Trong cuốn sách ‘Cứ đi để lối thành đường’ của cô Phoenix Hồ, cô đã viết: hướng nghiệp là một hành trình tìm kiếm, chọn lựa không ngừng, không chỉ là chọn lựa một lần, và cũng không có chọn lựa duy nhất đúng. 
Nói nôm na dễ hiểu là, những gì mà ta quyết định hiện tại có thể sẽ rất rất khác vào thời điểm một vài năm sau đó. Nếu ta không hiểu được vấn đề này khi chọn công việc, rất dễ bị hoang mang lo lắng.
Lấy ví dụ từ chính bản thân mình. Hồi cấp 3 mình thích vọc máy tính nên quyết định sẽ theo ngành IT. Lên đại học mình thấy bản thân khá sáng tạo, dự kiến tốt nghiệp xong sẽ vào làm trong một agency quảng cáo. Tốt nghiệp rồi thì mỗi thời điểm mình lại thích một thứ. Có lúc thích làm Marketing, có lúc thích làm trong hãng phim, có lúc thích quản lý nhà hàng, bây giờ thì đang ổn định với công việc giáo dục hướng nghiệp và phát triển bản thân.
Vậy vì sao hướng nghiệp lại thay đổi không ngừng và không có đáp án nào là duy nhất?
Điều đầu tiên là sự phát triển của công nghệ. Nhờ công nghệ mà chúng ta có một đống công việc mới để chọn. Lấy ví dụ 10 năm trước, chắc gì có ai đã biết đến các vị trí như SEO Specialist, Digital Marketing Executive hay tương tự. Và 10 năm tiếp theo, ai biết sẽ có thêm loại công việc gì mới?
Điều thứ hai khiến cho việc chọn ngành chọn nghề không cố định đó là thị trường việc làm nhiều lựa chọn. Nếu như ngày xưa ba mẹ chúng mình cứ tốt nghiệp kinh tế thì vào làm ngân hàng, tốt nghiệp sư phạm thì đi làm giáo viên, bây giờ chúng ta có vô vàn lựa chọn khác. Nhờ các công ty tư nhân và tập đoàn đa quốc gia mọc lên như nấm, chúng mình chọn nghề không còn bị quá bó buộc vào ngành học. Mình có nhiều bạn học kế toán nhưng sau vẫn ra làm quảng cáo. Có bạn học sư phạm bây giờ đang làm tổ chức sự kiện. Học ngành gì bây giờ không còn quá quan trọng bằng việc chúng ta có kĩ năng gì.
Vậy nên trong những năm đại học, và bây giờ khi có điều kiện chia sẻ lại với các em vẫn còn đi học, mình luôn nói rằng: đừng cố cày cuốc để được điểm cao. Hay dành thời gian trau dồi thêm những kĩ năng thực tế, học cách làm việc được dưới áp lực, học ngoại ngữ, học cách thích ứng với các môi trường làm việc khác nhau, học cách học. Cuối cùng là học thế nào để hiểu thật rõ về bản thân. Điểm mạnh của mình là gì, điểm yếu của mình ở đâu, mình nên tương tác với những người như thế nào, mình cần tham gia hoạt động gì để phát triển? Có hiểu rõ bản thân mới giúp ta tiết kiệm thời gian và công sức chọn được một công việc phù hợp.
Ví dụ khi mình học RMIT, mình rất chăm tham gia các CLB. Có CLB mình làm thiết kế, có CLB mình đi xin tài trợ, có nơi thì mình làm truyền thông. Nhờ tham gia tùm lum cả mà đến khi tốt nghiệp rồi mình biết là mình thích các công việc liên quan đến giúp đỡ người khác. Với mình đại học là quãng đường để trải nghiệm, chẳng may ta có lỗi lầm gì, cũng không tan cửa nát nhà như khi đã lớn đâu. Nên hãy thử, đừng ngại.
Và như cô Phoenix đã nói trong cuốn sách, khi ta 18+ và muốn chứng tỏ cho ba mẹ biết mình đã lớn, muốn độc lập, hãy tự biết chịu trách nhiệm cho quyết định của bản thân. Khi ta quyết định theo học một ngành, tham gia một hoạt động, nó có thể rất hợp với ta, khiến ta rất vui vẻ, hoặc ngược lại chán chết. Nhưng không vì thế mà ta nản, ta bỏ cuộc, ta đổ lỗi. Điều cần làm là ta dành thời gian phân tích xem quyết định đó có gì tốt, có gì chưa tốt. Từ những cái chưa tốt ta sửa chữa, khắc phục để có những quyết định tốt hơn lần sau.
Ví dụ ban đầu mình thích IT vì mình nghĩ mình giỏi máy tính. Nhưng sau đó mình quyết định không học IT nữa vì khi đi tham khảo từ các anh chị đang làm IT thì thấy mình không hợp với môi trường khô khan, đầy toán học của IT. Đến khi vào đại học, mình quyết định học Truyền thông rất mới chứ không học Quản trị kinh doanh như mọi người khác. Tuy bây giờ có không làm trực tiếp cho công việc truyền thông, nhưng những kiến thức về truyền thông mình học được cũng đã giúp ích cho mình rất nhiều trong mảng giáo dục. Mình tin là mỗi quyết định dù đúng hay chưa đúng lắm, đều giúp mình tiến thêm vài bước.
Chúc các bạn một ngày thật vui.
Mọi câu hỏi về nghề nghiệp có thể comment tại đây hoặc email cho mình tới [email protected]. Mình sẽ phản hồi lại tất cả các mail được gửi đến.