1. Sống trong một thế giới xã hội bất ổn. Muốn làm một người tốt cũng là một lựa chọn và đấu tranh của bản thân.
Cảm giác đó thực sự kinh khủng. Không phải xã hội không còn người tốt mà chính là người xấu qua nhiều. Vì lòng tin của con người bị coi rẻ, bị lừa gạt… Nên đến khi đứng trước một việc mà dĩ nhiên và đương nhiên sẽ làm thì khiến người trong cuộc phải đấu tranh với chính bản thân mình, để lựa chon nên làm để giúp người khác hay dừng lại, hèn nhát để được yên thân.
Cá nhân tôi thấy xã hội ngày một lộn xộn, đạo đức xuống cấp, lòng tin bị chà đạp, lợi dụng vô tội vạ. Nên con người ta có khuynh hướng lơ đi những gì đang xảy ra, cảnh giác hơn để bảo vệ bản thân. Vì thế mới có cụm từ “con người ngày càng vô cảm”.
Hôm nay, tôi cũng hiểu ra để làm một người tốt người ta phải lựa chọn đấu tranh tư tưởng với cảm xúc, lý trí của chính mình. Chưa bao giờ thấy mất lòng tin giữa người với người và cả xã hội lớn đến như vậy. Một trải nghiệm từ chính bản thân tôi.
“Chiều đang ngồi vắt vẻo hưởng thụ cuộc sống lang thang nơi quán quen. Nơi đây khách nước ngoài tới rồi đi là chuyện bình thường, học sinh những người làm việc… Khi chỉ còn tôi và con bé con với một người đàn ông ngoại quốc. Lúc tôi đang hí hoáy chăm chú chơi cùng con bé. Người đàn ông đó đứng trước mặt tôi nói bằng thức ngôn ngữ mà tui phải căng não lên lắng nghe, phân tích xem chuyện gì đang xảy ra. Thế rồi, giống như máy tính bị treo não tui đơ trong vòng vài nốt nhạc. Chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì người đàn ông ấy lấy chiếc điệc thoại trên bàn của tôi, đem lại chỗ ông ta. Hoang mang tui cũng phi qua chỗ ông ta đúng đó, lúng túng chưa biết xử trí sao? Dù rằng điện thoại có pass nhưng lúc đó không biết vì sao nó chẳng có tác dụng. Ông ta chỉ vào điện thoại của ông và ra hiệu tôi đọc số của mình. Lúc đó, phản xạ của tôi là đọc luôn không suy nghĩ. Sau đó điện thoại tui đổ chuông và ổng bấm nghe. Nhưng chưa được năm giây thì tôi lấy tay bấm tắt. Chưa dừng lại ở đó, ông ta dùng tay bấm số trên chiếc điện thoại của tôi gọi cho một số di động ở trong nước. Đổ chuông, alo xong tôi cũng hoang mang xong tắt luôn. Sau đó, ổng vào phần dịch của điện thoại và nói thứ ngôn ngữ hại não xong, cho nó dịch cho tôi xem và cười rất to. Hỏi tên con bé con đang lăn xăng bên tôi…” Một cảm giác hoang mang, lành lạnh trong lòng, khiến tôi phải suy nghĩ và phân tích các giả thuyết xấu sẽ xảy ra sau đó hoặc sẽ không có gì cả khi tôi vừa làm một việc tốt. Cái cảm giác bồn chồn trong người là một cảm giác rất khó chịu trong tôi.
Nếu lúc đó, tôi hoàn hồn không bị đơ, có lẽ tôi sẽ chọn làm người vô cảm, sẽ từ chối giúp đỡ. Thay vì giúp xong cho người khác tôi cảm thấy hoang mang, bất an trong lòng. Giống như có một tảng đá đè nặng trong lòng.
làm người tử tế có dễ không?
2. Nếu xã hội cứ trong tình trạng hỗn loạn, tốt xấu lẫn lộn, đạo đức xuống cấp trong tình trạng này thì người với người vô cảm với nhau sẽ là chuyện bình thường.
Có thể họ sẽ chọn ích kỷ, hèn nhát thay vì xong pha làm người tử tế. Sau một trải nghiệm của chính mình tôi cảm thấy thực sự hoang mang và thấy cả sự hèn nhát trong bản thân mình. Nếu người và người không đánh mất niềm tin ở nhau thì xã hội này sẽ tốt đẹp biết bao?
Sống trong một Xã hội bất ổn, đạo đức đi xuống cũng là điều dễ hiểu. Chuyện này làm tôi nhớ lại những năm về trước khi mới vừa tốt nghiệp ra trường bon chen đi làm. “Khi cơn mưa đêm đi qua và để lại hậu quả là triều cường ngập gần tới yên xe. Dòng người bì bõm lội nước kẹt cả con đường, cảm giác lúc ấy rất kinh khủng khi không biết khi nào mới thoát khỏi đó và liệu phía trước có ngập sâu hơn không? Nên đi tiếp hay quay lại. Để ra khỏi đoạn Nguyễn Xí mà mất hơn hai tiếng đồng hồ, tất cả xe hầu như chết máy. Tìm chỗ sửa xe thì bị hét giá trên trời, đêm đó ai cũng mệt mỏi như ai. Cuối cùng chúng tôi cũng tìm được chỗ sửa xe giá cả vừa phải, có điều rất đông và phải đợi. Lúc đó, có một chị mượn điện thoại để gọi hỏi thăm cô giáo của con chị. Vì chị đi đón bé, gặp triều cường rồi điện thoại vô nước không gọi được. Chị kể vợ chồng chị ly hôn, con chị bây giờ không biết như thế nào? Chị rất lo nhưng mượn mãi chẳng có ai cho mượn. Anh người yêu của tôi chìa cái cục gạch ra đưa chị khi đã lấy sim ra và chị mừng rỡ gọi ai đó.” Lúc ấy, tôi thấy người thành phố sao vô cảm, thấy anh bồ thật nghĩa hiệp.
Hôm nay, sau bao năm bon chen nơi đây! Tôi lại rơi vào hoàn cảnh hơi tương tự và người nhờ tôi là người ngoại quốc, làm tôi hoang mang hơn nữa. Nếu không phải não bị đơ khi xử lý chắc tôi sẽ chọn là người hèn nhát, giấu đi sự tử tế của bản thân.

3. Đôi khi người ta không xấu nhưng giữa một xã hội mà lòng tin bị coi thường, xem nhẹ, chà đạp thì người tốt và đạo đức gần như là tuyệt chủng.
Vì sao, khi về quê sẽ thấy tình làng nghĩa sớm mặn mà nhưng nơi phồn hoa đô hội nó nhạt nhoà. Vì ở nơi đây, trước khi làm một người tốt đôi khi phải đấu tranh tư tưởng và cũng có những suy nghĩ hèn nhát để bảo vệ lấy chính bản thân mình. Bởi có rất nhiều loại người, quá đông đúc thì dĩ nhiên cũng có nhiều loại tính cách và người ta hiếm khi dùng chân tâm để đối xử với nhau. Nơi đây, phức tạp hơn nhiều nên người ta sống còn phải đề phòng, cảnh giác nhau.
Trước khi chửi người khác hãy đặt mình vào vị trí của họ rồi hẵng chửi. Nếu thấy mình đủ dũng cảm để làm người tốt thì hẵng chửi, không thì hãy im lặng cho xã hội bớt những từ ngữ nặng nề. Bởi để làm người có đạo đức, biết yêu thương người khác là một sự đấu tranh tâm lý, lý trí, một lựa chọn. Khi người ta thực sự dũng cảm mới dám lựa chọn “làm người tử tế” và đối diện với nó dù có chuyện gì xảy ra cho bản thân.
Bởi Xã hôị bất ổn, lòng tin xuống cấp thì bản thân muốn làm người tốt cũng phải lựa chọn. Vì họ cũng còn có người thân, gia đình cần được lo lắng và bảo vệ. 
-Phú Trên Mây-