Thầy tôi, suốt hơn 20 năm làm nhà giáo, đã không tưởng rằng có ngày phải dạy học online. Tập tành làm quen với Zoom ở tuổi ngoài 50, thầy gặp biết bao tình huống dở khóc dở cười. Có lần, trong một buổi ngoại khóa online tổ chức theo đề nghị của thầy hiệu trưởng, vài học trò ẩn danh để hình đại diện Huấn Hoa Hồng hay Khá Bảnh, bình luận linh tinh vào khung chat, thậm chí gửi cả link phim khiêu dâm. Chả biết nhà trường có phương án giải quyết gì không, chỉ biết sau lần đó thầy tôi rất stressed, thường bảo tôi chỉ mong cho nhanh hết dịch để dạy lại bình thường.
Một người như thầy tôi, đã đi qua biết bao vinh hạnh cũng như chua chát của đời nhà giáo, từ những buổi đầu mới bỡ ngỡ về trường mà đã có thanh tra sở dự giờ, gây dựng uy tín với học sinh, phụ huynh, và đồng nghiệp từ con số không tròn trĩnh, cặm cụi học và thi IELTS liên tục để không bị giới trẻ bỏ lại phía sau, mấy bận bị dọa chuyển công tác vì những trò chính trị công sở sặc mùi đố kỵ, thích nghi hết các đợt thay đổi sách giáo khoa hay quy chế thi cử, với bấy nhiêu kinh nghiệm mà vẫn thấy mông lung trước những chuyển biến của ngành giáo dục trong đại dịch.
Người ta hay nói về một “bình thường mới” sau COVID-19, nơi mà có lẽ hầu hết mọi lĩnh vực đều mãi mãi thay đổi, và có lẽ, giáo dục là một trong số đó. Rất có thể Zoom hay Google Meet sẽ chỉ mới là điểm khởi đầu của một tương lai nơi mà dạy và học không còn lệ thuộc vào phòng ốc vật lý. Và những nhà giáo lớn tuổi như thầy tôi cũng sẽ phải, bằng cách này hay cách khác, thích nghi với cái tương lai đó.
Nhưng có mấy cái “không bình thường cũ” mà tôi mơ hồ cảm thấy qua sự chênh lệch giữa việc dạy tiếng Anh ở trường công với ở các tổ chức giáo dục tư nhân, rằng trong khi cái hệ thống công lập ở các vùng quê đều “đã có tuổi”, và đang chuyển động một cách nặng nề, uể oải để bắt kịp với những thay đổi trong thực hành dạy và học đến từ tác động dội ngược (washback effect) của các chứng chỉ quốc tế, thì ở phía tư nhân, trung tâm và lớp dạy luyện thi ở thành phố mọc lên nhanh như nấm, với một bề dày drama từ cô giáo viên tự sửa điểm IELTS thành 8.0 kiếm mấy tỷ rồi cao bay xa chạy đến đội ngũ “Tây ba lô” nói láo là mình có TESOL. 
Sự ì ạch của phía công lập có thể đến từ tính cách quan liêu trong quản lý giáo dục, từ một truyền thống bất thành văn của chạy chọt xin xỏ trong tuyển dụng giáo viên, đến những bè nhóm phe phái trong các tổ bộ môn. Sự hỗn loạn của phía tư nhân có thể bắt nguồn từ thái độ thiếu quyết liệt của thanh tra giáo dục và sự lũng đoạn của marketing trong thẩm định giá trị. Cuối cùng thì học sinh chán ngán các tiết dạy tiếng Anh ở trường, để rồi khi vào đại học thì lại bỏ mấy chục triệu đồng theo các trung tâm ngoại ngữ: đó là một sự phân bổ nguồn lực vô cùng phi lý.  
Đồng thời, một lực thứ ba là mạng xã hội, và Internet nói chung mở ra những không gian giao tiếp liên văn hóa, nơi học sinh bắt đầu làm quen với những tiếng lóng, những phép xã giao, và những loại nội dung cách biệt với thực tế dạy và học ở trường. Tính mục đích của việc học ngoại ngữ trong trường cũng bị ảnh hưởng. 
Những gì được trình bày trên đây là mấy vấn đề đan cài, nhìn nhận từ góc độ cá nhân của một cựu sinh viên sư phạm. Tôi chưa từng ăn dầm nằm dề với các hội thảo hay khảo sát về quản lý giáo dục; tôi cũng chưa có dịp thấy việc dạy và học ở nhiều trường công lập khác thế nào; tôi thậm chí còn không phải là một giáo viên trường công. Nên nó chỉ là chuyện trò, tâm sự thôi nhé.
Dư luận bấy lâu nay vẫn hết mực phê bình ngành giáo dục khi có dịp, nhưng mấy ai đã thực sự ở bên trong cái hệ thống này: nhận sự ủy thác của phụ huynh, bất chấp các lực cản mà đề xuất một cải tiến, song song với việc chăm chút từng bài giảng, sát sao năng lực của từng học sinh, để rồi cuối tháng cầm trên tay đồng lương bèo bọt của công chức, đối mặt với những nỗi lo cơm áo gạo tiền, và một vài nỗi muộn phiền riêng tư?