Câu chuyện thứ nhất:
Tôi kể với bố về chuyện có rất nhiều nhóm thanh niên tình nguyện đi phát cháo đêm cho những người vô gia cư. Tôi coi đó là một cử chỉ cao đẹp. Bố tôi nghe xong và kể tiếp cho tôi câu chuyện về người chủ quán cơm từ thiện bị chính người mà ông vừa phát cơm cho đâm chết.
Câu chuyện thứ hai:
Bạn thân tôi có một đứa em gái năm nay mới năm nhất đại học. Nó gọi điện kể khổ với tôi rằng em nó vừa bị một gã " anh nuôi quốc dân " lợi dụng tình cảm. Bạn tôi chỉ ước những gã như thể đừng tồn tại, hay quỷ tha ma bắt chúng nó đi, để những cô gái như em nó không còn lụy vào để rồi tổn thương nữa.



Chúng ta thật sự phải làm người tốt sao? Và như thế mới là lẽ phải, còn những người không tốt chính là..."lẽ xấu"?! Tôi chỉ thấy như thế này, mọi thứ là quyền và sự lựa chọn của mỗi con người; quyền của chúng ta là cho đi tình cảm, niềm tin, lòng hào hiệp, và họ cũng có quyền cư xử đối đáp ngược lại. Nhưng, nguyên nhân của mọi mâu thuẫn bắt nguồn từ việc ta mưu cầu quá nhiều ở việc đối phương sẽ đối xử công bằng như cách ta đối xử với họ, mà không nghĩ tới việc họ đối đáp ta thế nào là quyền của họ. Cũng giống như việc người chủ bị đâm chết, hay con bạn tôi nguyền rủa những kẻ trăng hoa; nếu đã nhìn thấy kết quả, thì sao phải suy lùng gốc tích nguyên do tại sao họ làm như vậy để làm gì? Và nếu như tìm được nguyên nhân hợp cách nghĩ của ta (hoặc hợp cách nghĩ của xã hội) thì ta cho rằng họ vẫn là người tốt; và nghịch chiều thì họ là người xấu và ta bắt đầu chửi rủa họ không thương tiếc, ước gì họ đừng làm thế? Nó giống như việc ước gì tội nhân đừng phạm tội vậy.
Sự lựa chọn, tôi nghĩ, là lời giải thích hợp lý và nhẹ lòng nhất đối với tôi. Chúng ta không thể khống chế được cách nhân loại đáp lại ta, nhưng có thể chọn được cách ta đối xử với nhân loại. Vì vậy, hãy coi như mọi thứ đều là sự lựa chọn, kể cả khi đối với chính mình, ta cũng không cần hằn học để tìm ra những lí do hay hối hận về những điều đã cũ.
Choose to run or stand in the dark?