Chủ nghĩa cá nhân (Individualism) là một chủ nghĩa cực kì phổ biến ở các nước Phương Tây. Vậy hiểu sao cho đúng chủ nghĩa cá nhân?
Từ sau thời gian Tết âm lịch 2023 đến nay, tôi có một số suy nghĩ và tự cảm nhận rằng bản thân đang càng ngày đánh mất đi sự kết nối với xã hội xung quanh. Tôi dần ít đi đến những nơi đông đúc, tìm cho mình một chốn khỉ ho cò gáy nào đó để "đi trốn" khỏi thực tại và đặc biệt là làm những điều mình thích.
<i>Chủ nghĩa cá nhân (Nguồn: encrypted-tbn0.gstatic.com)</i>
Chủ nghĩa cá nhân (Nguồn: encrypted-tbn0.gstatic.com)
Đây cũng chính là một "aha moment" khi tôi chợt nhận ra bản thân thực sự rất thích tận hưởng việc ở một mình, thích làm việc một mình, thậm chí là tôi cũng không có nhu cầu kết hôn hay có con.
Tôi cảm thấy bản thân gần như đi ra khỏi cái vòng cung cầu của xã hội, rời xa khỏi chủ nghĩa tiêu dùng, sống đủ mặc, đủ tiêu và tập cách hài lòng với chính cuộc sống của mình. Đôi khi tôi cảm thấy thoải mái khi tách biệt bản thân khỏi những chuẩn mực giao tiếp thông thường và dùng điện thoại làm phương tiện thay thế gián tiếp.
<i>Chủ nghĩa tiêu dùng (Nguồn: vietnambiz)</i>
Chủ nghĩa tiêu dùng (Nguồn: vietnambiz)
Trong bài viết ngày hôm nay, tôi cũng muốn giải thích thêm về chủ nghĩa cá nhân và những ảnh hưởng của nó tác động đến xã hội phương Tây như thế nào và dần dần trở nên phổ biến ở các nước Châu Á ra sao.
Individualism (chủ nghĩa cá nhân) là chủ nghĩa quan niệm rằng quyền và giá trị cá nhân quan trọng hơn những quyền và giá trị của cộng đồng. Những người theo chủ nghĩa cá nhân coi cá nhân là trung tâm của thế giới và cho rằng mỗi người nên có quyền tự quyết định về cuộc sống của mình mà không bị hạn chế bởi những giới hạn từ xã hội hay chính phủ.
Bên cạnh đó, chủ nghĩa cá nhân cũng nhấn mạnh đến sự độc lập và tự do cá nhân, và cho rằng quyết định của mỗi người nên được tôn trọng. Điều này rất dễ thấy trong xã hội hiện đại tại Việt Nam ngày nay khi cha mẹ bảo ban con cái cũng không còn nghe lời như trước nữa.
Ngồi trong không gian cà phê, tôi có đảo mắt qua một vòng quan sát, thấy ai cũng cắm mặt vào trong chiếc máy tính hoặc điện thoại của mình, thậm chí khi tham gia phương tiện giao thông tranh thủ thời gian ngắn ngủi khoảng 20-60s chờ đèn đỏ cũng rút điện thoại trong túi lướt TikTok.
Phần lớn các thuật toán mạng xã hội ngày nay đều đang được con người huấn luyện mỗi ngày bằng cách thu thập dữ liệu. Khi số lượng thời gian sử dụng càng nhiều, thuật toán sẽ càng hiểu từng cá nhân, từ việc thu thập thông tin thuật toán sẽ khiến ta bị mê đắm, cuốn vào vòng xoáy của những cái lướt vô tri liên tục. Tôi đảm bảo ở đây, thuật toán còn đang hiểu ta tốt hơn là bố mẹ hiểu được chúng ta trong quá trình trưởng thành.
Sau cơn đại cách mạng Pháp, chủ nghĩa cá nhân được coi là một cách phỉ báng tại Pháp vì sự phân huỷ và hỗn loạn trong xã hội. Ngữ nghĩa tiêu cực của chủ nghĩa này được sử dụng như là phản động, dân quốc, bảo thủ.
<i>Đại cách mạng Pháp (Nguồn: tkcontent)</i>
Đại cách mạng Pháp (Nguồn: tkcontent)
Ở Đức, chủ nghĩa cá nhân là các ý tưởng về tính độc nhất (Einzigkeit), ở Anh được định nghĩa như là chủ nghĩa tự do kinh tế, còn ở Mỹ thì chủ nghĩa cá nhân là một phần tư tưởng cốt lõi vào thế kỷ 19 bao gồm ảnh hưởng tôn giáo Purtian New England và chủ nghĩa Jefferson hay triết học quyền tự nhiên.
Nhà triết học chính trị quý tộc người Pháp Alexis de Tocqueville (1805-1859) đã miêu tả:
"Chủ nghĩa cá nhân dưới hình thức một loại ích kỷ nhẹ nhàng, khiến con người chỉ quan tâm đến vòng tròn nhỏ của gia đình và bạn bè của mình."
<i>Alexis de Tocqueville (Nguồn: www.welt.de)</i>
Alexis de Tocqueville (Nguồn: www.welt.de)
Khi thuật toán càng hiểu rõ bản thân, chúng ta sẽ càng thu hẹp vào thế giới của chính mình, từ đó chủ nghĩa cá nhân càng ra tăng, càng cô lập bản thân vào những việc chúng ta thích làm hơn là không thích làm. Từ đó tạo ra một nguồn thiếu hụt về lực lượng lao động vì xung quanh có quá nhiều sự lựa chọn, mà sự lựa chọn đó thường sẽ phải đều bắt nguồn từ sở thích cá nhân của chính mình.

Mặt tốt chủ nghĩa cá nhân:

- Có nhiều thời gian tập trung và phát triển bản thân
- Hiểu được bản thân mình cần gì muốn gì, thích gì, ghét gì
- Đề cao sự tự lập, tính tự do
- Phát triển tư duy phản biện, ý chí tự do

Mặt trái của chủ nghĩa cá nhân:

- Cô độc, hay tự cô lập bản thân
- Có xu hướng trở nên ích kỷ sống theo lối sống thờ ơ, hay lối sống "mặc kệ đời"
- Cái tôi sẽ cao ngạo, lối sống sẽ tập trung chủ yếu vào cái tôi
- Tự coi bản thân là cái rốn của vũ trụ, có xu hướng sống mặc kệ cảm xúc của những người xung quanh
Vậy mọi người thấy mình đang quá thiên về chủ nghĩa cá nhân hay không, hãy hỏi ngay cha mẹ mình khi bạn còn ở cạnh, tôi chắc chắn họ sẽ có câu trả lời chung là thế hệ trẻ bây giờ rất ích kỷ, đó chính là chủ nghĩa cá nhân đang hình thành ở xã hội hiện đại Việt Nam.