Cho một ngày rối ren, suy nghĩ về (một khía cạnh) con người và xã hội
Dạo đây, tâm trí tôi có chút rối ren, nên phải viết một chút cho nó có vẻ là hệ thống (hoặc không). ...
Dạo đây, tâm trí tôi có chút rối ren, nên phải viết một chút cho nó có vẻ là hệ thống (hoặc không).
Mọi người đều có những ngày tháng khó khăn, tăm tối và tồi tệ, một số đã vượt qua, một số vẫn đang chật vật, số khác thì chưa đến lúc.
Dù hiểu hay không, khi nó là chuyện của người khác, người ta sẽ có một vài thái độ chung:
Kiểu (1) "có gì đâu to tát, ai (tôi) chẳng có khó khăn (và tôi đã (sẽ) vượt qua đấy thôi)", kiểu này (vô tình) xem bản thân là thước đo, họ phỏng chiếu tất cả vào mình, xem nhẹ vấn đề của người khác hơn của bản thân, họ khắc khe, khó khăn và không khoan nhượng.
(Tôi đang đóng vai một nhà thông thái)
Kiểu (2) "tôi hiểu, ai (tôi) cũng sẽ có những khó khăn", kiểu này (vô ý) nghĩ lại vấn đề của bản thân (đã từng) và đồng cảm, thấu hiểu (tự nhiên) cho người khác, họ bao dung, dễ chịu và dịu dàng.
(Tôi đang đóng vai một nhà thông thái)
Kiểu (3) "ai chả có vấn đề và tôi quá bận rộn với việc của mình rồi, mặc xác những người khác", rất dửng dưng, kiểu này có khả năng sống trọn vẹn hơn, vì họ sẽ không để phí phạm thì giờ (tôi thích kiểu này).
(Tôi đang ...)
Với mỗi người có thể là tổng hợp của nhiều kiểu, và mỗi kiểu mức độ còn có thể khác nhau, nhưng cứ dán nhãn (mấy cái lọ thủy tinh) này cho nhẹ đầu. Chắc chắn là sẽ còn nhiều kiểu nữa, nhưng tôi đồ là đa phần xã hội sẽ rơi vào kiểu (1) và (2).
(Tôi hả, tôi là kiểu (2), tôi tự cho mình tốt, tôi thích nghĩ mình tốt, sao cũng được)
(Có vẻ là) kiểu (1) đang rất áp đảo trong xã hội.
Nó góp phần tạo ra một xã hội khắt khe và khó tính, khi người ta không (ít) cảm thông nhau, người ta cứng nhắc và máy móc, vô tâm và ích kỷ, ngay cả luật pháp đôi khi cũng phải có chút nhân đạo (tội nhân cũng cần có cơ hội thứ hai). Lý do, có thể là giáo dục, lòng tin, văn hóa ứng xử, quan hệ xã hội... Sâu xa quá, hãy nghĩ đơn giản một chút, thứ tạo nên sự đồng cảm là sự thấu hiểu, vấn đề là không ai có thể thấu hiểu trọn vẹn nỗi đau của người khác, khi tôi nói với bạn là tôi đau đớn, bạn nghe và biết rằng tôi đang (có vẻ) đau đớn (thì rõ tôi nói như vậy mà), nhưng đau đớn như thế nào (thể xác, tinh thần, trái tim, từng lớp tế bào dưới da, sự thống khổ, âm ỉ và rền rĩ...) làm sao cảm nhận được, như đàn ông sẽ không bao giờ hiểu được cơn đau của vợ anh ta khi sinh con cho cả hai (tôi nghe nói đã có loại máy mô phỏng được cơn đau này, dù sao thì những người mẹ thật vĩ đại).
Khi những người kiểu (2) hiểu lý do của kiểu (1), họ hiểu rằng sự đồng cảm của mình chỉ là nhất định, vấn đề của người khác có thể còn tệ hơn những gì họ nghĩ (trãi qua), nên hãy dịu dàng (hơn nữa) với họ.
