Nếu đề cập chủ đề này tới động vật thì chắc bạn sẽ nghĩ ngay tới loài Folivora (con lười). Nhưng sự chậm chạp và lười vận động của nó chính là sự tiến hóa để thích nghi với môi trường sống. Chúng cần phải tiết kiệm năng lượng khi chúng phải sống trong môi trường thiếu chất dinh dưỡng.
Về bản chất tiến hóa tự nhiên sẽ luôn loại bỏ những chức năng không hỗ trợ tăng khả năng sinh tồn của chúng ta. Lý do bởi mỗi một chức năng dư thừa sẽ khiến tốn năng lượng từ đó làm giảm khả năng sống sót.
Lười biếng có phải là một chức năng trong bộ gen tiến hóa? Có.
Nếu như chúng ta có đủ ăn, mặc, chỗ ở thì khả năng sinh tồn đã được đảm bảo, sự lười biếng sẽ được kích hoạt. Tức là đa phần trường hợp nó giống như chức năng hít thở của chúng ta vậy.
Nếu thiếu ăn, mặc hay chỗ ở thì chúng ta sẽ tự động tìm cách để sinh tồn.
Ví dụ đối với những trường hợp vô gia cư nếu nhìn bên ngoài thì chúng ta có thể đánh giá là họ lười biếng, tuy nhiên đối với họ mức sống ăn ít, mặc ít, ngủ ít là đủ rồi. Tức là trên phương diện của họ thì họ vẫn còn đang sinh tồn được. Nếu đói mà chưa có đồ ăn thì họ sẽ phải tự thân vận động tìm chỗ làm việc hoặc chỗ phát đồ ăn thiện nguyện.
*** Ở đây ý mình không có đánh giá hay phán xét họ, mà chỉ đưa ra ví dụ gần nhất để bạn có thể hình dung hành vi của chúng ta. Và mình cũng không đi sâu, bởi vì lý do họ mất ý nghĩa cuộc sống không phải dễ dàng có thể vượt qua được.
Có một ví dụ rõ hơn bạn có thể nhận ra được đó là định nghĩa lười biếng nó sẽ tùy thuộc vào môi trường mà bạn sống. Ở vùng miền núi, vùng quê, vùng thành phố hay đô thị sầm uất thì sẽ có nhưng tiêu chuẩn khác nhau.
Khi chúng ta sống ở quê thì nhìn thấy mọi người rất chăm chỉ lao động, nhưng cho tới khi lên thành phố mới biết con người họ sống chết vì cuộc sống như thế nào. Hoặc như sống trên thành phố quen rồi, mặc dù mọi người đều bảo bạn đừng có lười biếng nữa, thì lúc về quê thì bạn thấy những việc mình làm còn gấp vài lần thông thường.
Vì thế về bản chất chúng ta chưa bao giờ lười biếng, mà chỉ đang học cách thích nghi với môi trường sống.
Nhưng câu chuyện chưa dừng lại ở đó.
Đó là thay vì lười biếng được xem như một chức năng thì chúng ta đang xem nó như một căn bệnh.
Hầu hết chúng ta dễ dàng đưa ra đánh giá thang điểm lười biếng của một người nào đó dựa trên góc nhìn cá nhân.
Và rồi các câu nói sẽ được lặp đi lặp lại như “đừng lười nữa”, “làm sao để hết lười”, “bản thân mình lười quá”,... gần như ghi vào tiềm thức mỗi người.
Bản chất lười biếng là chức năng, mà đã là chức năng thì người này khác người kia. Giống như chuyện có người giỏi nghệ thuật, còn người khác giỏi số liệu vậy.
Ở đây mình không loại trừ chuyện tất cả mọi chức năng của con người đều có thể rèn luyện như chuyện chúng ta có thể chạy tốc độ cực nhanh, nín thở cực lâu, chịu lạnh cực tốt.
Tuy nhiên vấn đề là chúng ta xem nó như là căn bệnh có thể chữa chỉ sau vài lời chỉ trích hay vài ngày, vài tuần.
Và nếu không làm được nhanh chóng chúng ta có cảm giác như xã hội đào thải và mọi người xung quanh không chào đón chúng ta nữa. Nó như một vòng luẩn quẩn tự trách bản thân tại sao luôn lười biếng như vậy.
Câu chuyện thay đổi chính bản thân ta là một chặng hành trình rất dài. Và nó phụ thuộc rất lớn vào yếu tố môi trường. Đây chính là lý do tại sao hầu hết các bạn đi du học thì phát triển rất nhanh.
Đương nhiên mình không bỏ qua yếu tố bản thân, tuy nhiên nội lực mỗi người không phải ai cũng đủ mạnh ngay từ ban đầu để kiểm soát được môi trường xung quanh. Giống như câu chuyện nếu để một con thiên nga ở trong một đàn gà, thì lâu dần chính bản thân nó cũng tưởng là gà thật.
Ai là gà? Ai là thiên nga? Đi nước ngoài hay nên ở nhà? Nên chọn bầy thiên nga cho mình, hay liệu mình cũng đang là gà đối với một người nào đó khác?
Đấy là trong trường hợp bạn được quyền chọn.
Nhưng thực tế việc chọn môi trường cũng không phải điều chúng ta nói chọn là chọn được. Có rất nhiều người còn có nhiều trách nhiệm như gia đình, người thân, bạn bè, nhân viên,...
Họ đôi khi sống vì trách nhiệm lớn hơn bản thân. Nhưng cũng chính vì thế họ cũng rèn luyện được khả năng kiểm soát lười biếng của mình. Họ luôn muốn nghĩ cách để giúp những người xung quanh họ tốt hơn. Nhưng đến cuối ngày họ vẫn có thể cho phép mình “lười biếng” theo cách nghĩ của họ.
Mỗi một người sẽ có một cuộc sống khác nhau, không ai giống một ai cả. Mình tin rằng bạn hiểu điều đó. Nhưng điều này nó cũng đồng nghĩa với việc con đường của mỗi người cũng khác nhau.
Một tiêu chuẩn về sự chăm chỉ chưa chắc đã tốt bằng việc lười biếng đúng cách. Mình từng nói đùa một câu rằng là sự lười biếng chưa mất đi qua quá trình tiến hóa thì chắc nó là món quà của tự nhiên rồi :))
Chúng ta chưa bao giờ lười biếng, chỉ đơn giản việc đó chưa phải là điều chúng ta thật sự muốn.
Và để tìm ra điều bạn thật sự muốn thì có thể đọc và trải nghiệm chuỗi bài Happy Plans của mình hen ^^
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết.
Cường.
Bạn có thể đọc bài khác tại đây nha ^^ https://cuongdigital.substack.com/