Dịch từ bài gốc trên Aeon của Susanna Crossman
Tên và chi tiết các nhân vật trong bài đã được thay đổi để đảm bảo tính bảo mật
---
“Lấy một cây bút. Đặt lên tờ giấy. Vẽ bất cứ thứ gì bạn muốn. Bất cứ cách nào bạn muốn. Như Paul Klee từng nói: “Vẽ giống thay cho một cuộc đi dạo bằng một nét bút.” Trong workshop bệnh viện, tôi quay sang một bệnh nhân, mỉm cười với anh ta và tiếp tục: “Nào, hãy cùng nhau vẽ. Ta có thể vẽ nhà, và vẽ một con đường nối nhà của chúng ta. Hãy lấy sơn. Lật ngược lại tờ giấy. Từ trên xuống. Nếu anh không thấy phiền, tôi tô màu bầu trời của anh còn anh tô của tôi… Chúng ta có thể chơi và tạo ra…”
Trong hơn 20 năm, tôi lặp đi lặp lại những câu nói ấy, chơi trò chơi và sáng tác, trong tư cách một nhà trị liệu nghệ thuật, chuyên về sức khỏe tâm thần, cũng như một giảng viên và tư vấn viên về việc sử dụng các kỹ năng sáng tạo cho bác sĩ, giám đốc bệnh viện, quản lý điều dưỡng và các công ty khởi nghiệp. Được hướng dẫn bởi những nghệ sĩ như Louise Bourgeois và Jackson Pollock, và bởi Plato, tôi dùng thời gian của mình tham gia vào cái mà theo nhà hiện tượng học và triết gia về trò chơi Eugen Fink gọi là “lớp vỏ lụa của mọi sự.” Nó luôn rực sáng.
Triết gia Friedrich Nietzsche từng mô tả trò chơi là “trở thành rồi tan biến, tạo xây rồi phá bỏ mà không vướng mắc về đạo đức, trong sự ngây thơ vĩnh hằng” - như một hành vi tìm thấy “trong thế giới chỉ thuộc về nghệ sĩ và trẻ thơ.” Khi tôi hỏi cô bé Jeanne sáu tuổi nhà mình khi hai chúng tôi chơi với nhau chuyện gì xảy ra, cô bé trả lời: “Nếu tất cả trẻ con trên thế giới chơi cùng một lúc, nó sẽ lớn hơn. Sẽ lớn và lớn hơn.” Chơi cũng như một giấc mơ, bởi vì, như thi sĩ Paul Valéry đã viết năm 1914, trong mơ “chúng ta có một kết hợp của TẤT CẢ CÁC PHƯƠNG THỨC KHẢ DĨ có ấn tượng sâu đậm.” Chơi là khai mở cho vô số hằng hà.

Ấy thế mà, nghịch lý thay, cả khi nhấn mạnh vào sự đa dạng và tự do, chơi lại bao gồm những luật lệ hà khắc, khiến chơi trở thành một kỹ năng cần được trau dồi. Nhiều chuyên gia về trò chơi, như Fink hay nhà khoa học xã hội Roger Caillois, đã thử định nghĩa những tiêu chí cần thiết để đạt được tới trạng thái chơi, mà Fink miêu tả là mang lại ánh sáng, là “ban ngày-hóa” thế giới. Theo một chuyên gia khác về chơi, nhà trị liệu Stuart Brown, nhu cầu chơi của chúng ta đến từ quá trình trẻ hóa sinh học: con người chúng ta là loài hữu nhũ duy nhất có thời thơ ấu kéo dài 18 năm. Với Brown, chơi sở hữu một số đặc tính chính: không mục đích, duy ý chí và luôn quyến rũ, đồng thời trao cho sự tự do khỏi thời gian, giảm bớt nhận thức về bản ngã, khả năng ứng tác và khao khát không ngừng. Khi chơi, chúng ta tồn tại bên ngoài thời gian, và không muốn dừng.
Nhận cảm hứng từ những nhà chuyên môn về ứng tác Peter Slade, Miranda Tufnell và Keith Johnstone, tôi chơi trò chơi “Tôi là…” với một nhóm trị liệu trưởng thành, và chúng tôi xoay lượt đưa ra đề nghị các cảnh diễn và diễn chúng. Mọi thứ đều hoàn toàn không định trước. “Chúng tôi leo núi trong slo-mo.” “Chúng tôi thua hết mọi trò chơi máy tính.” “Chúng tôi xử một chiếc baguette nóng hổi.” Sau một giờ, một bệnh nhân ngạc nhiên cho hay: “Thời gian hôm nay trôi nhanh quá.” Khi chơi, chúng tôi cảm nhận được một dạng thức thời gian như thánh Augustine mô tả - chẳng phải là sự tạm thời khách quan của các hành tinh xoay vần, mà là sự đổi thay nhận thức chủ quan của chúng ta. Chúng ta tồn tại bên ngoài thời gian trên đồng hồ. 
Lúc hai cô con gái của tôi lên năm hay sáu, tôi quan sát chúng chơi những trò “giả bộ” đầu tiên trong đời. Rose nói: “Em làm một con tàu.” Suốt nhiều giờ liền, con bé xếp ghế vào thành hàng, dành cho “hành khách và lái tàu.” Khi xong xuôi sẵn sàng, bé thông báo - tôi chỉ biết ngạc nhiên - “Tàu đã xong. Cho con ăn snack nhé?” Trò chơi chính là quá trình, không phải sản phẩm hoàn chỉnh. Quan trọng nữa, khi ta chơi hay khi ta tạo ra nghệ thuật, sản phẩm mà chúng ta tạo ra, những gì chúng ta thực hiện đều có mục đích tự thân - chúng là mục đích của chính mình; như Hannah Arendt đã viết: “chỉ khi chúng ta đối đầu với những gì tồn tại độc lập với toàn thể những dẫn dụ vị lợi và công năng… chúng ta lúc đó mới thật sự nói về tác phẩm nghệ thuật.” Theo cách này, chơi có thể xem là một hành vi phản lại chủ nghĩa tư bản.
Liên quan tới triết gia Martin Heidegger, Fink cho rằng “bởi mở ra với thế gian” (mở ra của Hữu-tại-thế) mà chúng ta mới có thể chơi đùa. Khái niệm Hữu-tại-thế (Dasein) của Heidegger, đặc điểm riêng có của con người tồn-tại-trên-thế-giới, không giống với trải nghiệm được nhà tâm lý tích cực Mihaly Csikszentmihalyi định nghĩa là trạng thái thâm nhập, hay trạng thái nhập định. Khi nhập định, ý thức về thời gian và bản thể biến mất. Chúng ta thấy trọn vẹn, và tìm cách lặp lại trải nghiệm này. Ngoại suy vào ngữ cảnh lâm sàng, trải qua trạng thái nhập định trong các phiên trị liệu đồng nghĩa với việc bệnh nhân theo thời gian tiếp tục quay trở lại và tham gia sâu hơn vào quá trình trị liệu.
Điều tương tự cũng đúng với giáo dục và công việc. Chơi là một động cơ mãnh liệt. Gần đây một nhà thơ bảo với tôi rằng sau khi học văn chương tại Oxford cô mất đi ham muốn viết, gây ra bởi một giảng viên có tính độc tài. Chỉ sau đó, khi tham gia vẽ tranh, và trong lúc tạc một đoạn thơ của Sappho bằng tiếng Hy Lạp dạng đường cày vào lino, mới là lúc khoái cảm dành cho ngôn từ của cô mới tái hiện. Từ trái nghĩa của “nhập định” là một trạng thái “chiến hay biến”, “đánh hay tránh”.
Một ngày kia, một bệnh nhân mới nói với tôi rằng: “Tôi không biết vẽ.” Ở trung tâm săn sóc, bệnh nhân và tôi đối diện với một tờ giấy trắng. Những nốt piano gần gũi của bản Falling, Catching (2010) của Agnes Obel xâm lấy không gian của workshop. Âm nhạc khoan thai lượn quanh những lọ sơn, phi tiêu giữa các bức điêu khắc thùng rác và bản in phác thảo bằng máu của Camille Claudel. Cô lặp lại: “Tôi không biết vẽ. Tôi nhẽ ra đừng nên nghỉ việc.” Cô lắc đầu và lặp lại: “Lẽ ra tôi đừng nên nghỉ việc.” Nhà trị liệu của cô mô tả câu nói ấy là cửa miệng của cô. Cô bị trầm cảm trầm trọng. Tôi nói: “Tôi nghĩ ai cũng vẽ được hết.” Đặt đầu bút trên tấm giấy trắng, tôi vẽ một đường nguệch ngoạc. Người phụ nữ ngưng nói và vẽ một đường thẳng. Bất thình lình, hai đường vẽ của chúng tôi song song với nhau, thẳng hàng như một đàn ngỗng trời đang bay. Trong lúc nhạc piano đang mở, chúng tôi vẽ đầy những rãnh đen trên tờ giấy chữ nhật, phân giác, cắt nhau, tránh nhau, song song với nhau.
