Tháng 4 đã đến, và phần lớn các bạn học sinh nộp đơn đi du học đại học Mỹ cũng đã có kết quả từ các trường. Bây giờ là thời điểm đưa ra một trong những lựa chọn quan trọng nhất cuộc đời của mình, và chắc hẳn nhiều bạn cũng đang băn khoăn không biết chọn trường nào. Mình muốn chia sẻ một số kinh nghiệm của mình trong việc chọn trường, vì bản thân mình cũng đã trải qua việc này, và mình cũng đã giúp nhiều bạn khác chọn trường.
(Các bạn lưu ý, bài viết này bàn về vấn đề chọn trường sau khi đã nhận được kết quả. Về việc chọn trường khi bạn mới bắt đầu quá trình lên kế hoạch đi Mỹ, mình sẽ sớm có một bài viết khác nhé.)
Có rất nhiều tiêu chí mà chúng ta cần cân nhắc khi chọn trường. Đặc biệt là khi đứng từ góc độ của một du học sinh Việt, có những khía cạnh mà chúng ta phải suy nghĩ đến mà học sinh Mỹ không phải quan tâm, và ngược lại có những thứ học sinh Mỹ quan tâm mà lại không phải là vấn đề với chúng ta. Vì thế, mình sẽ bàn về những tiêu chí mà mình cho rằng quan trọng với đa số du học sinh Việt Nam. Mình sẽ không xếp hạng các tiêu chí này – tuỳ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi bạn mà sẽ có bạn coi trọng cái này hơn cái khác.


Tài chính

Có lẽ đây là một trong các tiêu chí sống còn của nhiều bạn. Nếu mà mình còn không đủ tiền để trả thì làm sao mà đi được Mỹ? Đương nhiên, nếu bạn chỉ có một trường nằm trong khả năng chi trả, thì bạn cũng không có nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, nếu bạn có nhiều hơn một trường nằm trong khả năng chi trả, thì bạn nên xem xét những yếu tố khác hơn. Chúng ta cùng làm một ví dụ: 
Bạn được 2 trường A và B nhận, gia đình của bạn có thể trả được $25,000/năm. Vì nhiều yếu tố khác, bạn cho rằng trường A phù hợp với bạn hơn trường B. Chi phí bạn sẽ phải trả cho trường A là $25,000/năm, cho trường B là $15,000/năm. Mặc dù trường B rẻ hơn trường A rất nhiều, trường A vẫn nằm trong khả năng chi trả của bạn. Vì trường A tốt hơn cho bạn về nhiều mặt khác, mình sẽ khuyên bạn vẫn chọn trường A.

Thời tiết

Có lý do mà rất nhiều người Việt nhập cư thích sống ở bang California, Texas hay các bang khác ở miền Nam nước Mỹ. Với người Việt đã quen khí hậu nhiệt đới, việc sống ở các vùng lạnh có thể gây ra nhiều ốm đau hay dị ứng thời tiết phiền toái. Chưa kể, tuyết vào mùa đông cũng gây ra nhiều vấn đề khác. Khi mình còn sống ở New Jersey, mình đã từng mất 8 tiếng để lái xe đi làm về nhà vì bị tắc đường do bão tuyết. Thực ra thì đó cũng là trường hợp hy hữu, vì bình thường đường sá sẽ được rải muối làm tan tuyết, tuy nhiên thì sự khó chịu của việc đi lại trong trời tuyết là rất thật.
Ngược lại thì, rất nhiều trường đại học nổi tiếng của Mỹ đều tập trung ở vùng Đông Bắc. Do đó, nhiều bạn vẫn bất chấp thời tiết đi học ở các vùng lạnh, và sự thực là các bạn vẫn nhanh chóng làm quen với khí hậu hàn đới. Bản thân mình, lần đầu tiên về Hà Nội vào mùa đông sau 6 năm tận hưởng mùa đông ở Mỹ, vẫn mặc quần đùi áo cộc ra đường (và bị mắng là dở hơi) vì mình đã quá quen với thời tiết lạnh ở bên đó. 
Lời khuyên của mình là, nếu bạn có bệnh hen suyễn chẳng hạn, hay một bệnh nào đó cần tránh thời tiết lạnh, thì chỉ nên chọn các vùng ấm thôi. Các bạn còn lại, nếu như vào được trường rất tốt mà mình thích, thì không nên quá đặt nặng việc thời tiết nóng lạnh nhé.

Gần nhà người thân

Cái này thì dễ hiểu thôi, các bạn có người thân ở bên đó thường hay chọn các trường gần nhà người thân chút, lúc mới sang cũng yên tâm có người chỉ dẫn, đưa đón etc. 

Thành phố (urban), ngoại ô (suburban) hay nông thôn (rural)?

Dưới đây là nhận xét của mình đến từ kinh nghiệm sống và nói chuyện với bạn mình ở Mỹ:
  • Urban: thành phố lớn, đông dân, đời sống phong phú, đi lại thuận tiện
  • Suburban: các thành phố nhỏ và town (thị trấn) gần thành phố lớn; đời sống vẫn tương đối đa dạng; đi ô tô, bus hoặc tàu vào thành phố lớn gần nhất mất tầm 2 tiếng trở xuống tuỳ vào tình hình giao thông
  • Rural: các town nhỏ, đời sống đơn giản, thường không có quá nhiều hàng quán hay hoạt động để chơi mà học sinh tham gia nhiều hoạt động trong khuôn viên campus của trường. Nếu muốn đi lên thành phố chơi hoặc đi mall shopping thì thường phải đi ô tô hoặc đi xe bus khá xa
Theo mình thấy thì các bạn mà sinh ra và lớn lên ở thành phố (Hà Nội, Hồ Chí Minh, etc.) thì thích ở các khu vực urban và suburban hơn. Do nước Mỹ lớn nên việc đi lại là một vấn đề, và ở các khu urban hay suburban thì có thể tránh được việc lệ thuộc vào xe ô tô vì bạn có thể đi bus hoặc tàu được.  

National University (NU) hay Liberal Arts College (LAC)

Đây là một vấn đề muôn thuở của các bạn du học sinh. Cá nhân mình cho rằng không có việc NU tốt hơn hay LAC tốt hơn, mà quan trọng là mục tiêu của bạn khi đi du học Mỹ là gì? Nếu bạn chỉ muốn có việc ngay lập tức sau khi ra trường, mình sẽ khuyên bạn vào các trường NU. Nhưng nếu bạn muốn thật sự được “educated” một cách toàn diện, thì bạn nên cân nhắc LAC nhiều hơn. Đương nhiên không phải tất cả những người học NU ra đều có việc, và những người học LAC ra đều là những nhà tư tưởng lỗi lạc, tuy nhiên đó là xu hướng mà mình nhận thấy. 

Danh tiếng của trường & Đầu ra của ngành

Trừ các trường top đầu, nơi mọi ngành học đều phát triển, thì thường mỗi một trường đại học sẽ nổi tiếng về một số ngành nào đó. Bạn sẽ cần tìm hiểu để biết ngành học của mình ở trường đó có nổi tiếng không? Trường của bạn có phải là focus school của các công ty trong lĩnh vực bạn học không? Ví dụ, Baruch College là một trường nhỏ ở New York City, nhưng chương trình Accounting của họ được đánh giá cao, và các công ty ở khu vực xung quanh đều ưu tiên tuyển nhân viên kế toán từ đó – đó được gọi là focus school. 

Hỗ trợ tìm việc cho học sinh quốc tế

Việc tìm hiểu các chương trình thực tập cho học sinh quốc tế (OPT, CPT) hay được công ty tài trợ visa để đi làm (H1B) là khá tốn thời gian và công sức. Nếu Trung tâm hỗ trợ Việc làm (Career Center) của trường bạn theo học có kinh nghiệm giúp học sinh quốc tế xin thực tập và công việc, bạn sẽ giảm được phần nào gánh nặng này.

Môi trường học tập

Bạn thích lớp học lớn hay nhỏ? Bạn có đặc biệt thích một giáo sư nào ở trường không? Thư viện có đủ lớn để phục vụ nhu cầu tra cứu? Đây là một số câu hỏi để giúp bạn bắt đầu suy nghĩ về môi trường học tập ở các trường đại học.

Hoạt động ngoại khoá

Các trường đại học đều cố gắng tạo cơ hội cho học sinh tham gia nhiều lựa chọn hoạt động ngoại khoá khác nhau. Có những bạn rất năng nổ tham gia vào hội người Việt, và leo lên làm trong ban quản lý, thậm chí trở thành chủ tịch hoặc phó chủ tịch. Có những bạn tham gia vào câu lạc bộ Đầu tư. Có những bạn thích đi xem đội bóng của trường thi đấu và đi quẩy sau đó. Mình nghĩ điều quan trọng là tìm được một trường có đủ nhiều hoạt động khác nhau để bạn tham gia thử, từ đó tìm ra một hoạt động bạn thích và gắn bó lâu dài.

Du học nước khác

Đi du học Mỹ cũng là đi học đại học, và trải nghiệm sinh viên là bao gồm cả việc đi du lịch khám phá. Nếu bạn có điều kiện, thì tại sao lại không khám phá thêm các đất nước khác đúng không? Nhiều trường đại học ở Mỹ có chương trình học ngắn hạn, cho phép bạn vẫn học chương trình của trường nhưng ở các nước châu Âu hay châu Á khác, giúp cho bạn vẫn hoàn thành chương trình học trong lúc đi khám phá những đất nước mới.

Học sinh đa dạng 

Nước Mỹ là nơi hội tụ những người đến từ khắp nơi trên thế giới, và đây là cơ hội cho bạn tìm hiểu những nền văn hoá khác nhau. Mình luôn khuyến khích các bạn học ở những trường có học sinh đa dạng để mở mang hiểu biết của mình.


Trên đây là những tiêu chí mà mình cho rằng các bạn du học sinh Việt Nam nên cân nhắc khi chọn trường ở Mỹ. Các bạn nên xếp hạng các tiêu chí này theo tầm quan trọng với các bạn, và sau đó so sánh giữa các trường theo bảng xếp hạng đó. Ngoài ra, không phải thông tin nào tìm hiểu trên mạng cũng chính xác, thế nên các bạn hãy chăm tìm những anh chị du học sinh khoá trước ở các trường mà bạn quan tâm để hỏi kinh nghiệm cũng như là xin feedback nhé.

Bài gốc được mình viết và đăng trên trang MoraNow: https://moranow.com/chon-truong-o-my-sau-khi-co-ket-qua-tuyen-sinh/