Chính sách giao thương nước ngoài của Trung Quốc thời nhà Minh và đầu thời nhà Thanh cùng hệ quả lịch sử: 1522 – 1840
Nguồn: Shi Zhihong, “China's overseas trade policy and its historical results: 1522–1840”, Intra–Asian Trade and the World Market...
Nguồn: Shi Zhihong, “China's overseas trade policy and its historical results: 1522–1840”, Intra–Asian Trade and the World Market. Nhà xuất bản Routledge.
Đầu thế kỷ 15, người châu Âu bắt đầu thám hiểm hàng hải để tìm kiếm các tuyến đường mới đến phương Đông, nơi được cho là đầy ắp vàng bạc và hương liệu. Vào cuối thế kỷ 15 và đầu thế kỷ 16, nhiều nhà hàng hải vĩ đại đã khám phá ra các tuyến đường biển nối châu Âu với châu Á và châu Mỹ, hoàn thành chuyến đi biển vòng quanh thế giới. Từ đó trở đi, người châu Âu bành trướng sức mạnh và tầm ảnh hưởng khắp toàn cầu, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên khai thác thuộc địa.
Thời đại khám phá và hoạt động mở rộng thuộc địa theo sau mang tới những tiến bộ xã hội và kinh tế vượt bậc ở Tây Âu, đẩy nhanh tốc độ lớn mạnh của chủ nghĩa tư bản tại đây. Chúng cũng thay đổi luôn bản đồ chính trị thế giới. Những quốc gia nhỏ bé “ngoài rìa” nền văn minh châu Âu như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan và Anh giờ đây nối tiếp nhau trở thành những siêu cường có sức mạnh hải quân vượt trội và sở hữu lãnh thổ hải ngoại bao la. Sự bành trướng trên toàn thế giới của chủ nghĩa tư bản phương Tây trở thành xu hướng chính của lịch sử hiện đại và đã thực sự định hình lại thế giới. Trước xu hướng mạnh mẽ này, nhiều nền văn minh ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ đã suy tàn và thậm chí biến mất.
Trung Quốc cũng chẳng thể nào cưỡng lại dòng chảy lịch sử. Nền văn minh Hoa Hạ, một trong những nền văn minh cổ xưa và huy hoàng nhất Trái Đất, bắt đầu đánh mất phong độ từ thế kỷ 16. Đúng là Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển, nhưng nó đã dần tụt hậu so với phương Tây về kinh tế, chính trị, quân sự, khoa học, kỹ thuật và nhiều mặt khác. Trung Quốc rốt cuộc bị phương Tây đè bẹp trong Chiến tranh thuốc phiện 1840 – 42 và bước vào thời kỳ tăm tối mà người dân nước họ gọi là “Bách niên quốc sỉ”.
Vậy thì tại sao chuyện này lại xảy ra? Làm thế nào một quốc gia vĩ đại lại dần suy tàn và bị đánh bại? Để trả lời, ta cần phải nghiên cứu trên nhiều góc độ: chính trị, kinh tế, quân sự, tư tưởng và văn hóa, khoa học và công nghệ, mẫu thuẫn nội tại và đối ngoại, v.v. Tuy nhiên, chương này tập trung vào lập luận cho rằng lý do chính khiến Trung Quốc gục ngã là vì chính sách đối ngoại hạn chế thời nhà Minh và đầu thời nhà Thanh. Chính vì lẽ đó, Trung Quốc đã tự tay vứt đi cơ hội cạnh tranh với phương Tây trong những bước tiến quan trọng nhất của lịch sử hiện đại, vốn đã bắt đầu từ những chuyến khám phá vĩ đại.
Chính sách giao thương nước ngoài thời nhà Minh và đầu thời nhà Thanh
Chính sách giao thương nước ngoài thời nhà Minh: 1368 – 1644
Nhà Minh khởi xướng chính sách cấm biển và cấm chỉ người dân ra nước ngoài vào khoảng đầu và giữa triều đại. Trong những năm này, hình thức ngoại thương hợp pháp duy nhất là “thương mại triều cống”. Chỉ những quốc gia có gửi tàu triều cống tới triều đình và được ghi danh trong Dai Ming Huidian mới được phép giao thương với Trung Quốc. Tàu triều cống chỉ có thể đến trong những thời điểm cụ thể nhưng được phép chở bán một số hàng hóa nằm ngoài danh mục cống phẩm. Mọi tàu neo đậu tại các cảng chỉ định đều phải nộp “kanhe” – một loại giấy phép đặc biệt do chính quyền nhà Minh cấp phát – để kiểm tra. Chính quyền nhà Minh mở ba cảng biển quốc tế: Ninh Ba ở tỉnh Triết Giang, Tuyền Châu ở tỉnh Phúc Kiến và Quảng Châu ở tỉnh Quảng Đông. Một cơ quan đặc biệt gọi là “Shibo Tiju Si” được thành lập ở ba cảng để tiếp nhận sứ thần và quản lý giao thương nước ngoài. Tại kinh đô, Nam Kinh (1368 – 1421) hoặc Bắc Kinh (1421 – 1644), Huitong Guan trực thuộc Lễ bộ, có trách nhiệm tương tự Shibo Tiju Si. Tất cả hoạt động kinh doanh của người nước ngoài với người Trung Quốc tại các cảng hoặc tại Huitong Guan đều được thực hiện dưới sự giám sát của quan chức triều đình.
Chính quyền nhà Minh kiểm soát hoàn toàn thương mại triều cống và luôn xem nó như một phần chiến lược ngoại giao chứ không chỉ là thương mại đơn thuần. Đầu thời nhà Minh, các hoàng đế đánh giá cao lợi ích chính trị hơn lợi ích kinh tế mà thương mại triều cống đem lại. Họ muốn đón tiếp nhiều sứ thần nước ngoài để thiết lập danh tiếng và uy tín cho Trung Quốc như một quốc gia vĩ đại. Theo truyền thống, sự xuất hiện của tàu triều cống là một vinh dự với Trung Quốc và là minh chứng cho sự phồn vinh của nước này. Để khuyến khích thêm nhiều quốc gia gửi tàu triều cống, các hoàng đế đầu thời nhà Minh luôn trọng đãi mọi tàu triều cống. Họ không chỉ đổi hàng Trung Quốc xa xỉ lấy cống phẩm mà còn mua hầu hết hàng hóa trên tàu với giá cao hơn nhiều giá trị thực. Bên cạnh đó, họ luôn đưa ra những mệnh lệnh đặc biệt, cho phép hàng hóa còn sót lại trên tàu được bán tự do trên thị trường miễn thuế, mặc dù theo luật thành văn, mọi hàng hóa trên tàu triều cống đều bị đánh một mức thuế nhất định.
Bị hấp dẫn bởi hoạt động thương mại sinh lời nhờ những chính sách ưu đãi kể trên, nhiều quốc gia Đông Dương và Nam Dương lũ lượt gửi tàu triều cống tới Trung Quốc vào đầu thời nhà Minh. Dưới thời Hồng Vũ Đế (trị. 1369 – 98), hơn một chục quốc gia đã được triều đình điền tên trong danh sách triều cống. Sau những chuyến viễn dương tới Tây Dương của Trịnh Hòa giữa những năm Vĩnh Lạc (1403 – 24) và Tuyên Đức (1426 – 35), mạng lưới ngoại thương của nhà Minh mớ rộng tới vùng ngoại vi Ấn Độ Dương, bao gồm cả Tây Á và bờ biển phía đông châu Phi. Thời điểm này, thương mại triều cống đạt đỉnh cao khi có đến hơn 30 quốc gia gửi tàu triều cống tới Trung Quốc.
Vì tập trung vào lợi ích chính trị, nhà Minh thu được rất ít lợi ích kinh tế từ thương mại triều cống. Trên thực tế, chính quyền nhà Minh chi tiêu cho thương mại triều cống nhiều hơn khoản lợi nhuận thu được từ nó. Chính quyền nhà Minh tốn rất nhiều tiền để lo nơi ăn, chốn ở cho các sứ thần và đoàn tùy tùng đi theo họ. Việc hộ tống sứ thần từ cảng biển tới kinh đô, tặng quà cho sứ thần và quốc chủ của họ cũng vô cùng tốn kém. Sau những chuyến viễn dương của Trịnh Hòa, mật độ chuyến viếng thăm và quy mô đoàn tùy tùng ngày một tăng của các đoàn tàu triều cống khiến chính quyền nhà Minh cảm thấy khó mà giao dịch hết với tất cả, và luôn đau đầu với khoản chi phí tiếp nhận sứ thần. Vì vậy, quy mô và phạm vi của thương mại triều cống cần phải được giảm bớt. Triều đình nhà Minh bắt đầu ban hành giấy phép triều cống đặc biệt (“kanhe”) riêng cho từng quốc gia và hạn chế số lượng chuyến viếng thăm, số lượng tàu triều cống và nhân sự. Để quản lý giao thương dễ dàng hơn, họ thậm chí còn chỉ định tuyến đường mà tàu triều cống phải đi và cảng nhập cảnh. Chẳng hạn, theo Dai Ming Huidian, Nhật Bản triều cống mười năm một lần, đoàn triều cống không được vượt quá ba tàu và 300 nhân sự, phải nhập cảnh tại cảng Ninh Ba. Lưu Cầu triều cống hai năm một lần, đoàn triều cống không được vượt quá 300 nhân sự, nhập cảnh tại cảng Quảng Châu. Chiêm Thành, Chân Lập, Xiêm La và các quốc gia Tây Dương ba năm triều cống một lần, đoàn triều cống nhập cảnh tại Quảng Châu, v.v. Việc đặt giới hạn cho các tàu triều cống chỉ ra rằng chính quyền nhà Minh đã quá mệt mỏi với việc tiếp nhận tàu triều cống nước ngoài.
Giữa thời nhà Minh, nạn Oa khấu – cướp biển Nhật Bản – khiến chính sách ngoại thương của Trung Quốc ngày một hướng nội hơn. Điều này dẫn tới việc Gia Tĩnh Đế (trị. 1522 – 66) ban bố một lệnh cấm biển toàn diện. Oa khấu hoành hành ở vùng duyên hải Trung Quốc từ tận giữa thế kỷ 14, nhưng chỉ thực sự trở thành mối đe dọa nghiêm trọng vào cuối thế kỷ 15, khi Nhật Bản bước vào thời kỳ Chiến Quốc. Thời điểm đó, do tình trạng nội chiến và hỗn loạn triền miên khắp Nhật Bản, đông đảo chiến binh bất mãn chọn cách giong buồm ra khơi. Họ trở thành thương nhân hoặc cướp biển, thường xuyên quấy phá bờ biển đông nam Trung Quốc. Xung đột giữa các phái đoàn triều cống từ các thân vương quốc Nhật Bản cũng thường mang lại tai họa cho Trung Quốc. Năm 1523, một cuộc tranh cãi nảy lửa về chính sách đối ngoại đã nổ ra trong triều đình nhà Minh sau một vụ “tranh giành quyền triều cống” giữa hai phái đoàn Nhật Bản. Kết quả là Gia Tĩnh Đế quyết định giải tán tất cả Shibo Tiju Si tại các cảng quốc tế và nâng cấp độ cấm biển.
Cấm biển nghiêm ngặt chẳng những không thể chặn đứng Oa khấu mà còn cản trở sự phát triển của hoạt động ngoại thương bình thường ở Trung Quốc. Do không có đường cho người nước ngoài và thương nhân Trung Quốc buôn bán, nạn buôn lậu lan tràn khắp bờ biển đông nam. Cường hào địa phương hay thương nhân giàu có, đôi khi được tiếp tay bởi quan chức, là những đầu tàu buôn lậu. Những thương nhân hàng hải Trung Quốc bá đạo này, hầu hết được vũ trang, cũng kiêm luôn nghề cướp biển và thường cấu kết với người Nhật hoặc tự nhận mình là người Nhật để giết chóc và cướp bóc. Chính quyền nhà Minh tuy kiểm soát chặt ra vào cảng biển nhưng lại không gia cố lực lượng quân sự phòng thủ trên biển và ven bờ biển. Suốt những năm Gia Tĩnh, cả Oa khấu lẫn “ngụy Oa khấu” hoành hành khắp vùng ven biển đông nam Trung Quốc, cản trở đáng kể sự phát triển của công nghiệp và thương mại nơi đây.
Lệnh cấm biển còn làm giảm nguồn thu của chính quyền nhà Minh. Nó mang tới nhiều khó khăn tài chính cho Chiết Giang và Phúc Kiến hơn cả, vì phần lớn chi tiêu địa phương của hai tỉnh này đều đến từ việc đánh thuế ngoại thương. Đã có nhiều yêu cầu bãi bỏ lệnh cấm biển dưới thời Gia Tĩnh Đế, các quan chức Triết Giang và Phúc Kiến tranh luận rất sôi nổi về chính sách đối ngoại tại triều đình. Ngay khi giải quyết được nan đề Oa khấu, chính quyền nhà Minh bắt đầu thay đổi chính sách đối ngoại từ thời Long Khánh Đế (trị. 1567 – 72). Sau năm 1567, thương nhân Trung Quốc được phép buôn bán với tất cả thương nhân từ Đông Dương và Tây Dương, trừ Nhật Bản. Tàu nước ngoài, cũng trừ Nhật Bản, được chào đón đến Trung Quốc. Năm 1599, Shibo Tiju Si được tái thành lập tại Quảng Châu và Ninh Ba. Vậy là lệnh cấm biển tồn tại từ đầu thời nhà Minh cuối cùng đã được bãi bỏ. Thế nhưng, tín hiệu tích cực này đến quá muộn khi chỉ còn vài thập kỷ nữa là nhà Minh diệt vong.
Những cửa biển rộng mở chắc chắn rất hữu ích trong việc thúc đẩy hoạt động ngoại thương Trung Quốc. Nó khuyến khích thường dân Trung Quốc xuất ngoại để buôn bán với người nước ngoài. Thường dân vẫn thường lén lút xuất ngoại thời nhà Minh ngay cả trong những năm tháng cấm biển ngặt nghèo nhất. Cùng với sự phát triển của thủ công nghiệp và thương mại, thương mại tư nhân nhanh chóng khuếch trương từ giữa thời nhà Minh dưới hình thức buôn lậu quy mô lớn. Sau khi lệnh cấm biển được bãi bỏ, thương mại tư nhân nở rộ hơn bao giờ hết. Nguyệt Cảng, một thành phố thương mại sầm uất ở phủ Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến, là điểm khởi hành hàng đầu mà thường dân Trung Quốc lựa chọn khi có ý định ra nước ngoài. Theo một tác giả sống vào cuối thể kỷ 16, những người xuất ngoại hàng năm đem lại cho Nguyệt Cảng vài trăm ngàn lạng bạc.
Nhằm tăng cường quản lý ngoại thương, chính quyền nhà Minh thành lập huyện Hà Trừng tại Nguyệt Cảng và giao cho một cơ quan tên là Du Xiang Guan trách nhiệm thu thuế. Chính quyền huyện Hà Trừng quy định rằng mọi tàu đi nước ngoài đều phải trả một khoản phí cố định để đổi lấy thẻ thông hành đặc biệt chuan yin. Có hạn ngạch số lượng thẻ chuan yin được phép cấp mỗi năm: ban đầu là 88, về sau là 100 rồi 210. Tàu đi biển bị giới hạn kích thước và không được phép chở vũ khí hoặc hàng lậu. Tàu chỉ được đến những địa điểm đã được chủ tàu đăng ký trước và phải trở về sau một thời hạn nhất định. Ngoài phí thông hành, chính quyền còn thu thêm ba loại thế khi tàu hồi bến: shui xiang theo kích cỡ tàu, jiazeng xiang cho hàng nhập khẩu, và jiazeng xiang đặc biệt với những tàu trở về từ Luzon, thường chỉ mang về đô la bạc Mexico.
Cho phép người dân ra nước ngoài là một cải cách sáng suốt của nhà Minh. Nhưng nó đến quá muộn để mang lại lợi ích cho Trung Quốc. Với sự leo thang căng thẳng giữa quần chúng nhân dân và giai cấp thống trị, hoàng triều thời điểm đó đang trên con đường suy tàn và không còn đủ sức lực cũng như ý chí để theo đuổi một chính sách hải ngoại táo bạo. Mở rộng cửa biển không phải là vì hoàng triều muốn khuyến khích thường dân mở mang thị trường nước ngoài, mà là vì họ không thể tiếp tục cấm cản thường dân xuất ngoại. Sự phát triển thương mại tư nhân cuối thời nhà Minh hoàn toàn nhờ công của tầng lớp bình dân. Tất cả những gì chính quyền làm với thương mại tư nhân là kiểm soát nó hết mức và tích cực thu thuế.
Tóm lại, chính sách ngoại thương của Trung Quốc cuối thời nhà Minh vẫn hết sức bảo thủ. Hoàng triều luôn quan tâm tới sự an toàn của bản thân nó hơn là lợi ích kinh tế có thể thu được từ thương mại. Thương mại triều cống, hình thức ngoại thương duy nhất được chấp thuận vào đầu và giữa thời nhà Minh được coi như một biện pháp ngoại giao nhằm tạo uy tín cho hoàng triều hơn là một phương tiện kiếm thêm nguồn thu từ giao thương. Cuối thời nhà Minh, hạn chế cảng biển được nới lỏng, tàu ngoại quốc được tự do ra vào và thường dân có cơ hội xuất ngoại. Tuy nhiên, hình thái thương mại tự do như ở phương Tây vẫn không thể hình thành. Thương nhân ngoại quốc phải tiến hành buôn bán thông qua người đại diện do chính quyền chỉ định, việc giao thương trực tiếp với thường dân Trung Quốc bị nghiêm cấm. Người dân không được khuyến khích ra nước ngoài để mở thị trường hải ngoại Trung Quốc, thực tế, họ được phép ra nước ngoài vì chính quyền không thể ngăn cấm. Một chính sách thúc đẩy ngoại thương như ở phương Tây chưa từng xuất hiện ở Trung Quốc cho tới tận những năm cuối thời nhà Minh.
Chính sách giao thương nước ngoài đầu thời nhà Thanh: 1644 – 1840
Sự rộng mở trong quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với nước ngoài vào cuối thời nhà Minh không tồn tại được lâu. Nó gián đoạn ngay trong những năm đầu thời nhà Thanh, triều đại kế tục nhà Minh cai trị Trung Quốc từ năm 1644. Trong những thập kỷ cai trị đầu tiên, triều đình nhà Thanh liên tục phải đàn áp các lực lượng phản Thanh người Hán đấu tranh khôi phục triều đại cũ. Lực lượng người Hán chủ yếu tập hợp ở vùng duyên hải đông nam và luôn dễ dàng đào thoát tới các căn cứ vững chắc trên một vài hòn đảo ngoài khơi. Vì vậy, không lâu sau khi chiếm được Bắc Kinh vào năm 1644, nhà Thanh đã lập tức ban bố lệnh cấm biển. Tuy nhiên, lệnh cấm biển chỉ thực sự hiệu quả khi được xiết chặt vào năm 1661. Đó là khi quân Mãn Thanh đánh bại Trịnh Thành Công, thủ lĩnh phản Thanh khét tiếng nhất vùng đông nam, buộc ông này cùng toàn bộ lực lượng tháo chạy ra biển. Triều đình nhà Thanh ép tất cả dân ven biển phá hết tài sản và di tản sâu vào trong đất liền hơn chục cây số, chỉ để lại cho lực lượng phản Thanh ngoài khơi một bờ biển trơ trọi. Lệnh cấm biển mới được thực hiện triệt để đến mức không có bất cứ tàu thuyền nào được phép ra khơi hay cập bến Trung Quốc đại lục. Thế là, ngoại trừ chút giao thương hạn chế ở Macao, nhà Thanh đã cho dừng tất cả hoạt động thương mại nước ngoài.
Chính quyền nhà Thanh dỡ bỏ lệnh cấm biển và cho phép người dân xuất ngoại vào năm 1684, một năm sau khi chế độ của dòng họ Trịnh tại Đài Loan đầu hàng quân Mãn Thanh. Năm 1685, bốn hải quan được thành lập ở Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông), Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến), Ninh Ba (tỉnh Triết Giang) và Tùng Giang (tỉnh Giang Tổ) để giao thương với nước ngoài. Như vậy, quan hệ thương mại với nước ngoài cuối cùng cũng trở lại bình thường sau 40 năm. Nửa sau thời Khang Hi (1662 – 1722), tàu buôn nước ngoài được phép buôn bán với người Trung Quốc tại tất cả cảng biển quy định, và hoạt động hải ngoại của thương nhân Trung Quốc cũng phát triển nhanh chóng, bất chấp những hạn chế xuất ngoại nhất định. Theo một số ghi chép lịch sử, thương nhân và dân di cư Trung Quốc xuất hiện hầu khắp các nước Nam Dương và Đông Dương. Người Trung Quốc sống ở Đông Nam Á, chủ yếu đến từ vùng duyên hải đông nam, đông hơn nhiều so với thời nhà Minh. Riêng mình Jakarta đã có tới hàng trăm ngàn người Trung Quốc.
Tuy nhiên, tình hình tích cực này cũng chẳng kéo dài lâu. Từ những năm cuối thời Khang Hi, chính sách hải ngoại của nhà Thanh lại bắt đầu trở nên hướng nội. Điều này là do mối lo ngại sâu xa rằng các lực lượng phản Thanh trong nước, vẫn hoạt động ngay cả khi người Mãn đã thống nhất đất nước, sẽ cấu kết với người Hán ở hải ngoại để lật đổ nhà Thanh. Khang Hi và một số quan chức cảm thấy không yên tâm khi rất nhiều người Hán ra nước ngoài sinh sống và định cư. Ông được cho là đã phái mật thám tới Luzon điều tra, một năm sau khi nghe tin có hậu duệ hoàng tộc nhà Minh đang sống tại đây. Dù cuộc điều tra chẳng đi đến đâu, lo lắng vẫn bủa vây hoàng đế. Vì vậy, vào năm 1717, Khang Hi ban bố lệnh cấm tàu thuyền đến Nam Dương. Cùng thời điểm, triều đình nhà Thanh hạn chế tàu thuyền ra khơi và tăng cường kiểm tra các cảng biển. Tất cả người Trung Quốc đang định cư ở nước ngoài được lệnh phải trở về đại lục trong vòng ba năm, ai dám di cư lần nữa sẽ bị dẫn độ và xử tử. Trước áp lực từ triều đình và quần chúng, lệnh cấm tàu thuyền đến Nam Dương được dỡ bỏ vào năm 1727. Trong khi đó, những áp đặt đối với người Trung Quốc hải ngoại và hạn chế tàu thuyền ra khơi vẫn tiếp tục được xiết chặt. Như một hệ quả tất yếu, quan hệ giao thương giữa Trung Quốc với Nam Dương đi xuống rõ rệt vào thế kỷ 18.
Giao thương với tàu nước ngoài tại các cảng biển cũng được kiểm soát chặt chẽ hơn nhiều. Chính quyền nhà Thanh mở bốn cảng biển để buôn bán với người nước ngoài khi dỡ bỏ lệnh cấm biển vào năm 1684. Để kiểm soát hoạt động của người nước ngoài tại Trung Quốc, chính sách ngoại thương có nhiều thay đổi dưới thời Càn Long (trị. 1736 – 95). Ngoài các quốc gia triều cống truyền thống, nhiều quốc gia phương Tây bắt đầu buôn bán với Trung Quốc từ giữa thời nhà Thanh. Người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan và sau đó là người Anh, lần lượt giong buồm đến phương Đông từ đầu thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 17. Những vị khách mới này vừa là thương nhân vừa là cướp biển, vừa buôn bán vừa thường xuyên quấy rối bờ biển Trung Quốc. Trong nửa sau thế kỷ 17 và nửa đầu thế kỷ 18, những đế quốc thực dân cũ như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, và Hà Lan dần suy tàn, trong khi Đế quốc Anh non trẻ đang ngày càng mạnh mẽ và giàu tham vọng. Giao thương giữa Anh với Trung Quốc thông qua Công ty Đông Ấn bắt đầu vào thập kỷ thứ ba thời Khang Hi và phát triển dần từ những năm 1720. Lúc đầu, thương nhân Anh chỉ buôn bán với người Trung Quốc ở Quảng Châu. Nhưng từ năm 1755 đến năm 1757, những hạn chế giao thương và mức thuế xuất nhập khẩu cao ở Quảng Châu đã buộc Công ty Đông Ấn phải gửi tàu tới Ninh Ba, nơi điều kiện giao thương thoải mái hơn nhiều. Ninh Ba cũng rất gần những nơi sản xuất các mặt hàng mà người Anh ưu chuộng, như lụa thô, trà, bông, vải, v.v. Chính quyền nhà Thanh vô cùng lo lắng khi người Anh thay đổi thương cảng, vì điều này sẽ làm giảm nguồn thu của Hải quan Quảng Đông. Tuy nhiên, viễn cảnh một khu định cư nước ngoài tương tự Macao sẽ ra đời mới là điều làm chính quyền nhà Thanh lo sợ nhất. Lúc đầu, Càn Long (trị. 1736 – 95) cố gắng chặn tàu Anh đi lên phía bắc tới Ninh Ba bằng các tăng thuế tại Hải quan Chiết Giang, nhưng ông đã thất bại. Vì vậy, vào mùa đông năm 1575, hoàng đế tuyên bố kể từ năm sau, mọi tàu nước ngoài đều phải cập bến Quảng Đông và tuyệt đối không được bén mảng Ninh Ba. Hành động này là một thay đổi quan trọng trong chính sách ngoại thương đầu thời nhà Thanh, nó khiến cánh cửa giao lưu với thế giới bên ngoài, vốn được khai mở từ thời Khang Hi, khép lại một phần.
Cùng thời điểm, chính quyền nhà Thanh tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh của người nước ngoài thông qua hệ thống “Gong Hang” nổi tiếng. Nhà Thanh kế thừa Gong Hang – được thiết lập tại các thương cảng từ cuối thời nhà Minh – để quản lý ngoại thương. Theo luật định, mọi thương nhân nước ngoài đều phải tiến hành kinh doanh thông qua một nhóm thương nhân Trung Quốc được chính quyền chỉ định, và không được buôn bán trực tiếp với thường dân Trung Quốc. Mọi hoạt động kinh doanh, mua hoặc bán, đều phải qua tay người đại diện hoặc người môi giới được chỉ định sẵn. Kể từ khi mở lại cảng biển vào thời Khang Hi, chính quyền địa phương đã chọn lọc một vài thương nhân làm trung gian kinh doanh cho người nước ngoài. Ở Quảng Châu, những thương nhân kiểu này gọi là thương nhân Hang, bang hội của họ gọi là “Hong” hoặc “Yanghuo Hang”. Số lượng thương nhân Hang lúc nhiều nhất là 26 người, lúc ít nhất là 4 người, nhưng vẫn thường được định chung là “mười ba Hang”. Năm 1720, các thương nhân Hang thành lập tổ chức “Gong Hang” – giải thể ngay trong năm 1721 nhưng rồi lại được khôi phục vào năm 1760. Sau khi triều đình đóng cửa tất cả các cảng biển trừ Quảng Châu, thương nhân Hang trở thành những người đại diện duy nhất độc quyền giao thương với người nước ngoài. Gong Hang thậm chí còn được giao vai trò như một tổ chức bán nhà nước có nhiệm vụ thu thuế và nợ cho chính quyền, giám sát hoạt động của người nước ngoài, làm cầu nối giữa chính quyền và người nước ngoài trong mọi vấn đề.
Chính quyền nhà Thanh đưa ra nhiều luật lệ và quy định nhằm hạn chế hoạt động của người nước ngoài ở Trung Quốc sau khi Quảng Châu trở thành cảng quốc tế duy nhất vào năm 1757. Người nước ngoài phải sống ở những nơi được chỉ định trong thời gian lưu trú, phải tuân thủ nhiều quy tắc sinh hoạt và hành vi, nếu không muốn bị trục xuất và mất mối làm ăn. Ở Quảng Châu, nơi được chọn cho người nước ngoài sinh sống là một dải đất ngoại thành, với sự giúp đỡ của Gong Hang, thương nhân phương Tây xây dựng những ngôi nhà gọi là “shang guan”. Chúng được sử dụng làm nhà tài vụ, nhà kho và nơi ở. Trước năm 1840, có tổng cộng 59 “shang guan” ở Quảng Châu, hơn một nửa là của người Anh. Thương nhân nước ngoài phải sống trong shang guan của mình, số lượng nhân viên nước ngoài trong mỗi shang guang không được vượt quá năm người. Shang guan tuyệt đối không được chứa chấp phụ nữ và vũ khí. Thương nhân nước ngoài phải rời Trung Quốc hoặc trở lại Macao ngay khi hoàn thành thương vụ và không được phép ở lại Quảng Châu vào mùa đông. Trong thời gian lưu trú, ngoại trừ thương nhân Hang và thông dịch viên, người nước ngoài không được liên lạc với người Trung Quốc. Họ không được rời shang guan trừ khi đi cùng thương nhân Hang hay thông dịch viên. Họ không được thuê mướn người hầu Trung Quốc, không được ngồi kiệu. Họ không được đối thoại trực tiếp với quan chức Trung Quốc: nếu có bất cứ thỉnh cầu nào họ phải chuyển qua thương nhân Hang. Thương nhân Hang được yêu cầu phải giám sát và chăm sóc người nước ngoài suốt thời gian lưu trú, từ những nhu cầu cơ bản cho đến sinh hoạt và hành vi của họ, và không được mượn tiền của người nước ngoài. Bộ quy định cũng cấm tàu chiến nước ngoài hộ tống tàu thương nhân được cập bến Hổ Môn. Tàu buôn nước ngoài ra vào Hổ Môn phải chịu sự kiểm soát hoàn toàn của hoa tiêu Trung Quốc và người quản lý tàu đã đăng ký với nha môn Macao. Nếu có buôn lậu hoặc hành vi bất hợp pháp nào khác xảy ra trên tàu, người quản lý tàu sẽ chịu trừng phạt. Những điều luật và quy định trên, dù toàn là câu chữ trên giấy, nhưng cũng phản ánh phần nào mối quan tâm và cảnh giác của các hoàng đế nhà Thanh với thế giới bên ngoài.
Khi khảo cứu chính sách giao thương nước ngoài vào đầu thời nhà Thanh, có thể nói, trong gần hai trăm năm, Trung Quốc đã đóng cửa hoặc đóng cửa một phần với thế giới bên ngoai, trừ vài thập kỷ đầu khá cởi mở thời Khang Hi. So với nhà Minh, thái độ của các hoàng đế nhà Thanh với thế giới bên ngoài còn bảo thủ hơn. Vì vậy, không sai khi khái quát chung chính sách đối ngoại của nhà Thanh là “bế quan tỏa cảng”.
Nguyên nhân áp dụng chính sách hạn chế giao thương nước ngoài thời nhà Minh và đầu thời nhà Thanh
Như đã chỉ ra ở trên, từ thời nhà Minh cho tới đầu thời nhà Thanh, hay nói chính xác hơn là từ thời đại khám phá cho tới Chiến tranh thuốc phiện, chủ nghĩa tư bản đã phát triển ở Tây Âu. Sự lan rộng của chủ nghĩa tư bản tạo ra những thay đổi lớn lao đối với trật tự thế giới truyền thống. Những nền văn minh khắp thế giới, trước đây bị ngăn trở địa lý, nay tiếp xúc với nhau mang lại cả sự giao lưu lẫn xung đột. Thế giới dần có tính liên kết hơn. Đây là thời kỳ mà hải quân, thương mại và giao thương toàn cầu lên ngôi. Các quốc gia dẫn đầu làn sóng lịch sử như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan và Anh đều theo đuổi những nhân tố kể trên để liên tiếp trở thành những siêu cường. Thế nhưng, Trung Quốc, một quốc gia gạo cội có kỹ thuật định hướng và giao thương hàng hải không thua kém bất kỳ quốc gia phương Tây nào, lại chọn đi ngược xu hướng, áp dụng chính sách hạn chế và thậm chí cấm tiệt thương mại nước ngoài. Vậy thì tại sao? Những lý do được đưa ra bao gồm truyền thống văn hóa và lịch sử Trung Quốc, những thách thức chính trị nội bộ mà nhà Minh và nhà Thanh phải đối mặt, lịch sử phát triển kinh tế ở Trung Quốc và những điều kiện giúp nền kinh tế hướng nội chiếm ưu thế.
Truyền thống văn hóa và lịch sử
Nền văn minh Hoa Hạ cổ lấy nông nghiệp làm nền tảng. Vì vậy, Trung Quốc có lịch sử trọng nông ức thương lâu đời. Người Trung Quốc coi nông nghiệp là nguồn tạo ra của cải xã hội. Họ xem thường thương mại, cho rằng nó không quá quan trọng. Chính sách khuyến khích nông nghiệp và hạn chế thương mại xuất hiện sớm nhất vào thời Chiến Quốc (475 – 221 TCN). Nó tiếp tục được các hoàng đế nhà Tần và nhà Hán (221 TCN – 220) duy trì. Vào cuối thời phong kiến, mặc dù công nghiệp và thương mại phát triển nhanh chóng nhưng chủ nghĩa trọng nông vẫn thống trị tư duy kinh tế và chính sách nhà nước. Các hoàng đế Minh–Thanh tiếp tục biến nông nghiệp trở thành nền tảng kinh tế quốc dân. Theo lối tư duy của họ, thương mại chỉ là thứ yếu và luôn gắn liền với những khoản lợi nhuận vô đạo đức hay lối sống xa hoa vô độ. Do đó, người ta tiếp tục cho rằng việc quá tập trung vào thương mại sẽ gây hại cho nông nghiệp vì thu hút nhân lực nông nghiệp và làm hư hỏng xã hội. Tư tưởng trọng nông ức thương truyền thống của Trung Quốc đi ngược lại với nhu cầu tìm kiếm thương mại nước ngoài. Sau khi khám phá ra nhiều tuyến đường biển mới, chủ nghĩa trọng thương trở thành triết lý kinh tế thịnh hành ở Tây Âu. Tất cả các quốc gia đi biển lớn tại đây đều nhấn mạnh tầm quan trọng của giao thương đối với sự thịnh vượng. Họ hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của thương mại nước ngoài. Giao thương thuộc địa của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, thời đại “người đánh xe ngựa trên biển” của Hà Lan, và sự ra đời của Đế chế Anh đều là kết quả của tư duy trọng thương và các chính sách quốc gia. Nói chung, tư tưởng coi thường thương mại truyền thống của Trung Quốc hoàn toàn đối nghịch với chủ nghĩa trọng thương đang rất thịnh hành ở phương Tây đương thời. Rõ ràng, có những điểm khác biệt sâu xa trong tư duy kinh tế của Trung Quốc và các quốc gia đi biển phương Tây. Đây là lý do quan trọng giải thích tại sao Trung Quốc áp dụng chính sách hạn chế giao thương nước ngoài thời Minh–Thanh.
Khái niệm “Hoa di” truyền thống cũng là một vấn đề quan trọng đáng bàn. Khái niệm này là một khái niệm văn hóa và chính trị liên quan tới chủ nghĩa trung tâm mà theo đó, văn minh Trung Quốc luôn vượt trội hơn so với các quốc gia khác. Thực ra, thái độ tự đề cao thường khá phổ biến ở các nền văn minh cổ đại lớn. Tuy nhiên, vì Trung Quốc tách biệt địa lý với mọi nền văn minh cổ đại khác, chủ nghĩa trung tâm của người Trung Quốc cực kỳ mạnh mẽ. Không chỉ có duy nhất khái niệm “Hoa di” tích hợp và có hệ thống, Trung Quốc còn phát triển một bộ tác phong và nguyên tắc để ứng xử với thế giới bên ngoài. Trung Quốc là quốc gia trung tâm và hoàng đế Trung Quốc, “Thiên tử”, cai trị toàn thế giới thuận theo ý trời. Bên ngoài Trung Quốc là khu vực sinh sống của người “man di”. Dù những quốc gia man di đều rất hung hăng và lỗ mãng, hoàng đế vẫn sẵn lòng khoản đãi và xem họ là nước phụ lưu nếu họ muốn trở nên văn minh và công nhận ông là quốc chủ bằng cách triều cống cho triều đình. Như vậy, mục đích chính của một vị hoàng đế Trung Quốc là thiết lập một trật tự thế giới mà trong đó, ông được tôn vinh là quốc chủ của mọi quốc gia.
Thế nhưng, thế giới quan của Trung Quốc không mang tính gây hấn. Nó nhấn mạnh ưu thế vượt trội của Trung Quốc trên thế giới, nhưng không ủng hộ bành trướng hoặc muốn các quốc gia khác phải công nhận một thế giới đại đồng dưới quyền trị vì của Trung Quốc. Nó chấp nhận việc các quốc gia khác thần phục trước giá trị luân lý và sức mạnh của Trung Quốc bởi nền văn minh Trung Quốc quả thực mẫu mực. Nó đặt trọng tâm vào việc bảo tồn nền văn minh và trật tự nội bộ Trung Quốc khỏi các quốc gia khác hơn là mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ra bên ngoài. Đây là đặc điểm phân biệt Trung Quốc với các quốc gia khác. Theo quan điểm của những nhà cai trị “Thiên triều”, trật tự nội bộ là thứ rất thiêng liêng và bất khả xâm phạm, giúp định hình Trung Quốc kể từ khi quốc gia này trở nên văn minh. Vì vậy, điều tối quan trọng là phải đề phòng sự ô uế từ các quốc gia man di. Chỉ khi các quốc gia bên ngoài tuân thủ phong tục và hệ thống lễ nghi của Trung Quốc, những thứ là nền móng thiết lập trật tự nội bộ Trung Quốc, thì họ mới được công nhận và trọng đãi. Còn nếu dám thách thức những phong tục và hệ thống lễ nghi này, họ sẽ bị trục xuất và cấm cửa.
Khái niệm “Hoa di” không hề ngăn cản Trung Quốc giao lưu với thế giới bên ngoài trong buổi đầu lịch sử, đặc biệt là khi nước này cực kỳ hùng mạnh như dưới thời nhà Hán (206 TCN – 220) và nhà Đường (618 – 907). Vào thời điểm đó, các hoàng đế Trung Quốc tràn đầy tự tin. Thông qua những liên lạc với thế giới bên ngoài, cảm giác của họ về sự thượng đẳng của “Thiên triều” và văn hóa Trung Quốc càng được thỏa mãn. Nhưng từ thế kỷ 16, và đặc biệt là sau thế kỷ 17, nền văn minh Trung Quốc phải đối mặt với thách thức mạnh mẽ từ một nền văn minh mới, chưa từng được biết đến, được người châu Âu mang đến với pháo hạm. Ở cấp độ vật chất, nền văn minh châu Âu cho thấy nó ngang ngửa với nền văn minh Trung Quốc và còn vượt trội hơn ở một số khía cạnh. Điều này quả thực làm lung lay dữ dội khái niệm “Thiên triều” của các hoàng đế. Vì vậy, như một phản ứng bản năng trước phương Tây, thái độ của các hoàng đế Trung Quốc với thế giới bên ngoài trở nên tiêu cực hơn. Họ không bao giờ xếp các quốc gia phương Tây ngang hàng với Trung Quốc. Người phương Tây vẫn bị xem là bán văn minh, và các quốc gia phương Tây giao thương với Trung Quốc đều chỉ là quốc gia triều cống mà thôi. Suy cho cùng, tất cả đều là để bảo vệ phẩm giá “Thiên triều”. Trên thực tế, sự tự tin của “Thiên triều” đã sụp đổ. Vì vậy, từ chỗ rộng mở với thế giới bên ngoài, các hoàng đế Minh–Thanh chuyển qua bảo vệ nền văn minh Trung Quốc cùng trật tự nội bộ khỏi sự ô uế từ nước ngoài. Đó là lý do giải thích vì sao các hoàng đế Minh–Thanh chú trọng phân định ranh giới giữa người Trung Quốc với người nước ngoài hơn bao giờ hết và áp dụng chính sách hạn chế giao thương nước ngoài.
Vấn đề chính trị
Đảm bảo an toàn cho chế độ là mục tiêu ưu tiên khi chính quyền ban hành các chính sách. Lý do chính mà nhà Minh ban bố lệnh cấm biển trong khoảng thời gian đầu và giữa triều đại là vì cướp biển Nhật Bản liên tục tấn công vùng duyên hải đông nam. Nạn cướp biển Nhật Bản kéo dài từ thế kỷ 14 đến tận giữa thế kỷ 16. Mối đe dọa xâm lược của người Mông Cổ ở phía bắc trong cùng thời kỳ cũng góp phần vào sự cần thiết phải đưa ra chính sách cấm biển. Đầu thời nhà Minh, nhà Nguyên buộc phải tháo chạy tới bình nguyên phía bắc Trường Thành sau khi bị Chu Nguyên Chương đánh bại, nhưng họ vẫn bảo toàn một vài lực lượng quân đội và chưa bao giờ từ bỏ ý định giành lại quyền kiểm soát toàn đất nước. Về sau, dù Mông Cổ đã phân liệt và nhà Nguyên đã diệt vong vào đầu thế kỷ 15, mối đe dọa Mông Cổ xâm lược vẫn thường trực cho tới khi Long Khánh Đế (trị. 1567 – 72) và Altan Khan ký kết một hiệp ước hòa bình. Vì quá bận rộn với các mối đe dọa phương bắc, nhà Minh gần như không thể áp dụng bất cứ chính sách nào tích cực hơn cấm biển để bảo vệ vùng duyên hải khỏi người Nhật.
Chính sách hạn chế giao thương nước ngoài của nhà Thanh cũng là vì chính trị trong nước. Lý do hoàng đế nhà Thanh cấm biển trong những năm đầu trị vì, và hạn chế người dân ra nước ngoài buôn bán ngay cả khi đã dỡ bỏ lệnh cấm biển, là để cắt đứt mối liên kết giữa các lực lượng phản Thanh ở đại lục và hải ngoại. Nhà Thanh do một nhóm người dân tộc thiểu số kiến lập. Người Hán đông gấp vài trăm lần người Mãn. Trước nhà Thanh, trừ nhà Nguyên tồn tại trong khoảng thời gian ngắn ngủi, chưa từng có triều đại nhất thống nào do người dân tộc thiểu số cai trị. Luôn khắc ghi điều này, ngay từ những ngày đầu kiểm soát đất nước, triều đình Mãn Thanh đã luôn phải bảo vệ quyền cai trị của họ trước sự kháng cự của người Hán. Điều này tiếp diễn trong suốt thời nhà Thanh. Các hoàng đế nhà Thanh biết rằng có tới hàng trăm ngàn người Hán đang sống ở Đông Nam Á, hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát. Họ luôn xem nhóm người Hán này là lực lượng phản Thanh tiềm tàng. Vì lẽ đó, như Khang Hi đã chỉ ra, triều đình nhà Thanh cần áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế người dân ra nước ngoài, nhằm dập tắt mọi mưu đồ cấu kết của các lực lượng phản Thanh ở đại lục và hải ngoại.
Vấn đề kinh tế
Suốt thời nhà Minh và đầu thời nhà Thanh, nền kinh tế Trung Quốc nói chung vẫn là tự cung cấp hoặc bán tự cung cấp, lấy nông nghiệp làm trọng tâm. Đúng là thương mại có tiến triển theo một hướng chưa từng thấy, đi kèm với sự phát triển của các ngành thủ công và nông nghiệp thương mại, và mầm mống của chủ nghĩa tư bản cũng đã xuất hiện. Tuy nhiên, những thay đổi này chỉ ảnh hưởng tới một vài địa phương và một số lĩnh vực kinh tế. Yêu cầu khai mở quan hệ thương mại nước ngoài chủ yếu đến từ các tỉnh đông nam hưng thịnh. Ở phần lớn địa phương, nhất là những địa phương nằm sâu trong đất liền, nông nghiệp tự cung cấp hoặc bán tự cung cấp truyền thống vẫn thống trị. Những địa phương này không cấp thiết yêu cầu mở cửa thị trường nước ngoài. Thế nên, trong những cuộc tranh luận về vấn đề giao thương nước ngoài tại triều đình, tiếng nói của phe ủng hộ cấm giao thương nước ngoài luôn chiếm ưu thế. Các quan chức phản đối cấm giao thương nước ngoài thường đến từ vùng đông nam hoặc cai quản một số tỉnh ở vùng này. Trước phe đối lập quá mạnh mẽ, họ khó mà giành chiến thắng. Khi bàn tới lợi ích của giao thương nước ngoài, các quan chức lại quá tập trung nhấn mạnh việc đánh thuế người dân ven biển và bỏ qua phần lợi ích chung mà Trung Quốc sẽ có được nhờ mở cửa thị trường nước ngoài. Điều này cho thấy sự phát triển hạn chế của nền kinh tế thương mại ở Trung Quốc đương thời.
Cũng cần lưu ý rằng Trung Quốc là một quốc gia lớn với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và hệ thống kinh tế quốc dân tích hợp, có thể sản xuất hầu hết sản phẩm cần thiết và ít phụ thuộc thế giới bên ngoài. Trung Quốc bấy giờ xuất khẩu nhiều nông sản nội địa và sản phẩm công nghiệp nhưng không mấy khi nhập khẩu hàng hóa nước khác. Trung Quốc xuất khẩu trà, lụa thô và tơ tằm, đồ sứ, vải dệt tay, hợp kim đồng–niken, đường, giấy, được liệu, v.v và chỉ nhập khẩu đặc sản hoặc hàng xa xỉ nước ngoài, đồng Nhật Bản, gạo Xiêm La, và một lượng nhỏ đồ công nghiệp phương Tây. Do đó, thặng dư thương mại giúp Trung Quốc thu về một lượng lớn bạc mỗi năm cho đến đầu thế kỷ 19, khi thương nhân Anh bắt đầu tuồn ồ ạt thuốc phiện vào nước này. Dù có tầm quan trọng như thế nào đi chăng nữa đối với một số địa phương và một số lĩnh vực kinh tế, ngoại thương không mấy cần thiết với hầu hết dân chúng và nền kinh tế quốc dân nói chung. Thái độ này đã được Càn Long thể hiện rất rõ ràng trong bức thư gửi Vua Anh George III năm 1793 khi một phái đoàn ngoại giao do Bá tước Macartney dẫn đầu được cử đến Trung Quốc để yêu cầu cải thiện quan hệ thương mại giữa hai nước:
Thiên triều ta sản xuất được tất, chẳng cần nước ngoài cung cấp bất cứ thứ gì. Tuy nhiên, vì trà, đồ sứ và tơ lụa của Thiên triều đều là những mặt hàng thiết yếu với các quốc gia Tây Dương cũng như chính các ngươi, để chứng tỏ sự thấu hiểu, lòng trắc ẩn và ban tặng hồng phúc cho mọi thần dân Thiên triều, chúng ta đã lập nên các công ty kinh doanh ở Macao đáp ứng nhu cầu của các ngươi.
Trong trích dẫn nổi tiếng trên của Càn Long, ta cảm nhận được sự kiêu căng và tầm hiểu biết hạn hẹp của ông về thế giới bên ngoài. Thế nhưng, những gì vị hoàng đế tuyên bố không hoàn toàn là vô cớ. Bởi vì Trung Quốc có quá ít nhu cầu ngoại thương nên khi phải chọn lựa giữa lợi ích thương mại và an ninh quốc gia, các hoàng đế thời nhà Minh và đầu thời nhà Thanh đương nhiên thường ưu tiên lựa chọn thứ hai.
Hệ quả lịch sử của chính sách giao thương nước ngoài thời nhà Minh và đầu thời nhà Thanh
Khi thời đại khám phá bắt đầu vào thế kỷ 15 và 16, theo sau là quá trình mở rộng thuộc địa của phương Tây, Trung Quốc vẫn còn rất mạnh. Với lãnh thổ rộng lớn và dân số khổng lồ, Trung Quốc có lẽ là quốc gia mạnh nhất thế giới đương thời. Thế nhưng, nó đã thực sự bị bỏ lại phía sau. Chính sách hạn chế đối ngoại thời nhà Minh và đầu thời nhà Thanh khiến Trung Quốc đánh mất cơ hội cạnh tranh với các quốc gia phương Tây và không thể tiếp tục giữ vị trí cường quốc số một.
Trung Quốc đủ năng lực kỹ thuật để tổ chức các chuyến viễn dương từ rất lâu trước khi người phương Tây mở ra thời đại khám phá. Ngay từ thời nhà Tống, Trung Quốc đã có một nền công nghiệp đóng tàu tiên tiến có thể chế tạo các con tàu viễn dương thích ứng với nhiều điều kiện biển khác nhau. Đây cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng la bàn hàng hải cho tàu biển. Đầu thời nhà Minh, từ năm 1405 đến năm 1433, một hạm đội Trung Quốc lớn do thái giám Trịnh Hòa chỉ huy đã đi qua Biển Đông và Eo biển Malacca để vào Ấn Độ Dương và từng tiến xa tới tận bờ biển phía đông châu Phi trong một vài cuộc thám hiểm. Hạm đội của Trịnh Hòa chứng minh rằng Trung Quốc có thời là một thế lực hàng hải với kỹ thuật đóng tàu và năng lực đi biển thượng hạng. Mãi tới nửa thế kỷ sau, ngành hàng hải châu Âu mới bắt kịp Trung Quốc khi những Diaz, Columbus và Da Gama giong buồm ra khơi.
Trung Quốc không thiếu động lực để mở thị trường hải ngoại vào thời điểm người phương Tây bắt đầu thời đại khám phá. Sự phát triển nhanh chóng của nông nghiệp thương mại hóa và thủ công nghiệp tư nhân giữa những năm 1400 khiến Trung Quốc cần cả thị trường trong nước lẫn ngoài nước. Điều này đặc biệt đúng với những tỉnh duyên hải đông nam như Triết Giang, Phúc Kiến và Quảng Đông, nơi người dân có lịch sử buôn bán và kiếm sống ở hải ngoại lâu đời. Ngày càng có nhiều người từ các tỉnh này ra nước ngoài bất chấp lệnh cấm của chính quyền, và hoạt động buôn lậu hàng hải trở nên rất thịnh vượng từ cuối những năm 1400. Thời điểm đó, người Trung Quốc xuất hiện ở mọi ngóc ngách tại Đông Á và Đông Nam Á.
Như vậy, rất lâu trước thời đại khám phá của châu Âu, Trung Quốc đã có đủ điều kiện tiên quyết cho các cuộc thám hiểm viễn dương và chỉ còn cần được chính quyền khuyến khích. Nếu nhà Minh làm được điều này, lịch sử có thể đã thay đổi. Nhưng thực tế là khi hạm đội của Trịnh Hòa kết thúc chuyến đi cuối cùng vào năm 1433, triều đình liền hủy bỏ các đợt thám hiểm viễn dương chính thức và ra lệnh cấm người dân xuất ngoại, theo chính sách “không viễn giao”. Đồng thời, triều đình còn củng cố thêm lệnh cấm hoạt động trên biển vốn có từ thời Hồng Vũ Đế. Hậu quả của chính sách thiển cận này là Trung Quốc đã đánh mất cơ hội chiếm ưu thế trước người châu Âu trong việc mở rộng thị trường hải ngoại vào giữa thế kỷ 15. Khi người châu Âu tung hoành đại dương, Trung Quốc chỉ còn biết đứng nhìn và không thể cạnh tranh.
Nửa đầu thế kỷ 16 vẫn là khoảng thời gian thuận lợi để Trung Quốc phát triển quan hệ giao thương với nước ngoài. Vào thời điểm này, Bồ Đào Nha là quốc gia châu Âu duy nhất tiến vào Tây Thái Bình Dương và xứng là đối thủ tiềm năng của Trung Quốc. Người Bồ Đào Nha đến được Mũi Hảo Vọng ở phía Đông từ tận cuối thế kỷ 15. Tuy nhiên, khoảng 50 năm sau đó, họ thành lập các thuộc địa rồi chỉ buôn bán ở Ấn Độ Dương và chuỗi quần đảo lân cận ở Nam Thái Bình Dương. Họ chưa từng tới Đông Á cho đến những năm 1540 – 1550, khi thành lập hai cơ sở thương mại tại Kyushu và Macao. Thế nhưng, Trung Quốc cũng bỏ lỡ cơ hội. Ngay từ những năm 1510, người Bồ Đào Nha đã thử liên hệ với nhà Minh. Lần đầu tiên là vào năm 1513, khi một thương nhân tên là Jorge Alvares đến Đồn Môn, tỉnh Quảng Đông và trú lại một thời gian. Sau đó, vào năm 1517, vua D. Manuel cử một phái đoàn chính thức tới Trung Quốc bàn chuyện thiết lập quan hệ thương mại. Tuy nhiên, triều đình nhà Minh không hoặc không muốn hiểu tầm quan trọng của phái đoàn phương Tây. Họ xem những vị khách Bồ Đào Nha này như những sứ thần triều cống trước đây. Không hài lòng với thái độ của người Bồ Đào Nha ở Trung Quốc và việc họ chiếm đóng Malacca trước đó, triều đình nhà Minh trục xuất phái đoàn vào năm 1522 và tống giam thủ lĩnh Tome Pires. Hai năm sau, nhà Minh ban bố lệnh cấm mọi hoạt động ở hải ngoại và đóng cửa cảng quốc tế do hải tặc Nhật Bản liên tục quấy phá.
Khi nhà Minh mở lại cảng biển vào năm 1567, thế giới đã đổi thay rất nhiều. Khoảng giữa những năm 1500 tới đầu thế kỷ 17, người Bồ Đào Nha mở rộng khu vực buôn bán của họ từ Nam Thái Bình Dương đến hầu khắp Đông Nam Á và Đông Á, người Tây Ban Nha và Hà Lan cũng lần lượt Đông tiến để thách thức người Bồ Đào Nha. Người Tây Ban Nha xâm nhập phía Đông qua Philipines và không lâu sau khi chiếm Luzon vào năm 1565, họ thiết lập Con đường Tơ lụa trên biển Thái Bình Dương nối Mexico với Manila. Họ rất muốn buôn bán trực tiếp với người Trung Quốc và có cử một phái đoàn ngoại giao đến Bắc Kinh vào năm 1580, nhưng phái đoàn này bị chặn lại ở Quảng Châu và được đưa ngược trở lại Manila. Người Tây Ban Nha đành chủ yếu buôn bán với người Trung Quốc ở Manila và chuyển hàng hóa Trung Quốc từ Manila về Mexico theo Con đường Tơ lụa trên biển Thái Bình Dương. Người Hà Lan thì đến châu Á vào đầu thế kỷ 17. Họ cũng cố liên lạc với Trung Quốc nhưng bị cản trở bởi người Bồ Đào Nha đã chiếm đóng Macao từ năm 1557. Người Hàn Lan chiếm được đảo Bành Hồ vào năm 1622, trước khi bị quân đội Trung Quốc đánh đuổi vào năm 1624. Sau đó, họ bắt đầu định cư ở Đài Loan và dần làm chủ toàn bộ hòn đảo này vào năm 1642.
Vì vậy, ngay khi dỡ bở lệnh cấm thương mại hàng hải, nhà Minh phải đối mặt với một thế giới rất khác. Thời điểm đó, tất cả các tuyến thương mại hàng hải chính yếu đều nằm trong tay các quốc gia phương Tây. Ngay cả trong khu vực buôn bán truyền thống là Tây Thái Bình Dương, người Trung Quốc cũng phải đối mặt với những thách thức mạnh mẽ từ phương Tây. Người châu Âu đang mở rộng ảnh hưởng và giành lấy lợi ích thương mại bằng đao kiếm và đại bác. Nếu nhà Minh quyết tâm sử dụng sức mạnh quân sự để cạnh tranh với phương Tây, thì chính sách ngoại thương của Trung Quốc vẫn có thể mang lại nhiều lợi ích cho nước này nhờ tầm ảnh hưởng trong khu vực. Thật không may, nhà Minh không làm gì cả. Nhà Minh thậm chí còn không hiểu được tầm quan trọng của những thay đổi bên ngoài đất nước, chứ chưa nói tới việc điều chỉnh chính sách tính đến một thế giới biến động. Triều đình cuối cùng cũng dỡ bỏ lệnh cấm biển và bắt đầu cho phép người dân xuất ngoại, nhưng điều đó không phải là vì triều đình muốn khuyến khích thị trường hải ngoại, mà chỉ là vì không thể tiếp tục cầm chân người dân mà thôi. Ngược lại, họ vẫn cố cản người dân ra nước ngoài mở thị trường bằng đủ loại chướng ngại vật. Không được nhà nước hỗ trợ, thương nhân Trung Quốc không thể cạnh tranh bình đẳng với người phương Tây trên thị trường hải ngoại. Điều này là trở lực lớn lao đối với sự phát triển của ngoại thương Trung Quốc. Từ khi phương Tây kiểm soát tất cả các tuyến đường thương mại đến các thị trường bên ngoài Tây Thái Bình Dương, thương nhân Trung Quốc đành phải hạn chế hoạt động trong khu vực buôn bán truyền thống. Họ thậm chí không thể cạnh tranh sòng phẳng với người phương Tây ở Tây Thái Bình Dương mặc dù người phương Tây chỉ đơn thuần chuyển hàng hóa từ nơi này tới nơi khác. Người phương Tây thì không hoạt không đơn độc, họ được hỗ trợ bởi quyền lực chính trị nhà nước và quân đội. Các quốc gia phương Tây thời điểm đó đang chiếm lĩnh thuộc địa trong khu vực thương mại truyền thống của Trung Quốc ở châu Á và kiểm soát gần như tất cả các thị trường chính. Họ sử dụng chính trị và quân đội để làm điều này. Trước tình hình đó, rõ ràng là người Trung Quốc xuất ngoại, không có gì ngoài hàng hóa, không thể đối đấu với thương nhân phương Tây, dù có mang về một lượng lớn bạc mỗi năm.
Đầu thời nhà Thanh, Trung Quốc nói chung tụt hậu so với các quốc gia phương Tây tân tiến nhưng vẫn còn cơ hội bắt kịp. Cơ hội thuận lợi nhất đến vào cuối thế kỷ 17, khi hai đế quốc cũ là Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã sa sút. Hà Lan cũng đã qua thời kỳ bành trướng hoàng kim và vì đấu trường thuộc địa chính là Ấn Độ và Đông Ấn, nên nước này không còn là thế lực trên biển đáng gớm ở Đông Á. Anh với tư cách là một đế quốc non trẻ, chưa thể phát triển hết mức. Quá bận rộn đối nội sau cuộc nội chiến những năm 1640, Anh không mở rộng ảnh hưởng ở Đông Á cho đến thế kỷ 18. Trong hoàn cảnh chính trị thuận lợi này, nếu nhà Thanh hoạch định vấn đề hàng hải tốt hơn và hỗ trợ mạnh mẽ cho ngoại thương, đồng thời nỗ lực bắt kịp phương Tây trong các lĩnh vực quân sự, khoa học và công nghệ, số phận Trung Quốc chắc hẳn đã khác đi.
Nhưng Trung Quốc lại một lần nữa để vuột mất cơ hội. Trong thập kỷ cai trị đầu tiên, 1644 – 83, triều đình Mãn Thanh phải tập trung toàn lực thống nhất đất nước và giải quyết nhiều vấn đề nội bộ. Vì vậy, họ không đoái hoài tới ngoại thương, và thực tế còn ban bố lệnh cấm biển hòng cắt mối liên kết của các lực lượng phản Thanh ở hải ngoại và đại lục. Khi nhà nước phản Thanh của dòng họ Trịnh sụp đổ tại Đài Loan vào năm 1683, đó là thời cơ để nhà Thanh cởi mở hơn với vấn đề hàng hải. Tuy nhiên, triều đình nhà Thanh cũng chẳng có ý định làm điều gì tích cực ngoài dỡ bỏ lệnh cấm biển. Khang Hi là một trong những hoàng đế có tầm nhìn xa và nhiều thành tựu nhất lịch sử Trung Quốc. Ông làm rất nhiều việc để bảo vệ tính thống nhất chính trị và toàn vẹn lãnh thổ cũng như để thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Thế nhưng, ông chưa bao giờ thực sự phóng tầm mắt ra khỏi đất nước và nghĩ đến việc mở ra cho Trung Quốc một tương lai mới bằng cách thổi bùng một cuộc chiến thương mại hàng hải với các quốc gia phương Tây. Ông thậm chí còn chưa bao giờ xây dựng một lực lượng hải quân đúng nghĩa mà chọn cách bảo vệ duyên hải Trung Quốc chỉ bằng những khẩu đại bác do các đơn vị đồn trú nhỏ đóng tại cảng biển vận hành. Khang Hi biết nhiều về phương Tây hơn bất kỳ hoàng đế tiền nhiệm nào và cũng nhận thức được rằng tương lai Trung Quốc đang bị phương Tây đe dọa, nhưng ông không chịu đưa ra phương sách đối phó. Thái độ và chính sách của Khang Hi y hệt các nhà cai trị tiền nhiệm, đó là đóng chặt cửa và không cho kẻ thù vào nhà. Ông chẳng những không hỗ trợ người dân xuất ngoại mà còn đặt đủ thứ chướng ngại cản trở. Người dân không được đóng tàu đi biển cỡ lớn; không được phép vũ trang dù là để tự vệ; không được lưu vong hải ngoại, v.v. Cuối cùng, trong những năm cuối đời, Khang Hi còn cấm người dân đến Nam Dương. Những điều trên đều là những trở lực lớn cản trở sự phát triển của ngoại thương Trung Quốc.
Vào thời điểm chính sách ngoại thương của nhà Thanh ngày một nhiều hạn chế, thế giới vẫn đang biến động từng ngày. Từ thế kỷ 18, Anh trở thành đế quốc trên biển mới nổi, thay thế Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hà Lan. Anh tích lũy tư bản lần đầu tiên vào nửa đầu thế kỷ 18. Từ nửa sau thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19, Anh trải qua cách mạng công nghiệp và trở thành “công xưởng của thế giới”. Cuộc cách mạng công nghiệp đã hoàn toàn thay đổi tương quan sức mạnh giữa phương Tây với Trung Quốc và khiến Trung Quốc quá đỗi lạc hậu trước các quốc gia phương Tây.
Thậm chí, ngay cả vào lúc này, nhà Thanh vẫn mơ màng rằng “Thiên triều” là quốc gia lãnh đạo thế giới. Năm 1793, phái đoàn ngoại giao Anh do Bá tước Macartney dẫn đầu sang Trung Quốc và được đối đãi như một sứ đoàn triều cống. Càn Long thậm chí còn chẳng thèm nhìn những món quà mà phái đoàn mang đến nhằm thể hiện nền khoa học và công nghệ tiên tiến cũng như sức mạnh quân sự của nước Anh. Ông không hiểu rằng cán cân quyền lực Đông–Tây đang thay đổi đáng kể, và thời kỳ hoàng kim những năm “Thiên triều” đóng cửa giờ đã qua. Hiện tại, gần như chẳng còn chút cơ hội nào để hoàng triều bắt kịp phương Tây, hoặc thậm chí tiếp tục đóng cửa. Nỗi quốc nhục trong “Chiến tranh thuốc phiện” và những tai họa mà người dân Trung Quốc phải hứng chịu trong hơn 100 năm tiếp theo là phần thưởng cay đắng cho chính sách đối ngoại hạn chế được các hoàng đế nhà Minh và nhà Thanh áp dụng vì không nắm được xu thế toàn cầu.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất