Chúa Nhẫn là một tượng đài bất hủ của văn học thế giới, và nó được coi là tác phẩm đã định hình lại thể loại fantasy hiện đại. Sau hơn 60 năm, Chúa Nhẫn đã gây dựng được cho mình một cộng đồng người hâm mộ đông đảo và nhiệt thành. Và cho đến khi bộ ba phim chuyển thể do đạo diễn Peter Jackson thực hiện lần lượt được công chiếu vào đầu thế kỷ 21, sức hút của Chúa Nhẫn lại càng tăng cao hơn bao giờ hết. Bộ ba phim chuyển thể đã đạt được thành công cả về mặt doanh thu lẫn chất lượng chuyên môn, và được rất nhiều thế hệ khán giả yêu mến. Tuy nhiên, vì bản chất vẫn là một bộ phim chuyển thể, cho nên sẽ có những sự khác biệt nhất định đối với tiểu thuyết gốc. Trong loạt bài này, mình sẽ lần lượt giới thiệu cho các bạn những điểm khác nhau giữa hai phiên bản tiểu thuyết và phim chuyển thể. Ở số đầu tiên này, chúng ta sẽ cùng đến với phần phim đầu tiên: Đoàn Hộ Nhẫn.
Lưu ý rằng mình chỉ đơn thuần liệt kê ra những điểm mà phim đã thay đổi so với nguyên tác, không có ý so sánh chất lượng giữa hai phiên bản. Các tình tiết sẽ được liệt kê theo trình tự thời gian của phim để dễ theo dõi.

Trận chiến đầu phim

Ở đoạn đầu, phim có nhắc đến Liên Minh Cuối Cùng giữa Tiên và Người, cùng trận chiến tại Mordor để lật đổ Chúa tể bóng tối Sauron. Trong trận đánh đó, đích thân Sauron đã ra trận, giết chết dễ dàng vị vua của Con Người là Elendil, nhưng bất cẩn để con trai ông là Isildur chặt đứt ngón tay. Sauron bị mất Nhẫn Chúa, và cơ thể hắn biến mất. Tuy nhiên trận đánh này chỉ là giản lược lại cuộc chiến giữa Liên Minh Cuối Cùng với Sauron trong tiểu thuyết.
Theo như tiểu thuyết gốc, Liên Minh Cuối Cùng giữa Tiên và Con Người được thành lập năm 3430 của Kỷ Đệ Nhị. 4 năm sau đó đại quân của hai chủng tộc bắt đầu tấn công vào Mordor. Họ đại thắng quân của Sauron tại Đồng Dagorlad năm 3434, sau đó bắt đầu vây hãm tòa tháp bóng tối Barad-dur.
Đến năm 3440, em trai của Isildur là Anarion tử trận, và 1 năm sau đó, Sauron đích thân ra trận để phá vòng vây. Hai vị thủ lĩnh của hai chủng tộc là Vua Elendil và Đại vương của Tiên là Gil-galad đã cùng đánh với Sauron suốt một ngày trời. Cuối cùng cả hai đều hy sinh, nhưng bản thân Sauron cũng bị đánh hạ. Con trai của Elendil là Isildur đã dùng mảnh vỡ từ thanh kiếm Narsil của cha mình và cắt rời ngón tay của Sauron, đoạt lấy Nhẫn Chúa.

Gandalf tìm hiểu về chân tướng chiếc nhẫn của Bilbo

Trong phim, ở cuối bữa tiệc sinh nhật, Bilbo đã có một bài phát biểu; và khi tuyên bố mình sẽ rời đi, ông đeo chiếc nhẫn vào và biến mất thật. Điều này đã khiến Gandalf nảy sinh nghi ngờ về chiếc nhẫn ấy. Buổi sáng hôm sau, Gandalf rời khỏi xứ Shire, đến Gondor và tìm đọc các ghi chép được lưu giữ ở đây. Ông tìm được một bản chép tay bởi chính Isildur, và ông ngờ rằng nhẫn của Bilbo chính là Nhẫn Chúa. Sau khi quay lại nhà Frodo và thử ném chiếc nhẫn vào lửa rồi thấy những mẫu tự nổi lên; Gandalf đã chắc chắn đây chính là Nhẫn Chúa. Sau đó ông khuyên Frodo hãy rời khỏi xứ Shire, đem Nhẫn Chúa theo đến Rivendell tìm gặp Lãnh chúa Tiên Elrond để xin chỉ dẫn. Trên phim, toàn bộ quãng thời gian từ lúc Bilbo rời khỏi xứ Shire đến khi Gandalf khuyên Frodo đến Rivendell chỉ diễn ra trong vài tháng, có lẽ nhiều nhất chỉ đến 1 năm.
Ở trong tiểu thuyết gốc, việc tìm hiểu chân tướng chiếc nhẫn của Gandalf không hề suôn sẻ như vậy. Mặc dù ngay tại bữa tiệc, Gandalf đã có lòng ngờ nhẫn của Bilbo là Nhẫn Chúa của Sauron, nhưng ông không chắc được. Có nhiều chiếc Nhẫn Tiên có khả năng khiến người dùng tàng hình, và theo như những gì Gandalf cũng như đại đa số người Tiên biết, thì Nhẫn Chúa đã thất lạc từ lâu. Năm xưa sau khi đoạt lấy Nhẫn Chúa, Isildur đã bị bọn Orc phục kích trên đường trở về và chiếc nhẫn thất lạc từ dạo ấy. Suốt 3000 năm không ai biết tung tích nó ở đâu, mà hầu hết ngờ là nó đã chìm dưới lòng sông Anduin. Tuy nhiên từ câu chuyện Bilbo lấy được chiếc nhẫn từ tay Gollum, Gandalf quyết định phải truy tìm gã để tìm hiểu về chân tướng mọi việc. Cuộc truy tìm này kéo dài mười mấy năm liền không có kết quả, và Gandalf phải nhờ cả Aragorn trợ giúp. Cuối cùng, Gandalf nhớ lại những lời của Saruman, rằng có thể còn tồn tại ghi chép nào đó về chiếc Nhẫn do Isildur viết. Sau đó, ông giao lại việc tìm kiếm Gollum cho Aragorn mà lên đường tới Gondor. Tại đây, Gandalf tìm được cuộn giấy của Isildur.
Còn về Gollum, tại một thời điểm nào đó trong quãng thời gian này, gã đi lạc vào Mordor, bị bắt và bị tra tấn. Nhờ thế Sauron mới biết Nhẫn Chúa vẫn còn tồn tại và ở trong tay một hobbit. Sauron bắt đầu cho các Ma Nhẫn tủa đi khắp nơi truy tìm Bilbo, và thả Gollum. Sau khi được thả, Gollum bị Aragorn bắt được ở Đầm Lầy Chết và đưa gã đến gặp Gandalf. Ông tra hỏi Gollum, và ráp nối các thông tin lại với nhau, Gandalf tin rằng nhẫn của Bilbo chính là Nhẫn Chúa. Ông và Aragorn nhờ người Tiên canh giữ Gollum, còn bản thân Gandalf quay về ngay xứ Shire. Sau khi thực hiện phép thử với chiếc nhẫn, mọi việc sáng tỏ. Ông khuyên Frodo sớm đi khỏi xứ Shire, đến Rivendell tìm Lãnh chúa Elrond là hợp lý nhất.

Cuộc gặp của Saruman và Gandalf

Ở trên phim, sau khi biết được chân tướng về chiếc nhẫn của Bilbo, Gandalf đã rời khỏi xứ Shire và đến Isengard tìm gặp Phù thủy trắng Saruman để xin lời khuyên. Gandalf đã tiết lộ rằng Nhẫn Chúa đang ở xứ Shire; thế nhưng ngay sau đó, Saruman đã để lộ bản chất phản bội. Ông ta đã về phe với Sauron, và bắt nhốt Gandalf trên đỉnh Tháp Orthanc, hòng ngăn chặn ông giúp đỡ các hobbit chạy trốn.
Tuy nhiên ở trong tiểu thuyết, Gandalf chưa bao giờ tiết lộ tung tích về Nhẫn Chúa cho Saruman. Saruman đã đe dọa và thuyết phục Gandalf về phe mình và nói ra vị trí của Nhẫn Chúa, nhưng ông từ chối. Vì thế, Gandalf mới bị bắt nhốt ở tháp Orthanc, còn Saruman phải dựa vào những thông tin ít ỏi mà ông ta có được để đoán xem Nhẫn Chúa ở đâu. Saruman chỉ ngờ rằng Nhẫn Chúa ở xứ Shire, vì Gandalf đặc biệt quan tâm nơi đó. Tuy nhiên cho đến cuối cùng, Saruman cũng không bao giờ biết được chính xác ai đang cầm Nhẫn Chúa. Ngoài ra, ở trong tiểu thuyết, Saruman cũng đã thay đổi bộ áo chùng của mình. Ông ta bỏ đi bộ áo chùng trắng tuyền, và mặc một bộ mới. Bộ áo mới của Saruman mới nhìn có vẻ trắng, nhưng thực chất nó được dệt từ mọi loại màu sắc. Mỗi lần ông ta cử động thì nó lại tỏa sáng và đổi màu. Saruman tự gọi mình với biệt danh mới là Saruman Muôn Màu, và bộ áo chùng này cũng đại diện cho sự biến chất, tha hóa và phản bội của ông ta. Ở trên phim, Saruman là người tạo ra chủng loài Uruk-hai; nhưng trong tiểu thuyết, Uruk-hai là chủng loài đã tồn tại từ trước, và chúng chỉ đi theo phục vụ Saruman mà thôi.

Nhân vật Tom Bombadil

Khi chuyển thể thành phim, Peter Jackson đã giản lược kha khá về chuyến hành trình của Frodo khi rời khỏi xứ Shire đến làng Bree. Theo như trên phim, nhóm của Frodo sau khi rời khỏi địa hạt xứ Shire đã tình cờ thấy một đoàn người Tiên đang trên đường tới Cảng Xám để rời khỏi Trung Địa. Nhóm của Frodo tiếp tục hành trình, và trên đường họ liên tục bị bọn Ma Nhẫn truy đuổi, nhưng may mắn thoát được rồi đến làng Bree. Ở đó, họ gặp Aragorn - lúc này đang ở dưới thân phận là Strider. Aragorn giúp nhóm Frodo qua mặt bọn Ma Nhẫn truy đuổi, và cùng họ đi đến Rivendell.
Ở trong tiểu thuyết, nhóm hobbit gặp nhiều sự cố hơn. Sau khi rời khỏi xứ Shire, họ bắt đầu bị bọn Ma Nhẫn truy đuổi. Nhóm của Frodo may mắn gặp đoàn người Tiên và được họ che chở, giúp đỡ. Hôm sau họ tiếp tục lên đường, và quyết định đi tắt qua Rừng Già để tránh bọn Ma Nhẫn. Rừng Già là một khu rừng rộng lớn, rậm rạp với nhiều sinh vật ma quái. Nhóm của Frodo bị một cây liễu bắt được, và suýt thì toi đời nếu không được một ông già giúp đỡ. Đó là một ông lão kỳ lạ, rất khoái ca hát, và dường như có một quyền năng nào đó cực kỳ mạnh mẽ. Ông tự xưng là Tom Bombadil, và đưa nhóm hobbit về nhà mình trú ẩn. Nhân vật này hoàn toàn bị lược bỏ trên phim; nhưng ở trong tiểu thuyết, Tom Bombadil để cho nhóm hobbit trú ẩn trong nhà mình. Đây là một nhân vật kỳ lạ, có lẽ là bí ẩn bậc nhất trong Chúa Nhẫn. Tom Bombadil rất già, ông không thuộc bất kỳ chủng tộc nào mà các hobbit từng biết, dù dáng vẻ của Tom tương tự con người. Tom Bombadil có những quyền năng bí ẩn, ông không hề bị ảnh hưởng bởi Nhẫn Chúa, và trong phạm vi lãnh thổ quanh nhà, Tom có quyền năng tuyệt đối. Ngay cả bọn Ma Nhẫn cũng không thể làm gì được trong lãnh thổ của Tom Bombadil. Frodo nhận thấy được sự kỳ lạ và bí ẩn của ông, nên cậu mới hỏi xem Tom là ai. Tom Bombadil đã trả lời như sau:
“Cao niên nhất, chính là lão đấy. Ghi nhớ lời lão đây, các bạn hữu thân mến: Tom đã ở đây trước cả dòng sông, trước cả cây rừng; Tom còn nhớ giọt mưa đầu tiên, quả đồi thứ nhất. Chân lão dẫm thành đường mòn trước cả Người Cao Lớn, lão cũng thấy bọn dân Thấp Bé đến xứ này. Lão đã ở đây trước các vị Vua, những nấm mồ và ác hồn Mộ Đá. Thuở người Tiên đi về phía Tây, Tom đã ở đây, trước cả khi các biển bị bẻ cong. Lão chứng kiến bóng tối dưới trời sao khi nó còn chưa đáng sợ – trước cả khi Chúa Tể Hắc Ám từ Ngoài Rìa tới.”
Theo đó, Tom Bombadil đã tồn tại từ rất lâu, ngay từ thời điểm Trung Địa thành hình. Ông chứng kiến được hết toàn bộ lịch sử của thế giới. Vì vậy, nhiều người đặt ra giả thuyết ông chính là hiện thân của Thượng Đế Iluvatar ở trần gian, hoặc không thì chí ít cũng là một Ainur - thực thể thần thánh do Thượng Đế tạo ra. 
Nhóm hobbit ở nhà Tom Bombadil 2 ngày, và đến hôm thứ 3, họ được ông dẫn ra khỏi Rừng Già để tiếp tục hành trình. Các hobbit tiếp tục gặp rắc rối khi họ bị những ác hồn ở khu Mộ Đá bắt được. Tom Bombadil tiếp tục giải cứu nhóm của Frodo, và ông cũng là người đưa cho họ các thanh kiếm làm vũ khí phòng thân, chứ không phải Aragorn như trên phim. Nhóm hobbit chia tay Tom Bombadil, và hôm sau họ đến làng Bree. Ở đây họ gặp được Aragorn, và anh đề nghị đi theo để giúp đỡ các hobbit trên đường tới Rivendell.

Cuộc đụng độ với bọn Ma Nhẫn và trên đường chạy tới Rivendell

Chuyến hành trình của Aragorn cùng nhóm hobbit ở cả trên phim lẫn trong tiểu thuyết về cơ bản khá giống nhau. Tuy nhiên, vẫn có một vài điểm đáng chú ý như sau:
Ở trên phim, khi Frodo bị Vua Phù Thủy Xứ Angmar đâm trên đỉnh Weathertop, cậu bất tỉnh ngay lập tức và suốt quãng hành trình sau đó gần như mê sảng, không còn chút sức lực nào. Còn bọn Ma Nhẫn bị Aragorn dùng lửa đuổi đi. Ở trong tiểu thuyết, Frodo bị đâm nhưng đánh trả lại được một đòn và khiến Vua Phù Thủy bị thương. Lúc ấy, cậu cố gắng đâm tên Vùa Phù Thủy, đồng thời hô lớn cái tên Elbereth - tên của vị Nữ hoàng Valar, một trong những vị thần quyền năng nhất. Bà cũng là người mà phe bóng tối rất sợ hãi. Tên Vua Phù Thủy nhận ra thanh kiếm của Frodo là con dao lấy từ Mộ Đá, và nó là những vũ khí được yểm bùa để chống lại những sinh vật như hắn. Do đó, Vua Phù Thủy tưởng là Frodo là người đánh bại được bọn ác hồn, lại cầm một vũ khí có thể gây hại đến hắn, và cậu biết về Elbereth. Vua Phù Thủy đâm ra kiêng dè Frodo, và những ngày sau đó, hắn cùng các Ma Nhẫn chỉ bám đuôi chứ không dám mạo hiểm tấn công lần nữa. Còn Frodo, cậu bị Vua Phù Thủy đâm trúng, nhưng vết thương không phát tác ngay, mà nó khiến cậu yếu dần suốt cuộc hành trình.
Ở trong truyện, Gandalf có nhắc đến việc ông đã chạm trán bọn Ma Nhẫn. Lúc ấy, Gandalf đã trốn được khỏi Isengard, và ông tức tốc đuổi theo nhóm Frodo. Các Ma Nhẫn bám sát theo Gandalf và cuối cùng đuổi kịp ông tại đỉnh Weathertop. Tại đây, một mình Gandalf quần thảo với toàn bộ 9 Ma Nhẫn suốt đêm. Cuối cùng vào tảng sáng, Vua Phù Thủy dẫn 4 tên Ma Nhẫn rời đi để đuổi theo nhóm Frodo. 4 tên còn lại tiếp tục đuổi theo và cầm chân Gandalf, không cho ông nhập bọn với Frodo. Do đó, Gandalf đành phải rẽ đường khác để đến Rivendell. 3 hôm sau, nhóm Frodo đến Weathertop và bị tấn công ở đây.
Ở trên phim, khi tới gần địa hạt Rivendell, nhóm của Frodo gặp con gái của Lãnh chúa Elrond là Arwen. Cô mang theo Frodo đi trước và đụng độ bọn Ma Nhẫn ở khúc cạn sông. Ở đó, bọn Ma Nhẫn bị quyền phép của người Tiên đánh bại. Trong tiểu thuyết, người đến giúp nhóm Frodo là một Tiên khác có tên là Glorfindel. Ông cho Frodo cưỡi ngựa chạy trước đến khúc cạn. Lúc ấy Frodo vẫn còn chút sức lực, và cậu còn cố gắng rút kiếm ra thách thức kẻ thù. Ngay sau đó, quyền phép của người Tiên linh nghiệm, và bọn Ma Nhẫn bị nước sông cuốn trôi. Đó cũng là lúc Frodo gục ngã và bất tỉnh, rồi được đem về Rivendell chữa trị.

Hội đồng của Elrond

Ở trên phim, cuộc họp Hội đồng của Elrond diễn ra khá chóng vánh, và mọi người nhanh chóng đi đến quyết định tiêu hủy Nhẫn Chúa. Họ chọn ra Đoàn Hộ Nhẫn cũng rất nhanh. Tuy nhiên ở trong tiểu thuyết, cuộc họp kéo dài suốt cả ngày, và có cả Bilbo tham dự. Trong cuộc họp, Elrond đã kể tường tận cho mọi người nghe về nguồn gốc của Nhẫn Chúa cũng như những cuộc chiến thuở xa xưa nhằm đánh bại thế lực hắc ám. Những người tham dự hội đồng cũng kể các câu chuyện đã khiến họ tìm tới Rivendell. Legolas thì tới báo tin rằng Gollum đã bị bọn Orc giải cứu khỏi tay những Tiên Rừng phụ trách canh giữ hắn. Một Người Lùn tên Gloin ở Núi Cô Độc thì bảo rằng sứ giả của Sauron đã nhiều lần dụ dỗ họ nhằm moi thông tin về Bilbo. Boromir thì kể về giấc mơ của anh về hiểm họa sắp tới. Bilbo cũng kể lại chính xác về câu chuyện giữa ông và Gollum và làm sao ông lấy được chiếc nhẫn. Cuối cùng, Hội đồng quyết định rằng Nhẫn Chúa phải bị tiêu hủy. Frodo đứng ra xung phong nhận nhiệm vụ, và sau đó là Sam đòi đi theo. Những ngày sau đó, lần lượt các thành viên Đoàn Hộ Nhẫn mới được chọn ra.
Những tình tiết sau đó về cơ bản không có quá nhiều khác biệt giữa phim và tiểu thuyết. Những điểm khác nhau hầu hết chỉ nằm ở các nhân vật và tính cách, hành động của họ; còn các sự việc nhìn chung đều tương đồng. Tuy nhiên, sự khác nhau giữa phim và tiểu thuyết của các nhân vật sẽ là chủ đề của một phần khác.