Ở xã hội nguyên thủy sơ khai, loài người mặc nhiên xem những cá thể cùng loài là ''chúng ta'', để cùng hợp sức chống lại các thế lực thù địch tự nhiên là ''chúng nó''. "Chúng nó" có thể là những loài thù địch trong cuộc sống hoang dã, có thể là những loài yếu thế bị săn đuổi và có thể là những người họ hàng gần với Homo sapiens như Homo neanderthalensis. Đây có thể coi là một cách hiệu quả để thuyết phục những cá thể riêng biệt liên kết lại với nhau nhằm một mục đích nào đó: hợp tác, tự vệ, săn đuổi hay lấn chiếm. Nhưng liệu xu hướng này có còn phù hợp?

Đã ba ngày kể từ khi Andora cùng bộ lạc của mình kiên nhẫn lùa lũ nai trên đồng cỏ bạt ngạt của châu Phi. Đói và khát không phải vấn đề của những vận động viên marathon nguyên thủy, nhưng những dấu hiệu về sự hiện diện của loài Homo neanderthalensis đã khiến họ chùn bước. Những cuộc chiến dai dẳng giữa tổ tiên hai loài trong nhiều trăm ngàn năm đã dạy cho con cháu của họ một sự cảnh giác nhạy cảm về những dấu hiệu thù địch từ loài còn lại: vóc dáng, mùi, vết chân,... 
Bằng một cách ngẫu nhiên may mắn nào đó, Andora cùng đồng loại của mình là loài Homo sapiens đã trở thành kẻ chiến thắng trong cuộc đua tìm kiếm ''loài thống trị địa cầu'', nhưng cách nhìn nhận nguyên thủy đầy tính chia rẽ về ''chúng ta'' và ''chúng nó'' vẫn còn tồn tại và chi phối cả nhân loại cho đến tận ngày nay.
Kể từ sau khi trở thành loài người duy nhất còn tồn tại, những cá thể Homo sapiens đã có nhiều không gian và thời gian hơn để phát triển nền văn minh của chính mình, các cuộc săn nai cũng đã hiệu quả và đỡ tốn sức hơn nhờ sự hỗ trợ của các công cụ tiên tiến. Nhưng những đứt gãy về ''chúng ta'' và ''chúng nó'' không những không giảm bớt mà còn khắc sâu và ngày càng phức tạp hơn. Cung tên và giáo mác đã tiếp sức rất nhiều cho những cuộc chạm trán ''vô tình'' đầy máu vào nước mắt của những nhóm người nguyên thủy. Các cuộc cạnh tranh đẫm máu này là nền tảng cho sự sát nhập, liên kết mở rộng của các bộ lạc - cơ sở để tạo nên những đế chế sau này. Nếu như vào khoảng những năm 10000 TCN, Trái Đất tồn tại hàng ngàn ''thế giới'' (giới hạn lớn nhất của một vùng địa lý mà loài người nghĩ rằng họ là nhóm người duy nhất ở đó) khác nhau thì cho đến khoảng năm 2000 TCN con số này chỉ còn khoảng vài trăm. Vào năm 1450, con số này suy giảm nhiều hơn nữa và cho tới thời điểm hiện tại chỉ có một thế giới.
Có một sự bí ẩn và phức tạp nằm trong quyết định giết hay hòa giữa những tộc trưởng vì chẳng có lí do sinh học rõ ràng nào cho thấy sự khác biệt của các tộc người cùng giống loài có thể dẫn đến chiến tranh. Các cuộc chiến giữa các cá thể/nhóm cá thể trong cùng một loài thường là hệ quả của những mâu thuẫn phức tạp về các mối quan hệ - tương tác xã hội hoặc những điều kiện tác động đến bản năng như nguồn thức ăn, bạn tình, lãnh thổ... Nhưng loài người với ngôn ngữ riêng, trí tưởng tượng, các mối quan hệ phức tạp,... đã đa dạng hóa nguyên nhân của các cuộc chiến tranh đến mức những phương pháp luận tổng quát dường như trở nên bất lực.
Các cuộc chiến nhỏ lẻ trong suốt hàng trăm ngàn năm chỉ là khởi đầu cho những cuộc chiến đẫm máu hơn mang tầm vóc đế chế với qui mô lãnh thổ rộng lớn hơn và thương vong cũng nhiều hơn. Nếu như những khác biệt giữa các tộc người chưa quá rõ ràng và phức tạp thì sự phát triển của các nền văn minh đế quốc đã tạo ra một đứt gãy sâu sắc hơn về ý thức hệ giữa các vùng đất. Đây là một chất xúc tác tốt cho quá trình hợp nhất nhiều ''thế giới'' làm một. Sự bành trướng của các đế quốc đã giảm thiểu đáng kể sự đối đầu của ''chúng ta'' và ''chúng nó'' của các nhóm người - quốc gia nhỏ lẻ. Sự thật là nhiều ''chúng nó'' đã được sát nhập thành ''chúng ta'' sau một quá trình dài hơi và đau đớn.
Các đế quốc đã và đang đóng vai trò trong việc hợp nhất nhiều nền văn hóa nhỏ thành một nền văn hóa lớn. Những vùng đất rộng lớn có nhiều cơ hội hơn trong việc đồng nhất tư tưởng và lan truyền hàng hóa, công nghệ. Tần Thủy Hoàng đã có công thống nhất nhiều vùng đất để tạo nên Đế chế Trung Hoa, Cyrus Đại Đế đã có công tạo lập Đế quốc Ba Tư,... từ đó đóng góp công sức to lớn vào công cuộc phát triển các nền văn minh nhân loại từ cổ chí kim.
Mâu thuẫn giữa các đế quốc với nhau là dễ hiểu vì những chênh lệch về trình độ phát triển, khác biệt trong văn hóa - tư tưởng,... có thể gây ra những bất đồng dẫn đến chiến tranh. Nhưng ngay cả trong chính các đế quốc, các cư dân cổ - trung - hiện đại cũng chịu sự chi phối của đứt gãy ''chúng ta'' và ''chúng nó'' nguyên thủy.
Để vận hành một quốc gia cồng kềnh và phức tạp, các bậc đế vương và bộ máy cai trị của mình phải biết cách phân tầng giai cấp tạo nên những sự chênh lệch vô hình. Nếu như sự xuất hiện của hai giới ''nam giới'' và ''nữ giới'' có thể được lý giải bằng các bằng chứng sinh học - dù không thật sự thuyết phục - thì sự khác biệt giữa các giai cấp như quý tộc, thường dân hay nô lệ là con số 0. Mọi người sinh ra có ''cảm giác'' họ là tầng lớp này và sở hữu một số đặc quyền từ trên trời rơi xuống, trong khi những giai cấp khác thì không. Những người cùng giai cấp mặc nhiên gọi nhau là ''chúng ta'' và xem những giai cấp khác là ''chúng nó''. Mâu thuẫn giữa ''chúng ta'' và ''chúng nó'' ngày càng căng thẳng và sau này đã trở thành mâu thuẫn giai cấp cơ bản - mầm mống và cũng là động lực của các cuộc cách mạng thay đổi thế giới.
Có thể nói cách con người nhìn nhận "chúng ta" và "chúng nó" từ nguyên thủy là sản phẩm của trí tưởng tượng. Nếu như tạo hóa không ban cho loài người bất kì bản năng sinh học nào để có thể xây dựng xã hội như các loài động vật như kiến, ong hay đười ươi,... thì trí tưởng tượng là một món quà tuyệt vời mà ngài trao tặng cho đứa con út ngỗ nghịch. Trí tưởng tượng là thứ khiến loài người có khả năng kết nối với nhau nhờ những lí do vô hình như lời hứa hẹn, cam kết hay lý tưởng. Chỉ loài người mới chấp nhận đồng ý cùng săn nai với nhau vì lời hứa sẽ chia sẻ với nhau những cái chân nai săn chắc, chỉ loài người mới chấp nhận xả thân hi sinh vì hai chữ ''dân tộc'', chỉ loài người mới chấp nhận chém giết lẫn nhau vì ''chúng ta'' là những con chiên ngoan đạo còn ''chúng nó'' là những kẻ hồi giáo cực đoan.
Trí tưởng tượng khiến mọi người hợp sức lại nhưng trí tưởng tượng cũng là kẻ tạo ra lý do vì sao loài người phải hợp sức lại. Mỗi cá thể Homo sapiens chứa đựng một cái tôi to lớn, nếu không có những khó khăn cần phải chung sức thì sẽ xuất hiện sự chia rẽ, phân tách. Điều này được thể hiện ở sự kiện Brexit hay sự tuyên bố quyền tự quyết xuất hiện định kì của một số quốc gia và vùng lãnh thổ thời gian qua. Trong suốt quá trình định hình và phát triển, thế giới từ những nhóm người riêng lẻ đã thống nhất thành những quốc gia rộng lớn, rồi lại phân tách trở thành các quốc gia nhỏ lẻ nằm kế cận nhau. Sự phân tách này kéo theo những chênh lệch về trình độ phát triển, ý thức hệ,... theo thời gian gây ra mâu thuẫn và lại dẫn đến các cuộc chiến tranh giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ. Mâu thuẫn là một phần của sự phát triển và trí tưởng tượng đã thật khôn khéo trong cách tạo ra những mâu thuẫn để thúc đẩy sự phát triển của xã hội loài người - dù cho sự phát triển này không phải là một cô gái hiền lành dễ chịu.


Thời kì Tiền Hiện đại - Hiện đại đánh dấu hàng loạt các cuộc chiến tranh và cách mạng mang tính quyết định đối với bộ mặt thế giới. Các mâu thuẫn lớn giữa các giai cấp - chủ nghĩa dường như đã được giải phóng gần hết cho tới thời điểm hiện tại. Loài người đã dần ôn hòa với nhau hơn và hợp tác ở một quy mô lớn hơn: quy mô toàn cầu.
Tuy nhiên, những mâu thuẫn giữa "chúng ta" và "chúng nó" vẫn là những mâu thuẫn căn bản tồn tại trong xã hội hiện đại và trong chính mỗi cá nhân chúng ta. Sự khác biệt về giới tính, màu da, sắc tộc hay giữa các nền văn hóa đã tạo ra những nhóm "chúng ta" và "chúng nó" lớn nhất ở thời điểm hiện tại; mâu thuẫn giữa hai thế lực "ta" và "nó" này càng mờ nhạt, nhường chỗ cho sự ảnh hưởng của các mâu thuẫn vi mô hơn. Các nhóm "chúng ta" và "chúng nó" ở quy mô nhỏ hơn như các thể chế chính trị trong cùng một hành tinh, các đảng phái chính trị trong cùng một quốc gia, quan niệm khác biệt giữa tôn giáo và khoa học hay giữa các nhà chủ nghĩa đang là động lực lớn mạnh tạo ra những thay đổi mang tính căn bản và nền tảng giúp định hình thế giới trong hiện tại và tương lai. Có thể ví những mâu thuẫn to lớn cơ bản xuất hiện từ lâu đời là tác nhân tạo ra vụ nổ Big Bang mang tính cách mạng đối với nhân loại, rồi từ vụ nổ này xuất hiện một hệ sinh thái các ngân hà, sao và tiểu hành tinh, định hình nên một vũ trụ Nhận thức rộng lớn.
Ngoài những mâu thuẫn "ngân hà" và "hệ hành tinh", trí tưởng tượng cũng tác động tới cảm xúc và hành vi của từng cá nhân trong các mối quan hệ xã hội thường nhật tạo ra các "hành tinh" mâu thuẫn. Chúng ta phản ứng với sự khác biệt bằng những cảm xúc tiêu cực như tức giận, căm thù, ghê tởm,... và những hành động tương ứng như tẩy chay, cô lập.
Hay thậm chí là tiêu diệt.
(Còn tiếp)

Đọc thêm: