Chỉ cần một sự cố bất ngờ diễn ra nằm ngoài tất cả những gì chúng ta có thể nghĩ đến (không có tiền, không mua được nhà, không khoe được ảnh đi du lịch, chứng khoán đi xuống, giá vàng trượt dốc ...), một dịch bệnh toàn cầu chẳng hạn, chúng ta mới biết chúng ta đã làm loài người thiếu chuyên nghiệp đến mức nào. 
Hãy nhìn xem sự lúng túng và hoảng sợ của chúng ta.
Chúng ta đang sợ một thứ vô hình, đến nỗi nhiều người còn đang mơ hồ không biết có phải mình đang làm quá lên không (overreact)? Chúng ta sợ bởi vì chúng ta không đoán được điều gì sẽ xảy đến tiếp theo nữa. Chúng ta sợ vì tiền và rất nhiều tiền không còn giải quyết được vấn đề nữa. Thậm chí tiền có thể là nguồn bệnh khiến chúng ta điêu đứng.
Tại sao nỗi lo sợ ập đến nhiều như thế? Không đâu, nỗi lo sợ không ập đến, nó vẫn luôn ở sát cạnh chúng ta. Chỉ là chúng ta đã phớt lờ sự gia tăng của nó quá lâu. Sự gia tăng hữu thanh hữu hình của băng tan, của ô nhiễm và cái chết của những loài khác. Giờ đây quy luật của tất cả những gì chúng ta định nghĩa bằng khoa học, triết học, thần học bắt chúng ta phải đối diện với thực tại mà chúng ta gây ra (hay lựa chọn?). Chỉ oái oăm là nó bắt đầu bằng một thứ vô hình, hẳn là vì sau bao nhiêu thông điệp hữu hình đều vô dụng với loài người lì lợm. Và lần này nó hữu dụng rõ rệt. Chúng ta đối mặt với thông điệp được gửi đến, một cách hoảng loạn, vụng về và nghiệp dư.
Chúng ta tranh giành nhau, chúng ta trục lợi trên chính nỗi sợ của mình, chúng ta lừa lọc nhau, thậm chí hãm hại nhau với khẩu trang và thực phẩm, vẫn là để kiếm tiền và tư lợi. Chúng ta trách móc nhau và đổ lỗi cho nhau. Thật ra nếu không phải viêm phổi bắt đầu từ Trung Quốc thì cũng sẽ là một căn bệnh nào đó ở một quốc gia khác. Sự thiếu chuyên nghiệp trong ứng xử với những vấn đề toàn cầu như một thói quen và du lịch như một xu hướng đình đám (hot trend) vẫn sẽ giúp bệnh tật lây lan khắp địa cầu. Chúng ta đều có lỗi vì đã làm sai bổn phận loài người, trong đó có tôi, có bạn.
Chúng ta nên hoảng sợ từ nhiều năm trước chứ không phải bây giờ và chỉ với bệnh viêm phổi do virus lây lan diện rộng. Có nhiều thứ đáng sợ đang cùng lúc hiện diện khác mà đeo đeo khẩu trang và rửa tay, kể cả vaccine cũng không bảo vệ được chúng ta. Chẳng hạn như hạn hán và lũ lụt. Thế giới đã phân chia lãnh thổ theo quốc gia. Nhưng quốc gia lầm tưởng rằng những gì bên trong lãnh thổ của họ, họ toàn quyền quyết định. Vạch một đường biên giới xong trên giấy xong thì phần nước nào nước ấy lo. Không đâu, vẫn có những con sông vắt qua nhiều đường biên giới và mỗi khúc sông ở mỗi quốc gia sẽ không thể tách ra như ngôn ngữ chúng ta mỗi nước một kiểu được. Chúng ta phải cùng nhau quyết định làm điều gì với con sông ấy bằng cùng một loại ngôn ngữ.
Bạn cứ nghĩ ngày tận thế có đến thì bạn cũng chết rồi, quan tâm làm gì?
Không đâu, chính vì bạn nghĩ vậy mà bạn có thể đang chứng kiến nó. Tận thế không như là một bộ phim, nó cũng không xảy đến đột ngột như các nhà làm phim dựng nên bằng cảnh của sóng thần hay động đất. Nó cũng không cần lựa lấy một ngày tháng năm đẹp như 12.12.2012 hay 20.02.2020 như bạn đợi để tag ai đó vào bao trà sữa. Nó đã và đang đến từ từ trong cách bạn tiêu xài phung phí điện nước mỗi ngày, cách bạn thải rác không do dự từng ngày. Nó đến trong lúc bạn loay hoay nghĩ xem làm sao để thật giàu có, làm sao để kiếm nhiều tiền, làm sao để nổi tiếng bất chấp tất cả.
Giờ thì tiền của bạn, danh tiếng của bạn nhiều hay ít cũng sẽ không giúp bạn thoát khỏi nguy cơ mắc bệnh và chết đói. Và giờ thì chúng ta hoàn toàn đủ căn cứ để tin rằng có rất nhiều tiền vẫn có thể không có được một chỗ trị bệnh, vẫn có thể không có gạo để ăn. Nếu bạn chết vì nghèo đói đó là chuyện dễ hiểu, nhưng nếu bạn giàu có mà vẫn chết đói thì đó là chuyện nực cười và ngu ngốc. Nghe nói những người cực nhiều tiền đang trốn vào hầm để tránh dịch bệnh, nếu chuyện này có thật, thật tò mò không biết họ định trốn trong bao lâu? 
Đừng sợ chết như thế! Đáng sợ không phải là bạn chết, tôi chết hay cả chúng ta chết mà là giống loài chúng ta sẽ diệt vong. Hãy nhìn xem thiên nhiên đã bị phá hoại như thế nào vì những thứ gọi là công nghiệp, du lịch. Hãy nhìn sự phát triển mà chúng ta theo đuổi đang dẫn chúng ta tới đâu? Hãy nhìn xem chúng ta sử dụng nguồn lực phung phí như thế nào?
Chúng ta, những con người của hiện tại chọn cuộc sống hưởng thụ cho mình. Chúng ta tự do dùng nguồn lực sản xuất ra những thứ không cần thiết để kiếm tiền, dùng tiền bạc để tiêu thụ thoải mái những thứ không cần thiết, dùng năng lực để thay đổi quy luật cung cầu bằng cách tạo ra nhu cầu mà đa số là nhu cầu không thiết yếu.
Hãy bước vào một cửa hàng nào đó nhìn vào các kệ hàng và đếm xem:
* bao nhiêu trong số đó bạn sẽ nhận nếu chủ cửa hàng nói tất cả đều miễn phí?
* bao nhiêu trong số đó bạn sẽ bỏ vào giỏ hàng nếu bạn có rất rất rất nhiều tiền?
* bao nhiêu trong số đó là thực sự có ích cho bạn?
* bao nhiêu trong số đó bạn đã mua và không hề dùng tới hoặc dùng rất ít?
* bao nhiêu trong số đó nếu bạn không mua về bạn vẫn sống vui vẻ?
* bao nhiêu trong số đó bạn nhìn thấy nhiều năm rồi và không ai mua?
Và giờ đây sự tự do thoải mái đó đã trói buộc chúng ta trong những căn phòng cách ly (bị cách ly, tự cách ly hay tự nguyện ở trong nhà) mà không cần bất cứ xiềng xích hay ổ khoá nào. Sau tất cả hành vi và lựa chọn của mình, chúng ta để lại một thế giới cằn cỗi và tự động viên rằng đó là sự đánh đổi để có được tiến bộ nhân loại.
Chúng ta đều không được giáo dục tốt?
Đến lúc này rồi tôi vẫn đọc thấy bình luận của người dân Mỹ ở dưới bài viết của một tờ báo liên quan đến dịch bệnh Covid-19 rằng “Hãy đừng nhận viện trợ từ Jack Ma...”, rằng “Trump sẽ cứu nước Mỹ khỏi đại dịch”...
Chúng ta đưa yếu tố chính trị của một quốc gia vào một vấn đề toàn cầu? Chúng ta phân biệt quốc gia, phân biệt chủng tộc khi cần cùng nhau giải quyết vấn đề chung của thế giới? Quốc gia chẳng có nghĩa lý gì khi bạn chết vì bệnh viêm phổi do virus đâu. Cho dù bạn sinh ra với quốc tịch nào, chúng ta sẽ cùng sống hoặc cùng chết, tất cả thế giới chứ không phải một phần.
Chúng ta đã và đang được giáo dục bằng sự ích kỉ của loài người. Chúng ta chọn quyền lợi của loài người với tất cả trí tuệ và sức mạnh chúng ta được ban nhưng lại khước từ trách nhiệm đi liền với nó. Dù chúng ta biết rõ quyền lực càng nhiều, trách nhiệm càng lớn. Chúng ta có vẻ đã quên mất sứ mệnh sinh tồn sau khi háo hức bước ra khỏi lớp học về phát triển bản thân và làm giàu. Nơi mà người ta thao thao bất tuyệt về kinh tế nhưng tuyệt nhiên không nhắc đến lời nào về môi trường. Nơi mà người ta chỉ hỏi và trả lời về việc làm sao để mua và bán chứ không bao giờ thắc mắc việc mua bán này sẽ còn tồn tại được trong bao lâu. Họ đã nói về đối thủ cạnh tranh, hành vi khách hàng nhưng không hề nói về một dịch bệnh sẽ thay đổi tất cả những gì họ nói.
Trong khi giáo dục một con người là giáo dục từ cái lớn đến cái nhỏ: đầu tiên là ưu tiên quyền lợi của hành tinh lên trước - tức Trái Đất, trước nhất là biết bảo vệ môi trường sống, chia sẻ với loại sinh vật khác, sau đó mới đến giống loài- tức loài người không giết chết lẫn nhau, không gây chiến tranh, sau đó đến quốc gia dân tộc: bảo về đất nước, giữ gìn truyền thống văn hoá, rồi mới đến những cái tư lợi như tiền bạc, địa vị. 
Tất cả những gì chúng ta đang làm là đặt những điều trên theo một thứ tự ưu tiên ngược lại. Có vẻ như lợi ích của hành tinh là thứ bị quên đi hẳn. Trẻ em vẫn đang được học Toán, Vật lý, Hoá học ... là chủ yếu (để thi vào trường tiếp theo chứ không liên quan gì mấy đến giá trị môn học). Địa lý và Lịch sử không khiến chúng ấn tượng gì về việc chúng phải yêu quý và giữ gìn những gì đã và đang tồn tại. Văn học có thể là thứ truyền đạt giá trị tinh thần tốt nhưng chúng có vẻ ghét môn đó hoặc cho rằng thơ ca rất sến. Giáo dục công dân và Triết học là những môn bị coi nhẹ khiến giáo viên cũng tự biết thân phận mình không quan trọng.
Nhiều năm liền chúng ta theo đuổi những khái niệm về kinh tế, chính trị, an ninh, lợi ích. Giờ đây, như một kết quả của sự theo đuổi miệt mài và nhập tâm đó, người dân ở những nước được gọi là phát triển và văn minh (Mỹ, Anh, Ý, ...)  trông thật đáng thương, vì họ thậm chí không biết bệnh viêm phổi nguy hiểm như thế nào. Bởi chính phủ mà họ đặt hết niềm tin vào đã không nói gì với họ hay nói gì đó khiến họ tưởng rằng nó chỉ là một loại bệnh cúm thông thường.
Nhưng không, bệnh cúm không làm tổn thương phổi của ai vĩnh viễn, nó để lại cho người ta khả năng hồi phục. Còn virus mới sẽ không chừa lại cơ hội đó một khi nó tiến được vào phổi bạn. Nhưng họ có vẻ đã dành quá nhiều tâm tư cho những cuộc bầu cử và chính trị gia của họ. Họ đã quên đi những kĩ năng tự vệ cần thiết của mình. Họ nghĩ rằng chính phủ sẽ đẩy lùi virus như đẩy lùi lạm phát hay khủng hoảng kinh tế. Một vài (sau đó có thể là rất nhiều) người trong số họ chết trước khi nhận ra mình đã sai.
Chúng ta lựa chọn đi nhanh hơn trong vòng một giờ bằng xe máy thay vì đi bộ một ngày. Và vì thế thay vì chúng ta in thêm lịch cho 1000 năm, chúng ta chỉ còn cần phải in thêm cho 10 năm nữa thôi. Thật là mắc cười... Thật là buồn cười... Thật ra là cười buồn.