Câu chuyện CEO chuỗi cà phê S.Tix Coffee mất tích cùng 83 tỷ đồng chỉ là một trong vô vàn tình huống tiền biến mất mà không biết đến bao giờ mới tìm về được của các nhà đầu tư. Tuy đã tố giác từ tháng 11/2021 nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa thể bước vào giai đoạn khởi tố để truy bắt người bỏ trốn. Tháng 5 vừa qua, cơ quan cảnh sát điều tra TP.HCM đã ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ việc trên gây ra nhiều thắc mắc.

Đình chỉ có phải là thôi giải quyết?

Sau thông báo của cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) TP.HCM, có luồng ý kiến tỏ ra bất bình khi cho rằng một vụ việc có nhiều dấu hiệu tội phạm rõ ràng như vậy lại không thể tiếp tục xử lý. Tuy nhiên đây là cách hiểu sai về thủ tục đình chỉ trong tố tụng hình sự. 
Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS 2015) hiện hành, sau khi nhận được tin tố giác về tội phạm, trong vòng 20 ngày hoặc 2 tháng với sự việc có tình tiết phức tạp, cơ quan điều tra phải tiến hành xác minh tin báo và ra một trong ba quyết định: hoặc khởi tố, hoặc không khởi tố hoặc tạm đình chỉ giải quyết.
Trong đó, quyết định tạm đình chỉ sẽ xảy ra khi đã hết thời hạn xử lý tin tố giác mà việc xác minh thông tin cũng như xác định dấu hiệu phạm tội chưa hoàn thành, cụ thể:
 a) Đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả; 
b) Đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả (khoản 1 Điều 148 BLTTHS 2015) 
Sau khi các lý do tạm đình chỉ không còn (đã có kết quả) thì cơ quan điều tra sẽ phải tiến hành phục hồi giải quyết. Tùy thuộc vào kết quả xác minh, lúc này vụ việc mới được khởi tố hoặc không khởi tố.
Như vậy, quyết định đình chỉ trong giai đoạn này của tố tụng hình sự sẽ tạo ra khoảng thời gian “chờ” thay vì hoàn toàn ngưng giải quyết.
Trong vụ việc S.Tix Coffee, CSĐT TP.HCM đình chỉ giải quyết vì đã hết thời hạn xử lý nhưng yêu cầu giám định chữ ký trong các hợp đồng giữa S.Tix Coffee và nhà đầu tư chưa có kết quả, đồng thời chưa thể tiếp cận hoạt động tài chính của S.Tix Coffee vì Chi Cục thuế TP.HCM vẫn không có văn bản phúc đáp.

Khi nào giải quyết còn phụ thuộc vào… tình hữu nghị giữa các cơ quan

Việc chi Cục thuế TP.HCM chưa phản hồi yêu cầu tiếp cận hồ sơ thuế S.Tix Coffee của cơ quan điều tra như đã nêu trong quyết định là một trong hai nguyên nhân khiến việc xác minh thông tin tội phạm chậm trễ. 
Pháp luật hiện hành nói chung hay tố tụng nói riêng đều chưa có quy định cụ thể nào ràng buộc trách nhiệm của một cơ quan quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ hoạt động tư pháp (điều tra, kiểm sát, xét xử). Hiện chỉ mới có một quy định chung về nghĩa vụ này tại khoản 4 Điều 5 BLHS 2017. Không có quy định cụ thể cũng không chế tài xử phạt về nghĩa vụ cung cấp thông tin và thời hạn tối thiểu. 
Như vậy, phía Chi Cục thuế TP.HCM có quyền không phúc đáp yêu cầu tiếp cận hồ sơ thuế hoặc kéo dài gây chậm trễ. Việc này có nguy cơ dẫn đến hàng loạt các tin tố giác, tin báo, yêu cầu khởi tố không thể khởi tố vì thiếu xác thực; đồng thời gián tiếp làm nghiêm trọng thêm nạn tham nhũng.

Pháp luật có quy định, nhưng thực tế lại là câu chuyện khác

Không phải cứ pháp luật quy định thì người dân sẽ áp dụng, mà lý do dễ thấy nhất là thủ tục rườm rà.
Theo BLTTHS 2015, một vụ việc phải trải qua các giai đoạn: tố giác/ tin báo/đề nghị khởi tố, khởi tố, truy tố, xét xử và thi hành án. 
Ở mỗi giai đoạn thực tế đều có những vấn đề riêng. Trong giai đoạn đầu tiên (tố giác/tin báo/đề nghị khởi tố), ngoài vấn đề thiếu sự kết hợp giữa các cơ quan dẫn đến đình chỉ vụ việc thì câu chuyện thường gặp nhất là đương sự hoặc người bị hại thường không chủ động tố giác lên cơ quan chức năng. 
Tiêu biểu như vụ việc Học viện quản lý và phát triển Minh Anh không hoàn lại tiền như đã cam kết cho các học viên tham gia khóa học “Hành trình trưởng thành” đã từng gây xôn xao năm 2020. Đáng chú ý rằng khóa học này do TS. Lê Thẩm Dương trực tiếp giảng. Các học viên dù lên tiếng bức xúc rất nhiều nhưng cuối cùng đều không tố giác hành vi tội phạm. 
Mặt khác theo quy định pháp luật, thông tin về tội phạm được đăng tải qua các kênh thông tin đại chúng mà không cần chủ thể nào trực tiếp tố giác cũng là căn cứ để ra quyết định khởi tố. Và việc chủ động nhập cuộc, xác nhận thông tin là trách nhiệm của cơ quan chức năng. Tuy nhiên thực tế khi đó, dù các thông tin về khóa học “Hành trình trưởng thành” có vấn đề đã được đưa qua nhiều trang tin tức nhưng chưa thấy được hành động gì từ các cơ quan có thẩm quyền.
TS. Lê Thẩm Dương nói về vai trò của mình: “Tôi được mời giảng dạy, thấy chương trình hay nên nhận lời chứ không liên quan đến chuyện tiền bạc của Minh Anh”.
TS. Lê Thẩm Dương nói về vai trò của mình: “Tôi được mời giảng dạy, thấy chương trình hay nên nhận lời chứ không liên quan đến chuyện tiền bạc của Minh Anh”.
Giai đoạn thi hành án cũng có thể gặp khó khăn nếu thời gian đi đến khởi tố chậm trễ. Cụ thể, khi chưa bị khởi tố và truy nã, đương sự có thể thực hiện hành vi tẩu tán tài sản để trốn tránh nghĩa vụ hoàn trả cho bị hại. Đặc biệt khi tài sản bị chiếm đoạt không thuộc diện tài sản phải đăng ký sở hữu hoặc giao dịch chịu kiểm soát bởi bên thứ ba (ngân hàng, công chứng…) như tiền mặt, vàng, vật có giá…
S.Tix Coffee hay khóa học “Hành trình trưởng thành” chỉ là hai trong vô vàn những câu chuyện lừa đảo thương mại mà ở đó việc lấy lại tiền của nạn nhân là không hề đơn giản. Đến cả kênh đầu tư được kiểm duyệt kỹ lưỡng là trái phiếu chào bán còn có thể bị hủy bỏ vì sai phạm gian dối của chủ đầu tư như vụ việc Tân Hoàng Minh, thì không có gì chắc chắn được những kênh đầu tư khác chỉ đảm bảo qua cá nhân lại an toàn. Trong một nền kinh tế nhanh và nóng như hiện nay, nhà đầu tư cần cẩn trọng hơn với mọi quyết định của mình để tránh mất tiền oan uổng.