Hôm nay, chủ nhật rồi, mai, các bạn đi làm, còn mình, ra ca, nên được ở nhà. Vậy là giờ, gần 12h đêm, mình ngồi viết viết mấy chữ. 
Dịch Cô Vy, căng thẳng quá nhỉ, để mình kể bạn nghe, sự căng thẳng và sợ hãi của dịch này. Và như thường lệ, đây là những thứ tình cảm chủ quan của mình, và không có một thông tin y khoa nào được nêu ra ở đây. 
Hôm thứ 6, trên bệnh viện mình làm, có một đợt tuyển bác sĩ ra bệnh viện dã chiến làm, có gần 20 anh bác sĩ, làm các chuyên khoa chính mà chủ yếu là khối nội và hồi sức đi. Nhìn mặt mấy anh, ai cũng buồn.... 
Đợt đầu tiên khi dịch ở trong giai đoạn 1, có một anh bác sĩ trên khoa mình cũng đi. Mặc dù, anh không đến bệnh viện dã chiến, hay khu cách ly, không trực tiếp điều trị, anh chỉ đi đến làm ở sân bay và bến tàu, ảnh nói, làm cũng khỏe lắm, không có gì căng thẳng đâu. Vậy là sau khi hết đợt, anh được ở nhà 2 tuần, ảnh nói, anh được ở nguyên trong phòng, ba mẹ đem thức ăn đến luôn....
Ngày anh đi đợt đầu, ba mẹ anh lo lắm, khi nghe có thông tin tuyển đi thì khoa mình chỉ có anh đủ điều kiện để đi, vì mấy anh chị khác, có gia đình và đều đi học hết, nên ảnh đi. Khi được sếp phân đi, ảnh cũng hăng hái, anh chỉ nói đơn giản: " Nhiệm vụ thì em làm thôi", nhưng ba mẹ anh, điện trực tiếp cho sếp mình, ba anh kiểu cũng là người có máu mặt, nói chỉ mong sếp xem xét, nhà anh, chỉ có mình anh...
Rồi đợt này, bệnh viện đang tính tiếp nếu vô đỉnh dịch, có khi phải lấy thêm bác sĩ, vào tầm tháng 4 hay đầu tháng 5, mình cứ lo lắng rằng mình sẽ là người được chọn, vì khoa mình, nếu không tính mấy anh chị đang đi học thì sau anh là đến mình rồi. Vậy nên, mình thực sự lo lắng. 
Tất nhiên, nếu được chọn hay bị chọn đi, mình vẫn sẽ đi thôi, mình sẽ không có ý kiến gì, chỉ là mình sợ, vì mình được phép sợ hãi  mà. 
Mình nói với mấy đứa bạn chơi thân, với mấy người em thân thiết, nếu mình có bị sao, thì mình thích hoa nhất, đừng tặng cho mình cái chi, tăng hoa cho mình được rồi. Và, nếu có chuyện gì xảy ra, hãy in hình của mình thành một cuốn sổ dày để ba mẹ mình xem.... vậy là mình được nghe la từ cả hội. 
Bạn mình nói hãy thôi overreact, be positive, biết nhiều để làm gì, đọc nhiều để làm gì, để đừng có bias, đừng sợ hãi. 
Nhưng nói thì dễ dàng, khi mình thực sự quyết định mới khó khăn chứ. 
Có một câu hát trong bài hát Let me love you trong phim Glee rằng:" As much as you blame yourself, you cant be blame for the way that you feel". Vậy nên, mình cố gắng thật thà đối diện với yếu đuối và lo lắng này, mình không ép bản thân mình phải thôi sợ hãi, vì mình biết, nếu mình ép buộc bản thân mình cũng không giải quyết được gì. 
Vậy nên, mình nói, mình tuy sợ hãi và lo lắng, nhưng mình vẫn tin vào những điều tích cực cũng như tin vào cố gắng và nỗ lực của chúng ta. Mình tuy có sợ hãi nhưng mình sẽ chuẩn bị thật tốt, để nếu thực sự mình được gọi đi mình sẽ làm tốt. Thay vì sợ hãi và chuẩn bị những thứ không cần thiết, mình đã đọc sách, lên xem hướng dẫn điều trị, các mode máy thở có thể dùng, cách set uo máy thở, cách đặt nội khí quản với bệnh nhân khó, bla bla.... 
Mình sợ hãi, mình chấp nhận. Nhưng mình chỉ sợ hãi ở đây và với một vài người thân thiết và đủ để mình tin tưởng. Những bạn mình không thuộc ngành y, ba mẹ hay những cá nhân nào nói chuyện với mình, mình luôn bình tĩnh tránh an như khi mình nói chuyện với bệnh nhân vậy. 
Mọi người thường nói, mình hoàn toàn là một con người khác khi đứng trước bệnh nhân, mình kỉ cương, rõ ràng, và lời nói có trọng lượng. Mình biết, trong mắt đại đa số mọi người thì bác sĩ là những người trí thức mà lời nói có thể tin tưởng, vậy nên , mình không thể thể hiện sự sợ hãi hay sơ sài, mà một cô gái mới ra trường gần 2 năm đối diện được. 
Mình nói mình sợ, ai la mình, mình không giận, nhưng mình cũng biết và không chia sẽ câu chuyện thêm. Thực sự, khi mình nói mình sợ, mình không cần lời khuyên, mình không cần bạn nói với mình rằng hãy xem những con số, biểu đồ, kiến thức bệnh học. Mình không sợ những thứ đó, mình đủ thông minh, đủ kiến thức, đọc bao nhiêu nghiên cứu, bao nhiêu báo cáo, mình chẳng lẽ không hiểu những thứ đó sao, chỉ là cảm giác sợ thì mình chưa ngăn được, mình vẫn sợ nhưng vẫn chiến đấu và làm việc mà. 
Nỗi sợ hãi là thứ cần được xem xét, nhìn nhận, đối diện, ôm ấp. Đôi khi đối diện nó là để hiểu hơn và yêu thương nó, chứ đừng tìm cách đẩy lùi cảm giác sợ hãi. Cứ để vậy thôi, rồi từ tứ mình sẽ vượt qua mà. Nỗi sợ của mình là nỗi sợ vô hình, không gọi tên được, vì thực sự nếu giải thích lý do để sợ hãi, mình thậm chí cảm thấy không có luôn, nhưng mà biết sao giờ, mình sợ :))))))
Mình có một người bạn thân từ năm hai đại học, khi mình nói nếu mình có chuyện gì, nhớ in hình mình mang về cho Ba Mẹ. Nó nói với mình rằng mình hãy nhờ người khác đi, chuyện mình nói, nó không làm được, chỉ nghĩ đến là nó sợ hãi, nó mất quá nhiều người rồi, không thể mất thêm mình. Mình đã rất cảm động khi nghe nó nói câu đó, có lẽ nỗi sợ của mình đến từ những người mình yêu thương, trân quý, hơn là sự lo lắng cho tính mạng bản thân. 
Mình từng đọc đâu đó :" Một người có thể là một họa sĩ tồi, một nhà văn giở, nhưng đừng bao giờ là một bác sĩ tồi, vì người ta tra cho bác sĩ thứ trân quý nhất trên đời- là tính mạng". Mình biết những điều đó, nên dù sợ hãi, mình vẫn cố gắng hết mình. 
Thú thực rằng bản thân là bác sĩ nội tiết, là bác sĩ hot nhất, kiểu thường chỉ có sao sao mới được vào khoa này, vì đây là khoa làm thoải mái nhất trong khối nội, những thứ mình học về hồi sức, chủ yếu được học từ thời đại học, sau khi đi làm có thực hành trên bệnh nhân ít lần. 
Để mình kể bạn nghe, một ca, bệnh nhân nam, 35 tuổi, mắc hội chứng down, vào viện vì rối loạn điện giải, bệnh nhân lên cơn và ngưng tim ngay 12h trưa. Dù hiếm khi đi làm mình mặc váy và hôm đó mình làm ở phòng khám chứ không phải làm trên khoa, nhưng hôm đó mình mặc một cái long dress đi high heel xinh xéo lắm, khi nghe có ca ngưng tim, mình nhảy từ tầng 2 trên giường khoác áo blouse và chạy ra hồi sức. Bệnh nhân bị tắc ruột nhưng người nhà không chấp nhận can thiệp, thậm chị không cho đặt sonde dạ dày, vì sợ, mình ép tim mà phân bệnh nhân trào lên miệng. Thực sự, mình là môt đứa sợ bẩn, sợ cực kì, tay mình dù không làm việc nhà vẫn khô, vì mình rửa tay quá nhiều. Hôm đó, ép tim, phân nó bay lên mặt lên tóc, vậy mà cứ làm không nghỉ, ít nhất mình đã vượt qua nổi sợ hãi đó, dù trong lúc sợ, thực sự có 1 ca ngưng tim là sợ lắm, mình vẫn bình tĩnh nói mấy chị điều dưỡng đi gọi bảo vệ lên đứng. 
Có một anh, nói với mình, sợ hãi là đúng em à, em sợ hãi chính là cách em phản ứng lại với ngoại cảnh. Đề làm vui mình, anh còn tìm mấy cái nghiên cứu về vai trò của sợ hãi, thậm chí lấy sách về thuyết tiến hóa cho mình đọc, để mục tiêu là: "em cứ sợ đi, không sao đâu, sợ những hãy nói ra nhé, đừng dấu nhé em". Vậy thôi, nỗi sợ này được vỗ về rồi. Đôi khi chỉ cần có vậy, là sợ hãi cũng được, không ai judge, vì mình sợ. 
Có một người nói với mình rằng làm bác sĩ mà cũng sợ, thì những người khác biết sống sao, may mắn là mấy hôm nay, mình đọc sách Tâm lý học đám đông, nên mình biết, mình cần làm gì, dù mình sợ, mình không cần kể nó ra là đươc, tất nhiên, vẫn hãy sợ hãi và chấp nhận sự sợ hãi với một vài cá nhân nhé ạ. 
Nói đến đây, tự nhiên mình lại muốn nói thêm một xíu về sự nam tính và nỗi sợ hãi của tính nam. Tất nhiên, những thứ quá sâu về nam tính, có lẽ, nên viết ở một phần nào khác. Hôm nay, mình chỉ xin nói, đàn ông cũng vậy, cũng hoàn toàn là con người, có quyền sợ hãi, có quyền lo lắng, vậy nên, khi thấy đàn ông sợ hãi và chùn bước, hãy chấp nhận họ, cho họ mượn bờ vai, một này nào đó, đôi vai kia sẽ lại làm chỗ dựa cho bạn. Mình đọc cuốn Mặt nạ nam tính cũng lâu rồi, mấy nay có mọt vài vấn đề về LGBT và tính nam nên mình đem ra đọc lại, vì góc nhìn đa dạng chứ không chỉ dưới góc nhìn tâm lý giáo khoa. Đối với mình, đàn ông cũng là cá thể dễ tổn thương và nhạy cảm, cũng cần chúng ta đối xử một cách đầy tình người.
Vậy nên, Mình, sợ hãi, nhưng vẫn đối diện. Mình, sợ hãi, nhưng chuẩn bị cho những điều có thể sẽ đến. 
Hy vọng tất cả chúng ta, tính nam hay tính nữ, đều yêu thương bản thân ta thật nhiều, bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt như chấp nhận nổi sợ hãi của bản thân, chấp nhận rằng chúng ta là con người và tâm hồn chúng ta mỏng manh, yếu đuối, chấp nhận yêu thương từ bản thể, nguyên dạng, để sau đó, tình yêu đó nhân lên, có thể yêu thương người khác, yêu thương những nỗi sợ hãi của người khác. 
Dù cho sợ hãi, chúng ta vẫn hãy sống thật điềm nhiên, sống với trái tim thương yêu và rộng mở, chấp nhận bản thân ta cũng như chấp nhận người khác. Mọi người đừng nghe mình nói sợ mà lo lắng nhá, mình chỉ sợ vì những lí do không đâu, vì cảm giác sợ, chứ thực sự chúng ta có thể handle it, chúng ta đã làm tốt và sẽ làm tốt. 
Ngày mai, hãy bắt đầu bằng một ly cafe sữa ấm, hay một ly trà pha mật ong, nhìn nhận và yêu thương bản thân, chấp nhận sợ hãi và bước tiếp nào. 
Chúc bạn một tuần vui vẻ, làm việc thuận lợi và không quạo. Chúc bạn vui và xinh, như mình :)))))