"nếu chỉ khư khư nhìn thấy những khó khăn và thử thách trước mắt, chúng ta sẽ ngồi chôn chân một chỗ và chẳng dám làm gì cả đâu."
Hôm nay mình vô tình đọc lại câu chuyện về người đàn ông đầu tiên chinh phục đỉnh Everest, lúc được phỏng vấn ông nói rằng:
"- Tôi sẽ không chinh phục đỉnh Everest lần nào nữa.
- Tại sao lại như thế, thưa ngài?
- Lần đầu tiên làm việc đó, tôi chẳng có cảm giác sợ hãi gì cả. Lúc đó tôi không lường trước được những nguy hiểm và chướng ngại có thể gặp phải trên đường, và cũng không bao giờ nghĩ là sẽ phải vượt qua chúng. Nhưng bây giờ nhìn lại, tôi thấy tất cả những điều đó thật sự rất khó để vượt qua. Cũng giống như bất kỳ điều gì ở cuộc sống này vậy: nếu chỉ khư khư nhìn thấy những khó khăn và thử thách trước mắt, chúng ta sẽ ngồi chôn chân một chỗ và chẳng dám làm gì cả đâu."
Đọc câu chuyện đó xong, mình chợt nhớ mình cũng từng có một trải nghiệm tương tự.
Hồi năm 2013, lúc mình còn khá là trẻ trâu, háo thắng, bồng bột và ngốc nghếch, mình quyết định đạp xe một mình ra Hà Nội và mua xe đạp đi ngay vài ngày sau đó. Lúc đó mình không nghĩ nhiều tới những khó khăn trong suốt hành trình đó như sức lực không đủ, đường xấu, gió ngược, ăn uống không đủ chất, ngủ nghỉ ngoài đường, không đảm bảo an toàn và cả một đống thứ phải lo lắng đối với một người lần đầu tiên đi xa bằng xe đạp mà lại đi một mình. Mình không hề nghĩ nhiều tới những khó khăn đó, mình chỉ nghĩ tới việc làm thế nào để đạp xe ra tới được Hà Nội thôi và cảm thấy hạnh phúc thế nào khi thực hiện được điều đó. Và cứ thế mình cố gắng đạp xe ngày này qua ngày nọ. Những khó khăn trên quãng đường đến rồi cũng đi. Và mình lại tiếp tục hành trình của mình cho tới khi tới được Hà Nội.
Nhưng những ngày trước khi mình xuất phát, mình có chạy đi mua một số thứ để đi xa, vô tình gặp một số người đạp xe lâu năm ở Nha Trang lúc đó. Ai cũng khuyên là phải chuẩn bị rất nhiều để có thể đạp ra tới Hà Nội, phải tập luyện ít nhất một tháng để có đủ thể lực, phải chuẩn bị tiền bạc dư dả... vân vân và vân vân, thì mới có thể đi được. Nhưng hỏi các anh ấy đã đạp xe ra tới Hà Nội chưa thì ảnh mới thú nhận rằng ảnh cũng mơ ước thực hiện điều đó bấy lâu nay nhưng vẫn chưa đi được.
Lúc đó mình thắc mắc mãi mà vẫn không hiểu tại sao những anh đó có đủ thể lực, tiền bạc và thời gian để đạp xe xuyên Việt nhưng vẫn ước mơ điều đó nhiều năm rồi nhưng vẫn không đi được.
Cho tới cách đây 2 năm, mình cũng dự định làm một chuyến đi xe đạp một mình nữa nhưng đi xa hơn và đi lâu ngày hơn. Mình định đạp xe qua Thái Lan, và nếu thuận lợi thì qua Myanmar luôn. Vì phải đi qua biên giới nhiều nước nên mình tìm hiểu rất nhiều về chặng đường đó, kèm theo việc mình có kinh nghiệm từ chuyến đi trước nên mình chuẩn bị rất nhiều thứ để giải quyết những khó khăn có thể xảy ra trong suốt hành trình. Nhưng đến lúc mình chuẩn bị xuất phát thì phát sinh một số việc làm mình khó có thể dứt bỏ để đi xa và đi lâu như vậy. Kèm theo những khó khăn mà mình tìm hiểu trước đó đối với quãng đường này và cũng chưa gặp được ai từng thực hiện cung đường này trước đó làm mình cảm thấy sợ hãi. Và kết quả cuối cùng là mình thất bại. Mình không thể đi được dù mình đã chuẩn bị rất nhiều. Lúc này mình mới nhận ra mình cũng giống những anh trong hội xe đạp Nha Trang hồi đó mình gặp.
Đến bây giờ mình mới thấy mình bắt đầu 2 chuyến đi với 2 góc nhìn khác nhau: chuyến đi đầu tiên mình chỉ tập trung vào thứ mình muốn, còn chuyến đi thứ 2 mình lại quá tập trung vào những khó khăn ngăn cản mình thực hiện. Và việc mình quá tập trung vào những khó khăn, thử thách đó dẫn tới việc mình bị nỗi sợ hãi đè bẹp và không còn đủ tinh thần để làm nữa. Tệ hơn nữa là lúc đó mình còn đóng vai “nạn nhân” và bắt đầu trách móc hoàn cảnh. Như hồi đó thỉnh thoảng mình vẫn tự ngồi trách móc: vì mình không có nhiều tiền như người ta, vì mình sinh ra không có cơ thể khỏe mạnh như người ta, vì mình sinh ra ở vùng nông thôn nên mình không được học hành đầy đủ như người ở thành phố… vân vân và vân vân.
Nhưng qua những trải nghiệm nhiều năm qua, mình học được một điều rằng việc tự cho mình là nạn nhân để trách móc, đổ lỗi thì cũng chẳng giải quyết được điều gì. Và những khó khăn vẫn cứ nằm ở đó cho đến khi mình tự chịu trách nhiệm về những gì xảy ra và tìm cách giải quyết chúng. Mình thấy cuộc sống giống như là chuỗi những sự kiện bất ngờ không lường trước được xảy ra. Và việc tốt nhất mình có thể làm không phải là chuẩn bị cho những bất ngờ đó mà là thích ứng với hoàn cảnh hiện tại rồi tìm cách vượt qua những thử thách đó.
Và điều tốt nhất mình học được là dần biết cách tập trung vào điều mình muốn và bắt tay vào làm chứ không còn chú ý nhiều vào những khó khăn ngăn cản mình thực hiện nữa.