Lắng nghe, thứ tất cả mọi người cần học nhất là giữ cho cái miệng mình thôi hoạt động và lắng nghe.
Lắng nghe mới thật sự khó, nghe ai đó nói thôi là chưa đủ, nghe và cảm nhận bằng cả trái tim, đó mới là lắng nghe. Nhưng con người thích nói hơn, đó là nhu cầu thể hiện, họ xem thường việc lắng nghe, không nghe thì nói, khi nói thì đưa ra giải pháp, cái này còn tệ hại hơn nữa. Lại (nào), không ai có thể thấu hiểu trọn vẹn nỗi đau của người khác, đã không hiểu hết mà còn đưa giải pháp, nói "đừng buồn" thay vì "hãy khóc nếu bạn muốn", thật vô nghĩa.
Với sự thiếu hiểu biết, sẽ còn tệ hơn được nữa.
Bạn sẽ không biết về thứ bạn không biết và không biết không đồng nghĩa với không tồn tại.
Khi chưa có kinh nghiệm, những thứ người ta biết thường ít và thường là những đa số, nhưng có đa số thì có thiểu số, có thông thường thì có ngoại lệ, được mấy người tin về những điểm dị biệt, hay sẽ gán ghép lối suy nghĩ thông thường và phán xét (điên rồ, ảo tưởng), thật nông cạn. Làm sao người ta có thể chắc rằng anh ta có thể đi làm công việc văn phòng 8h/ngày, 40h/tuần chỉ vì mọi người đều như thế. Các thiên tài đều là những dị nhân (không tương đương), đó là minh chứng cho thấy có tồn tại những ngoại lệ, hãy tôn trọng họ (ít nhất bằng cách để họ tự do sống theo cách của họ, dù sao cũng là cuộc đời của họ).
Đám đông thường ngu dốt và dễ cuồng nộ.
(Bình tĩnh nào)
Khi tôi nói đám đông, nó chỉ là đám đông, không phải là từng cá nhân bên trong đó, khác biệt là, nếu đặt một cá thể độc lập, tôi tin họ sẽ tư duy sáng suốt hơn khi nằm trong một nhóm, vì bộ não rất lười (tại sao phải suy nghĩ khi đã có những người khác suy nghĩ thay) và tất cả mọi người đều như thế. (Đau buồn là) Mặt bằng chung dân trí xã hội thường không cao, một suy nghĩ tệ hại sẽ làm cho cả đám đông tệ hại.
Đám đông không xấu, đám đông "cuồng nộ" mới xấu, một đám đông giận dữ (khi giận dữ thì hệ thống tư duy logic tắt ngúm) tự cho quyền lên án, mạt sát, công kích cá nhân một ai đó, sau khi đã phán xét trước đó, ai cho phép. Đám đông cuồng nộ là một cơn bão châu chấu quét qua những cánh đồng lúa mạch, khi qua đi, nó để lại phía sau là sự tan hoang, mất mùa và nạn đói. (Tôi đang thấy và bạn có thấy không) Viễn cảnh một đám đông điên loạn đang không ngừng hò réo, ném đá vào giàn hỏa thiêu trên một quảng trường nào đó - "chết đi đồ phù thủy" - những tìm hiểu đã cho thấy rằng "phù thủy" của họ thường là những con người đã (vô tình) đi trước thời đại.
Đám đông cuồng nộ không được phép tồn tại ở thời đại văn minh.
*Tất cả nội dung trên đây đều xuất phát tự bản thân tôi, không dẫn chứng, không thống kê, không chắc chắn đúng, không cần thiết phải đồng ý và áp đặt cho bất cứ ai, hãy suy ngẫm (nếu muốn).
(Tự nhiên dạo này hơi bị thích mấy dấu ngoặc tròn)
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất