Cú dội ngược trở lại của cái được gọi (một cách hời hợt) là boléro hay (một cách thô bạo) là nhạc vàng (cf. Jason Gibbs) vài năm trước đã chọt vào mấy ông tưởng rằng mình đại diện cho cái mới, Dương Thụ chẳng hạn.
Dù rằng sau hết những lời qua tiếng lại, có lần trong một buổi "trò chuyện âm nhạc" mang tên 100 bài hát Việt tuyển chọn mà tui tham dự ở Cà phê thứ bảy, ông Dương Thụ có một cách rút kinh nghiệm khá kỳ quặc: Trước khi giới thiệu bài Mưa trên phố Huế của Minh Kỳ, ông nói từng cho bài này lọt khỏi danh sách nhưng rồi lại nghĩ rằng nó là một thứ không thể thiếu về mặt tinh thần của lớp (dùng từ là) "bình dân thành thị".
Ngoắt nghéo ở chỗ, "cái mới" theo kiểu Dương Thụ sẽ đứng cùng một phía với cái gọi là "the politics of remembering" (một nửa tên cuốn sách về nhạc Việt sau Đổi Mới của Dale A. Olsen, xuất bản năm 2008), nghĩa là cùng một phía với những "Giai điệu tự hào" hay là "Điều còn mãi".
Bởi vì cả hai giống nhau ở thái độ lờ đi những tồn tại rất lớn như Trên bốn vùng chiến thuật, Chiều mưa biên giớiRừng lá thấp. Tức là giống nhau ở sự vô tri, dù là vô tri một cách vô tình hay cố ý.
Có một câu còn rớt lại sau mấy cuộc thảo luận đó mà tôi vẫn nhớ:
"Có những thứ chôn mà không chết,
có những thứ đã chết mà không chịu đem chôn"
Bỗng dưng trong lúc đang tắm, tôi phát hiện ra, rất có thể đây là một chiến lược thâm sâu khó lường: Bằng cách ra rả về sự Nhớ, người ta đang ngấm ngầm cổ xúy cho sự Quên.
Đi đường mà toàn gặp mấy băng rôn đỏ trên có dòng chữ "Nhớ tôi đi" thì thể nào cũng muốn quên phắt đi cho xong.
Ôi một nước cờ ghê gớm!
Tự dưng lại nhớ đến bài thơ của Bùi Sim Sim: Giữa hai chiều quên nhớ.
21.03.20