng có nhắn cho nó vài lần, nhưng chả biết đọc, lại cũng không dám khoe ai. Nó đành giấu tiệt. Sau cũng chả thấy ai nhắn tin gì nữa.
"Bà" nó hứa: Bao giờ quán vắng khách thì sẽ cho nó đi học, nó tính tiền giỏi thế, sẽ còn thi được cả vào chuyên toán Tổng hợp. Ngôi trường ở ngay trước mặt nó, chỉ cách nó đúng một con đường, nhưng sao xa thế, 20 năm nay rồi nó vẫn chỉ đứng ở cổng trường, chưa thể nào bước qua được. Nhiều khi nó hận bọn thực khách, ăn gì mà ăn lắm vậy, mãi chẳng hết. Nhiều khi nó lại mong rằng cô tiểu thư nhà giàu kia liệu có thể gọi công an, để các chú xộc vào cứu nó khỏi cái chốn mịt mù không tương lai này không? Nhưng không. 15 năm nó chờ chưa từng thấy công an đến nhà hỏi thăm.
21 tuổi, nó quyết định đi ăn cướp, vì học theo anh hùng trong phim Hồng Kong. Nhầm, không phải cướp, mà là trộm. Dễ! Người dân ở cái xứ này lành, có thấy họ cũng sợ vạ miệng nên chả nói gì, nó lấy đồ của người khác như lấy đồ trong túi mình.
25 tuổi, ra tù, chả chỗ nào nhận vì có án tích. Nó đi ăn cướp, vừa ra lại xộ khám.
30 tuổi, nó nghĩ, phải chăng mình đã là thằng ăn cướp từ khi mình bỏ học để bưng bún lấy 200 ngàn một tuần?

Chuyện thằng Lực

Lực học ngu. Nhưng nó đếch sợ.
Bố mẹ nó làm cho vay lãi. Chả cần phải làm gì nhiều, vẫn có tiền thôi. Chừng nào xã hội này vẫn còn những người không có học thức, không có trình độ, thì chừng đó gia đình nó còn tồn tại. Công an là bạn nó, chủ tịch phường tháng đến nhà nó ăn tối một lần. Ở cái quận này thì chỉ trừ mấy con chó dại, còn lại chả ai dám động đến nó!
Lớn lên chút nữa, nó chuyển hẳn sang làm nghề chăn dắt người ăn xin. Trong cái xã hội "đen" này, chỉ có hai nghề thấp kém nhất: Một, là nghề thu lãi hằng ngày. Hai, là nghề buôn cám cò. Còn lại, nghề nào mà chả là lao động chân chính.
Người ta vẫn hay bảo, làm công chức nhà nước là an nhàn, ổn định, thì làm nghề ăn xin chính là "công chức" của xã hội "đen" vậy. Còn với vị trí của nó, nó cảm giác nó quyền lực chẳng khác gì những thủ tướng, chủ tịch quốc hội, hay cái gì nữa nó chẳng hiểu, đang điều hành cả hệ thống nhà nước đầy quyền lực.
Nó buồn cười.
Giả sử có một công ty bắt nhân viên mặc đồng phục, chỉ cần nhìn thôi cũng nhận ra. Ví dụ như bọn đa cấp chẳng hạn. Thì chỉ cần thấy thôi là người ta đã tránh xa bọn lừa đảo rồi, chẳng có cơ hội nào cho nó lừa đảo được bất kỳ ai cả.
Thế nhưng mà cái ngành này lại khác. Một cái giỏ hồng, mấy cây bút ký đểu nhập 140đ 1 chiếc với chục vỉ kẹo cao su HappyWhite. Cứ nhập về đó khoảng 100 rổ, rồi chia địa bàn với anh em, thuê người từ nhà quê lên ... ăn xin, là mỗi tháng đảm bảo thu nhập của nó từ 1 tỉ 2 đến 1 tỉ rưỡi. Chia cho mấy chú người thuộc phe phái xã hội "đỏ", là nó ít nhất 800 triệu găm vào mạng sườn.
Nó yêu giáo dục lắm, nó yêu con người. Giáo dục càng tốt, con người càng vị tha, thì mấy ông ăn xin của nó kiếm được càng nhiều tiền. Con người càng dễ mủi lòng thì hầu bao của nó càng rộng. Nó cảm thấy nó như một địa chủ, một chúa đất.
Kìa, thằng cha Tùng bị con mình dọa, phải đến tận nơi xin lỗi mình. Mồm nó thì ra vẻ là chuyện trẻ con, chả có gì đâu mà. Miệng cười hì hì nhưng nó khoái chí lắm, vì dám động vào cái nhà này, mỗi ông ăn xin cho mày một bãi nước bọt thì cả nhà mày thành cái bể bơi!
Nghĩ như thế, nhưng nó nói vậy cũng có một phần chân thành. Không có những anh như anh Tùng, thì lấy đâu ra tiền cho lũ ăn xin của nó!

Chuyện bác Liên

Bác Liên 50 tuổi. Không biết chữ. Chẳng có gì đáng kể.
Vì 50 tuổi không biết chữ thì đầy, chỉ khi nào những người như bác chết hết, thì may ra tỉ lệ mù chữ mới bằng không được - đấy là bác nghĩ thế.
Bác bám trụ ở thành phố này, cũng dễ hiểu thôi. Không bằng cấp, không trình độ, không hiểu biết gì để mà làm công việc khác được.
Có nhiều người rủ bác đi làm ăn xin, được bao ăn ở, bao nuôi, lại còn có tiền gửi về quê cho mấy thằng con đi học. Nhưng mà bác không chịu nổi cái hèn khi đi lừa gạt người khác.
Bác đi bán rau giữa đường. Nói là cái đừng này không của riêng ai, thế mà bác lại phải thuê 3 triệu 1 tháng để được ... ngồi ngoài đường.
Bác ít học, nhưng bác hiểu: Mình trả tiền thì nó là của mình, mình được phép dùng.
Thế nhưng chả hiểu tại sao dạo này công an đến đuổi bác liên tục. Còn bị cả người đi đường chửi rủa. Bác không hiểu. Bác không biết.
Chỉ thắc mắc, tại sao người ta cứ lên thành phố sống mãi thế, sống đến chết chẳng chịu về quê? Để quê bác héo hon chả có ai, bán rau chẳng đủ mà nuôi thân mình. Cấy lúa thì nắng suất không cao chả đủ ăn, để hàng trăm người như bác phải trả ruộng, lên thành phố "chiếm đất" của người ta mà kiếm ăn. Để rồi bị đuổi, bị bắt bớ, khổ sở thế.

Sáu câu chuyện, như những cánh bướm tạo nên cơn bão ...

Phải, chúng ta không hề vô can.
Anh Thành không hề biết, mỗi lần anh uống bia ở quán bia sử dụng lao động là trẻ em, mỗi 50.000 anh trả cho quán bún chả ở cổng trường, là anh đã đóng góp ít nhất một ngàn bảy trăm đồng vào quỹ bóc lột trẻ em.
Anh Thành không biết, mỗi lần anh vô cảm trước cái ác, chính là anh dung túng cho cái ác đến với bản thân mình. Không ai bảo vệ anh, cũng như anh chẳng muốn bảo vệ người khác.
Anh Tùng không biết, là anh Chính là người khiến cho lũ ma cô trở nên giàu có. Anh cũng chưa từng nghĩ đến việc anh làm chính là góp phần bóc lột chính những người mà anh muốn giúp đỡ. Phải. Mác đã đúng. Tư bản trở thành tiền, tiền lại trở thành tư bản bóc lột chính người lao động tạo ra chúng.
Chị Thanh không biết, và chị cũng không biết là: chính làn sóng những người ồ ạt đổ về đây, và cũng chính những quy hoạch sai lầm đã khiến cho tình trạng lấn chiếm vỉa hè diễn ra không thể kiểm soát. Và nếu nói vậy có phần hơi võ đoán, liệu chị có bao giờ nghĩ rằng: Chính suy nghĩ của chị cũng đang tạo nên biết bao nhiêu người như bác Liên?
Phải, chúng ta không vô can.