“Bài viết là bản chỉnh sửa từ một chia sẻ trên blog của mình cách đây 3 năm - khi mình đang còn là một sinh viên Đại học. Dù đã chỉnh sửa nhưng nội dung bài viết vẫn theo văn phong, suy nghĩ của một sinh viên đang còn ngồi trên giảng đường, ý kiến của trong bài viết có phần đúng có phần sai, không áp đặt và phán xét bất cứ điều gì. Mong bài viết được đón nhận như một chia sẻ và nhận lại phản hồi đóng góp tích cực”.
Kì thi Đại học vừa kết thúc, có lẽ giờ này các sĩ tử và gia đình đang hồi hộp mong ngóng, chờ kết quả. Kết thúc những ngày có thể là quan trọng nhất trong cuộc đời, có những niềm vui, những nỗi buồn, sự lo lắng hay có cả những giọt nước mắt đã rơi sau cánh cổng trường thi. Quy chế tuyển sinh Đại học mới đã mang đến nhiều hơn những cơ hội cho tất cả các sĩ tử đến với cánh cổng trường Đại học, nhưng liệu rằng đây có phải là con dao hai lưỡi khi các bạn có quá nhiều sự lựa chọn và không quá áp lực phải đặt chân vào môi trường mơ ước. Đại học là bước ngoặc lớn với cuộc đời, vì vậy, việc lựa chọn ngành học, trường học khi vào Đại học chưa bao giờ là một quyết định dễ dàng với mỗi sĩ tử và gia đình. Theo cá nhân mình, việc chọn ngành học là việc đi tìm lời giải cho một bài toán mà trong đó chọn được một ngành học tốt nhất khi nó là phần chung giữa các tập hợp bao gồm: Sở thích - đam mê, khả năng bản thân, hoàn cảnh gia đình, xu hướng của xã hội,.... Nhưng không phải ai cũng may mắn để tìm được một phần giao tuyệt vời như vậy. Và nếu không may mắn, những tập hợp của bạn không có phần chung với nhau thì nó phụ thuộc hoàn toàn ở cá nhân mỗi người, phụ thuộc quan điểm, và cách mà bạn đánh trọng số cho mỗi tập hợp của riêng mình. Nếu bạn cá tính - bạn sẽ có xu hướng chọn theo sở thích đam mê, bạn là người thực dụng - bạn sẽ chọn xu hướng xã hội, bạn là con ngoan trò giỏi- bạn chọn nghe theo sắp xếp của gia đình,... Tuy vậy, điều đáng lo ngại nhất hiện nay không phải là bạn không được vào ngành học bản thân và gia đình mong muốn, mà là bạn không biết bản thân mình muốn gì và cần phải làm gì. Có những bạn chỉ chọn ngành học theo số đông mà không hề biết gì về ngành mình học, không biết mình sẽ học gì và có thể làm gì sau khi tốt nghiệp. Điều này có thể làm bạn lạc lối trong tương lai, dẫn bạn đến con đường thất bại. Việc chọn ngành theo số đông ví như việc bạn ùa vào dòng người chen chúc trên đường mà không biết họ đang làm gì và sẽ đi đâu? Rồi khi đến một ngã ba mỗi người sẽ rẽ đi một hướng khác nhau và bạn không có hướng đi riêng của mình. Khi bạn chợt nhận ra mình đã đi sai đường thì rất khó để ngược chiều dòng người đông đúc kia. Lại có những bạn phó mặc hoàn toàn tương lai mình cho cha mẹ quyết định và không chút quan tâm. Và rồi, một ngày không xa, bạn muốn buông bỏ cuộc đời dạt trôi đến đâu hay đến đó, bạn phải học một ngành không phù hợp khả năng và sở thích, bạn chật vật từng ngày trên giảng đường, buông xuôi với các kì thi, rồi chán nản bỏ học hoặc cố lết xác ra trường với đầy thương tích và một cái đầu rỗng tuếch. Điều đó làm cho thanh xuân của bạn ở Đại học đáng lẽ phải thật tươi đẹp trở nên đáng sợ như một cơn ác mộng.
Bách Khoa có cái cổng cong cong - Bên ngoài thầm ước bên trong khóc thầm - Khóc thầm vì những lỗi lầm - Khóc thầm vì đã chọn nhầm Bách Khoa
Bách Khoa có cái cổng cong cong - Bên ngoài thầm ước bên trong khóc thầm - Khóc thầm vì những lỗi lầm - Khóc thầm vì đã chọn nhầm Bách Khoa
Vậy làm sao để có thể nhận thức và tránh những sai lầm khi bắt đầu bước chân vào môi trường Đại học. Khi lựa chọn ngành học, trường học, dù bất cứ ngành nào, trường nào bạn luôn phải luôn tìm hiểu nhiều nhất có thể về ngành học, trường học tương lai. Với cuộc sống trong thời đại 4.0, bạn có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin này trên Internet, từ các group tư vấn trên Facebook, diễn đàn, các blog, hoặc tìm thông tin trên các trang tuyển sinh, các ngày hội tư vấn, tìm hiểu từ gia đình người thân,... Và quan trọng hơn cả là sự tư vấn của những người trong cuộc, các thầy cô nhiều kinh nghiệm trong tổ tư vấn tuyển sinh trường Đại học, các anh chị đang học tập và làm việc,.... Bạn nên cố gắng hỏi kinh nghiệm và thông tin từ những người đang học trong trường đó, ngành đó, và những người đã tốt nghiệp, đi làm để hiểu rõ hơn và có thể hình dung chính xác nhất. Phải tìm hiểu thật nhiều nguồn và nhiều người khác nhau, mỗi người tư vấn luôn có một góc nhìn khác nhau, đôi lúc sẽ có phần thiên vị, ý kiến chủ quan của bản thân mỗi người và bạn phải là người tổng hợp tất cả thông tin đã tiếp nhận được, sau đó đánh giá công bằng, khách quan nhất để đưa ra quyết định cuối cùng cho chính tương lai mình. Mình từng nhận được nhiều câu hỏi từ các em trường cấp 3 về ngành học về môi trường đại học... có thể các em không phải thông minh hay tài năng nhất nhưng các em thật sự đã rất có trách nhiệm với bản thân, với tương lai của mình, điều đó quan trọng và tuyệt vời hơn rất nhiều.

Khi đã lựa chọn được ngành học phù hợp nhất cho bản thân đừng bao giờ giữ trong đầu suy nghĩ so sánh, đánh giá giữa các ngành, các trường và bạn đừng đứng núi này trông núi nọ, mà bạn nên tập trung hoàn toàn vào con đường mình đang đi. Con đường của mỗi người phụ thuộc hoàn toàn vào bản thân chúng ta - không phải gia đình, bạn bè, xã hội hay bất kì ai khác. Để có thể đi đúng con đường, chúng ta cần phải biết mình là ai, mình cần gì và muốn gì? Mỗi người cần tạo cho mình một mục tiêu, một cái đích để luôn hướng tới, để cố gắng và hoàn thiện bản thân. Bạn là người thông minh, tài giỏi, bạn có thể đi thẳng hoặc thậm chí bay đến đích. Khi bạn kém tài năng hơn bạn có thể phải mất nhiều công sức hơn nhưng nếu luôn quyết tâm bạn cũng sẽ đến được đích. Mục tiêu của mỗi người có thể khác nhau trong từng giai đoạn trưởng thành và phụ thuộc môi trường tiếp xúc, nhưng bạn hãy luôn có riêng mình một cái mục tiêu để hướng tới. Việc không có mục tiêu giống như bạn đang đi mà không biết mình đi đâu, bạn “lạc trôi” giữa đại dương và không nhìn thấy tương lai. Tại môi trường đại học, mình từng gặp rất nhiều bạn thông minh, tài năng nhưng lại không có mục tiêu, định hướng tương lại và điều đó dẫn đến các bạn ấy có một kết quả học tập thật tồi tệ, và khi họ nhận ra thì đã muộn, có những bạn đã bị đuổi học, có những bạn buông xuôi, có những bạn lựa chọn thi lại đại học, có những bạn lại phải cố gắng cày cuốc để trả nợ môn hay cải thiện trong khi bạn bè đã đi làm, đi trãi nghiệm hoặc về nghỉ ngơi bên gia đình. Và cái giá các bạn ấy phải trả là thời gian, cái mà tạo hóa đã giới hạn với mỗi người. Hay một câu chuyện không quá xa lạ như Đại học Bách Khoa Hà Nội có năm đuổi học 800 sinh viên, liệu những bạn sinh viên này có phải do năng lực yếu kém mà bị đuổi học. Không! Hoàn toàn không phải! Nếu năng lực yếu thì các bạn đã không thể thi đậu và ngồi đại giảng đường Đại học, tại sao phần lớn sinh viên khác vượt qua được mà các bạn ấy lại không? Nguyên nhân phần lớn là các bạn ấy không có mục tiêu, không định vị bản thân dẫn đển dễ sa ngã mà đánh mất chính mình. Chúng ta đừng vì không có định hướng mà đánh mất tương lai hoặc trả cái giá quá đắt. Tôi luôn tin rằng khi ai đó theo đuổi, luôn cố gắng trong con đường mình chọn sẽ luôn được đền đáp xứng đáng. Khi bạn thật sự giỏi về một lĩnh vực của bạn thì bạn sẽ luôn thành công thôi. Hãy tin tưởng lựa chọn bản thân và hãy cố gắng học tập từng ngày để tốt hơn mình ngày hôm qua.
Và cuối cùng, trong trường hợp xấu, nếu bạn phải chọn một ngành nghề mà bạn không yêu thích thì chúng ta nên cố gắng yêu thích cái mình đã chọn vì bạn chỉ có thể làm tốt nhất thứ mà bạn yêu thích. Mình biết đây là điều không hề dễ dàng, nhưng cũng không phải là không thể làm được. Bạn hãy tìm ra những điểm tương đồng giữa ngành mình học và sở thích để yêu thích nó. Nếu bạn không tìm thấy điểm chung, bạn hãy suy nghĩ về tương bản thân, , hãy nghĩ về lí do mình chọn ngành này và nghĩ về gia đình mà cố gắng thật nhiều.
P/s: Dù học gì hay làm gì điều quan trọng nhất là chúng ta luôn định vị được bản thân, luôn có cho mình mục tiêu để phấn đấu, đừng bao giờ phó mặc tương lai bản thân cho bất cứ ai, hay bất cứ điều gì. Xin chúc các bạn thí sinh năm nay sẽ đậu được nguyện mọng mơ ước và xây dựng nên tương lai tươi đẹp của chính mình. Thân ái!