Trước đây, tôi cảm thấy câu này khá là "thơ". Một sự đúc kết sau hành trình trưởng thành. Người viết câu này chắc đang ở trạng thái thong dong, có thể đối mặt với quá khứ mà mỉm cười. Nên tôi nghĩ, câu này rất đẹp và truyền cảm hứng.
Năm học lớp 12 dạy tôi viết đoạn văn nghị luận xã hội. Tôi có thể viết nên những câu tựa tựa self-help. Tìm lại đề bài tốt nghiệp môn văn, tôi không còn nhớ mình đã viết gì (Tôi ước mình có thể đọc lại bài thi). Con chữ tôi viết lúc ấy chỉ có xác mà không có hồn. Đó là những lời nhại lại, không có gì được viết bằng chính sự "sống" của tôi.
Quay lại, ý của tôi là, khi đọc câu ở trên, tôi chỉ mới thấy nó đẹp. Và nó đúng. Tôi có thể dùng lý luận để trình bày vì sao nó đúng (hợp lý). Nhưng dùng chính những gì tôi đã từng cảm thấy, đã trải qua thì thật khó.
Bởi vì, tôi luôn cố làm đúng. Tôi không cho phép bản thân mình sai. Khi tôi làm gì xấu xí, mọi người sẽ không còn yêu thương tôi nữa. Nếu có gây chuyện, thì cố gắng hối lỗi để mọi chuyện trở lại như cũ.
Nhưng hiện tại, tôi đã có thể mở lòng hơn với sai lầm. Nhiều khi, lời xin lỗi không thể sửa chữa gì. Sai là sai. Người thương phải đón nhận việc làm của tôi. Tôi cũng không thể sửa lại hành vi của bản thân trong quá khứ.
Tất nhiên, đối xử nhẹ hơn với bản thân không có nghĩa là nhẹ lòng. Tôi hiểu mình không thể làm gì khác (cho đối phương), nên thành ra bất lực. Có lẽ họ cũng chỉ cần tôi biết rằng mình sai, đừng bao biện, và sống tiếp.
Tôi chưa thể mỉm cười hiền hòa với tôi-của-quá-khứ. Nhưng trước mắt có thể nhìn nó và bớt trách nó lại. Cảm xúc trong lòng cũng nhẹ đi phần nào (khi viết xong bài này).
Joy