Một trong những mục tiêu phổ biến chúng ta thường thấy là đạt được một cột mốc tài chính nào đó. Nếu hỏi đến thì sẽ có nhiều lý do như tự do làm điều mình thích, tích lũy sau này kinh doanh, tiết kiệm cho gia đình hay dự phòng rủi ro.
Khi nhắc đến những lý do đó thì nghe rất hợp lý. Tuy nhiên tại sao việc đạt được mục tiêu tài chính đó lại thường xa tầm với. Đó có phải do chúng ta thiếu sót kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm?
Chắc bạn đã nghe tới khái niệm trao đổi giá trị. Khi chúng ta mong muốn kiếm được một khoản tiền thì cần trao đi một loại hàng hóa có giá trị tương đương. Hàng hóa này có thể là sản phẩm, dịch vụ hoặc là công sức, trí tuệ. Đó có thể là phục vụ bàn, ship đồ, pha đồ uống, tư vấn cho doanh nghiệp, viết nội dung bán hàng,...
Vấn đề bây giờ mới xuất hiện: Đó là chúng ta vừa muốn có quyền lựa chọn công việc, vừa muốn kiếm tiền.
Có 1 điều mà sau một thời gian dài mình mới nhận ra được đó là: Khi biết tới nhiều lựa chọn thì mình lại cho rằng bản thân có quyền lựa chọn nhiều thứ.
Chúng ta không hề thiếu kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức để có thể kiếm được tiền vì hoàn toàn có những công việc tay chân như bốc vác, trông xe, dọn dẹp,...
Mình không có ý đề cao công việc khác mà đánh giá thấp những công việc trên. Ý mình ở đây là chúng ta vẫn kiếm tiền được khi chưa có gì.
Và điều thú vị là đó mới chỉ 1 mặt của vấn đề.
Mặt thứ 2 đó là hầu hết các công việc kiếm được tiền không yêu cầu năng khiếu (như hội họa, âm nhạc). Mà chúng ta đều hiểu rằng dành thời gian làm đủ lâu thì kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm sẽ được tích lũy. Tức thứ đầu tiên chúng ta cần là kiên nhẫn chứ không phải những khía cạnh kia. Một đứa trẻ nó bao giờ cũng bắt đầu từ việc lật, bò rồi mới biết đi ý.
-
Nhưng thực tế thì do biết ngoài kia có nhiều sự lựa chọn, nên sẽ dễ khiến cho chúng ta cảm thấy mình không làm việc này thì làm việc khác. Điều này dần dẫn đến việc mỗi khi chúng ta thấy con đường khác “tốt hơn” thì sẽ lựa chọn luôn.
Nếu bạn để ý thì càng ngày sẽ càng có nhiều cách để kiếm tiền, ví như chỉ cần một xu hướng sinh ra như tóp tóp hay AI thì đã sản sinh ra rất nhiều hình thức kiếm tiền kèm theo đó rồi.
Ngày xưa chúng ta sẽ quan tâm bằng cấp đại học, sau đó chuyển hướng qua ngành nghề hot, rồi lại tập trung vào phần trăm hoa hồng giới thiệu. Còn giờ thì siêu đa dạng như bạn thấy trên youtube rất nhiều video hướng dẫn cách kiếm tiền từ cách này qua cách khác, từ 0 đồng cho tới nghìn đô,...
Mặc dù mình nói hầu hết các công việc không yêu cầu năng khiếu tuy nhiên tất cả các công việc đều cần sự rèn luyện một thời gian lâu tới rất lâu. Nếu như so sánh quy luật 10.000 giờ thì có thể bạn sẽ cần tối thiểu gần 3 năm (với mỗi ngày 10 tiếng) để đạt mức thành thạo.
Mình nghĩ rằng bạn phần nào tin vào quy luật trên. Nhưng chúng ta lại khó phân biệt với những gì chúng ta nghĩ mình thích và việc chúng ta thật sự phù hợp.
Đôi khi chúng ta thích một việc nào đó thì đơn thuần chúng ta thích kết quả của nó, chứ vào thực tế thì quá trình để tạo ra kết quả đó thì chúng ta lại không phù hợp, rồi từ không phù hợp dẫn đến không thích. Từ không thích dẫn đến đưa ra lựa chọn khác. Nó như một vòng luẩn quẩn tiếp tục ở công việc khác.
Mình ví dụ:
+ Chúng ta nói thích chó, mèo nhưng có thể chúng ta thích ngắm chúng thôi chứ không phải nuôi chúng.
+ Chúng ta nói thích có được nhiều người theo dõi trên tóp tóp nhưng đến lúc bảo làm 1 video 1 ngày thì không thích lắm.
+ Chúng ta nói thích cảm giác ngắm hoàng hôn ở đỉnh núi nhưng bảo dậy từ 4h sáng để leo lên đỉnh thì thôi xem từ người khác cũng được.
Mình có thể đưa bạn nhiều cách để kiếm được tiền từ việc đầu tư, làm nội dung, chạy quảng cáo,... và mình cũng tin chắc rằng bạn đã từng nghe qua hoặc thậm chí đã từng thử. Tức là chúng ta đều biết cách để kiếm được tiền rồi. Và chúng ta cũng biết từng bước cụ thể như thế nào để làm.
Đôi khi chúng ta đã tìm ra được công việc phù hợp nhưng chúng ta thấy rằng ngoài kia có cách kiếm tiền nhanh hơn, bớt đau đầu hơn, tốt ít sức hơn thì lại đưa ra quyết định chuyển hướng chỉ sau vài tháng làm việc.
Điều này sẽ trả lời câu hỏi ở đầu bài viết: Thực ra hầu hết trường hợp chúng ta cũng không muốn kiếm tiền lắm, chỉ đơn thuần là thích những cột mốc tài chính.
Nếu bạn đọc những câu chuyện từ người khác như việc cố gắng kiếm tiền để trả nợ, để chữa bệnh cho người thân, để lo ăn học cho con cái,... thì bạn sẽ thấy đây mới gọi là người ta mong muốn kiếm tiền bằng mọi cách. Họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì, miễn là có thể kiếm được tiền.
Còn ở khía cạnh khác những người mà bạn xem họ là giàu có, thì họ lại có những mục tiêu lớn hơn tiền như thay đổi thế giới, giúp đỡ cộng đồng, cạnh tranh kinh doanh, đẩy mạnh kinh tế nước nhà,...
-
Mặc khác khi đặt mục tiêu tài chính nó còn có một vấn đề nữa đó là chúng ta cảm thấy bản thân yếu kém bởi vì mãi không đạt được (bởi những lý do trên) và cứ luôn tự dằn vặt khi thấy người khác (ở youtube hoặc tóp tóp) làm được mà bản thân không làm được.
Nhưng đó không phải lỗi ở bạn. Thực ra mình cảm thấy không ai có lỗi cả. Kiểu như nếu như chúng ta biết đó là con đường sai ngay từ đầu mà vẫn chọn thì đó mới gọi là lỗi. Biết ăn trộm xấu mà vẫn làm thì đó mới là lỗi chứ đúng không.
Ngày nào cũng xem những trường hợp kiếm nhiều nhiều tiền thì bảo sao chúng ta lại không luôn gây áp lực lên bản thân là phải kiếm được cho được bằng người ta. Đương nhiên đó là bản năng con người, cảm giác không bằng người khác khiến cho chúng ta thiếu an toàn. Điều này bản năng cho là giảm khả năng sinh tồn.
Với mình tiền luôn là một thứ cực kỳ quan trọng. Mình nghĩ ai cũng đều thấy vậy không cần giải thích nhiều haha. Nhưng nó không phải là mục tiêu nên theo đuổi vì sẽ khiến bạn dễ bỏ quên thứ bạn thật sự phù hợp.
Và có một ý nữa mà mình muốn chia sẻ với bạn đó là:
Bất kỳ ngành nghề nào, cách thức nào miễn không vi phạm pháp luật thì đều có thể kiếm được bao nhiêu tiền cũng được.
Điều đó đồng nghĩa rằng dù hiện tại bạn có 100 sự lựa chọn về công việc hay cách thức kiếm tiền thì không có cách nào hơn cách nào cả.
Chúng ta thấy nghề IT nhiều tiền hơn việc đi phụ bếp cho 1 quán bánh ngọt? Vậy thì tại sao chúng ta lại không so sánh điểm xa hơn đó là người làm chủ ở những quán bánh ngọt nổi tiếng với 1 giám đốc IT.
Đương nhiên ở đây sẽ nhiều người đề cập tới số năm kinh nghiệm hay ở cùng 1 cấp vị trí các thứ. Tuy nhiên ở đây lại bỏ lỡ chuyện quan trọng phía trên đó là liệu rằng tất cả 8 tỷ dân trên trái đất này phù hợp với ngành IT.
Và bạn yên tâm. Mình chắc chắn với bạn rằng bạn sẽ thích và hợp nhiều hơn là 1 lựa chọn. Với mình thì con người không hề có giới hạn, miễn là một thời điểm họ tập trung vào 1 thứ thì họ sẽ tự phá giới hạn của bản thân.
Bạn có thể nghĩ con đường hiện tại của bạn đã lựa chọn là sai sau 1-2 năm thử lăn lội. Tuy nhiên với mình thì không có bất kỳ cái gì lãng phí cả, miễn là mỗi giây phút bạn đều hết mình.
Như mình thì 4 năm học tài chính, 2 năm làm kiểm toán và mình nhảy qua tới giờ 5 năm làm Marketing rồi. Chưa kể trước đó mình làm đủ thứ từ bưng bê, bốc vác, trông xe, ship đồ nữa. Đôi khi mỗi một giai đoạn, mỗi một sự kiện, mỗi một sự gặp mặt đều cần diễn ra đúng thời điểm của nó thì mới hình thành nên chính con người mình bây giờ được. Kiểu như lượng đủ thì chất mới đổi ý.
Hy vọng bạn sẽ tiếp tục kiên nhẫn đi trên con đường hiện tại dù chưa thấy kết quả gì. Mình tin rằng bạn sẽ đạt được trái ngọt nếu tiếp tục đi qua lớp sương mù đó và bạn cũng tự biết thời điểm nào đủ chín để chuyển qua con đường khác tốt hơn.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Chúc bạn một ngày tốt lành.
Cường.
Bạn đọc các bài viết khác của mình tại đây nhé: