There are two great days in a person's life - the day we are born and the day we discover why. - William Barclay

Bộ não của mỗi chúng ta đều có một khả năng thích nghi tuyệt vời trong những điều kiện khắc nghiệt nhất. Nhưng chúng ta không chỉ thích nghi với những khó khăn, chúng ta còn thích nghi với cả những trải nghiệm tốt. Bằng chứng là khi chúng ta vừa nhận được bằng tốt nghiệp mẫu giáo, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều cảm thấy giây phút đó cực kỳ tự hào, sung sướng trong vòng tay bố mẹ và nghĩ rằng chắc đây sẽ là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của cuộc đời mình. Nhưng chỉ một vài ngày sau, cảm giác đó nhanh chóng biến mất và chúng ta thấy chúng cũng ... bình thường thôi. Và trường hợp này cũng đúng với các thể loại bằng khác như bằng cấp 3, bằng ĐH, Master, PhD … À mình đùa thôi, don’t take it personal haha.
Ngay cả những người trúng xổ số cũng không cảm thấy hạnh phúc hơn trong dài hạn. Hay nói cách khác, chúng ta thích nghi với mọi thứ.
Đúng rồi, MỌI THỨ !!!
Chính vì vậy, chúng ta bắt đầu xem mọi thứ chúng ta đang sở hữu như một điều hiển nhiên. Và mỗi khi gặp chuyện không như ý, chúng ta lại kêu ca 2 tiếng thân quen “Trời ơi”. (Mình bỗng cảm thấy thật là tội nghiệp Ông Trời khi không làm gì mà cũng bị kêu réo tên suốt ngày ^^)
Chúng ta quên mất mình đã may mắn như thế nào.
Quên mất rồi.
Nhưng không sao, mình sẽ nhắc lại cho bạn nhớ.
Chúng ta rất may mắn vì được học hành đầy đủ. Nếu bạn đang cầm tấm bằng ĐH trong tay, bạn đang thuộc nhóm 7.3% những người ưu tú nhất Việt Nam. Nếu bạn tốt nghiệp ra từ những trường top đầu, con số đó chắc sẽ còn thấp hơn nữa. Nghĩa là cứ 100 người bạn gặp ngoài đường thì chỉ có khoảng 7 người như bạn.
Chúng ta may mắn vì không phải lo bữa ăn hàng ngày. Nếu bạn còn có tiền để đi ăn tiệm và chụp hình selfie, bạn thuộc nhóm rất may mắn. Vì trong khi đó có 795 triệu người không có đủ thực phẩm để ăn. Nghĩa là cứ 9 người thì có 1 người như vậy.
Chúng ta may mắn vì không phải sống trong cảnh nghèo túng. Trong khi ½ dân số thế giới đang sống trong nghèo khổ. Nghĩa là nếu bạn được sinh ra lại một lần nữa, sẽ có 50% khả năng bạn sinh ra trong nghèo khổ.
Chúng ta may mắn vì được sinh ra trong thời đại tốt nhất trong lịch sử loài người. Chỉ cần lùi lại vài chục năm thôi, bạn sẽ được sinh ra trong thời chiến tranh. Lùi thêm 100 năm nữa, bạn được sinh ra trong thời phong kiến, khi mà đại đa số người dân đi làm nông từ đời này sang đời khác chứ không ngồi đây nhức đầu vì không biết chọn nghề gì cho đúng đam mê. Lùi thêm vài trăm năm nữa thì khả năng cao bạn sẽ sinh ra trong thời đại nô lệ, và tuổi thọ trung bình thì không quá 40. Nếu bạn may mắn sinh ra trong thời đại khoảng 1980 trở đi, thì xác suất đó là cực thấp so với toàn bộ lịch sử loài người (khoảng 6 triệu năm, tùy theo tính từ mốc nào).
Chúng ta may mắn vì được sinh ra lành lặn và có khả năng tư duy như người bình thường. Trong khi có hơn 1 tỷ người mắc ít nhất một khuyết tật nào đó.
Và chúng ta may mắn vì được sinh ra.
Ít nhất là không bị phá thai, chết khi mới sinh ra hay trong bụng mẹ.
Xác suất chúng ta được sinh ra là 1/400 triệu tỷ.
Mình có nhớ một câu chuyện Đức Phật kể về con rùa mù và khúc gỗ. Có một con rùa mù trăm năm mới nổi một lần. Có một khúc gỗ trôi dạt trên biển mênh mông. Để con rùa mù chui đầu vào trúng lỗ trên khúc gỗ còn khó hơn được làm kiếp người trong muôn vạn kiếp.
Tất cả những điều chúng ta đang có, đều là món quà của tạo hóa. Chúng ta há nào có công lao gì to tát.
Lần sau nếu bạn cảm thấy cuộc đời mình sao bất hạnh quá, hãy nhớ lại điều này. Nếu bạn cảm thấy tự hào vì những chiến công hiển hách bạn làm được, hãy nhớ lại trí thông minh của bạn từ đâu mà có. Bạn sẽ học được bài học về sự biết ơn và lòng khiêm nhường.
Đức Phật nói rằng nếu chúng ta nhìn cái bát mà chỉ thấy nó là cái bát, thì chúng ta còn là phàm phu. Nếu chúng ta nhìn bát mà thấy người làm bát, thấy đất làm nên bát, thấy vô lượng thế giới ở trong bát, thì chúng ta giác ngộ.
Chúng ta vốn sinh ra với hai bàn tay trắng. Rồi bố mẹ, thầy cô tặng cho chúng ta kiến thức. Mọi người trả tiền cho chúng ta làm công việc chúng ta đang làm, mọi người tin tưởng chúng ta và trao cho chúng ta quyền lực. Vậy chúng ta đã dùng những thứ đó để làm gì? Nếu không là để tạo ra giá trị.
Những thứ chúng ta có trong đời này, đều là chúng ta vay mượn từ ai đó, và một ngày chúng ta sẽ phải trả lại tất cả.
Chúng ta đến với thế giới này với hai bàn tay trắng, và cũng sẽ ra đi với hai bàn tay trắng.
Chúng ta chẳng sở hữu gì cả.