Mấu chốt của việc hướng nghiệp hay chọn đúng công việc, đó là phải xác định lại bạn giỏi nhất cái gì và điều bạn giỏi đó khiến bạn cảm thấy hạnh phúc hay không, đó là kiểu niềm vui một cách lâu dài trong quá trình ngồi trên ghế nhà trường hay đi làm của bạn, chứ không phải là những niềm vui nhất thời. Vì chúng có thể đẩy bạn đến bờ vực vực thẳm của sự thất vọng.
Chắc hẳn, bạn đã từng có lần đọc ở đâu đó nhiều bài báo hay xem các confession tâm sự như thế này, dù đang làm một công việc với mức lương không đến nỗi nào, thậm chí có thể mức lương rất cao, những người đang ở độ tuổi đi làm trong các công ty hay doanh nghiệp vẫn cảm thấy không hạnh phúc, họ cảm thấy mông lung với sự lựa chọn kia của mình.
Ở bên dưới bài báo, nhiều ý kiến cho rằng, thời buổi kim tiền như hiện nay, tìm được một công việc nuôi sống bản thân mình không phải là chuyện dễ dàng, huống hồ là một công việc phải thật phù hợp với năng lực. Nếu mong cầu có được một công việc mình yêu thích, nhưng đồng thời phải có mức thu nhập thật tốt, liệu ước mong ấy có thực sự khả thi?
Nhưng, vẫn không ít ý kiến bày tỏ sự đồng cảm với nỗi băn khoăn ấy, nếu như vẫn phải tiếp tục duy trì một công việc không thực sự yêu thích, điều đó như một cực hình. Thậm chí, tôi thà thất nghiệp còn hơn phải mỗi sớm mai thức dậy phải canh cánh trong lòng câu hỏi đã kéo dài suốt mấy tháng nay “Liệu tôi có nên nghỉ việc hay không”.
Bình luận đó nằm trong số những bình luận được yêu thích, với số lượt like lên đến gần 3400 lượt.
Có lẽ đó là nỗi niềm chung của nhiều người, lựa chọn giữa cơm áo gạo tiền hay là theo đuổi ước mơ dựa trên sở thích đúng như thời còn trên ghế giảng đường? Thật không dễ dàng gì.
Nỗi niềm chọn chọn đúng công việc mình yêu thích không chỉ ở các bạn trẻ, mà còn xuất hiện ở những người đang đi làm/ Ảnh: CareerPrep – Tâm sự chuyện nghề
Nỗi niềm chọn chọn đúng công việc mình yêu thích không chỉ ở các bạn trẻ, mà còn xuất hiện ở những người đang đi làm/ Ảnh: CareerPrep – Tâm sự chuyện nghề
Bạn thấy điều này rất quen thuộc không?
Một vấn đề mà tôi nhận thấy rất rõ hiện nay, đó là công tác hướng nghiệp cho học sinh còn…rất thiếu và yếu. Nhớ lại khi còn học lớp 12 năm 2007, thời điểm đăng ký hồ sơ xét tuyển CD-DH, không hiểu vì sao những người bạn của tôi, ai cũng thích ngành Tài chính ngân hàng. Khi ngẫm lại, mặc dù thời điểm ấy, mặc dù chúng tôi còn rất mơ hồ về Tài chính ngân hàng, ví dụ sẽ ngành này sẽ được đào tạo như thế nào, sau này hoàn thành xong chương trình sẽ làm gì, cơ hội thăng tiến ra sao…nhưng cả đám bạn chúng tôi khi đó vẫn ghi số 406 ( mã ngành TCNH ở thời điểm đó) vào hồ sơ, chỉ vì cho rằng, học xong sẽ ra làm ở ngân hàng. Chỉ có thế.
Một điều rất kỳ lạ, đó là xuyên suốt thời gian từ khi tôi còn học lớp 12 cho đến tận bây giờ. Năm nào, các chương trình hướng nghiệp xuất hiện rất nhiều trên truyền hình, thậm chí về tận trường học, ngược lại, nỗi bận tâm chọn ngành chọn nghề không bao giờ chấm dứt, để rồi bước chân vào cánh cổng giảng đường, nhiều bạn trở nên hối hận, muốn bỏ cuộc và kể cả dừng lại vì cảm thấy…không hợp. Nói không xa, trước đó không ít bạn cảm thấy rất hào hứng với ngành nghề mà các bạn đã đăng ký dự tuyển ấy.
Vấn đề nằm ở thời thơ ấu của chúng ta
Đây có lẽ được xem là nguyên nhân phổ biến nhất khi câu chuyện mang tên hướng nghiệp vẫn chưa được giải quyết triệt để, làm thế nào để giúp cho các bạn học sinh cảm thấy tự tin hơn trước khi bước lên chuyến tàu mang tên hướng tới tương lai.
Cũng thời điểm ấy, người chọn ngành nghề cho chúng tôi không phải là bản thân chúng tôi, mà là bố mẹ, người thân định hướng hoặc quyết định thay cho chúng tôi.
“Con nên thi vào bác sĩ đa khoa, mai mốt tốt nghiệp ra làm bác sĩ cho ổn định.
Con nên thi vào kế toán, vì nhu cầu thị trường đang rất cần.
Cháu nên thi vào quản trị kinh doanh, nhà bác có đứa con giờ đang làm cho doanh nghiệp nước ngoài lương cao lắm…”
Thế là đứng giữa muôn vàn sự lựa chọn và lời khuyên, rút cuộc, chúng tôi vẫn rất “run rẩy” khi quyết định chọn ngành nghề thế nào cho phù hợp. Muôn vàn sự lựa chọn xuất hiện trong tâm trí chúng tôi, bác sĩ, y tá, quản trị kinh doanh, ngoại ngữ hay du học? Dưới sức ép của thời gian khi sắp hết hạn nộp hồ sơ, chúng tôi đành chọn một ngành nghề liên quan nhất đến các môn học. Chẳng hạn như ai giỏi toán lý hóa thì thi khối A, giỏi Hóa sinh thi khối B, giỏi văn sử thi khối C, giỏi ngoại ngữ thi khối D…..
Nhưng cách đó chỉ là tạm trốn tránh cho áp lực chọn nghề nghiệp, trước mắt chúng tôi sẽ chọn khối, sau đó dựa vào khối thì sẽ chọn ngành nghề sau, dù biết ngành nghề đào tạo theo khối vẫn khiến chúng tôi còn mông lung.
Tiếp tục theo dõi các chương trình hướng nghiệp hàng năm, kể cả về trường tham dự trực tiếp hoặc theo dõi trực tuyến qua mạng xã hội, nhưng gần như vấn đề hướng nghiệp cũng chưa thực sự sâu sát. Điểm chung của các chương trình này hầu như chỉ tập trung giới thiệu cho các bạn biết được ngành nghề nào xã hội đang cần, nhân lực ngành nào đang hot, điểm chuẩn các năm của các trường dao động thế nào.
Tuyệt nhiên, những người làm công tác giáo dục chưa đưa ra được câu trả lời giúp các bạn tìm ra mình thực sự giỏi về điều gì. Thành thử sau buổi chia sẻ hướng nghiệp kia, có lẽ các bạn cũng chỉ theo trào lưu xã hội, theo sự công nhận ngành nghề của xã hội, bởi lẽ, cứ cho rằng ngành nghề ấy đang rất hot, nhưng điều gì xảy ra nếu tư chất của các bạn học sinh ấy không hợp nghề này mà hợp với nghề khác thì sao?
Sự rối rắm của các chương trình chọn nghề nghiệp
Sau khi ra trường, tôi đã từng tham dự một số buổi phỏng vấn trong một số công ty. Người làm nhân sự sẽ phát cho ứng viên một tờ giấy trắc nghiệm tính cách MBTI. Sau đó phòng nhân sự sẽ dựa vào đó để xem xét liệu ứng viên có thể đáp ứng được yêu cầu công việc hay không. Chẳng hạn như, nếu bạn hoạt ngôn năng động thì bạn sẽ hợp với các vị trí như sales, marketing, MC hoạt náo; ngược lại nếu bạn không giỏi thuyết trình hay giao tiếp thì lắm lúc bạn sẽ bị đánh giá là không phù hợp cho công việc đó.
Do đó để không bị mông lung trong việc chọn ngành nghề học tập, không phải là chạy theo xã hội đang cần gì hay ngành nghề nào đang hot nhất hiện nay, vì có thể nhiều bạn sinh ra không hợp cho ngành nghề ấy, dù bạn có đủ điều kiện và thời gian học tập, thì cuối cùng bạn cũng nhận ra mình không theo nổi, thậm chí là bỏ cuộc.
Mấu chốt của việc hướng nghiệp, đó là phải xác định lại bạn giỏi nhất cái gì và điều bạn giỏi đó khiến bạn cảm thấy hạnh phúc hay không. Hay nói cách khác, bạn đang cảm thấy điều gì khiến bạn cảm thấy là chính mình nhất một cách lâu dài trong quá trình ngồi trên ghế nhà trường của bạn, chứ không phải là những niềm vui nhất thời. Vì chúng có thể đẩy bạn đến bờ vực vực thẳm của sự thất vọng.
Chẳng hạn, một bạn học sinh có tên là A. Sau khi một số người đã dành lời khen cho các bức tranh của mình, cậu ta cho rằng niềm đam mê thực sự của mình là nghệ thuật. Sau đó cậu ta tưởng tượng ra các loại hình nghề nghiệp mà có thể có như là một nghệ sĩ và những người sẽ ca ngợi mình vì thành quả đó. Mặc dù đã có một khởi đầu thú vị trong việc học cách trở thành một nghệ sĩ, cậu ta đăng ký vào trường vẽ, nhưng ngay khi nhận ra rằng vẽ tranh và bán tác phẩm thật quá khó, cậu ta dần dần mất hứng thú và tìm kiếm cái gì mới để làm. Và có vẻ như điều này đang xảy ra với rất nhiều người.
Câu hỏi chọn ngành mình “đam mê” hay ngành xã hội có nhu cầu, lương cao cũng là câu hỏi mình mới đưa ra tọa đàm với các doanh nghiệp. Dù gì thì khi tư vấn hướng nghiệp, ít nhiều người tư vấn cũng bị thiên về ngành nghề của người ta. Mặt khác, lại không có ai đủ trải nghiệm tất cả các ngành nghề để đưa ra tư vấn một cách hoàn toàn khách quan. Định hướng nghề nghiệp khó nhất là với nhóm tầm trung và yếu khi đi học, vì các bạn nổi trội hơn thường dễ xác định năng lực hơn. Cách đào tạo “giỏi toàn diện” làm nhiều học sinh mông lung không xác định được sở trường và cái mình thích. Cái khó nhất để quyết định là người đi học rất khó hình dung được chính xác môi trường làm việc sau này sẽ thế nào và quá trình “thử nghiệm và sai lầm” sau khi ra trường nhiều khi là bi thương.
Họ có thể không theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật, nhưng họ lại đang theo đuổi những mục tiêu khác ban đầu họ muốn nhưng lại thấy khó chịu nếu cứ tiếp tục theo đuổi. Bất cứ điều gì bạn tin tưởng về niềm đam mê, cơ hội thì có vẻ như bạn đang hơi sai sai và nên ném tất cả những ý tưởng đó vào sọt rác.
Câu chuyện trên cũng minh họa cho lý do vì sao nhiều bạn nhanh chóng nhận ra rằng ngành mình học trên thực tế lại rất khác so với tưởng tượng.
Làm thế nào tôi có thể xác định được điều khiến tôi giỏi nhất và hạnh phúc nhất?
Hãy nhớ lại một chút thời thơ ấu của bạn.
Bạn là người có tính cách như thế nào? Bạn thích làm điều gì khiến bạn vui vẻ nhất? Bạn cảm thấy hạnh phúc nhất trong trường hợp nào?
Có thể đó là những lần bạn viết một đoạn văn và được thầy cô giáo khen trước mặt bạn bè, cũng có thể là những lần bạn kể một câu chuyện cười khiến mọi người xung quanh thích thú, hoặc cũng có thể là những lần bạn nấu ăn cho cả nhà và được người thân khen rất ngon, hoặc khả năng thể thao của bạn khiến ai nấy đều trầm trồ khen ngợi.
Nhưng đừng vội nghĩ đến những điều sâu xa hơn, hãy cố gắng giữ được niềm hạnh phúc yêu thích đó ở thời điểm hiện tại từ những gì bạn đang làm được. Nếu bạn có khả năng nấu được những món ăn ngon, khoan hãy vội nghĩ đến việc mở một nhà hàng 5 sao đẳng cấp. Nếu bạn có khả năng lập trình những đoạn mã nguồn máy tính, đừng vội nghĩ đến những ý tưởng phần mềm, hệ điều hành độc quyền đáng giá hàng tỷ đồng.
Đừng vội nghĩ đến những ý tưởng phần mềm, hệ điều hành độc quyền đáng giá hàng tỷ đồng khi bạn đang có sở thích, đam mê lập trình/ Ảnh: Annie Spratt Unsplash
Đừng vội nghĩ đến những ý tưởng phần mềm, hệ điều hành độc quyền đáng giá hàng tỷ đồng khi bạn đang có sở thích, đam mê lập trình/ Ảnh: Annie Spratt Unsplash
Lúc này, điều tốt nhất là bạn nên tập trung cho việc làm thế nào để cải thiện món ăn trở nên ngon và thẩm mĩ hơn, hoặc trau dồi thêm khả năng thuật toán và kiến thức lập trình máy tính nhiều hơn. Hãy đảm bảo rằng, những gì bạn làm đang khiến bạn cảm thấy thực sự khiến bạn có sự hào hứng với chúng.
Dù cho là viết lách, nấu ăn hay khả năng thuyết trình, hãy cố gắng duy trì điều đó càng lâu càng tốt, nhưng điều kiện tiên quyết là bạn làm điều đó vì nó khiến bạn vui vẻ và hạnh phúc, chứ không phải là khiến người khác vui vẻ và dành lấy sự chú ý từ phía họ.
Lựa chọn cẩn thận hơn khi bước chân vào cánh cổng giảng đường
Kể cả xác định được bạn giỏi và hợp vào nghề nào trước khi đăng ký hồ sơ dự tuyển đại học cao đẳng, bước chân vào giảng đường cũng không hề giúp bạn hoàn toàn xác định được bạn sẽ ổn định ở một nghề sau khi tốt nghiệp. Lúc này, trong hàng ngàn sinh viên cùng khóa với bạn, chắc chắn sẽ có không ít trường hợp có khả năng giống bạn : giỏi thuyết trình, giỏi khả năng lãnh đạo, giỏi nấu ăn, giỏi ngoại ngữ… Vì thế, điều này sẽ gây ra cho bạn sự choáng ngợp và bạn càng ngày càng khó khăn hơn trong vấn đề xác định nghề nghiệp tương lai.
Ở các trường đại học thường có rất nhiều câu lạc bộ, mỗi câu lạc bộ hướng đến một tiêu chí khác nhau. Hãy dành chút thời gian tìm hiểu và cố gắng tham gia một câu lạc bộ phù hợp nhất với tính cách của bạn và khả năng bạn đang muốn khám phá.
Trong thuật ngữ lập trình, người ta hay nói về front-end và back-end. Nói theo lối ví von, front-end là những người “tiền tuyến” có tính cách hoạt ngôn, năng động, thích làm thương hiệu cá nhân, thích giao tiếp và thích xuất hiện trước mọi người. Backend là những người “hậu phương” có tính cách trầm lặng, không thích giao tiếp, không thích làm thương hiệu cá nhân, không thích chường mặt ra xã hội.
Khi kết hợp tích cách của bạn và thứ bạn rất am hiểu một cách hài hòa, cùng với kỹ năng phù hợp, bạn ngày càng dễ dàng xác định được “nghề và nghiệp” của bản thân.
Một khả năng mà bạn cho là mình rất giỏi và am hiểu thường sẽ có rất nhiều lựa chọn khác nhau. Ví dụ khi bạn tự tin về khả năng nhiếp ảnh, nếu bạn là người trầm tính và không muốn giao tiếp nhiều, bạn có thể sáng lập một blog để chia sẻ kinh nghiệm chọn, mua bán máy ảnh, các phương pháp chia sẻ chụp ảnh đẹp, khi lượng truy cập tăng lên, bạn trở nên nổi tiếng thì việc kiếm tiền từ đó sẽ không khó; nhưng nếu bạn là người thích giao thiệp, có khả năng lôi cuốn người khác qua giọng nói cử chỉ, thích làm thương hiệu cá nhân thì lập kênh Youtube video chia sẻ sẽ rất phù hợp. Nói cách khác, một sự lựa chọn về ngành học thường sẽ có rất nhiều ngã rẽ khác nhau, chớ nên đi theo lối mòn của người khác đã đặt ra.
Một vấn đề mà mọi người đang mắc phải họ chỉ được phép có một niềm đam mê để phát triển nghề nghiệp. Nếu họ thích yêu ngành sư phạm thì con đường sự nghiệp chính mà họ có thể thấy mình tham gia là trở thành giảng viên hoặc giáo viên. Hãy lưu ý, khi bó buộc lại trong một sự lựa chọn thì tự chúng ta càng bó buộc lại tương lai của mình.
Cách đúng đắn để khám phá niềm đam mê của bạn là biết bạn có thế mạnh về cái gì và kết hợp các kỹ năng sẵn có với nhau. Cho dù điểm mạnh của bạn liên quan đến nghệ thuật, hài hước, tích cực, viết lách, hoặc bất cứ điều gì tạo nên BẠN, thì hãy nhớ kết hợp chúng lại với nhau để tạo ra một thứ mà bạn không bao giờ biết là chúng đã tồn tại.
Nhưng nếu không biết mình giỏi nhất về cái gì, tôi phải làm sao?
Đây có lẽ là câu hỏi khó trả lời nhất, đó sẽ là niềm may mắn nếu bạn xác định được mình yêu thích cái gì và giỏi điều gì, nhưng không phải ai cũng có được may mắn đấy. Hầu hết các bạn học sinh trong buổi chia sẻ hướng nghiệp đều cảm thấy mơ hồ nếu được hỏi “Bạn giỏi nhất lĩnh vực nào”.
Nhưng, bởi vì chúng ta đã dạy hầu hết mọi người tập trung vào các kỹ năng, có rất nhiều người không thể xác định những gì họ thích – các em quá quẫn trí về việc không “giỏi” bất cứ điều gì.
Ở khía cạnh nhất định, không có nghĩa là câu hỏi ấy không tìm ra được câu trả lời. Sự thật là mọi người đều giỏi trong nhiều việc, nhưng họ vẫn cảm thấy bối rối về công việc đã không xác định được những gì họ thích và cần. Ví dụ, một số trong số họ có thể thực sự giỏi trong việc làm bánh, nấu ăn, viết lách… nhưng họ thực sự ghét làm điều đó, vì vậy đó không phải là kỹ năng.
Vì vậy, có lẽ chúng ta bắt đầu với những gì học sinh thích làm hoặc những gì đã thích trong quá khứ, với sự hiểu biết rằng nếu thích điều gì đó, các em có nhiều khả năng sẵn sàng dành thời gian và nỗ lực để làm tốt nó.
Những câu hỏi sau đây có thể được xem là gợi ý
Bạn thích làm gì khi còn trẻ?
Bạn đang tham gia các hoạt động nào khiến bạn cảm thấy là chính mình nhất?
Nếu trúng vé số, bạn có từ bỏ việc mình đang làm?
Cẩn thận với những thứ được gọi là đam mê
Trên mạng, bạn có thể thấy đầy rẫy những câu nói truyền cảm hứng như 
Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn.
Nhưng có một phiên bản hoàn toàn trái ngược mang tính cảnh báo rằng, 
Đừng theo đuổi đam mê, nợ nần sẽ theo đuổi bạn.
Mặc dù bạn biết thế mạnh của mình là gì, nhưng thực tế không phải khi nào cũng ủng hộ ước mơ ấy của bạn. Luôn cân nhắc bạn đang giỏi về cái gì và kỳ vọng thực tế. Đam mê được xem là ngọn lửa giúp bạn có thể đi xa hơn và theo đuổi ước mơ ấy đến cùng. Hãy cẩn thận, con đường đam mê rất dài vô tận, bạn nên dành thời gian xem xét đến thực lực của bạn có thể duy trì được bao lâu và chuyển đổi từ tưởng tượng thành hiện thực như thế nào mới là điều đáng lưu tâm.
Bạn có thể gặp phải sự phản đối của bạn bè, cha mẹ, thầy cô, người thân hoặc bất kỳ một ai đó khi bạn tâm sự. Có người sẽ vượt qua được nhưng đa số người ta đành ngậm ngùi tạm gác ước mơ sang một bên để chọn điều thực tế hơn.
Nói như vậy không có nghĩa, bạn nên gác hết mọi sở thích hay đam mê của bạn, điều đầu tiên là cố gắng xác định điều bạn đang theo đuổi có thực sự thực tế hay không, bạn có nguồn lực nào để tìm hiểu hay trau dồi không, thứ hai là bạn nhờ người có sự am hiểu chẳng hạn như thầy cô, chuyên viên tâm lý học học đường để giúp bạn xác định lại tính cách đâu mới là phù hợp với ngành nghề bạn sẽ theo đuổi.