"Simplicity is the best" là câu nói mà thầy đúc kết sau một buổi học, rằng vấn đề phức tạp tới đâu thì cốt lõi vẫn xuất phát từ những điều cơ bản nhất, tìm về điều cơ bản nhất, đơn giản nhất đó để tìm cách giải.
Một người anh của mình đã ăn chay trong một thời gian dài, và mình đã từng thắc mắc hỏi anh rằng nếu anh ăn chay như vậy thì cuộc sống đại học chung với những người bạn ăn mặn thì anh đã làm gì? Anh trả lời như vậy: Anh thành bếp trưởng của cả phòng luôn, nên có khi tới 70% thời gian mọi người ăn chay cùng anh luôn, cũng hay là mọi người ở phòng anh không câu nệ việc ăn uống lắm.
Thật ra mình thì lại trái ngược lại, mình là đứa khá "câu nệ" việc ăn uống. Nói đơn giản thì vì mình yêu thích việc nấu ăn, món ăn nên mình cũng làm "phức tạp" hơn đối với việc ăn uống.
Thay vì ăn mì tôm hộp, mình sẽ chọn nấu trên bếp dù rằng nó rườm rà hơn bởi vì sợi mì nấu trên bếp sẽ mềm hơn, thay vì ăn bánh luôn ở gói, mình sẽ bày ra đĩa xinh xắn nào đó, thay vì cắt sẵn luôn cho tiện, mình thích vừa dùng dao vừa cắt từng miếng nhỏ trong lúc ăn, thay vì ngồi trong bếp ăn, mình thích mặc một cái tạp dề, cắm vài bông hoa, và mang đĩa thức ăn ra ban công ngồi vừa ngắm cảnh, hít thở mùi thiên nhiên và tận hưởng món ăn.Và khi chọn sự phức tạp đó, mình hạnh phúc.
Mình lúc đó không chỉ là tận hưởng món ăn đơn thuần nữa, mà là tận hưởng khoảng thời gian thư giãn một mình.
Lúc mặc tạp dề, mình tận hưởng một phiên bản nhẹ nhàng của bản thân, lúc cắm hoa, mình chào phần nghệ thuật trong mình, lúc ngồi ngắm cây, ngắm trời, mình biết ơn vì mình còn sống, còn khỏe để được ngắm những điều nhỏ bé mà trân quý này, lúc mình cầm lấy chiếc đĩa, mình lại nhớ lại kỉ niệm mình đã mua nó ở đâu, chọn nó kĩ lưỡng thế nào,...mình chọn sự phức tạp, chọn tốn thời gian bởi mình muốn ở lại với cảm giác thư thái, thảnh thơi làm điều mình thích lâu hơn dù chỉ một chút.
Và mình cũng tin rằng, ai cũng sẽ có những lúc thay vì chọn sự đơn giản, tiện lợi để lựa chọn sự phức tạp, rườm rà và thấy hạnh phúc với quyết định đó.