Dù muốn hay không thì hàng ngày chúng ta vẫn đang giao tiếp và mở  rộng giao tiếp với những người na ná mình. Phần lớn do chúng ta chọn  chơi những người cùng “trình độ”, “đẳng cấp” để có sự liên kết và hiểu  nhau hơn. Vô tình, ta tự tạo ra một vòng tròn đủ lớn và cảm thấy an toàn trong các mối quan hệ đã có. Thành thử, về lâu dài khả năng “đồng cảm” và “cảm thông” với người khác  thế giới quan ngày một lớn! Dẫn đến chuyện “ông nói gà, bà nói vịt”,  càng nói càng chẳng dẫn đến đâu.
pexels-photo-893126
Ảnh của Artem Beliaikin
Mình không thích những người có chút đầu óc rồi đi nói người “não rỗng”.  Có chăng những người ta chưa có suy nghĩ sâu sắc hay tầm nhìn về vấn đề  nào đó là do họ chưa kinh nghiệm, họ không thuộc tuýp tìm tòi về lĩnh  vực đó mà thôi. Bởi, ai cũng có thế mạnh riêng cả. Chưa chắc bạn thông minh tức là bạn giỏi toàn diện đâu nhé! Người giỏi phải là người biết khai thác và nhìn ra điểm mạnh của người khác để giúp họ phát huy điều đó ra. Chứ ỷ có chút xíu nhạy bén ở bộ não mà vội đánh giá người khác thì vẫn còn “bé” lắm.
Mình thích những người chăm chỉ, kiên trì, biết bản thân không nhanh nhạy nên lấy những điểm mạnh khác bù đắp vào. Họ sống khá đơn thuần, luôn cố gắng để tạo ra cuộc sống hơn mỗi ngày,  rất thực tế và không ảo tưởng hóa bản thân. Nói những chuyện cao siêu,  sách vở, chính trị, xã hội, khoa học với họ đúng là…”nước đổ đầu vịt”.  Nhưng nói chuyện miếng rau con cá ngoài chợ, chuyện đầu làng cuối xóm,  chuyện tính toán chi tiêu ra sao thì có khi phải phục họ sát đất. Vì họ tính không phải để có bằng, để khoe mẽ hay để nghiên cứu  cao siêu đâu. Mà là bài toán họ giải là để đảm bảo cuộc sống gia đình của chính mình mà thôi.
Mình thường xuyên đến bệnh viện, vì lâu lâu phải chở mẹ đi khám bệnh.  Nhờ đó mà mình tiếp xúc với nhiều người ở tầng lớp lao động. Họ có thể  chỉ là cô bán cơm, anh bán thịt, hay các cô chú từ vùng quê xa xôi để  chăm người thân. Câu chuyện của họ đời thường cực kì. Mỗi câu  chuyện thắm đượm giá trị cuộc đời mà nếu muốn biết nhiều hơn những hoàn  cảnh khác nhau thì chỉ cần đến bệnh viện thôi là đủ. Ở đó,  người bệnh nặng, người bệnh nhẹ, người thân, người chăm nom; ranh giới  sự sống, cái chết; những câu chuyện về y tá, điều dưỡng, bác sĩ…Bỗng  chốc, thế giới quan của mình như bị mở tung ra. Lúc đó mới nhận ra, mình  đã chui rút trong chính thế giới của mình quá nhiều.
Bạn biết đấy, mình nghĩ sống trên đời này khó nhất chính là học cách “cảm thông” và “tiếp nhận ý kiến trái chiều” từ người khác. Bởi để làm được hai điều này, ta phải có đầu óc rộng mở, kiến thức tổng hợp tốt, khả năng tư duy và một trái tim biết yêu thương.  Cuộc đời mỗi con người là một thế giới quan khác nhau, mỗi khi tiếp xúc  với ai đó thì chính bạn sẽ bước chân vào đó. Sự cảm thông ở mức độ nào  thể hiện chính con người ta bạn ra sao. Bạn đã trưởng thành hay chưa? Tuổi tác chỉ khiến bạn tiến về cõi chết gần hơn thôi chứ nó không thể hiện được giá trị con người đâu.  Vì thế mới có những người già rồi mà suy nghĩ và hành động như trẻ con,  hay những người trẻ nhưng có sự đồng cảm đến mức kinh ngạc.
Nên mới thấy, cuộc đời này không gói gọn trong thế giới quan của bạn.  Càng không được đánh giá bởi thước đo của bạn đâu. Thành ra, một lúc nào đó hãy thử mở tung cánh cửa thế giới quan của chính mình để nhận ra nhiều điều mới mẻ hơn trong cuộc sống.  Mình luôn khuyến khích mọi người “tận hưởng” cuộc sống của bản thân  không bằng cách này thì bằng cách khác. Bởi lẽ, làm gì có chuyện ngày  nào cũng có chuyện mới mẻ để làm, cũng xoay quanh nhiêu đó việc mà thôi  nhưng để bản thân phát triển hơn mỗi ngày thì phải “dụng công” không ít  đâu à! Điều đó giúp chúng ta bớt có cái nhìn phiến diện, cố chấp hơn vào  một vấn đề nào đấy. Cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng hơn một chút, chứ không có nghĩa nó bớt phức tạp hơn đâu.
Chẳng ai trong chúng ta “hoàn hảo” dù khi sinh ra chúng ta đã là một thực thể “hoàn hảo”.
Sài Gòn, ngày 26 tháng 02 năm 2018.
Trần Hoàng Ngọc Bích.