Mấy hôm nay báo đài đưa tin có những cuộc tình của sugar daddy và sugar baby lên tới giá 150 triệu, mình tự hỏi “Liệu người ta thờ ơ với tình cảm của chính họ như vậy sao?
Với cuộc bùng nổ sex ở Châu Á, ngày nay người ta thoải mái hơn rất nhiều so với việc đặt những nhu cầu về sex lên trên, để rồi người ta thờ ơ với chính cảm xúc của mình, hay nói cách khác chúng ta có phải một thế hệ lười yêu? 
Tình yêu là câu chuyện hai người gặp nhau, nảy sinh tình cảm và cố gắng cho nhau những tình cảm chân thật nhất. Gặp được nhau là cái duyên, nhưng ở bên nhau được hay không đó lại là cả một quá trình. 
Ở thời đại mà Internet bùng nổ như hiện tại, người ta dễ dàng lên các mạng xã hội để tìm một người mà chúng ta thấy họ có “điểm chung” với mình. Nó như một hình thức ngã giá cho tình yêu vậy, cô show lên những tấm hình xinh đẹp nhất, anh show lên những tấm hình cơ bắp 6 múi hấp dẫn, chúng ta match nhau, nói chuyện và rồi đi date. Chúng ta thật dễ dàng để đạt được một tình yêu như thế. Vậy điều đó có liên quan gì đến việc chúng ta lười yêu? 
Trong bài hát Bohemian Rhapsody của Queen có một câu “Easy come, easy go”, mình thấy nó đúng trong trường hợp này. Ở nơi mà người ta có rất nhiều sự lựa chọn cho mối quan hệ của mình, chính vì thế, đôi khi người ta không chỉ có một hay hai người khác để backup. Chúng ta thấy dễ dàng đạt được nên chúng ta không muốn cố gắng vì nó, không có người này thì chắc chắn sẽ có người khác. 
Như đã nói, yêu là một quá trình, chúng ta phải bỏ ra rất nhiều thứ, công sức, tâm tư - tình cảm, tiền bạc,... để rồi chợt nhận ra rằng có phải họ sẽ là người cuối đi cùng chúng ta. Chúng ta không hề lười yêu, chúng ta sợ yêu. Chúng ta lấy cái cớ bận làm việc, bận chuẩn bị cho tương lai, sự nghiệp, chúng ta đổ lỗi cho những ex của chúng ta vì đã làm tổn thương trái tim đang thổn thức tình yêu, hay đơn giản chúng ta lấy lý do vì mình yêu cái sự đơn độc của mình. 
Sợ yêu cũng như sợ một môn học, bạn có thể sợ nó vì bạn không thích nó, có nhiều thứ hay hơn môn học đó, hay đơn giản là bạn không biết học nó như thế nào. Mình nghĩ câu trả lời phụ thuộc vào bạn, mỗi người, mỗi quan điểm khác nhau về việc yêu. 
Chúng ta có thật sự lười yêu?
Chúng ta có thật sự lười yêu?
Nhưng bạn đã bao giờ thật sự quan sát những người xung quanh mình chưa, có những người yêu ít, họ có ít kinh nghiệm trong chuyện tình cảm và rồi họ chia tay. Càng yêu nhiều, bạn càng nhận ra thứ thật sự bạn muốn là gì, bạn cần gì ở người mình yêu, một chàng trai giàu có, hay một cô gái có khuôn mặt xinh đẹp? 
Ở đây mình không có ý muốn nói tất cả những người yêu ít đều không có happy ending và yêu nhiều thì thường sẽ gắn bó dài lâu. Mình từng đọc một bài viết về yêu nhiều hay yêu bừa. Yêu nhiều là yêu hết lòng, cố gắng nhiều nhất và đối xử chân thành nhất đối với tình yêu của mình, yêu bừa là bạn dễ dàng chấp nhận một người nào đó đến với cuộc đời bạn chỉ vì bạn cần một ai đó ở bên bạn, một người ở bên khi bạn cô đơn. 
Bạn có thể sợ yêu vì bạn đã trải qua những mối quan hệ độc hại, bạn có thể không muốn lấy chồng, hay lấy vợ, bạn chưa sẵn sàng cho cuộc sống hôn nhân,... Nhưng rồi đến lúc bạn chợt nhận ra bạn cần phải có sự lựa chọn. Bạn là người biết rõ nhất cuộc sống của mình cần gì, mình có hay không cần một ai bên cạnh mình mỗi khi mình ốm, mỗi khi mình buồn và tủi thân. Cho dù một ai đó đã từng làm tổn thương bạn, hãy trân trọng điều đó và đừng sợ yêu, hãy coi đó như một bài học để bạn có thể thay đổi để tốt hơn. 
Mình không định nghĩa được cái “duyên” của mọi người như thế nào, nhưng mình biết, nếu gặp nhau mà có tình cảm với nhau thì hãy cho nhau thêm một cơ hội, nếu không chúng ta có thể là bạn. Dù 20 hay 30 tuổi, bạn chỉ cần mở lòng mình ra, đón lấy cơ hội để yêu và được yêu, đừng để đến một ngày khi bạn 60 tuổi, bạn nhìn lại thời thanh xuân của mình để nói hai từ “giá như”. 
Dù muốn hay không, quyết định là của bạn, chỉ mong bạn luôn can đảm với lựa chọn của chính mình.