...mà là nơi dành cho những nhà đầu tư nghiêm túc và hiểu rõ thị trường. Ngày càng có nhiều người đầu tư vào chứng khoán, không ít trong số đó thất bại vì thiếu sự nghiêm túc và cũng vì xem đây là một trò may rủi.
Cạm bẫy Bluechip
“Vì đó là nơi mà nhà đầu tư nhỏ lẻ “chết” nhiều nhất”, nhà đầu tư chứng khoán trẻ tuổi V (đã đổi tên) chua chát chia sẻ.
Với anh, Bluechip, tức những cổ phiếu nằm trong nhóm VN30, chỉ phù hợp với các quỹ lớn và nhà đầu tư có tiền tỷ trong tài khoản. Đây là nhóm cổ phiếu chịu áp lực mạnh của thị trường, thị trường thì khó tăng mạnh nên nếu không có nguồn lực để đầu tư thì sinh lời không đáng kể. “Với người có tiền thì lời 3% là đủ, không cần nhiều”.


Bluechip là "cạm bẫy hấp dẫn" với các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Ngược lại, tâm lý nhiều nhà đầu tư cho rằng các công ty vốn hóa nghìn tỷ không thể phá sản, “không phá sản nhưng giá có thể giảm”. V cho hay, các mã Bluechip khó phá sản nhưng vẫn có thể giảm mạnh, đơn cử như SSI năm 2018 trị giá 40.000đ/cổ phiếu, đợt đáy vừa qua, giá chỉ còn xoay quanh mức 10.000đ/cổ phiếu. Một số mã ngày trước vốn là Bluechip, nay chỉ còn vài nghìn đồng một cổ phiếu, mức giá tương ứng với các cổ phiếu penny.
“Bluechip giống như đặt con ếch vào nồi nước rồi từ từ đun sôi vậy”.
Tiền chưa về tay mình,…
…thì không phải của mình. Một người bạn của V chia sẻ: “bữa tui đánh 3 con TTF thì lời 5 triệu. Nó quất phát thành lời 97 nghìn.”


"Tiền chưa về tay mình thì không phải của mình đâu".
Đặc thù của thị trường chứng khoán Việt Nam là thị trường T3. Nhà đầu tư chỉ có quyền mua bán cổ phiếu của mình 3 ngày sau khi thực hiện giao dịch, tức là mua hôm nay thì 3 ngày sau mới được bán. Đây là sự khác biệt lớn nhất giữa thị trường chứng khoán Việt Nam với thị trường chứng khoán Mỹ.
Trong khoảng thời gian trước ngày thứ 3 (T3) sau khi mua cổ phiếu, khoản lời lỗ chỉ là tạm thời. Lực mua, sức bán của các nhà đầu tư khác, đặc biệt là các quỹ lớn và nhà đầu tư có tiềm lực mạnh có thể dễ dàng lay chuyển mức giá của cổ phiếu. Đơn cử là trường hợp của ROS trong những phiên cuối năm 2018, đầu 2019. ROS tăng mạnh trong những phiên cuối năm 2018, thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư “lướt sóng”. Nhiều người trong số đó đã mua vào cổ phiếu ROS ở mức giá khá cao. Không may cho họ là thị trường bước vào thời gian nghỉ Tết tây, các nhà đầu tư chưa đủ T3 phải “ôm hàng” chờ và kết quả là lỗ nặng do áp lực bán ở các phiên đầu 2019. Đã có thời điểm ROS sinh lời nhưng nếu chưa đủ T3 thì mọi thứ đều vô nghĩa. Nhiều nhà đầu tư thiếu nhạy bén đã phải tiếp tục chịu lỗ không lâu sau đó khi ROS tiếp tục giảm sâu.
Quy tắc quản trị rủi ro
Cắt lỗ là quy tắc bất di bất dịch trong chứng khoán. “Tùy người, nhưng thường thì 8% là cắt lỗ”. V cho biết, cắt lỗ đúng lúc giúp nhà đầu tư hạn chế được những tổn thất về tiền bạc khi các cổ phiếu biến động. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh việc cắt lỗ không phải dễ dàng. Chọn được thời điểm để bán cổ phiếu nhằm chặn lỗ vốn, cần cả một quá trình học hỏi và kinh nghiệm trên thị trường. “Cần phải có một kế hoạch cắt lỗ rõ ràng.” Điều đó giúp bạn phòng tránh những rủi ro tiềm tàng trên thị trường. V chia sẻ: “không cắt lỗ thì chốn vốn mất ăn mất ngủ. Nhỡ lỗ đến 70% thì có mà bán ngay đáy. Mình mới có một lần lỗ nặng trên 15% là do dịch Covid19 vừa rồi.” V không cắt lỗ mà thực hiện mua bán một cổ phiếu khác và sinh lời bù phần lỗ. “Không phải ai cũng may mắn như mình đâu”. (cười)
Với mua bán chốt lời, V cũng chỉ ra những kinh nghiệm mà anh đúc kết được. Không mua một lần mà phải chia ra nhiều đợt với nhiều giá khác nhau. Đây là phương thức “bảo hiểm” của nhà đầu tư, để chẳng may cổ phiếu giảm đột ngột thì nhà đầu tư không mất trắng trong một lần giao dịch. “Khi mã của mình tăng mạnh và được PR khắp các mạng xã hội thì nên xem xét chốt lời toàn bộ, hoặc 75%”. Nguyên do của quy tắc này là càng nhiều người biết thì càng nhiều người mua. Đấy là thời điểm mà những lệnh bán lớn với khối lượng từ 100.000 đến 500.000 cổ phiếu được đẩy lên sàn khiến giá giảm.


Khi "nhà cái" thoát hàng.
Hiểu rõ các quy tắc và phương pháp đầu tư cũng giúp nhà đầu tư tránh được sự nhiễu thông tin. Theo V, nhiều nhà đầu tư tham gia quá nhiều room, hội nhóm chứng khoán nên bị nhiễu loạn thông tin. Các thông tin lại đến từ nhiều người khác nhau, không kiểm chứng, dựa trên các phương thức tính toán đầu tư khác nhau nên không thể tránh cảnh bị “lạc giữa rừng đom đóm”. Hiện nay, việc “bơm thổi” thông tin trên các trang tin không chính thống cũng rất nhiều. Các nhà đầu tư cần hiểu rõ các quy tắc chứng khoán căn bản và có phương pháp đầu tư riêng để không mắc sai lầm.
Cần một hành trang
“Tối thiểu phải biết đọc sơ qua báo cáo tài chính”, V cho hay. Báo cáo tài chính không chỉ phản ánh sự thành công hay thất bại của một công ty mà còn cho thấy cấu trúc tài chính của doanh nghiệp. Hiểu được những khoảng nợ, cách luân chuyển vốn, phương thức đầu tư của công ty, nhà đầu tư sẽ dự đoán được cơ hội và nguy cơ đối với cổ phiếu mà mình đang nắm. V cũng cho rằng cần phải hiểu rõ về giá và thanh khoản. Đây là hai dấu hiệu căn bản phản ánh sự mua bán của các nhà đầu tư.
Tiếng Anh cũng là một yếu tố quan trọng. Thị trường thế giới hiện nay tác động không nhỏ vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Biết tiếng Anh để đọc tin nước ngoài, nắm tình hình thế giới và dự đoán, phản ứng kịp thời trước những biến động. Tiếng Anh cũng hữu ích với các nhà đầu tư khi tra cứu tài liệu chuyên ngành ở nước ngoài. Mặc dù lượng sách chứng khoán được dịch sang Việt ngữ đang ngày một nhiều hơn, tra cứu và nghiền ngẫm tài liệu của các nền chứng khoán phát triển là việc nên làm.
Với V, may mắn là thứ mà đôi khi một nhà đầu tư rất cần. Nhưng trên hết, quan trọng nhất vẫn là kiến thức và tâm lý. Kiến thức giúp nhà đầu tư hiểu rõ mình đang làm gì, và tâm lý giúp họ đưa ra quyết định chính xác. Chứng khoán không phải trò chơi trên sới bạc mà là đáp án của một phép tính nhân – quả. Mọi chuyển biến trên thị trường đều có lý do. Người biết nhiều sẽ bớt đắng cay hơn người không biết gì. Với những người chập chững bước vào nghề, “đường đến chốt lời vẫn còn xa lắm”.
                                                                                                Crazy Mind