Chúng ta có bận rộn quá không?
Mình rất yêu thích công việc của mình. Thích lắm luôn. Mình đọc, nghe, thực hành, rồi lại follow người khác xem họ làm gì để áp dụng...
Mình rất yêu thích công việc của mình. Thích lắm luôn. Mình đọc, nghe, thực hành, rồi lại follow người khác xem họ làm gì để áp dụng vào công việc. Ban ngày làm từ 9h sáng đến 5h30 tối, sau đó lại vội vàng nấu cơm để kịp chồng mình về là có bữa tối. Trong lúc làm (mình work from home), thi thoảng lại rời khỏi bàn để dọn dẹp nhà cửa, phơi quần áo. Ăn cơm, vệ sinh cá nhân xong thì 8h tối lại ngồi vào bàn cày cuốc tiếp. Nói chung là đầu óc, chân tay hoạt động không ngừng nghỉ từ thứ 2 đến thứ 6.
Bận rộn như vậy, nhưng mình luôn có một nguyên tắc đó là cuối tuần hạn chế tối đa không đụng chạm vào công việc. Gần như thứ 7 và chủ nhật nào mình cũng chỉ dành để đi chợ, nghỉ ngơi, vẽ tranh, xem phim, đi đến nhà thờ, gặp gỡ mọi người, đi chơi cùng chồng mình. Trong tuần làm việc hết mình, cuối tuần cũng nghỉ ngơi hết mình để nạp lại năng lượng.
Không phải dễ dàng mà mình tạo được thói quen và rèn luyện được kỷ luật này. Phải mất kha khá thời gian để thích nghi với công việc mới rồi thử đi thử lại nhiều cách bố trí thời gian thì mình mới sắp xếp được. Kiên quyết hoàn thành hết công việc trong tuần và cuối tuần không làm gì cả.
Chính trải nghiệm như vậy đã cho mình một bài học rất lớn, đó chính là trước đây mình đã quá bận rộn, bận rộn tới mức không hề có thời gian để tận hưởng cuộc sống. Hiển nhiên, sẽ có những ngành nghề hoặc các vị trí với bản chất rất khó để có sự cân bằng như mình. Tức là trong tuần làm việc, cuối tuần nghỉ ngơi. Nhưng mình tin tưởng nếu bạn thực sự cố gắng tìm cách để tạo sự hài hoà trong cuộc sống của bạn thì bạn sẽ làm được.
Cái được và mất của sự bận rộn
Mình đã sống ở Úc được hơn 3 năm. Điều mà mình nhận thấy rõ là nhiều bạn xung quanh mình làm việc cực kỳ khắc nghiệt. Một số người do không có lựa chọn vì hoàn cảnh gia đình và điều kiện, buộc họ phải làm việc ngày đêm để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, cũng có một số ít người mình biết là dù có thể sắp sếp mọi thứ, nhưng họ vẫn lựa chọn làm việc điên cuồng.
Tại sao? Mình có hỏi thì họ bảo “nếu không làm việc thì làm gì bây giờ? Đi chơi cũng chán rồi, hết chỗ chơi rồi.” Hay “làm ngoài thời gian thì lương gấp 3, sao không làm?” Hay “làm hết mình, giờ tuổi còn trẻ còn làm được, vài năm nữa tầm có tài khoản lớn rồi thì ăn chơi sau đâu có muộn?” Hay “dạo này mình có nhiều vấn đề buồn chán nên làm việc cho nó quên đi tất cả…” Hay “nếu không làm cái gì đó thì mình cảm thấy cuộc sống mình thật vô vị.”
Có những lý do nghe có vẻ hợp lý, có những lý do thì mình thấy có thể suy nghĩ lại. Đôi khi mình thấy việc sử dụng bận rộn như là một cơ chế phòng ngự vậy. Bạn làm cho mình bận rộn để tránh phải đối mặt với những vấn đề ngoài công việc như là chuyện gia đình, chuyện tình cảm… Bạn trốn tránh và nghĩ rằng sự bận rộn đó sẽ giúp bạn giải khuây. Có thật như vậy không? Bạn làm nhiều thu nhập sẽ cao hơn, nhưng liệu thu nhập đó có giá trị tới mức phải đánh đổi các thứ khác?
Khi bạn không vui thì liệu chất lượng công việc có thể đạt được như lúc bạn vui vẻ, tràn đầy năng lượng. Khi bạn làm việc liên tục, thời gian đầu có thể hiệu quả — bạn hoàn thành nhiều thứ, nhưng liệu bạn có duy trì được lâu? Bộ não vận động không ngừng nhưng nó cũng cần được nghỉ ngơi, giống như tất cả bộ phận khác trên cơ thể cũng vậy. Bạn ăn nhiều, hệ tiêu hoá hoạt động nhiều nó cũng sẽ có thể có những triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu. Bạn uống nước quá nhiều, thận cũng không tốt. Bạn nhìn quá nhiều mà không nghỉ, mắt cũng mỏi… Cái gì quá cũng không tốt.
Đó còn chưa kể đến việc nếu bạn chỉ tập trung vào công việc mà không dành thời gian tận hưởng cuộc sống thì bạn còn sẽ bỏ lỡ rất nhiều thứ. Thời gian với gia đình, tụ tập với bạn bè, chứng kiến sự lớn lên, trưởng thành của con cái, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những thứ xung quanh… những khoảnh khắc này sẽ qua đi, và khi chúng đã qua đi, bạn sẽ mất chúng mãi mãi.
Vậy thì làm sao để đừng có quá bận rộn?
Một cách mình thường áp dụng đó là tự hỏi bản thân “công việc hiện tại có quá khẩn cấp? Liệu mình có thể hoàn thành nó vào một ngày khác? Và nếu mình bỏ lỡ một cuộc gặp mặt với bạn bè hay một bữa cơm với chồng mình, có điều gì không tốt không?” Sự cân nhắc này luôn giúp mình đưa ra những quyết định đúng đắn vì nó giúp mình xác định được cái nào quan trọng hơn và cần ưu tiên hơn tại mỗi thời điểm.
Chúng ta làm việc cả đời, nhưng có những thứ khác không kéo dài cả đời. Tuổi thanh xuân, những sự hồn nhiên của tuổi trẻ, những khoảnh khắc ngọt ngào bên gia đình, tuổi thơ của con cái, bố mẹ lúc về già… Những cái này không tồn tại mãi mãi. Thế nên, nếu bạn quá bận rộn tận hưởng những thứ quý giá này thì hãy chậm lại một chút nha. Bạn sẽ không hối tiếc khi làm như vậy.
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất