Thiền là gì? Một số khái niệm nếu bạn chưa biết

Thiền là thực tập sự chú ý của bản thân vào một ý niệm hay một vật thể trong một khoảng thời gian nhất định (có thể kéo dài từ vài phút đến nhiều giờ đồng hồ). Bạn có thể thiền định - thiền tại một nơi yên tĩnh, tập trung vào hơi thể hoặc cơ thể. Bạn cũng có thể thiền hành - thiền trong cuộc sống thường ngày như khi đang đi bộ, đang làm việc. Thiền tập sẽ xây dựng khả năng chánh niệm.
Chánh niệm là khả năng an trú trong hiện tại. Là khi tâm bạn thực sự ở trong hiện tại, tập trung vào những thứ đang diễn ra chứ không bị mất tập trung vào quá khứ hay thực tại.
Dựa trên những nghiên cứu khoa học với chuẩn nghiên cứu cao nhất, thiền tập được chứng minh sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người thiền tập. Với bản thân, thiền tập là món ăn phòng bệnh cũng như phương thuốc chữa bệnh tuyệt vời cho tâm hồn.

Bài viết này có bias?

Tôi là người đã thực tập thiền được khoảng 8 năm với thời gian thiền trung bình 1 ngày khoảng 15-30 phút (tổng thời gian thiền khoảng 1000 giờ). Tôi luôn cảm thấy thiền là phương thuốc chữa bệnh mỗi khi tôi căng thẳng. Tôi cũng cho rằng sự điềm tĩnh trong những trường hợp đặc biệt căng thẳng (ngay sau khi gặp tai nạn giao thông, khi đang bị “ăn chửi” từ đối tác.v.v.) đến từ việc rèn luyện được tâm đến từ việc thiền.
Tuy nhiên, bài viết này sẽ không viết dưới góc nhìn của cá nhân tôi mà được viết dựa trên những nghiên cứu của Richie Davidson và Daniel Goleman - các giáo sư tốt nghiệp đại học Harvard và là những người đầu ngành trong nghiên cứu khoa học não bộ. Họ là những người xóa đi sự “ma giáo” trong nghiên cứu về thiền bằng cách áp dụng những tiêu chuẩn cao nhất của lý luận khoa học lên những nghiên cứu về thiền. Thông qua bài viết này, tôi mong chúng ta có cái nhìn đúng và trung lập về thiền, để có thể áp dụng vào cuộc sống để cải thiện sức khỏe thân và tâm.

Những tác dụng đã được chứng minh bởi khoa học của thiền

#1: Khả năng cảm nhận hiện tại

Chắc chắn bạn đã từng rơi vào trạng thái doom-scrolling (kéo màn hình trong vô cảm) khi sử dụng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Tiktok… Đứng từ bên ngoài, những người này (bao gồm tôi) trông như những con zombie chỉ cầm điện thoại lướt lướt với không mục đích. Đó là những lúc chúng ta đang bị mất kết nối với hiện tại và để hành động chi phối hoàn toàn bởi bản năng.
Trong một nghiên cứu về chánh niệm của giáo sư Goleman và Davidson, họ mời thiền sư Mingyur Rinponche - người đã có hơn 20 năm thiền tập với trên 62,000 giờ thiền định. Khi kết nối với máy điện não đồ EEG, họ bất ngờ với kết quả khi thiền của ông Rinponche: sóng điện não đồ tăng cao một cách đột suất - cao như thể máy đang gặp lỗi. Điều này đến từ việc cảm nhận hiện tại cao độ khi vào trạng thái thiền định của ông Rinponche.
Khi có khả năng cảm nhận hiện tại, chúng ta sẽ nhanh chóng nhận ra khi để bản năng kéo trôi đi mất. Trong thế giới với muôn vàn thứ đòi hỏi sự để ý, kỹ năng này là cần thiết. Để có cuộc sống làm được những thứ có ý nghĩa, một người cần sở hữu khả năng để quyết định tại mỗi khoảnh khắc việc làm đúng để thực hiện.

#2: Khả năng tiết chế bản năng và giảm stress

Trong một nghiên cứu lớn khác tại đại học Emory, tình nguyện viên được trải qua một khóa thiền tập trong 8 tuần. Sau 8 tuần đó, họ được kiểm tra điện não đồ khi được cho xem những bức ảnh gợi nên những cảm xúc tiêu cực. Kết quả: mức độ hoạt động của phần não amygdala (phần não kiểm soát stress - fight or flight) giảm đáng kể so với người bình thường. Đặt vào bối cảnh một người bị stress chi phối, nếu được thực tập thiền, họ sẽ dễ dàng bình tĩnh lại và đối phó với tình huống một cách bình tĩnh hơn.
Một trong những phát hiện lớn khác về tác dụng của thiền là: thiền giúp những người thực tập không bị ảnh hưởng bởi thứ chống phá suy nghĩ của một người nhất: chính họ! Khi nghỉ ngơi, não bộ chúng ta rơi vào trạng thái mặc định (default mode network). Trạng thái này kích hoạt nhiều phần của não bộ cùng lúc, và là lúc chúng ta suy nghĩ viển vông. Tại trạng thái này, những suy nghĩ về chính chúng ta - nhiều khi là sự tiêu cực, lo lắng, mệt mỏi trỗi dậy. May mắn thay, thiền giúp não bộ có khả năng kéo suy nghĩ lại với thực tại. Bằng thói quen cảm nhận thực tại tốt hơn, những người thực tập thiền không dễ bị những suy nghĩ bản năng kéo đi mất.

#3: Kiểm soát cảm xúc

Trong một nghiên cứu nổi tiếng được xuất bản tại báo Nature Communications, tình nguyện viên được tham gia một trò chơi với một rủi ro nhỏ: họ có thể bị giật điện nhẹ. Nhóm 1: khả năng bị giật điện là 50%. Nhóm 2: khả năng bị giật điện là 100%. Kết quả: nhóm bị giật điện 50% cảm nhận stress nhiều hơn hẳn nhóm chắc chắn bị giật điện 100%. Cuộc sống của chúng ta cũng như vậy, con người tìm mọi cách để giảm thiểu sự không chắc chắn trong cuộc sống. Tuy nhiên, bản chất cuộc sống là không có gì chắc chắn cả, nếu lúc nào cũng lo sợ về rủi ro thì chúng ta đang sống một cuộc sống tràn ngập sự căng thẳng. May thay, thiền có thể giúp được việc đó.
Trong nghiên cứu với thiền sư Rinponche và những nhà thiền sư lâu năm khác, giáo sư Davidson ấn tượng với khả năng kiểm soát cảm xúc của họ. Trong nghiên cứu, những thiền sư và tình nguyện viên phải nhận một cú shock nhiệt nhẹ, được báo trước 10 giây. Khi tín hiệu báo động nhận shock vang lên, tín hiệu não của những tình nguyện viên bị xáo trộn cao đặc biệt, bắn ra tín hiệu như thể họ đang phải chịu cơn shock nhiệt thật. Ngược lại, những thiền sư không tỏ ra lo ngại khi tín hiệu được đưa ra, nhưng họ cảm nhận cơn đau cao hơn hẳn nhóm tình nguyện viên. Khi cơn shock nhiệt dừng lại, họ giảm tín hiệu cảm xúc nhanh hơn hẳn nhóm còn lại.
Nghiên cứu này chứng minh được việc gia tăng khả năng kiểm soát cảm xúc dựa vào việc thiền tập đều đặn. Người thiền đều đặn có khả năng bình tâm, sẵn sàng đối diện với mọi vấn đề và cùng lúc, có khả năng tập trung cao độ để xử lý khi vấn đề nổi lên.

Kết luận

Tôi vừa sử dụng thiền như một phương thuốc chữa bệnh và như một bài tập phòng bệnh.
Tôi thường xuyên sử dụng thiền nghỉ sâu mà không ngủ (Non sleep deep rest meditation) để thực sự đánh thức não bộ một cách nhẹ nhàng sau khi ngủ dậy. Đây là phương thức thiền tôi sử dụng hàng ngày sau khi ngủ trưa để đưa trạng thái não bộ vào sự tập trung lý tưởng để bắt đầu một buổi chiều năng suất. 
Trong những giai đoạn đặc biệt căng thẳng trong cuộc sống, tôi sử dụng thiền như một liều giảm căng thẳng. Khi tim đập nhanh và lòng lo lắng vô cớ, tôi dành thêm 20 phút buổi sáng để thiền sau khi ngủ dậy. Những buổi thiền này thường được thiền theo phương pháp Metta - thiền để nuôi dưỡng tình yêu thương. Khi tập trung để niệm và suy nghĩ đến tình yêu thương, từ những người gần và đặc biệt nhất, đến những người trong xã hội, tôi cảm thấy bản thân bình tĩnh hơn. Những vấn đề khó khăn trong cuộc sống cũng không còn cảm thấy quá nặng nề nữa vì tình yêu đã giải quyết tất cả.

Nguồn: