Source: Don Kihote by Mlenart
Source: Don Kihote by Mlenart
. Đôi lúc tôi đi vòng quanh và hóng hớt ở tàu điện ngầm. Hoặc nghe người ta nói chuyện ở vòi soda, và anh biết gì không? . Gì cơ? . Mọi người chẳng nói gì cả. . Ơ, họ phải nói mới đúng chứ! . Không, chẳng có gì cả. Họ kể tên rất nhiều xe hơi hay quần áo hay bể bơi. Nhưng họ nói toàn những thứ giống nhau và chẳng ai nói điều gì khác mọi người." ("451 Độ F" - Ray Bradbury)
Mình là một đứa rất thích tụ tập và trò chuyện với người khác, người lạ cũng được, bạn bè hay người thân cũng được. Gần đây mình nhận ra rằng, với mỗi đối tượng, chúng ta thường có những câu chuyện khác nhau. Cũng dễ hiểu thôi, nhưng có quan trọng không? Ý mình là, việc này gần như là hiển nhiên, thế chúng ta nói về nó thì ích gì?
Có đó.
Nói chuyện với nhau thì quan trọng đấy, nhưng nói gì với nhau thì cũng quan trọng không kém đâu bạn à.
Ít nhất là mình nghĩ vậy.
Mình cá chắc rằng trong cuộc đời, mỗi chúng ta có vô số những lần trò chuyện với vô số người (so với trí nhớ của ta), nhưng hẳn chỉ có một vài lần khiến ta nhớ mãi; những câu chuyện mà tựa như những cuốn phim từ thời nào đó xa xăm nhưng đặc biệt sống động, thỉnh thoảng cứ tua đi tua lại trong đầu ta một cách vô thức. Phần lớn trong số chúng, là về những điều không hoàn toàn có thật, hay chính xác hơn là không hoàn toàn có thể nhìn, sờ, hay ngửi được, mình nghĩ.

Nó, nhân vật chính trong những câu chuyện ấy thường là thứ trừu tượng.

Source: Dream Bear by Kent Paulette
Source: Dream Bear by Kent Paulette
Hãy nghĩ về một cuộc trò chuyện mà bạn rất nhớ thử xem. Có phải nó là câu chuyện về tình thân, tình yêu, tình bạn, khao khát, nỗi sợ, ước mơ, vỡ lẽ, chuyển biến nhận thức hay những thứ đại loại vậy không? Bạn có thể nói rằng trong những câu chuyện ấy, chúng ta đang nói về con người và những thứ tồn tại. Nhưng nếu để ý kĩ hơn thì bạn sẽ nhận ra những khái niệm trừu tượng trên mới là vai chính, con người hay các sự vật, sự kiện khác chỉ ở đó để làm nền cho nó, tôn nó lên làm chủ thể.
Vậy thì tại sao lại thế? Tại sao những thứ trừu tượng chứ không phải những thứ cụ thể (có thể nhìn, sờ, hay ngửi được) mới là những thứ mà chúng ta nhớ nhất?
Bởi đó là đặc trưng, là sức mạnh của chúng ta - loài người, chứ không phải loài nào khác.
Sources: Picture by Deborah Brown
Sources: Picture by Deborah Brown
Nhìn lại lịch sử tiến hóa, ta sẽ biết rằng không phải sức mạnh cơ bắp mà chính nhờ ngôn ngữ, hay cụ thể hơn là khả năng nói về những thứ không-thực-sự-tồn-tại mới giúp chúng ta liên kết, tập hợp và hình thành sức mạnh tập thể; từ đó chúng ta mới nhanh chóng vượt trội hơn tất cả các giống loài khác và nhảy vọt lên đầu chuỗi thức ăn.
Hãy thử tưởng tượng, nếu con người chỉ mãi nói về những thứ cụ thể, hiện hữu như sư tử, bụi cây, bầu trời và mặt đất mà không biết đến những khái niệm như niềm tin, luật pháp, công ty, nhà nước, tôn giáo, tình bạn, tình yêu, lòng trắc ẩn, vị tha,... thì làm sao chúng ta có thể phát triển như ngày hôm nay? Làm sao chúng ta có thể biết rằng ai đó có đáng tin hay không? Làm sao chúng ta có thể hợp tác hiệu quả hay duy trì sự ổn định của cả tỉ người trên hành tinh này?
Trích lời tiến sĩ Yuval Noah Harari trong cuốn "Sapiens - Lược sử loài người", thì:
"Sự khác biệt thật sự giữa chúng ta và tinh tinh là chất keo thần thoại (mà mình hiểu là khả năng suy nghĩ về những điều trừu tượng) dính kết các cá nhân, gia đình và nhóm với số lượng lớn. Chất keo này đã làm cho chúng ta trở thành chủ nhân của sự sáng tạo."
Vậy hãy trở về thực tại, chất keo đó đâu và chúng đang như thế nào?

Tin tốt là những chất keo này vẫn còn đó. Nhưng tin xấu là chúng ta đang dần không còn quan tâm và cũng không nói về nó nhiều nữa.

Thay vào đó, chúng ta có một hệ thống các nền tảng dung dưỡng thói quen nghe nhìn, đồng thời khiến ý chí của chúng ta ngày một hao mòn và không thể tập trung vào những con chữ quá dài được. Đó là Facebook, Instargram, Youtube, Tiktok và hơn thế nữa.
Source: Internet
Source: Internet
Hãy thử dạo nhanh một vòng qua các nền tảng này, bạn sẽ nhận thấy rất nhanh chóng rằng ngày càng có nhiều người tranh luận bằng meme và tư duy bằng cách nhìn vào hình ảnh hay những video ngắn hàng giờ liền. Dây dưa với những thú vui kiểu này giống như đang cố gắng "lấp đầy khoảng trống vắng trí tưởng tượng bằng những cọng rơm không chút tâm cảm, mà thậm chí chẳng biết mình đang làm gì". Những thứ ấy, cảm giác như vừa đọc, vừa xem xong (và cười xong?) là có thể trôi tuột đi luôn vậy.

Và cứ cái đà ấy, chúng ta sẽ dần trở nên lười biếng, hời hợt và dễ dãi hơn, theo đúng nghĩa đen.

Ý mình là, mình không có vấn đề gì với meme hay những video làm ra cốt để khiến mọi người cười một cách nhanh nhất. Mình vẫn vui khi thỉnh thoảng có ai đó tag vào cái meme thú vị hay vẫn cười khi tình cờ xem mấy clip vui vui nào đó. Nhưng chỉ có thế, không hơn. Và đấy chính là vấn đề, một vấn đề phổ quát hơn là từng thành phần trong đó.
Ngoài đời thực cũng chẳng khá khẩm hơn, khi có ngày càng ít các không gian để ai đó thoải mái chia sẻ suy nghĩ của mình về sự cô đơn, ý nghĩa cuộc sống, lòng bao dung hay những thứ tương tự. Nói như Murakami Haruki trong "Kafka bên bờ biển" thì "hễ anh dùng đầu mình để suy nghĩ là thiên hạ không muốn dây với anh", họ sẽ "kết tội" anh là "luôn luôn nhiễu sự". Thật là một khung cảnh khó hiểu, đi ngược lại tiến trình văn minh của loài người.
Và như một hệ quả tất yếu, các cuộc trò chuyện (dù là online hay offline) cũng theo đó mà chỉ toàn xoay quanh chó với mèo, chuyện cái iphone đời mới hay drama cô A phụ anh B, anh C bỏ cô D... mà chẳng có gì hơn cả.

Mình nghĩ, những thứ quen thuộc, an toàn và xã giao thì chỉ nên là những thứ gợi mở để chúng ta nói đến những thứ trừu tượng và quan trọng hơn.

Đó những thứ mà có thể mọi người đều muốn nói về nhưng chưa ai sẵn sàng mở lời trước, những thứ có thể khiến não chúng ta thực sự được chìm đắm và vận động trong tầm sâu ý nghĩ chứ không phải dặt dẹo vỏ bề ngoài.
Đó có thể là những câu hỏi lớn về đạo đức và giá trị con người hay cộng đồng; có thể là những trăn trở, ước mơ hay nỗi sợ của cá nhân; có thể là những ký ức và những bài học cuộc sống; có thể là những suy nghĩ, cảm nhận của bạn khi thưởng thức xong một bộ phim hay một cuốn sách thú vị/ đáng suy ngẫm; hoặc, bất cứ thứ gì mà nghĩ là quan trọng và muốn được chia sẻ, lắng nghe.
Và tất nhiên, nói về những thứ ấy sẽ không dễ dàng.
Nó sẽ tốn năng lượng lắm. Nó cần bạn bước ra khỏi vùng an toàn. Nó có thể sẽ gây khó chịu, phiền toái hay thậm chí là đau đớn cho bạn, cho người nghe hoặc cả hai. Nhưng chính những thứ ấy mới là những chất keo gắn kết chúng ta ở những tầng sâu nhất và chặt nhất; giúp chúng ta gần nhau, hiểu nhau và thương nhau nhất; giúp cuộc sống của chúng ta trở nên ý nghĩa và màu sắc nhất.
Kiểu, gần đây mình có một buổi overnight với vài người bạn, tụi mình nói rất nhiều nhưng mình nhớ nhất 2 ý tưởng: (1) tình bạn thân thiết là khi cả 2 có thể im lặng bên nhau mà không cảm thấy ngại ngùng, và (2) tình yên bền vững và ý nghĩa là khi hai người cần nhau và nợ nhau, có thể chia sẻ và đồng hành cùng nhau.

Mình nghĩ, sống, đôi khi chỉ vậy thôi cũng vui rồi.

Và bạn mình ơi, chỉ cần là người mà bạn cảm thấy tin tưởng và muốn kết nối (và người đó cũng thế), dù là bạn bè, người thân hay người yêu cũng đều được cả. Hãy mạnh dạn nói những điều "quan trọng" nhé, mình tin bạn sẽ nhận lại những câu chuyện "quan trọng" - những câu chuyện khiến bạn đọng lại một điều gì "quan trọng", mỗi khi bạn nhớ về. (Điều quan trọng nói 3 lần.)
Dù có rủi ro đó, nhưng cũng đáng để thử mà, đúng không? : )