Mười phút sau, hai chúng tôi nhìn lại tác phẩm. Cô nói: “Nhưng mà nó trông chẳng giống gì cả.” Tôi nói: “Tưởng tượng quan trọng chẳng kém gì thực tế. Khi vẽ, chúng ta bắt đầu từ một chốn đặc trưng, một Locus Solus.” Cô thì thầm: “Lẽ ra tôi đừng nên nghỉ việc.” Giọng của cô hòa vào căn phòng như một lời thỉnh nguyện, một tiếng kinh cầu. Tôi hỏi cô: “Cô muốn mình vẽ gì?” Cô nói: “Một sân gôn. Tôi từng dọn cỏ ở đó.” Tôi gật đầu: “Ý tuyệt vời.”
Trên một tờ giấy mới, chúng tôi phác ra sân gôn. Mỉm cười lần đầu, cô chỉ ra khu vực phát bóng, sân địa hình và thảm cỏ. Trong bốn mươi phút, chúng tôi cùng vẽ những nhành cỏ. Suốt những tuần sau đó, chúng tôi vẽ hàng trăm hàng ngàn thân cỏ màu ngọc bích, và cô mỉm cười: hết nét này đến nét khác. Tôi nhớ lại một điều mà Gaston Bachelard đã viết trong Thi học không gian (1958): “Khi hình ảnh mới mẻ, thế giới cũng mới mẻ.” Khi chơi, chúng ta tạo ra, bật lên, hiện diện. Bệnh nhân bước ra bên ngoài tâm bệnh học theo định nghĩa của DSM, thường xuyên trải qua một cảm giác hừng mới. Thế giới của họ được nới rộng, không ngờ. Cửa mở ra.

Nhiều nhà tư tưởng và triết gia viết về chơi dường như hay bỏ qua chuyện một cú nhảy trong bóng tối đòi hỏi phải có rất nhiều tin tưởng. Để chơi ta phải cảm thấy an toàn. Không tự tin, chẳng có nhập định, chẳng có hừng ra. Trước khi các phiên trị liệu bắt đầu với các nhóm người trưởng thành hay vị thành niên, chúng tôi viết ra các điều lệ trên giấy bìa và tự tạo ra các điều kiện. Chúng tôi tranh luận nhiều chủ đề: sử dụng di động; đúng giờ; tôn trọng; tham gia; sự tin cẩn. Khi chơi với người lớn, luôn có một nỗi sợ rất to lớn và có thể giải thích được dành cho việc bị trở thành trẻ con, bị trêu chọc, và đôi khi bị lừa dối. Để chơi tập thể, ai cũng phải cảm thấy an toàn.
Nhà nhi đồng và tâm phân học Donald Winnicott, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự an toàn vừa nêu, xem trò chơi như những gì diễn ra trong “không gian nối tiếp” giữa những gì được tưởng tượng ra và những gì là thật. Trong trò “giả bộ”, đứa trẻ biết rằng quả chuối không phải điện thoại, nhưng điều đó không hề ngăn chúng dùng quả chuối để nghe máy. Với Winnicott, chơi trong không gian này cho phép trả hình thành nên nơi chốn của riêng chúng độc lập với thế giới bên ngoài. Đi qua đi lại, chúng khám xét thực tại. Nhưng sự khám xét ấy - khi trẻ ném đồ chơi, thí nghiệm với rủi ro và thất bại tượng trưng - đòi hỏi sự có mặt của cha mẹ. Người này cho phép việc chơi diễn ra nhưng trẻ không cần phải vâng lời hay cảm thấy lo âu. Từ đó, Winnicott đề nghị rằng, nếu như chúng ta thoải mái chơi với nguy hiểm lúc trẻ, ta sẽ đối phó tốt hơn với sự chối từ và mất mát khi trưởng thành, và sẽ đón nhận những rủi ro lành mạnh hơn.
Chơi, theo Fink từng viết, thống nhất “ham muốn cao viễn nhất và nỗi đau sâu sắc nhất.” Nhiều năm, tôi thao tác với trẻ vị thành niên bị chẩn loạn thần. Một điểm nhấn tác phẩm của chúng tôi là một vở kịch siêu thực ngắn Cái nghiền khoai tây thất lạc mà các em nghĩ ra dựa trên các đồ dùng trong nhà bếp. Các vai chính trong vở kịch bao gồm một chiếc tủ lạnh, một chiếc tủ chén, một máy nướng bánh mì, một nồi cơm, một chiếc bàn vài chiếc ghế, và một dụng cụ nghiền khoai tây bị thất lạc. Thoại trong kịch xoay quanh sự bỏ bê của cha mẹ, sự tuyệt vọng, cô đơn, bạo lực, số phận và hy vọng. Trong lúc tập kịch, một quản lý bệnh viện, trong một lần ứng tác, đã từng đóng vai hồ sơ một bệnh nhân đã mất bị ném vào thùng rác. Cả hai ví dụ này cho thấy tác dụng giải tỏa và thăng hoa của chơi, cho phép chúng ta ngồi cùng với phần tối của bản thân.
Hầu hết các phiên sân khấu trị liệu của tôi, và kể cả khi sử dụng mỹ thuật, đều bắt đầu bằng một phần khởi động, chuẩn bị sẵn sàng cho giác quan. Chúng tôi hít thở, choãi tay chân và ngáp. Nhà trị liệu sân khấu tiên phong Peter Slade nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động tay chân, của hành động khả kiến trong lúc chơi, trong việc nhảy xa và nhảy bật. “Hãy cho cơ thể ta tư duy,” tôi gợi ý với các bệnh nhân lúc chúng tôi lần lượt tưởng tượng về một chuỗi động tác tự do, xoắn hai tay và nhảy, hay thiết kế những thủy tượng cho các khu vườn bonsai Nhật. Trong lúc chơi, cơ thể có thể trở thành nguồn ý nghĩa nền tảng.
Khắp thế giới, rất nhiều gốc từ nguyên của chữ “chơi” đặt nó ngay vào bản năng: ludere trong tiếng Latin dùng để chỉ cá nhảy và chim đập cánh. Từ lâcan trong tiếng Anglo-Saxon có nghĩa là di chuyển như con thuyền trên sóng, hay lập lòe run rẩy như một ngọn lửa. Từ kridati trong tiếng Phạn, như trong ngôn ngữ gốc Đức, cũng mô tả về chuyển động của gió. Trong lúc chơi, chúng ta rất hiếm khi bất động. Chúng ta sống.
Một nghiên cứu gần đây của hai vợ chồng nhà tâm lý Maja Stanko-Kaczmarek và Lukasz Kaczmarek ở ĐH Adam Mickiewicz, Ba Lan, tìm thấy rằng những cảm giác xúc giác khi vẽ bằng tay gây nên một trạng thái thức tỉnh gắn liền với sức khỏe. Khi vẽ, chúng ta tồn tại trong hiện tại, và chúng ta có sức tập trung lớn hơn. Điều này có thể tương phản với sự “vô tỉnh thức”, vốn là một triệu chứng của bệnh tâm thần, đặc trưng bởi những trầm ngâm khôn ngớt về quá khứ hay tương lai. Bản chất tự nhiên của chơi và kiến tạo đặt chúng ta vào hiện tiền: nó đưa chúng ta về lại với chính mình, huy động một nhận thức rõ nét vốn có vai trò quan trọng trong việc học lấy kỹ năng. Ở tất cả các giai đoạn trong cuộc sống, xây Lego, đan len, thêu và vẽ đều góp phần làm tâm lý chúng ta khỏe khoắn hơn.
Vào cuối phiên trị liệu, tôi thường yêu cầu bệnh nhân xác định cảm giác cơ thể cũng như các cảm giác về tinh thần và cảm xúc. Hugo Critchley, một chuyên gia về tương tác thân-tâm, và đồng giám đốc Trung tâm Sackler về Khoa học ý thức ĐH Sussex, Anh, đã nghiên cứu về sự tương liên trực tiếp giữa nội cảm thụ (khả năng đọc được cảm giác bên trong cơ thể) và trí tuệ cảm xúc. Chơi là một hoạt động có thể được chia sẻ, được cùng tham gia. Khi chơi với nhau, chúng ta chủ đích giúp nhau tăng trưởng.
Sự “chia sẻ chung” của việc chơi được thêm nhấn mạnh bởi sử gia Hà Lan Johan Huizinga. Trong quyển Homo Ludens: Nghiên cứu về thành tố chơi trong văn hóa (1938), Huizinga nhận ra rằng khi chơi, chúng ta tham gia vào một cộng đồng-chơi. Chúng ta cùng nhau rút ra khỏi và từ chối những lề thói. Bên trong vòng tròn trò chơi, các luật lệ lề thói của đời sống thông thường không còn áp dụng. Không gian và thời gian khi chơi luôn giới hạn: trên sân khấu, ngoài sân chơi, trước màn hình, mẩu giấy, workshop hay vòng tròn pháp thuật. Do đó, khi áp dụng sân khấu trị liệu với bệnh nhân bị hoang tưởng chẳng hạn, cả nhóm trị liệu lẫn không gian đóng vai trò vật chứa, cho phép cá nhân sử dụng trí tưởng tượng của mình theo cách không có ảo tưởng ở trong đó.
Nhiều năm trước, tôi thao tác với một người Mỹ bị hoang tưởng, thường xuyên tưởng tượng rằng ai đó sắp sửa cắt cổ mình. Hàng ngày, ở hành lang bệnh viện, ông thường thì thào khẩn trương: “Bọn họ sắp tới bắt tôi.” Ấy vậy mà, sau khi khởi động trong phòng trị liệu sân khấu, ông ta hiếm khi bị ảo giác. Trong nhiều tháng, ông đóng vai một công tước trong vở kịch chúng tôi cùng nghĩ ra dựa trên kịch Tùy ý thích của Shakespeare (mà chẳng hề dù chỉ một lần nghĩ rằng mình là một nhà quý tộc). Vở “kịch giả bộ” của sân khấu đòi hỏi một trải nghiệm chung, không như sự đơn lẻ của ảo giác hoang tưởng. Sự an toàn trong nhóm cũng tạo ra niềm tin, duy trì thực tại mới, cho phép chúng ta trèo lên những ngọn núi tưởng tượng, băng qua Thất hải.
Một ngày, một bác sĩ trị liệu tình huống đề nghị trị liệu nghệ thuật cho một chàng trai trẻ người Tây Ban Nha từng bị suy sụp sau nhiều tháng làm việc tại một xưởng chế biến cá, mà giờ đây đang mắc phải rối loạn ăn uống. Trong những phiên đầu tiên, tôi đề xuất một bài tập tổng hợp ngẫu nhiên kiểu Dada, yêu cầu anh theo cảm giác chọn lựa hình ảnh và từ ngữ từ một tập hợp hình ảnh và từ ngữ bày ra trên bàn. Không có câu trả lời đúng sai. Anh chọn hình hoa, một chàng trai trẻ đang gội đầu. Từ những từ ngữ cắt-ghép, anh tạo ra một đoạn văn thô, rất đẹp, về việc tìm kiếm nước, cuộc sống. Trong nhiều tháng, hai chúng tôi thao tác trên các chủ đề này, khám phá ra tranh chân dung và tự họa thế kỷ 18, và tổng kết bằng việc tạo ra một quyển sách tổng hợp tác phẩm của một họa sĩ. Yếu tố ngẫu nhiên này là dẫn chất quan yếu trên tấm toan chơi, nền móng cốt lõi của ngôi nhà. Nhưng làm sao để tạo ra được sự ngẫu nhiên?
Trong một hội thảo về sáng tạo, tôi đã nói với những “kẻ gác cổng” tâm trí mà triết gia Friedrich Schiller đã từng nhắc tới trong thư gửi tới người bạn luật gia Christian Gottfried Körner - những sinh thể lý trí đảm nhận công việc giám sát sáng tạo vô lối. “Hãy tưởng tượng những kẻ canh gác đứng trên vai ta,” tôi nói trước cả một gian phòng đầy những nhà khởi nghiệp. “Đó chính là người canh gác của các vị. Các vị muốn triển khai ý tưởng và giải quyết vấn đề. Ý tưởng, giải pháp của các vị đi đến cổng và - trước khi được trao cơ hội - đã bị chọn lọc, xem thường, kiểm duyệt là kém cỏi, ngu ngốc, lố lăng. Hầu hết ý tưởng của các vị chẳng đời nào được phép bước qua.” Cả hội trường cười to, và tôi nói tiếp: “Khi làm việc sáng tạo, ta loại bỏ những kẻ canh gác. Cho ý tưởng trôi chảy tự nhiên.” Trong quyển Giải mộng (1889), Sigmund Freud đã trích Schiller, khi khuyến khích sự diễn đạt của những ý tưởng “tự do trỗi dậy” như sau:
Nếu như trí tuệ giám sát quá nghiêm ngặt những ý tưởng tuôn vào trong cánh cổng, sẽ rất nguy hại cho sức sáng tạo của tâm trí. Khi tự xét, một ý tưởng có thể rất vặt vãnh và phiêu lưu, nhưng… có lẽ khi đặt trong một gắn kết nào đó với các ý tưởng khác, vốn cũng quái gở chẳng kém chút nào, nó lại có thể tạo ra một tạo tác hết sức hữu dụng.
Trong một hội thảo với một nhóm nhân viên công ích tại Pháp, chúng tôi ném sơn lên toan theo kiểu Jackson Pollock. Workshop diễn ra tại một trang viên. Tôi dán vải chống thấm khắp các bức tường và sàn nhà. Workshop xoay quanh chủ đề lâcher prise - buông bỏ - khi đưa ra quyết định, kiểm soát căng thẳng, trí tuệ cảm xúc - và dùng trí tưởng tượng như một công cụ. Bằng cọ sơn, chúng tôi lần lượt rỏ sơn và dát từng tảng sơn màu cánh sen, xanh, cam, vàng, tím. Phương pháp này khuyến khích chúng tôi tiếp tục công việc mà không sợ thất bại, với “tư duy mở”, khái niệm được nhà tâm lý động viên Carol Dweck đề ra. Chúng tôi cùng nhau khám phá và trưởng thành, như Pollock đã từng nói rằng:
Lúc vẽ, tôi chẳng ý thức mình đang làm gì. Chỉ sau một thời gian gọi là “làm quen” tôi mới nhìn thấy xem mình vừa mới trải qua những gì… bức tranh có một đời sống của riêng nó.
Vai trò trọng yếu của chơi, may rủi và bản năng trong sáng tạo luôn được các trào lưu nghệ thuật đầu thế kỷ 20, như Dada và siêu thực, công nhận, và cũng có thể chứng kiến ở nhạc jazz, và các trào lưu sau đó, như punk. Punk, theo nghệ sĩ Mỹ Judy Nylon nhìn nhận, là DIY, là muôn hình vạn trạng, và có “sải cánh rộng nhất có thể có.” Tuy nhiên, chơi cũng đã soi thắp rất nhiều quãng thời gian trong lịch sử, từ cách mà Nicholas xứ Cusa sử dụng ẩn dụ trò chơi với bóng cho các suy ngẫm về thần học trong De ludo globi (1463), tới sự hình thành của commedia dell’arte (một dạng hài kịch Ý). Plato nhất quyết rằng “Đời phải sống như chơi… và khi đó con người có thể khiến thần thánh nguôi ngoai, và bảo vệ hắn trước kẻ thù, và giành chiến thắng trong thi thố.”

Chơi là thí nghiệm, là khám phá, là tìm lại sung sướng, là phát lộ bí mật, làm thứ có thể và không thể, phát minh và phát kiến những thứ không thể tạo ra được, băng qua cây cầu ta không thể băng, thắp lửa bằng củi ướt, bước trên mặt nước, bay lượn. Là giúp một kẻ sợ không gian mở có thể đứng hát trước đám đông, khiêu vũ, cười giỡn và thét la, vẽ tranh, quên đi âu lo, đớn đau và cái chết, sống ngoài thời gian, nhập định, kết nối, giải nối, tái nối, tưởng tượng, tạo tác.
Đó là một chiều mùa hè ở một phòng trị liệu trẻ em tại Pháp. Một bé gái 13 tuổi nhìn tôi từ trên xuống dưới, và nói: “Tháng sau, con không tới nhóm được. Con sắp được coi Won Deerection.” Tôi nói: “Won Deerection nào?” Một nhóm bé gái khúc khích cười. Cô gái, được nhận nuôi từ Rwanda, và từng chứng kiến cảnh tượng chiến tranh, hãm hiếp, bạo lực, đã phát âm rõ từng chữ. “W-o-n D-e-e-r-e-c-t-i-o-n là một nhóm nhạc nam.” “À, One Direction,” tôi nói. Cả đám cười phá lên trước giọng Anh của tôi. “Bài hát nào của One Direction các em thích nhất,” tôi hỏi. Cô bé nhướng mày: “Cô không thích đâu.” Tôi nói: “Chưa biết được, lỡ đâu cô thích thì sao. Qua tuần các em mang một CD của nhóm tới nhé?” Cô bé nhún vai. Năm cô bé chào tạm biệt. Một em trong đó bị câm, một tự hoại, một không thể vào phòng mà không khóc. Về sau, y tá trị liệu cùng với tôi cùng ghi chép lại, thảo luận bệnh sử, các nỗi sợ, thư giãn, biếng ăn, tưởng tượng, các triệu chứng hoang tưởng và tiếng cười.
Sang phiên kế tiếp, cô bé mang CD của One Direction theo, và chúng tôi cùng nghe bản nhạc yêu thích của em, What Makes You Beautiful (2011). Ở phiên tiếp theo, tôi đề nghị như sau: “Chúng ta hãy cùng tưởng tượng đang có mặt tại một buổi hòa nhạc của One Direction. Ban nhạc bước lên sân khấu. Đèn chớp nháy. Chúng ta cùng gọi tên các thành viên.” Lớn giọng hết cỡ, chúng tôi cùng hét lên “Niall, Zayn, Liam, Harry, Louis!” và kết thúc bằng những tràng cười. Suốt các tuần sau đó, các bạn trẻ viết nên những câu chuyện kể về một kỳ nghỉ trọn gói ở Hy Lạp, cưỡi lừa tưởng tượng, bị cháy nắng, và cùng nhau bơi trong lòng biển lấp lánh. Một cậu bé tự kỷ có thể tham gia các phiên ứng tác khi và chỉ khi cậu phải diễn lại một câu đố trên vô tuyến, thét to: “Chúng ta có một người thắng cuộc!”
Đầu mỗi phiên, chúng tôi cùng thét tên các thành viên One Direction. Tuần cuối cùng, trước kỳ nghỉ của trường, chúng tôi hát với nhau: ‘You don’t know you’re beautiful, That’s what makes you beautiful…’
Trong bài báo Xã hội và Văn hóa (1960), Arendt từng viết rằng nếu không có vẻ đẹp do con người tạo ra, những thứ phổ quát mà chúng ta gọi là tác phẩm nghệ thuật, nếu không có hào quang chói lóa mà sự trường tồn trở nên hiện hữu trước và trong thế giới, toàn bộ đời sống của con người sẽ là vô nghĩa và không một sự vĩ đại nào có thể duy trì.
Bất kể tất cả những điều này, từ “sáng tạo” vẫn thấp thỏm ngự trong miệng tôi, với mọi liên tưởng từ tâm lý học bình dân: một sự kiện do các tập đoàn tạo ra tự nuôi dưỡng từ “thực tại tư bản”, các vị guru trong áo không cổ, nắm tay, dán tim lên tường. Là một người thực hành liệu pháp trị liệu bằng cách chơi, tôi có những e dè sâu sắc dành cho những giáo điều công thức, xoàng xĩnh ai cũng vừa vặn của việc chơi. Tôi xem chơi và sáng tạo là những hành vi cá nhân, thân mật. Quyền năng biên cải Locus Solus bản thân của con người. Trong mảnh thứ 52, Heraclitus mô tả Aion, tiến trình thế giới, là một đứa trẻ đang vui đùa, chơi như ẩn dụ cho ngọn lửa vũ trụ hằng sống pur aeizoon, “sấm sét khuấy động vạn vật”. Chúng ta có thể và cần phải sẻ chia những hoạt động tưởng tượng, thế nhưng tưởng tượng của chúng ta - nếu cần phải trao quyền, đảo ngược và giữ chúng ta thao thức hàng đêm bởi chúng ta là những sinh vật biết khát khao - nên được phép đốt bừng lên với một thứ ánh sáng độc nhất, sum suê.
k.