Chơi để kiếm tiền (P2E) là một mô hình kinh doanh mới đang thu hút sự chú ý của ngành công nghiệp trò chơi - nhưng từ góc độ thiết kế, nó thực sự hoạt động như thế nào?
Trong vài thập kỷ qua, chúng ta đã thấy những cơn địa chấn mạnh mẽ xuất hiện trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử, đáng chú ý nhất là sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh hoàn toàn mới. Không phải Trả tiền để chơi (P2P - Pay-to-Play) hay Chơi miễn phí (F2P - Free-to-Play), địa hạt trò chơi ngày nay đang chào đón một thủ lĩnh mới, đó là Chơi để kiếm tiền (P2E - Play-to-Earn).
Chuyển đổi mô hình kinh doanh cho trò chơi điện tử
Chuyển đổi mô hình kinh doanh cho trò chơi điện tử
Trò chơi P2E là gì? Làm thế nào kiểu trò chơi này sản sinh được lợi nhuận so với trò chơi F2P? Điều gì sẽ khiến mô hình kinh doanh mới này thu hút các nhà phát triển và người tiêu dùng? Hãy cùng chúng tôi dạo một vòng quanh thế giới mới đầy hấp dẫn này nhé.

Các thuộc tính chính của trò chơi P2E

Khi tôi đề cập đến các trò chơi P2E, tôi đang nói về các trò chơi có hai tính năng quan trọng là:
- Người chơi có thể tạo ra thu nhập từ việc chơi trò chơi.
- Tài sản trong trò chơi có thể được mua qua bán lại và người chơi có thể nắm giữ tài sản thông qua ví điện tử.

Chơi để kiếm "Giá trị gia tăng"

Hãy cùng xem xét hai đặc điểm cốt lõi của bất kỳ trò chơi F2P nào, để qua đó thấy được lợi thế tự nhiên của trò chơi P2E.

Chi phí thu hút người chơi

Trò chơi P2E có chi phí thu hút khách hàng thấp hơn so với trò chơi F2P, vì một khi bạn xây dựng một trò chơi có thể mang lại thu nhập cho người chơi, những người chơi khác sẽ tự tìm đến qua các tin đồn. Chúng tôi đã thấy điều này thông qua trò chơi Axie Infinity, đặc biệt là ở Philippines. Bất chấp việc nhà phát triển trò chơi không hề dành nhiều chi phí cho việc tiếp thị ở thị trường này, hầu hết người dân Philippines đều biết về Axie Infinity. Ai mà chẳng muốn biết thêm về một trò chơi mà người chơi có thể kiếm được thu nhập chứ?
Hiệu ứng này thậm chí còn được khuếch đại bởi sự cạnh tranh tương đối ít ỏi trong thị trường P2E vào thời điểm này. Chỉ mới xuất hiện trong thế giới trò chơi chưa lâu nhưng mô hình P2E tự thân đã mang một lợi thế khổng lồ so với mô hình F2P, bởi suy cho cùng, một trò chơi F2P chỉ cung cấp được những "niềm vui miễn phí", không phải tiền mặt. Nhà phát triển trò chơi P2E sẽ không cần chi tiền cho việc thu hút người chơi sau khi họ đã làm cho nền kinh tế trong trò chơi hoạt động - tức là cơ chế tạo ra thu nhập cho người chơi.
F2P: Bạn phải trả tiền cạnh tranh để có mặt trên các kênh tiếp thị.
P2E: Tin tức sẽ truyền đi nhanh chóng và người chơi sẽ đến với trò chơi của bạn.

Chi tiêu của người chơi và quyền sở hữu tài sản

Lĩnh vực thứ hai mà trò chơi P2E có lợi thế chính là chi tiêu của người chơi và quyền sở hữu tài sản. Các trò chơi P2E có khả năng xóa bỏ thái độ kỳ thị mà những ông lớn trong những trò chơi F2P (thường bị gọi là "whale - cá voi") đôi khi phải chịu đựng khi họ chi hàng nghìn đô vào một trò chơi mà không thực sự sở hữu gì trong đó hết.
Ngoài ra, trò chơi P2E có thể truyền cảm hứng cho một mức trần chi tiêu mới, khi người chơi được nhìn nhận chi tiêu của mình theo một cách khác: họ không mua sắm cho vui mà đang đầu tư nghiêm túc.
F2P: Nếu tiêu tiền không mang lại cho tôi quyền sở hữu tài sản thì tôi sẽ coi chi tiêu của mình chỉ là giải trí.
P2E: Nếu tiêu tiền mang lại cho tôi một tài sản mà sau đó tôi có thể sử dụng tài sản để giao dịch thì tôi sẽ coi chi tiêu của mình như một khoản đầu tư.

Các trụ cột của trò chơi P2E

Làm thế nào để thiết kế nên một trò chơi P2E? Trước tiên, những trò chơi kiểu này có chính xác ba trụ cột mà bất kỳ trò chơi F2P nào cũng có. Với trò chơi F2P, ba trụ cột cơ bản này có chức năng quyết định xem liệu trò chơi có đứng vững trên thị trường hay không.
- Tiếp thị: Đây là thước đo mức độ hấp dẫn của một trò chơi đối với khán giả. Trò chơi càng có khả năng tiếp thị, chi phí thu hút người dùng sẽ càng thấp và thị trường tiềm năng cho trò chơi càng lớn.
- Lợi nhuận: Đây là thước đo khả năng chi tiêu của người dùng. Trò chơi càng có khả năng sinh lời, doanh thu của trò chơi sẽ càng cao, như thế nhà phát triển có thể giữ chân người chơi.
- Gắn bó: Đây là thước đo khả năng người chơi ở lại trò chơi đó. Tỷ lệ gắn bó càng cao, người dùng càng chi nhiều tiền, công ty càng thu được nhiều lợi nhuận, vì những người chơi đó sẽ liên tục quay lại ngày này qua ngày khác.
Vậy là một trò chơi P2E sẽ cần có cả ba trụ cột trên, được cân bằng một cách cẩn thận… và một vài thứ khác nữa. Thị trường của những trò chơi kiểu này tuy còn sơ khai nhưng tôi tin rằng các "trụ cột" khác sẽ phát huy tác dụng.
Trụ cột của trò chơi F2P và P2E
Trụ cột của trò chơi F2P và P2E
- Nền kinh tế bền vững và Khả năng kiếm tiền: Đây là thước đo sự ổn định của nền kinh tế trong trò chơi, quy định giá sản phẩm và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến tiềm năng kiếm tiền của người chơi. Nếu nền kinh tế của trò chơi ổn định và người chơi có thể kiếm được tiền, họ sẽ đến chơi, gắn bó và đầu tư vào trò chơi.
- Khả năng đúc tiền và Khối lượng giao dịch trên thị trường: Khả năng đúc tiền cho ta biết số tiền thực mà một trò chơi có thể trả cho các NFT mới được phát hành (mã thông báo không thể thay thế). Một công ty có thể tính phí cho càng nhiều NFT mới thì tiềm năng doanh thu của trò chơi đó càng cao.
- Khối lượng giao dịch trên thị trường: Cho ta biết khối lượng giao dịch đang diễn ra trên thị trường của trò chơi; khối lượng giao dịch càng cao, tiềm năng doanh thu càng lớn khi áp dụng phí nền tảng trên mỗi giao dịch. Nếu trò chơi của bạn có khả năng kiếm được nhiều tiền cho người chơi, trò chơi đó có thể sinh ra một khoản phí lớn tương đương cho các giao dịch được thực hiện.
- Tuổi thọ cảm nhận: Đây là một thước đo quan trọng cho thấy cách người chơi cảm nhận tuổi thọ của trò chơi. Người chơi có niềm tin càng lớn vào tuổi thọ của trò chơi thì giá của NFT càng cao và càng ổn định. Người chơi sẽ không muốn đầu tư vào một trò chơi có thời gian tồn tại chỉ như một ánh chớp.

Nền kinh tế bền vững và Khả năng kiếm tiền

Một nền kinh tế trò chơi bền vững nhìn chung có ba đặc điểm sau:
- Giá cả ổn định, với sự biến động hạn chế (cái này chưa chắc áp dụng được với tiền điện tử).
- Khả năng mở rộng hoặc thu hẹp trong tầm kiểm soát.
- Nhà phát triển có quyền kiểm soát đối với các giá trị kinh tế nhất định dựa trên các chính sách tài khóa linh hoạt.
Hãy cùng xem xét gã khổng lồ Axie Infinity để xem nền kinh tế của họ phát triển như thế nào.
Chu kì kinh tế của Axie Infinity
Chu kì kinh tế của Axie Infinity
Về cơ bản, nền kinh tế của Axie Infinity hoạt động như sau: "Nông dân" đào SLP (tài nguyên trong trò chơi) rồi "Người chăn nuôi" mua SLP để tạo ra Axie (động vật được sử dụng trong trò chơi) rồi "Nông dân" mới mua Axie để tham gia trò chơi và đào SLP để tạo thu nhập.
Để hiểu sâu hơn về nền kinh tế của Axie Infinity, hãy xem bản tóm tắt xuất sắc này từ DeFi Vader: Axie Infinity Phần 1: Kinh tế học
Đây là một nền kinh tế được xây dựng dựa trên sự tăng trưởng, có nghĩa là, để nền kinh tế của trò chơi tự duy trì, thì cơ sở người chơi phải phát triển liên tục để giữ cho cán cân cung cầu và giá cả trong trò chơi ở mức ổn định. Nếu số lượng người chơi mới giảm, giá cả trong trò chơi có thể giảm theo.
Vậy thì làm thế nào Axie Infinity có thể tự điều chỉnh để tạo ra một "nền kinh tế ổn định"? Sẽ có nhiều thứ cần phải giải quyết, nhưng để đơn giản chúng ta sẽ chỉ xét hai điều là cân bằng cung cầu, và nguồn nhu cầu.
Cân bằng cung cầu: Một Axie tiêu tốn một lượng SLP (Cầu) cố định để được sinh ra và về mặt lý thuyết, Axie đó có thể tạo ra một lượng SLP vô hạn trong thời gian tồn tại của nó (Cung). Giả sử không có cơ chế nào để loại bỏ Axie ra khỏi nền kinh tế, giờ khi xem xét trên cùng một đơn vị, chúng ta sẽ có Lượng Cầu Hữu hạn với Lượng Cung Vô hạn. Điều này chắc chắn sẽ khiến giá SLP đi xuống, vì sẽ có những thời điểm nhu cầu không thể theo kịp nguồn cung.
Vòng đời Axie và các thế hệ SLP.
Vòng đời Axie và các thế hệ SLP.
SLP được tạo ra và được tiêu thụ.
SLP được tạo ra và được tiêu thụ.
Để khắc phục điều này, chúng ta có thể giới hạn số lượng SLP mà một Axie có thể tạo ra trong thời gian tồn tại của nó, bằng cách tạo cho người chơi một động cơ để loại bỏ chúng (ai thích ăn Axie-burger nào?) hoặc cung cấp cho chúng một tuổi thọ hữu hạn (cho hỏi nhà dưỡng lão Axie đi đường nào thế?).
Nguồn nhu cầu: Đa dạng hóa nguồn nhu cầu sẽ hạn chế sự phụ thuộc của nền kinh tế vào một nguồn nhu cầu cụ thể. Có nhu cầu từ người dùng mới là tốt, nhưng cũng cần phải có nhu cầu từ những người chơi cũ nữa.
Hiện tại, nhu cầu SLP của Axie Infinity chủ yếu đến từ các người dùng mới; nếu nhà phát triển bổ sung nhu cầu SLP từ người dùng hiện tại, điều này sẽ kìm hãm đà giảm của SLP, nếu tốc độ tăng trưởng người dùng mới bị dừng hoặc bị giảm.
Làm thế nào để hiện thực hóa những ý tưởng trên? Điều gì sẽ xảy ra nếu người dùng có thể tái sinh hay hoàn trả Axie với chi phí SLP cao? Những người chơi hiện tại sẽ chỉ mua và sử dụng tính năng này khi giá SLP xuống thấp, vậy nên cần phải thiết lập giá sàn cho SLP.
Ví dụ về tính năng để tạo ra nhu cầu từ những người chơi hiện tại
Ví dụ về tính năng để tạo ra nhu cầu từ những người chơi hiện tại
Giải quyết được hai vấn đề này sẽ giúp SLP hướng tới một mức giá bền vững thay vì tiếp tục đà giảm, đồng thời hạn chế sự phụ thuộc vào sự tăng trưởng của người chơi mới và đưa nền kinh tế tổng thể sang trạng thái bền vững hơn.

Khả năng đúc tiền và Khối lượng giao dịch trên thị trường

Hãy nhớ rằng, Khả năng đúc tiền là thước đo số tiền mà một trò chơi có thể trả cho một NFT mới sản xuất. Tất nhiên, nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến điều này, nhưng lòng trung thành của người chơi và mức độ họ tin tưởng vào trò chơi và tuổi thọ của nó là những yếu tố lớn nhất. Việc phát hành NFT có thể diễn ra dưới hai hình thức:
Hạn chế phát hành NFT: Nhà phát triển mở bán một số lượng NFT giới hạn và người chơi sẽ chỉ có thể mua đến giới hạn đó. Phương pháp này thường được sử dụng cho ảnh đại diện có thể sưu tập, đất ảo và các vật phẩm không cần thiết khác trong trò chơi.
Đối với loại phát hành NFT này, nhà phát triển sẽ cần phải quan tâm đến hai điều:
- Tối đa hóa nguồn thu từ các đợt phát hành.
- Bán thật nhanh số lượng NFT giới hạn để báo hiệu rằng nhu cầu đang cao, từ đó thúc đẩy được các đợt phát hành NFT tiếp theo.
Đó là lý do tại sao Phiên đấu giá Hà Lan thường được ưu tiên cho loại phát hành NFT này.
Đường cong giá theo thời gian trong phiên đấu giá Hà Lan
Đường cong giá theo thời gian trong phiên đấu giá Hà Lan
Đấu giá Hà Lan đặt ra một khung thời gian cố định, trong đó giá của NFT sẽ giảm dần theo thời gian và do đó đảm bảo được NFT sẽ được bán hết trong một khung thời gian đó và người tham gia sẽ trả giá cao nhất mà họ trả được, theo lí thuyết.
Phát hành NFT không giới hạn: Nhà phát triển cho phép người dùng tạo NFT không giới hạn. Phương pháp này thường được sử dụng cho các vật phẩm cần thiết để chơi như nhân vật, trang bị và vật phẩm tiêu hao.
Để định giá loại phát hành NFT này, tốt hơn hết là sử dụng kết hợp cả hai phương pháp:
- Mã thông báo tiền tệ cứng: Chẳng hạn như Ethereum, Solana hoặc các loại tiền tệ khác không ràng buộc với nền kinh tế trò chơi (giá không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi cung và cầu trong trò chơi).
- Mã thông báo tiền tệ mềm: Chẳng hạn như mã thông báo tiền tệ trong trò chơi gắn liền với nền kinh tế trò chơi (giá bị ảnh hưởng bởi những thay đổi cung và cầu trong trò chơi).
Mã thông báo tiền tệ cứng sẽ đóng vai trò như một nguồn doanh thu ổn định trong khi mã thông báo tiền tệ mềm sẽ cung cấp mức giá linh hoạt được điều chỉnh thông qua cung và cầu.
Ví dụ: nếu một nhân vật được tạo ra với giá 1 Eth và đột nhiên nhu cầu về nhân vật tăng lên, giá của Eth sẽ không thay đổi vì nền kinh tế của trò chơi thường nhỏ giọt trong toàn bộ nền kinh tế Eth.
Tuy nhiên, nếu việc tạo ra một nhân vật có giá 1 “Blood Token” (tạm dịch: mã máu - mã thông báo được tạo ra cho mục đích duy nhất là tạo nhân vật) thì một khi nhu cầu về nhân vật tăng lên thì giá của “Blood Token” cũng sẽ tăng lên và do đó nó sẽ di chuyển cán cân cung cầu về trạng thái cân bằng.
Thoạt nhìn, có vẻ như phí hoa hồng mà một trò chơi P2E nhận được từ thị trường sẽ đóng góp nhiều nhất vào doanh thu tổng thể, nhưng nếu chúng ta nhìn vào bảng phân chia doanh thu của Axie Infinity, chúng ta thấy rằng việc đúc tiền NFT, được thực hiện dưới dạng - được gọi là "chi phí chăn nuôi", đang đóng góp 85% tổng doanh thu.
Doanh thu của Axie Infinity
Doanh thu của Axie Infinity
Nhiều khả năng mức phân chia doanh thu này là không cố định với tất cả các trò chơi P2E, đặc biệt là đối với phí thị trường, vì điều đó phụ thuộc rất nhiều vào loại sản phẩm đang được giao dịch bên trong trò chơi.
Để biết cách tối đa hóa doanh thu từ phí Thị trường, hãy cùng kiểm tra cách tính phí:
Phí thị trường Doanh thu = Tổng khối lượng thị trường * Phí thị trường%
Nhưng hãy sử dụng một công thức khác cho điều đó:
Phí thị trường Doanh thu = Giá mua trung bình * Số lượng mua * Phí thị trường%
Để tăng phí thị trường, các sản phẩm đã bán cần phải:
- Định giá cao.
- Giao dịch thường xuyên.
Vì vậy, khi thiết kế các yếu tố trò chơi, bạn nên ghi nhớ điều đó, đặc biệt là phần tần số giao dịch. Một mặt hàng tiêu dùng được sử dụng thường xuyên và tốn nhiều chi phí mua sắm chính là mặt hàng lý tưởng được bán ở chợ để tối đa hóa doanh thu.

Tuổi thọ được cảm nhận

Bây giờ chúng ta cùng đến với trụ cột thứ sáu của mô hình Chơi để kiếm tiền: Tuổi thọ được cảm nhận. Yếu tố này có thể ảnh hưởng đến giá và nhu cầu trong trò chơi đó ngày hôm nay, đó là lý do tại sao chúng tôi cần xem xét tuổi thọ thực tế của bất kỳ trò chơi nào. Đây là một đặc điểm hoang đường nhưng rất quan trọng trong một trò chơi P2E; nó tương đương với trò chơi của những người môi giới chứng khoá, họ truyền cảm hứng và niềm tin cho khách hàng để họ đầu tư… và đầu tư lớn.
Tuổi thọ cảm nhận của một trò chơi chủ yếu bị ảnh hưởng bởi tầm nhìn của nhóm phát triển và kế hoạch của họ rõ ràng và đầy đủ thông tin cỡ nào để giữ cho trò chơi của họ hoạt động trong nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ. Hiện tại, câu trả lời thống nhất cho vấn đề tuổi thọ dường như là khái niệm "metaverse", một sân chơi mà mỗi người dùng có một hình đại diện, có luồng nội dung liên tục luân chuyển do chính người dùng tạo ra, nơi người chơi có thể sử dụng NFT của họ theo nhiều cách. Nhiều trò chơi trên thị trường đã đi theo con đường này.
Mặc dù đây rõ ràng là một lựa chọn khả thi, nhưng có thể ý tưởng này sẽ làm loãng tiềm năng NFT của trò chơi. Theo mô hình này, metaverse khuyến khích các NFT thuần thúy là sản phẩm nghệ thuật hoặc thẩm mỹ. Để tạo ra một NFT không phục vụ nhu cầu thẩm mỹ, đa chức năng và có thể sử dụng ở nhiều chế độ chơi dường như là một nhiệm vụ thiết kế khó thực hiện.
Một cách tiếp cận khác là những gì đã làm cho League of Legends (2009) và Counter-Strike (1999) trở nên phù hợp cho đến ngày nay. Cả hai trò chơi đều luôn phát triển và liên tục trải qua những thay đổi, nhưng cả hai đều vẫn đúng với bản chất của chúng và có sự hiện diện của thể thao điện tử đang phát triển mạnh mẽ.
Bây giờ bạn có thể đang nghĩ: làm thế nào mà việc mua / bán NFT không phục vụ nhu cầu thẩm mỹ có thể được dung thứ trong một trò chơithể thao điện tử? Đó không phải là pay-to-win sao?
Cấu trúc Thể thao trực tiếp và Thể thao điện tử NFT
Cấu trúc Thể thao trực tiếp và Thể thao điện tử NFT
Nhưng chúng ta hãy xem xét một chút rằng đây là cách hoạt động của các môn thể thao trong đời thực. Nếu bạn xem NFT như những cầu thủ bóng đá, thì ý tưởng xây dựng một trò chơi P2E với tiềm năng thể thao điện tử nghe có vẻ không quá điên rồ, đặc biệt là vì chúng ta đã chứng kiến những cấu trúc này trong các trò chơi như Axie Infinity. Ở đó, học bổng Axie đã xuất hiện, nơi các chủ sở hữu vốn cho các người chơi mượn Axie, những người này lần lượt đào SLP và sau đó chia sẻ một phần trăm của nó với những người sở hữu.

Kết luận

Tôi rất mong đợi để xem những sản phẩm nào sẽ ra mắt sau hiện tượng Axie Infinity. Tôi luôn sẵn lòng thảo luận về bất kỳ chủ đề thiết kế trò chơi nào, vì vậy, hãy liên hệ với tôi nhé.
Bài viết gốc được đăng tải trên Blog Game hóa: