Chọn cho mình một cuộc chiến
Có một câu nói được truyền tai khá nhiều trên mạng và tôi cũng hay nhắc mình mỗi ngày trong việc cư xử với người khác. "Everyone is...
Có một câu nói được truyền tai khá nhiều trên mạng và tôi cũng hay nhắc mình mỗi ngày trong việc cư xử với người khác. "Everyone is fighting for their own battles. Please remember always to be kind"
Câu sau hơi mô phạm, nhưng tôi luôn thích câu đầu. Thực ra tôi là một người có thể chất yếu ớt (do lười chứ chẳng phải bẩm sinh có mắc bệnh gì), người bủng beo và còn bị tất cả các bệnh của một con dân văn phòng hiện đại là cổ vai gáy, lưng rùa, đau bao tử, mỡ bụng, mỡ đùi, tỷ lệ mỡ luôn nhiều hơn tỷ lệ cơ, đầu thì hay đau nhức, tóm lại là một đại diện đi ngược lại với hình tượng healthy mà số đông đang theo đuổi. Nhưng tôi lại thích xem các trận đấu thể thao đối kháng, như đấm bốc, như trình diễn võ thuật, phần vì tôi luôn yêu thích vẻ đẹp hình thể của con người, sự dẻo dai, sự uyển chuyển, sức mạnh của chuyển động, cơ bắp, phần còn lại, là vì sự khốc liệt, sự bạo lực trên sới đấu là một minh hoạ sống động cho những cuộc đấu tranh riêng tư, hành trình khổ luyện nội tâm của mỗi người.
Việc mình chọn cuộc chiến cho mình nói lên mình là ai nhiều hơn là kết quả của nó.
Có 3 cuộc chiến tôi đọc, xem và trải qua gần đây làm tôi nghiệm ra điều đó.
Một là trân đấu của võ sỹ Mark Potter, ông là nhà quyền anh chuyên nghiệp, đã từng tranh chức vô địch hạng siêu nặng của nước Anh, và đặc biệt nổi tiếng tại London bởi lối đấm bốc cực kỳ dũng cảm, không khoan nhượng. “Cá mập trắng” là biệt danh fans hâm mộ dành cho anh. Đến khi bác sĩ phát hiện anh bị ung thư dạ dày, Mark đành dừng sự nghiệp thể thao đỉnh cao, tuy vậy anh vẫn tiếp tục tham gia vào những trận đấu biểu diễn và tất cả tiền thu được đều dành cho mục đích từ thiện.
Trận đấu đáng nhớ nhất của anh là đối đầu với Danny Mardell – cậu bé này bị bệnh Down. Bởi gia đình của Danny toàn dân chơi boxing nên cậu cũng luyện môn này, và lên đài thách đấu với thần tượng Mark Potter. Mark chấp nhận thi đấu với “The Boss” (biệt danh của cậu bé), và trận đấu đã diễn ra “như thật”, tất nhiên mọi người đều hiểu nó đã diễn ra theo kịch bản của Mark, trừ Danny thì coi đó là trận đánh thực sự, một mất một còn.
Hiển nhiên sức lực và trình độ hai bên quá chênh lệch, nhưng quả thật cậu bé bị Down không hề biết sợ. Mark đã nhường cho Danny giành chiến thắng, nhưng đôi lúc anh cũng nện cho cậu bé vài thụi, để cho cậu hiểu giành được chiến thắng cũng phải đớn đau, vất vả chứ chẳng dễ gì! Cậu bé đã đấm nốc ao Mark, và anh đã diễn như thật để cậu bé Danny cảm nhận được đủ đầy niềm vui của chiến thắng trong thể thao.
Mark mất năm 2022 khi anh 47 tuổi. Người đàn ông đích thực này chỉ chịu thua Danny và bệnh ung thư, kẻ thù nham hiểm và chơi không theo quy luật nào cả.
Như vậy, Mark chọn cho mình một trận chiến với tâm thế là người thua cuộc, nhưng dĩ nhiên tôi, bạn, và tất cả khán giả xem trận đấu giữa Mark và Danny, đều biết rằng, cả 2 đều là người chiến thắng, và Mark, còn là một nhà vô địch tuyệt đối trong cuộc đời ngắn ngủi của anh, giá mà anh có thể sống lâu hơn, chắc có lẽ sẽ có nhiều võ sĩ quyền anh được một lần học bài học thắng/thua với một người võ sư có tầm như anh, được một trải nghiệm có một không hai trong đời mình, như Danny.
Hai là trận đấu của Lệ Dĩnh (Leying) trong phim YOLO tiếng Trung là 热辣滚烫 - A Hot, Spicy, Boiling, Burning Life. Em Dĩnh là một "phế nhân" trong cuộc sống của chính mình và trong mắt những người xung quanh, em mập, lười, không có việc làm và cũng không có mục đích sống, 2/3 bộ phim em trôi nhờ nhờ qua khung hình hẹp nhưng cũng đủ bao quát khu phố nơi em sống, trôi nhờ nhờ giữa những người xung quanh em, họ chưa bao giờ nhìn thấy em, dù em rất bự và dễ thấy. 1/3 thời lượng còn lại, là lúc em bước vào cuộc chiến của đời em, là khi em chọn học và tập luyện đấm bốc, cuối phim, như một cái kết phải-có, em bước lên sàn đấu thật sự, với một võ sư chuyên nghiệp, và em thua sấp mặt, bầm dập, xịt máu mũi, máu mồm, và tơi tả như một con thú nhồi bông cũ bị chủ bỏ dưới cơn mưa. Trong suốt trận đấu của em, khán giả gồm gia đình em, huấn luận viên, crush cũ, hàng xóm, tất cả mọi người từng biết em, thì nay mới "thấy" em một cách rõ ràng, sống động, và...toả sáng hơn bao giờ hết, toả sáng đến mức họ đau mắt, đau lòng, và họ khóc, những giọt nước mắt cho em hoặc cho chính họ.
Khóc cho em vì giờ đây họ mới nhìn thấy được người con, người chị, người tình, người hàng xóm hằng ngày vẫn cứ trôi lững lỡ qua đời họ như chú hà mã lười nhác thực ra là một con người bằng xương bằng thịt, có đủ ngũ quan tứ chi và dĩ nhiên, biết buồn, biết đau, biết tổn thương khi bị xúc phạm, bắt nạt, và ngó lơ như không tồn tại.
Khóc cho họ vì họ thấy em, một người "phế nhân" đang hừng hực sống, cật lực vung tay, thoăn thoắt nhảy né đòn trên sới đấu, họ thấy một cuộc đời thật đáng để sống, một con người thật đáng ngưỡng mộ, và họ nhìn lại cuộc đời bé mọn đáng thương của mình bấy lâu đã vật vờ trong lớp vỏ "tôi tài giỏi hơn, tôi tốt hơn cô ấy", lớp vỏ chưa một lần nứt vỡ, một thân thể chưa bao giờ gồng hết sức mình để đổ thật nhiều mồ hôi, một tâm hồn chưa bao giờ mạnh mẽ để chọn cho mình một cuộc chiến, một sự thoát thai, một lần đổ máu, và...một lần bước ra khỏi trận chiến với tâm thế ngẩng cao đầu của người thất bại.
Tôi đã cười ngoác mồm hầu hết thời gian xem phim, và tôi cũng khóc như con dở ở đoạn cuối phim - đoạn đẹp nhất cuộc đời em Dĩnh nhưng cũng là đoạn tôi thấy buồn nhất, khi em rũ bỏ được số cân nặng ám theo em suốt một quãng thời gian dài, khi em đứng dậy sống tiếp sau cú nhảy lầu thất bại, và, khi em băng lấy gương mặt sưng vêu của mình, từ chối lời mời của người đang ông em từng thương, rồi em chạy về nhà, em vừa chạy vừa tập vung tay, em chạy trên con đường khuya vắng người, ẩm ướt ở chính khu em từng sống. Em chẳng đi đâu xa cả, em chẳng gom vali bay ra nước ngoài hay đến 1 đảo hoang để làm lại cuộc đời, em chỉ bước vào phòng tập, lên sới đấu cách nhà em vài con đường, trong suốt những ngày, những tháng, những năm dài dằng dặc đầy sự khổ luyện và kiên trì đó, em chưa bao giờ bỏ cuộc. Cuộc chiến mà em chọn, không phải chỉ là hiệp đấu kéo dài 3 phút, mà nó là cả cuộc đời em. Và tôi khóc trong niềm vui cùng sự yêu thương em tột độ, vì em đã thắng!
Ba, trận chiến của chính tôi, cách đây không lâu, tôi lâm vào 1 cuộc hỗn chiến 2 người đúng nghĩa đen với gã anh họ, tôi - một bà cô già ế xọm U30 với gã - 1 thằng đàn ông U40 cãi nhau, chửi nhau xong, gã khơi mào cuộc chiến bằng cú bạt tai thằng vào đầu. Tôi, lúc đó, trút sạch nào những văn hoá chuẩn mực đạo đức, những kiến thức tự nuôi dạy bản thân rồi những văn minh của một con người có học trong thời hiện đại, lao mình vào cuộc chiến bằng sự ngu ngốc tử vì đạo, đạo gì? Đạo "hả giận", đạo "dù chết cũng phải cho nó 1 cú"
Kết cục tôi chả gửi được cho gã cú nào ra hồn, lăn lộn vật vã trong mớ đồ đạc bể nát tôi tự đập lúc tìm cách làm đau gã, khi đứng lên bình tâm nhìn lại bãi chiến trường, tôi thấy máu của chính mình lênh láng hoà cùng cái tôi nhục nhã của chính mình trôi xuống lỗ thoát nước cùng với mảnh vỡ từ chai giấm táo, mật ong, cao táo đỏ, nước chanh muối...một bãi hổ lốn đập vào mắt để gào lên một thông báo cuối cùng "Tôi thua rồi"!
Cuộc chiến này, tôi thua vì tôi đã chọn nó để làm điểm bùng nổ cho những cơn stress dai dẳng không tìm cách giải toả, tôi chọn gã anh họ làm nơi trút giận cho những vết thương, những trauma thơ bé mà gã hoặc một (nhiều) người lớn nào đó trong gia đình đã gây ra, tôi chọn làm nhân vật con mụ ngu ngốc yếu ớt quơ quào chọc tiết một thằng đàn ông thừa sức thiếu trí để nó đánh cho tơi tả bầm dập máu me. Cuộc chiến này, tôi thua vì tôi đã để cơn giận của mình chiến thắng, để sự tuyệt vọng của sự minh triết giãy chết trước sự ham muốn được giải toả những uẩn ức bên trong bằng bạo lực, để công sức bao năm học hành, tự dạy dỗ để mình trở thành một phiên bản khác hơn, tốt hơn của chính mình chỉ còn là một đống rác ngổn ngang.
Khi viết những dòng này, là tôi đang phản tư lại chính những cuộc chiến tôi gặp, tôi biết, tôi đọc, tôi thấy, và tôi trải qua, là để ghi những lời răn sâu sắc trong quá trình "trưởng thành", "lớn" cho chính tôi. Hành trình sống của mỗi con người không thể nào vắng mặt những cuộc chiến, có thể ồn ào, vĩ đại, có thể thầm lặng nhỏ bé, có thể đổ thật nhiều mồ hôi và máu, nhưng cũng có thể chỉ thoảng nhẹ như hơi thở mỗi ngày.
Và, dù là bạn chọn hay đang bị cuốn trong cuộc chiến nào, tôi cũng thật lòng mong bạn sẽ là người chiến thắng, mong ai trong chúng ta đều sẽ tìm được định nghĩa người thắng cuộc cho riêng mình, và tận hưởng trọn vẹn niềm vui rất người khi cuộc chiến kết thúc.
Nâng ly!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất