Good evening!
Tối nay tui có đi siêu thị với em trai để chơi game giải trí, chủ yếu là mấy trò đập xu. Cho ai chưa biết thì cách thức chơi của chúng như thế này, bạn bỏ xu (có thể một, hai, ba hoặc năm xu là tối đa) vào một cái máy tương ứng với một trò chơi bất kì, có thể là kéo thú, bắn máy bay, đập muỗi, vớt cá, ném đá,… sau đó bạn sẽ chọn mục tiêu đi kèm với số xu mà bạn muốn rồi ấn cái nút to đùng trước mặt để “dằng co” với nó. Chỉ có hai kết quả xảy ra, hoặc là bạn thắng và có được số xu đó, còn không thì mục tiêu của bạn sẽ bắt đầu “chọc quê” bạn.
Khi đến khu trò chơi, tui thường đứng xem và đưa xu cho em mình chơi, lâu lâu cũng chỉ tham gia vào mấy trò dành cho hai người. Người vô kẻ ra không ít, tui đứng quan sát đứa em và những người khác chơi. Riêng cái máy có trò kéo thú đặc biệt khiến tui chú ý. Vì là trò chơi phổ biến và dễ chơi nhất nơi đây nên nó thu hút rất nhiều người lui tới, và điều mà tui thấy thú vị nhất chính là tâm thế của mọi người khi chơi trò này.
Có một ông chú khoảng 35 - 37 tuổi, hình như đi một mình, tiến tới chiếc máy có trò kéo thú. Mỗi lần chơi, chú đều bỏ vào năm xu. Dù thắng hay thua, chú cũng không thể hiện bất kì phản ứng, cảm xúc nào, nét mặt vẫn rất bình thường.
Sau khi chú ấy rời đi, đến lượt hai thằng bé nọ. Chúng còn rất nhỏ, có lẽ chỉ tầm bảy, tám tuổi gì đấy, nên có phần dè sẻn với số xu trên tay và chỉ dám chọn những mục tiêu dễ dàng nhưng giá trị không cao, chỉ một hoặc hai xu. Tuy vậy, chúng vẫn vui ra mặt và vô cùng phấn khích khi “chinh phục” được những con thú ấy. Hơn nữa, khỏi phải nói chúng sẽ mừng ra sao khi thử “chơi lớn” (tức là lựa chọn mục tiêu có nhiều xu hơn) và thành công, đồng thời không khỏi tiếc nuối nếu mất xu vô ích. Đây là tâm lý rất thường thấy ở hầu hết người chơi, nhất là những cá nhân chưa có dịp tiếp xúc nhiều với thể loại giải trí này.
Tiếp đó là những đứa trẻ “trải đời” hơn. Có vẻ như chúng đang là học sinh lớp chín hoặc lớp mười. Chỉ với một đến hai xu cùng những MỤC TIÊU CỐ ĐỊNH, chúng có thể thu về gấp hai, ba lần số xu đã bỏ vào máy trước đó. Cứ thế, trên tay chúng bỗng chốc đầy ắp xu, thậm chí phải dùng đến một cái rổ nhỏ để đựng, mặc dù vậy, phong thái của chúng vẫn rất điềm tĩnh, như thể đó là chuyện hết sức bình thường. Nhưng quan trọng hơn, những đứa trẻ ấy không bỏ xu vào máy rồi trông chờ vào vận may, chúng đã quan sát và tính toán rất kỹ để lựa chọn thời điểm thích hợp rồi mới “ra tay”. Như vậy. chắc chắn chúng đã chơi “đủ lâu” và nắm được phần nào “công thức” để tăng tỉ lệ chiến thắng trong trò kéo thú này. Không phải ai đứng trước cái máy ấy cũng có cùng một trải nghiệm như nhau.
Còn trong thực tế, nhiều lúc chúng ta sẽ gặp phải một tình huống, sự việc nào đó mới lạ so với hiểu biết của bản thân, khi ấy, chúng ta thường phản ứng và bộc lộ cảm xúc một cách rất tự nhiên, đồng thời có phần lúng túng, vụng về khi ứng phó với chúng. Nhưng đối với những người từng trải qua nhiều lần cùng một tình huống như vậy, họ đã biết được phần nào cách xử lý, thậm chí xử lý rất dễ dàng, và cảm xúc của họ trong lần đầu tiên đối mặt với chúng vẫn còn đó nhưng không còn mãnh liệt, có khi còn trở nên lãnh đạm hơn trước. Ngoài ra, có một số người cũng chỉ mới lần đầu rơi vào tình huống tương tự, nhưng vì đã có không ít kinh nghiệm cùng khả năng ứng biến từ nhiều trải nghiệm khác nhau trong cuộc sống nên tâm lý của họ vẫn đủ vững vàng khi giải quyết vấn đề dù có thể quá trình ấy không được thuận lợi như mong đợi.
Tuy có cùng một trải nghiệm nhưng không phải ai cũng có cách nhìn nhận giống nhau. Đừng cố gắng thuyết phục người khác phải làm thế này, hành động như thế kia dù bạn có thật lòng muốn giúp đỡ họ hay không. Có thể những trải nghiệm đã qua mang lại cho bạn nhiều bài học hữu ích trong cuộc sống nhưng chưa chắc chúng sẽ phù hợp với họ. Đôi lúc chúng ta cần để mọi thứ diễn ra và phát triển theo cách tự nhiên nhất, biết đâu ta sẽ nhận ra thêm vài điều mới mẻ, tốt đẹp hơn. Một bài toán vẫn có thể tồn tại nhiều cách giải khác nhau, nếu chỉ áp dụng mãi một “công thức” thì chúng ta chẳng khác gì những con rô-bốt được lập trình sẵn, trong khi xã hội luôn cần những “lối đi” mới để tiến bộ và phát triển.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất