Qua các thông tin trong Đại Nam Thực Lục của nhà Nguyễn mà mình đọc được tới giờ, thì có thể khẳng định một điều:
Nhà Nguyễn là triều đại phải đối mặt với tình trạng nổi dậy của các dân tộc thiểu số dữ dội nhất, chưa có thời kỳ nào trong lịch sử Việt Nam mà mâu thuẫn giữa sắc tộc thiểu số với triều đình trung ương lại nặng nề và gây ra hậu quả nghiêm trọng như thời Nguyễn.
Các cuộc nổi dậy ở Đá Vách, Bình Định, Tây Thanh Hóa, nổi dậy của Lê Văn Khôi, Lê Duy Lương, Phan Bá Vành, Nông Văn Vân, Mỹ Lương... đều có sự tham gia của các dân tộc thiểu số Chăm, Mường, Thái, Tày... của các thổ ty, các gia tộc lớn, các lang đạo như họ Quách, họ Cầm... tới dân thường... với vai trò là lực lượng trực tiếp nổi dậy, hoặc thành phần tham gia hay đứng sau hỗ trợ.
Nhà Nguyễn gần như bất lực trong việc ngăn chặn tình trạng này.
Tuy nhiên, không phải tự dưng mà các dân tộc thiểu số thời Nguyễn lại có xu hướng "phản loạn" như vậy. Hậu quả này xảy ra, nguyên nhân lớn nhất là do chính sách dân tộc cực đoan và giáo điều của nhà Nguyễn, trong đó người phải chịu trách nhiệm lớn nhất chính là hoàng đế Minh Mệnh.
Có thể tóm gọn chính sách dân tộc của nhà Nguyễn ở điểm sau:
- Chính sách này là sự học tập, chính sách "cải thổ quy lưu" (改土归流) của nhà Thanh mà không hề tính đến sự khác biệt về điều kiện thực tế của 2 quốc gia. Đồng thời so với nhà Thanh, nhà Nguyễn đã mở rộng phạm vi và nội dung thực hiện, cũng như mức cực đoan lên gấp nhiều lần, tuy nhiên, kết quả lại không giành được một thành công nào đáng kể.
A) Cải thổ quy lưu của nhà Thanh
Chính sách "cải thổ quy lưu" vốn dĩ đã có từ thời Nguyên - Minh, nhưng vào thời Thanh nó được áp dụng triệt để và quy mô nhất cũng như trực tiếp ảnh hưởng tới nhà Nguyễn.
Đối tượng hướng tới của chính sách là chế độ thổ ty tại các tỉnh Tây Nam Trung Quốc, mà trọng điểm là hai tỉnh Vân Nam - Quý Châu, vốn là địa bàn sinh sống của người H'mong - xin phép từ đây được gọi bằng cái tên mà tư liệu Trung Quốc gọi - người Miêu.
Nội dung của chính sách này có thể khái quát như sau(2) (4):
- Phế bỏ quyền tự trị ở các lãnh địa của các thổ ty, các lãnh địa này không còn là các lãnh thổ độc lập chịu nội phụ và triều cống nữa, mà sẽ được sát nhập thành một đơn vị hành chính (phủ, huyện, châu) thuộc đế quốc .
- Phế bỏ quyền lực chính trị, quyền truyền thừa vĩnh viễn của các thổ ty và gia tộc thổ ty.
- Thực hiện cơ chế cai trị mới, theo đó triều đình sẽ bổ nhiệm các lưu quan để thực hiện việc quản lý.
- Phế bỏ đặc quyền kinh tế của tầng lớp thổ ty, thuế khóa, sưu dịch của Miêu dân trước kia đều thuộc về thổ ty, thì nay chuyển vào tay triều đình.
- Bãi bỏ quyền tổ chức lực lượng vũ trang của thổ ty, tất cả các Miêu binh, thổ binh ở lãnh địa của thổ ty sẽ bị giải giáp hoặc được biên chế trở thành một phần của lực lượng quân sự quốc gia.
Nguyên nhân chính sách này được nhà Thanh thực hiện triệt để (2) (4):
- Trước hết là do Vân Nam – Quý Châu cùng các tỉnh miền Tây Nam vốn có địa hình phức tạp, bị cắt xẻ mạnh bởi đồi núi, giao thông khó khăn, từ lâu khả năng kiểm soát của các chính quyền trung ương nằm tại Trung Nguyên lên khu vực này bị hạn chế và do vậy nguy cơ các phong trào cát cứ tự trị nổ ra ở đây luôn rất cao.
- Riêng với nhà Thanh, thời sơ kỳ, nhà Nam Minh đã lấy Vân – Quý làm căn cứ địa chống Thanh, đến đầu thời Khang Hy (1662 – 1722), Vân – Quý lại nằm trong phong địa của Vân Nam Vương Ngô Tam Quế, họ Ngô đã lôi kéo rất nhiều thế lực thổ ty Miêu đi theo mình, tạo được một lực lượng Miêu binh dưới trướng, trong loạn Tam phiên (1673-1681) lực lượng Miêu binh và các thổ ty này tiếp tục cộng tác với họ Ngô ([1]tr 139). Và sau khi thất bại, thì tàn dư của nhà Nam Minh lẫn Ngô Tam Quế đều tiếp tục dựa vào các thổ ty Vân – Quý để tồn tại, khiến nhà Thanh rất vất vả để diệt trừ.

Những điều trên đã khiến Vân – Quý thành một trong các “điểm nóng” nổi cộm cần xử lý với nhà Thanh; từ đầu thời Ung Chính, tổng đốc Vân – Quý là Ngạc Nhĩ Thái đã nhiều lần dâng lên kiến nghị cải thổ quy lưu, chế Miêu. Tới tháng 4 năm Ung Chính thứ 4 (1726), Hoàng đế Ung Chính phê chuẩn thi hành sách lược của Ngạc Nhĩ Thái.
Nhà Thanh tiến hành thực hiện “cải thổ quy lưu” ở Vân – Quý với phương châm ân uy kết hợp (2) (4)
- Với các thổ ty, Miêu dân chịu quy phục thì ban cho lợi ích lớn, quan tước, phầm hàm.
-  Với các thổ ty và Miêu dân phản kháng thì đàn áp bằng các biện pháp khác nhau, từ tịch thu gia sản, giết hại cho tới đưa binh lực thẳng tay tiêu diệt.
Cố nhiên, chính sách cải thổ quy lưu không thể giành được sự đồng thuận lớn của người Miêu tại Vân – Quý nơi được coi là "đất nước của người Miêu" ([1]tr 140). Vì thế đã vấp phải sự kháng cự của các thổ ty nói riêng và người Miêu nói chung ngay từ đầu, tháng 5 năm Ung Chính thứ 4, tức là 1 tháng sau khi sách lược cải thổ quy lưu được phê chuẩn thi hành, tại Vân Quý đã nổ ra bạo loạn của các thổ ty, cuộc bạo loạn này nhanh chóng bị Tổng đốc Ngạc Nhĩ Thái đưa binh đánh dẹp.
Nhưng các năm sau đó các cuộc nổi dậy, binh biến, khởi nghĩa của người Miêu vẫn liên tiếp nổ ra, như nổi dậy Trấn Hùng – Đông Xuyên năm Ung Chính thứ 5( 1727), binh biến tại Ô Mông năm Ung Chính thứ 8 (1730) ([1]tr 198); cuộc khởi nghĩa của Bao Lợi, Hồng Ngân năm Ung Chính thứ 12 (1734) với khẩu hiệu "Vua Miêu xuất thế" ([1]tr 142)…sự phản kháng của người Miêu thậm chí còn kéo dài đến tận thời Đồng Trị, “30 năm một cuộc khởi nghĩa nhỏ, 70 năm một cuộc khởi nghĩa lớn”, như nổi dậy Càn Gia (1795), nổi dậy Càn Châu (1846), nổi dậy Kiềm Đông Nam (1849), lớn nhất trong số các cuộc nổi dậy là khởi nghĩa Hàn Đồng (1853 – 1871) ([1]tr143)
Nhưng hầu hết các cuộc nổi dậy này đều bị nhà Thanh dập tắt, gây ra thương vong nặng nề cho người Miêu. Đặc biệt, để tiêu diệt nổi dậy Hàn Đồng, nhà Thanh đã tiến hành một cuộc đánh dẹp cực kỳ khốc liệt, vô số người bị thiệt mạng trong binh lửa, số khác bỏ chạy, khiến dân số của người Miêu ở Vân – Quý từ hơn nửa triệu người những năm 1850, tới những năm 1870 chỉ còn lại gần 5 – 6 vạn người. ([1]tr143)
Nhìn chung, dù vấp phải phản ứng dữ dội của người Miêu, nhưng chính sách cải thổ quy lưu áp dụng tại Vân – Quý đã đạt được mục đích đề ra là "cắt bỏ quan lại người địa phương, điều tra  lại ruộng đất, để tăng thuế  khóa, đẩy mạnh việc bình trị" ([1]tr 140). Nhà Thanh trước hết đã loại bỏ được nỗi lo cát cứ tại một khu vực nhạy cảm, tăng nguồn thu cho ngân sách, cũng như nguồn lao động, đồng thời rất nhiều thổ ty tại các tỉnh khác như ở Quảng Tây do sợ hãi trước sự đàn áp thẳng tay của nhà Thanh đã tự nguyện thần phục(2) (4).
Với người Miêu tại Vân – Quý và các tỉnh Tây Nam, thì sự kiện cải thổ quy lưu này đã bắt đầu cho một giai đoạn đau khổ và đen tối của dân tộc. Do thất bại trong việc phản kháng, cũng như để tránh sự đàn áp của nhà Thanh và mâu thuẫn sắc tộc với người Hán, một lượng lớn người Miêu suốt từ thời Ung Chính tới tận đầu thế kỷ 20, đã ồ ạt bỏ chạy khỏi quê hương, mà như ghi nhận của sử liệu là "Cứ 10 phần thì  đã có tới 5- 6 hoặc 8 - 9 phần đã ra đi” ([1]tr 142, 143), đây là một trong những cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử cận đại của Châu Á. Dòng di dân này tiến xuống Đông Nam Á lục địa và định cư đến tận ngày nay.
B ) Cải thổ quy lưu của nhà Nguyễn
Một trong những đặc điểm nổi bật có thể thấy được trong tư tưởng của triều đình nhà Nguyễn là luôn đề cao quan niệm Hoa Di của Nho giáo, xếp các dân tộc thiểu số vào Di, Rợ. Quan điểm này xét từ góc độ nhà Nguyễn lại càng nặng nề hơn nếu đặt trong bối cảnh lịch sử, lúc này nhà Thanh ở Trung Quốc lại là một vương triều có gốc gác là những người bán du mục ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, vốn luôn bị quan niệm Nho gia coi là thuộc giống dân Hồ kém văn minh.
Việc một giống dân thuộc rợ Hồ lại lập nên một đế quốc, chiếm lĩnh đồng bằng Hoa hạ, là một việc hết sức trái tự nhiên nếu nhìn theo nhãn quan Nho giáo. Điều này lại dẫn đến việc nhà Nguyễn tự coi mình là vương triều duy nhất thừa kế sự văn minh, tinh hoa sau khi Hoa Hạ đã thuộc về “di rợ”. Không ít lần trong sử liệu nhà Nguyễn xuất hiện các nhận xét mang tính miệt thị gốc gác cũng như những hành động “di mọi” của nhà Thanh,
“Đến như phép nhà Thanh thì đế vương các đời, trừ các vua vô đạo bị giết, còn thì đều thờ cả, thậm chí nhà Liêu nhà Kim là rợ mọi làm loạn Trung Hoa mà cũng được cùng hàng với các vua chính thống, như thế thì phiền tạp quá.”; ([5] tr 268)
“Nhà Đại Thanh, tiên tổ là người Mãn... Kể người Mãn là mọi rợ mà còn như thế, huống miền Nam hà nước ta là đất văn vật, không ví như người Mãn được.”, ([5] 348)
“Nhà Thanh thắng được nhà Minh, lấy mình là Hung Nô mà vào Trung Quốc, lấy man di mà biến đổi Hoa hạ, tình thế rất khó khăn.” ([7] tr 386)
...
Nhưng dù có những phát ngôn như vậy, thì trong thực tế nhà Nguyễn vẫn học theo rất nhiều điều từ nhà Thanh trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội... mà chính sách cải thổ quy lưu là một trong số đó.


Sách lược cải thổ quy lưu của nhà Nguyễn, về đại để nội dung và mục tiêu cải cách giống như của nhà Thanh đã đề cập ở trên. Nhưng vẫn có điểm khác với nhà Thanh là:
- Quy mô rộng lớn hơn, nếu nhà Thanh chỉ áp dụng cho hai tỉnh Vân – Quý thì nhà Nguyễn áp dụng cho tất cả các vùng trong toàn bộ lãnh thổ Đại Nam.
- Nhà Nguyễn không chỉ thay đổi về mặt hành chính - kinh tế, mà còn tiến hành thay đổi cả mặt văn hóa, tín ngưỡng của các dân tộc thiểu số, bằng cả biện pháp cưỡng bách và tự nguyện. Các thay đổi này thể hiện một thái độ miệt thị và phân biệt khá cực đoan về mặt chủng tộc – tôn giáo.
Diễn biến cơ bản:
- Tháng 10 năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), các thổ ty dọc biên giới Bắc Thành được triệu vào kinh . Nhân dịp này, bên cạnh việc phong một số thổ ty làm Tuyên úy sứ, chấp nhận quyền truyền thừa của các gia tộc thổ ty. Minh Mệnh đồng thời phong cho 53 thổ ty khác làm chức thổ Tri châu, thổ Tri huyện (hàm chánh cửu phẩm) và thổ Lại mục (hàm tòng cửu phẩm) ([5] tr 164). Đây là lần tiên những chức này được đặt ra dưới thời Nguyễn, theo quan chế đương thời (đặt ra năm Gia Long thứ 3, 1804), thì chỉ có chức Tri phủ (hàm chánh lục phẩm), tri châu – tri huyện (hàm chánh thất phẩm), tức là các chức vụ này chỉ cai quản các địa giới hành chính nằm trong các vùng đồng bằng ([3]tr 22, 23), nó xuất phát từ thực tế là thời Gia Long các thổ ty miền núi vẫn có lãnh địa riêng ngoài quyền kiểm soát của chính quyền trung ương. Triều đình Minh Mệnh, với việc đặt các chức gia thêm chữ “thổ”, đã cho thấy mục tiêu trong tương lai là nắm quyền cai trị cả các lãnh địa độc lập của các thổ ty.
Trong số 53 thổ ty được nhận chức thổ tri châu, thổ tri huyện, thổ lại mục lần này, thì có cả thổ ty vùng Tuyên Quang là Nông Văn Vân, người sau này vào năm 1833 đã nổi dậy chống nhà Nguyễn.
-  Năm Minh Mệnh thứ 8 (1827), nhà Nguyễn tiến hành cải cách quan chế theo mô hình quan chế thời Minh - Thanh, chính thức chuẩn hóa và tăng quan hàm cho các chức thổ tri huyện, thổ tri châu (hàm tòng thất phẩm), thổ tri phủ (hàm tòng lục phẩm) ([3]tr 26, 27), những chức vụ này được gọi chung bằng danh từ “lưu quan” .
- Năm Minh Mệnh thứ 9 (1828), Minh Mệnh đã bắt đầu tiền hành bỏ thổ quan đặt lưu quan ở một số địa phương, như ở Cao Bằng([5] tr 717), Lãng Điên, Ngàn Phố (thuộc Nghệ An) ([5] tr 800), ngoài quan lại do triều đình bổ từ kinh lên, còn có quan lại được chọn ra từ các thế tộc người thiểu số địa phương sẽ được cử làm thổ tri huyện, thổ tri châu, thổ tri phủ và “ hạ lệnh cho trấn thần chọn đặt lý trưởng để thu nộp thuế khoá không cho thế tập nữa”.
- Đến tháng 10 năm 1831, triều đình Huế tiếp tục theo mô hình nhà Thanh, ban bố 15 điều, chính thức tiến hành cải cách và thống nhất hành chính trên cả nước. Đặt các đơn vị hành chính tỉnh, phủ, huyện; đặt các chức Tổng đốc, Bố chính, Án sát([6] tr 226 – 240)...bắt đầu từ lúc này quyền thế tập và tự trị của các vùng dân tộc thiểu số trên cả nước bị nhà Nguyễn bãi bỏ hoàn toàn. Sau này, trong sử liệu nhà Nguyễn mặc dù vẫn còn dùng cụm từ “thổ ty”, “thổ tù”, nhưng nó không còn tương ứng với nghĩa cũ là các thổ ty, thổ tù với lãnh địa độc lập được thế tập, mà là cách gọi khác của các lưu quan, thổ tri châu – tri huyện có xuất thân là thế gia sắc tộc thiểu số.
Từ phía của các thổ ty, thì thay đổi của nhà Nguyễn đã biến họ từ là người toàn quyền làm chủ lãnh địa, là người sở hữu riêng được tùy ý sử dụng, hưởng đặc quyền kinh tế - xã hội, thành “người làm thuê” canh giữ đất đai cho Hoàng đế.
Các đặc quyền của họ phần lớn bị tước bỏ, chút ít đặc quyền còn lại cũng như khả năng truyền thừa của gia tộc thổ ty hoàn toàn phụ thuộc vào triều đình, muốn giữ đặc quyền họ buộc phải tuyệt đối thuần phục triều đình, hay nói cách khác là “nhìn mặt triều đình mà sống”, để sau đó con cháu của các thổ ty có thể tiếp tục được bổ nhiệm thay cha ông làm chức vụ thổ tri huyện – tri châu mà hàm lúc cao nhất cũng chỉ là tòng lục phẩm.
Việc bỏ thổ quan thay bằng lưu quan lại dẫn đến hậu quả khác là các lưu quan do triều đình phái lên phát sinh ra nạn quan liêu tham nhũng, hà lạm và bóc lột thổ dân, gây bức xức. Sử liệu nhà Nguyễn đã nhiều lần ghi nhận tình trạng tham nhũng bóc lột của các lưu quan.
Có thể kể đến một số ví dụ như:
- Dân Man nộp thuế ở hai nguồn Đồng Hương, Đồng Nãi vì cai quan là Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Văn Toán, Nguyễn Văn Mão đã hà lạm sách nhiễu nên nổi dậy, giết và đánh bị thương lại dịch. Trấn thủ Bình Hoà là Nguyễn Văn Lượng Lượng cùng Hiệp lý là Nguyễn Văn Hưng và Nguyễn Cửu Khánh nghe báo tin liền tập hợp binh và voi tâu xin đánh dẹp dân man. Nhưng đánh mãi không có kết quả gì, tới tháng 1 năm Ất Dậu, niên hiệu Minh Mệnh thứ 6 (1825), Lượng bị giải chức bắt về kinh, cho Nguyễn Văn Quế thay chức Trấn thủ chiêu dụ được dân man, bọn Xuân, Toán và Mão sau đều bị tội sung quân.([5]  tr 112, 113, 124)
- Tháng 6 năm Đinh Hợi, niên hiệu Minh Mạng thứ 8 (1827). Vệ úy vệ Phấn Võ là Lê Văn Giai, Cai Án Nghệ An là Nguyễn Huy Lệ, Án thủ châu Quy Hợp là Trần Văn Giá, sách nhiễu tiền dân Man Ba Động, bị Phan Văn Thúy điều tra tâu lên, đều bị cách chức, đem tang vật trả cho dân.([5]tr 636)
- Tháng 2 năm Ất Mùi, niên hiệu Minh Mệnh thứ 16 (1835). Do Tri phủ Ninh Thuận là Phạm Văn Lựu tham nhũng sách nhiêu dân Chăm, cộng với các bức xúc từ trước, người Chăm tại Bình Thuận do Katip Ja Thak Wa lãnh đạo nổi dậy chống lại triều đình nhà Nguyễn. Sau khi dập tắt nổi dậy, Lựu bị Quyền lĩnh Tuần phủ Thuận – Khánh là Dương Văn Phong tra ra chuyện tham nhũng sách nhiễu, đem tham hặc lên, bị xử tử. ([7]tr 527, 528)
- Tháng 8. Quản phủ Trấn Định tỉnh Nghệ An là Phạm Văn Thuyên, tham ngược bừa bãi, thổ dân ở 2 huyện Cam Cát, Cam Môn thuộc hạt đều chịu khổ, họ bèn trốn đi, cầu cứu quân Man ở Khung Giang kéo tới vây bức phủ thành. Thuyên sợ hãi, cấp báo lên trên, đến khi quân Man rút đi, Thuyên đang đêm ra đốt trại lính bên ngoài phủ thành, vờ như đã đánh tan, khiến địch chạy. Sau phái viên của tỉnh xuống tra xét, Thuyên phải nhận tội, Minh Mệnh hạ lệnh giải Thuyên đến địa phương chém đầu, nêu rõ tội trạng cho bớt lòng căm phẫn của dân, thổ dân khi ấy dần dần lại trở về. Vua chuẩn cho tạm hoãn thuế lệ năm ấy. ([7], tr151)


C) Dùng Hạ biến di
Tuy nhiên, có thể nhận thấy các cuộc nổi dậy của người dân tộc thiểu số đã bùng nổ ngay từ rất sớm. Do vậy, việc cải cách hành chính, phế bỏ đặc quyền của thổ ty không phải là lí do duy nhất châm ngòi cho các mẫu thuẫn giữa các sắc tộc thiểu số với triều đình, mà một nguyên nhân rất lớn nữa là thái độ đầy miệt thị, can thiệp thô bạo đến đời sống văn hóa, tâm linh của người dân tộc thiểu số, được thể hiện qua quan điểm “Phàm giáo hóa của vương giả không phân biệt loài nào”.
Trong rất nhiều lần dụ xuống cho các quan chức tại các vùng có “dân Man”, Minh Mệnh đã nhắc nhở các quan cai trị phải “giáo hóa” dân Man cho theo phong tục Việt – Kinh, hoặc tự ông thực hiện những hành động tương tự nhằm khuyến khích việc “bỏ thói tục man di mà theo phong hóa trung châu”. Có thể kể ra một số như sau:
- Tháng 2 năm Quý Mùi, niên hiệu Minh Mệnh thứ 4 (1823), Minh Mệnh chuẩn theo lời tâu của tổng trấn Lê Văn Duyệt ban mũ áo và họ tên cho các cai đội người Man ở đồn Uy Viễn tại Gia Định và dụ rằng “Bọn ngươi tuy là Man Lão mà buổi đầu trung hưng sớm biết gắng sức theo việc quân; sau khi bình định lại biết mộ theo phong hoá người Hán [Việt], đổi bỏ thói man di. Vậy đặc cách cấp cho áo mũ để nêu tiếng tốt”. ([5] tr 263)
- Tháng 7 năm Mậu Tý, niên hiệu Minh Mệnh thứ 9 (1828). Phó quản đồn  Uy Viễn là Nguyễn Văn Vỵ đến kinh chiêm bái. Vua hỏi tình hình biên thuỳ. Tâu rằng: “Người Man Lão đã thấm nhuần giáo hoá, đồ ăn mặc của dân gian phần nhiều theo người Hán [Việt]”. Được Minh Mệnh dặn dò và khen ngợi. ([5] tr 754)
- Tháng 12 cùng năm, Trần thần Nghệ An dâng tấu lên đề nghị đặt lại chức phòng ngự sứ và thổ tri huyện, huyện thừa, theo như lệ các phủ đất mới ở phủ Tương Dương do đất này “liền rừng rú tiếng nói của dân líu lo, đại để không khác các man” và xin đặt  án thủ và hiệp thủ tại hai tấn Lãng Điền và Ngàn Phố vì “lối đường các thuộc man đi lại phải qua rất là quan yếu”.
 Lời tâu được đưa xuống cho đình thần bàn thì đều cho rằng “đất Tương Dương đời Lê trở về trước, xem là đất ky my, đầu đời Gia Long mới đặt Quản phủ, Tri phủ đó cũng là bắt buộc phải làm, cái cơ dùng người Kinh để giáo hoá man di đã có dần dần. Nay giáo hoá, oai thanh đã phổ biến, tức như phủ Lạc Hoá thành Gia Định, xưa là tục man, từ khi đặt quan chăm sóc, đặt thầy dạy bảo, đã dần dần có phong hoá trung châu”, vì thế lời bàn của trấn thần Nghệ An xin đặt lại thổ quan là “như đương ở trên cây mà trụt vào hang”  vì “đem những dân đã theo giáo hoá xem như dân mới quy thuận”.
Cuối cùng, đình thần xin giữ nguyên địa giới hành chính và quan chức như cũ, lại xin lấy người Nghệ An làm tri huyện “để diễn dịch giáo điều dẫn bảo dân chúng, cho học tập tiếng nói cùng lối ăn mặc của người trung châu. Đến các việc quan hôn tang tế thì xem chỗ nào gần hiểu thị cho họ, thế thì tục dân cũng dễ thay đổi", đồng thời xin phát vãng tù phạm là người Việt đến phủ Tương Dương vì “thêm nhiều người Hán (Việt) ở đấy, thì người Thổ tiếp xúc luôn, ngôn ngữ y phục tự nhiên sẽ hoá theo dần”. Các kiến nghị trên đều được Minh Mệnh chuẩn y. ([5] tr 800)
- Thánh 3, năm Kỷ Sửu, niên hiệu Minh Mệnh thứ 10 (1829), các thổ chi trâu của 9 châu tại Cam Lộ vào Huế triều cống, Minh Mệnh ban cho mũ áo cho các thổ tri châu để “ đều biết quen mặc áo mũ mà dần tiến đến thanh giáo mãi mãi”. Lại ban cho họ tên theo lối Việt vì “Từ trước đến nay, tục man noi theo nhau chỉ kể thế thứ, chẳng biết họ tự đâu ra. Phàm giáo hóa của vương giả không phân biệt loài nào, nếu để có tên mà không họ thì có phải là ý xem dân như một của trẫm đâu ! Vậy đều cho họ, viết lại sắc mệnh cấp cho, để đời đời noi theo cho được họ hàng thân nhau, luân thường gìn giữ mà đều theo đạo lớn”. ([5] tr 841, 842)
- Thánh 12, năm Tân Mão, niên hiệu Minh Mệnh thứ 12 (1831), thành thần Gia Định xin miễn thuế cho dân mán chàm ở Sỉ Khê thuộc châu Quang Hoá, vì dân còn thưa, ruộng đất ít. Minh Mệnh dụ xuống trách thành thần làm việc chưa có hiệu quả, khiến nhân khẩu chưa đông lên, nhưng vẫn chuẩn cho tha thuế 1 năm và dặn dò “phải nghiêm sức sở tại, để ý phủ dụ khiến dân man ngày càng thấm nhuần phong tục người Kinh, vui đóng thuế khoá” ([6] tr 256)
- Tháng 12 năm Ất Mùi, niên hiệu Minh Mệnh thứ 16 (1835). Minh Mệnh dụ xuống cho Trấn Tây Tướng quân Trương Minh Giảng và Tham tán Lê Đại Cương nắm quyền cai trị phần lãnh thổ Campuchia đang được chiếm giữ bởi nhà Nguyễn phải khéo phủ dụ người Miên “ dân Man cũng là con đỏ của ta, phải nên dạy dỗ, giúp đỡ để ngày một nhiễm theo phong tục người Kinh. Vả lại, những việc nông, tang, giáo, dưỡng thực là chính sự đầu tiên của vương giả” ngoài ra còn dặn cả 2 phải cố gắng dạy cho dân Miên “Phàm những thứ cần dùng đều phải học tập dân Kinh, chăm việc làm lụng. Đến như ngôn ngữ thì bảo họ dần dần tập nói tiếng Kinh. Ăn uống và áo quần cũng dạy cho dần dần theo phong tục người Kinh. Ngoài đó ra, hễ có điều gì nên cách bỏ thói hủ lậu, mà cho làm những cái giản tiện dễ dàng thì cũng nên tuỳ cơ chỉ bảo. Họ dẫu là Man mọi, nhưng cũng có lương tri và lương năng”, mục đích cuối cùng là để “Hun đúc thấm nhuần, dùng thói biến Man di thành văn minh, đấy cũng là một đường lối thay đổi phong tục”. ([7] tr 827, 828)
- Tháng 2 năm năm Đinh Dậu, niên hiệu Minh Mệnh 18 (1837) Bố chính sứ và Án sát sứ tỉnh Cao Bằng là Trần Huy Phác, Bùi Quốc Trinh trong tập thỉnh an sớ có đề đạt: 1) Tiền thuế hạt ấy đã cho chiết nộp bằng bạc của địa phương, nay hỏi ra thì dân tình người ở xa thì lấy mang nhẹ làm tiện, đều muốn nộp bằng bạc, người ở gần thì lấy đổi bạc làm khó, lại muốn nộp bằng tiền, có lẽ nên cho tùy tiện ; 2) Người Nùng tự 19 tuổi trở lên, cấm không được dóc tóc, để đổi thói quê mùa. Đều được Minh Mệnh chuẩn y và còn dụ thêm “còn như người Nùng đến đất nước ta, ở lẫn với người Thổ, chính nên một phen sửa đổi cho theo phong tục người Kinh, nhưng phải khai hóa dần dần, không cần nghiêm quá, để cho họ vui theo, thế mới tốt.” ([8] tr 29)
- Tới tháng 3 cùng năm, Minh Mệnh một lần nữa xuống chiếu dụ hỏi Trương Minh Giảng, Lê Đại Cương về việc thành Trấn Tây “Thành Trấn Tây là nơi trọng yếu ở biên cương, trẫm thương dân như một, muốn khiến dân phiên sớm nhiễm phong tục người Kinh, đều thấm nhuần đức hóa nhà vua, lũ ngươi mình đảm đương gánh nặng, từ trước đến nay tuyên dương đức ý, người phiên đã vui theogiáo hóa chưa ? Tình trạng thế nào ? Xét xem súc man các phủ, đã nên đổi đặt danh hiệu xã thôn ? Cùng các sự việc, việc gì đổi định mà lòng dân phiên đều thỏa thuận, nên cứ thực tâu lên, việc nào còn quen tục cũ chưa tiện đổi ngay, không hại gì tạm để theo cũ, nên làm thế nào yên ủi dạy dỗ, khiến cho chúng chịu ảnh hưởng ngày càng cảm hóa mà không tự biết, mới là cách tốt dùng thói Kinh biến hóa thói man rợ, nên khéo xét mà làm.” ([8] tr 58)
- Tháng 6 cùng năm, Minh Mệnh dụ xuống cho bộ Hộ về việc khai khẩn ruộng đất và tăng nhân khẩu của hạt Biên Hòa, có nhắc lại rằng quan sở tại với dân Man “phải vỗ về dạy bảo, dạy cho chúng biết cày ruộng, trồng dâu và trồng trọt, cho đến nói năng, quần áo ăn mặc, cốt cho bỏ dần thói Man, ngày càng nhiễm phong hóa người Kinh, rồi tính đất lập làng, làm thành sổ ngạch, đấy là việc cần làm để dùng thói người Kinh thay đổi thói người Man.” ([8] tr 102, 103)
- Tháng 11 năm Mậu Tuất, niên hiệu Minh Mệnhthứ 19 (1838), Tuần phủ Thuận - Khánh Tôn Thất Lương dâng tập thỉnh an nói : “Nguyên 7 tổng thổ dân Thuận Thành đã từng đổi quan người Thổ, bổ quan người Kinh, nên kịp thời dạy bảo để dần dần thay đổi. Xin chọn học trò trong hạt, người có chút học hạnh, chước miễn cho binh dao, đặt làm tổng giáo, mỗi tổng 1 người, để dạy dỗ con em thổ dân học biết tiếng Kinh, chữ Kinh”. Được chuẩn y cho. ([8] tr 406, 407)
- Tháng 7, năm Mậu Tuất, niên hiệu Minh Mệnh 19 (1838). Triều đình sai các tỉnh biên giới Bắc Kỳ gồm Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hưng Hoá, Quảng Yên, đưa những con em tuấn tú trong địa hạt vào kinh đô để vào Quốc Tử giám học tập, sau này lấy những người này để làm lưu quan bổ về địa phương cai trị. Minh Mệnh hạ lời dụ có đoạn
“Các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hưng Hoá, Quảng Yên ở Bắc Kỳ đời cố Lê trở về trước, hết thảy uỷ cho thổ mục cai quản, có ý trị bằng ràng buộc, coi như man rợ, không được như dân ở trung châu. Kìa như chúng tuy ở nơi xa lánh, nhưng cũng là đất nhà vua, tôi nhà vua, thế mà nhất khái cho là quê mùa xa cách, nên nay hơn mấy trăm năm vẫn còn thói hủ, trong đó tuy có người có chí, học hành đáng khen thì cũng suốt đời không được thấy văn vật phồn thịnh vĩnh viễn, không được tiến dụng, đãi người sao hẹp hòi thế ? Bản triều thương dân như một, không phân biệt trong ngoài, gần đây các thổ huyện châu ở các tỉnh đều đặt quan người Kinh để cai trị, vốn muốn hun đúc thấm nhuần, trông thấy thành hiệu, để được cùng hay, khiến cho có đường tiến thân, đổi quan người Thổ, bổ quan người Kinh, đã không phải một ngày, tức là ra khỏi hang tối dời lên cây cao, lòng người cũng muốn. Gần đây phần nhiều đã mộ phong hoá người Kinh, tiến lên ngùn ngụt, thì vui theo nước nhà vua để xem lễ nghi, nghĩ vì triều đình mà gắng sức, tưởng cũng phải là không có người, nay chuẩn cho tuần phủ, bố án thượng ty các tỉnh đều xét con em của Thổ quan hoặc nhà dân trong hạt, không cứ học đủ văn thể ba kỳ, ai là tuấn tú thông thái thì chọn lấy đưa về Kinh....”. Tuy nhiên, trong đợt này sử liệu chỉ ghi nhận chỉ 1 người duy nhất là Nông Đăng Tuyển ở tỉnh Lạng Sơn là chịu vào kinh học. ([8] tr 365, 366)
- Tháng 8, năm Tân Hợi, niên hiệu Tức Đức thứ 4 (1851), Kinh lược sứ Nguyễn Đăng Giai sau khi đi kinh sát vùng biên giới phía Bắc đã dâng lên sách lược 5 điều về biên giới ([9] tr 218 – 220). Trong đó có 1 điều đáng chú ý:
“Thổ quan các tỉnh ven biên giới là phên che cho trung châu. Trước đây nhân giặc Vân sinh việc đổi đặt lưu quan, cũng là một việc sửa sang đại đoạn của đại thánh nhân. Nhưng xem ra, giặc Vân nổi loạn, chỉ vài tháng tự có thể dẹp yên, thực vì sào huyệt của giặc có thể trừ bỏ được, mà đất ta dân ta, hô ứng cũng nhanh, thì mối lo còn ít. Từ khi thi hành phép đặt lưu quan, thổ ty, thổ mục nhất khái bỏ đi hết, thì quan với dân tiếng nói không giống nhau, phong thổ khác hẳn. Lúc ngày thường thì cho người Man là dễ nói dối, mượn quan pháp để doạ nạt, tham nhũng tàn khắc, không cái gì là không làm. Thổ dân ở đấy lấy làm giận mà không dám nói ra. Tới khi có việc hô ứng không linh động, làm việc gì là bị ngăn trở, thổ dân vẫn mang lòng giận ghét, ai chịu có lòng thân với người trên, chết vì người trưởng. Thế thì cái tệ lưu quan gấp hai thổ quan, không biết đến thế nào. Xin lượng đặt thổ quan để trông coi đốc suất dân họ, đoàn kết dân thổ, bắt phải ngăn chống giặc, mới là mưu chước quân khẩn để yên nơi biên giới.”
Như vậy, có thể thấy Nguyễn Đăng Giai đã phần nào nhận ra được các bất cập rất lớn ở sách lược cải thổ quy lưu của nhà Nguyễn. Tuy nhiên, sau khi bàn bạc thì triều đình Tự Đức cuối cùng chỉ cho đặt lại thổ quan ở 2 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng do “gần đây có việc ở nơi biên giới, cần khiến cho đoàn kết khi việc yên, trao chức cho, cũng là việc làm theo thời nghi”, còn các tỉnh khác vẫn giữ nguyên như cũ.


D) So sánh
Chính sách cải thổ quy lưu của nhà Nguyễn và nhà Thanh, đều gặp phải sự kháng cự dữ dội của các dân tộc thiểu số, nhưng kết quả 2 bên đạt được khác nhau.

Có thể lí giải do:

- Nhà Thanh có đủ tiềm lực kinh tế lẫn quân sự để theo đuổi một chính sách “cây gậy và củ cà rốt”. Nhà Nguyễn với tiềm lực quân sự lẫn kinh tế hạn chế nên việc đánh dẹp, đàn áp không đủ mạnh mẽ; việc mua chuộc xoa dịu mâu thuẫn cũng rất nửa vời.
- Chính sách cải thổ quy lưu của nhà Thanh chỉ áp dụng ở các tỉnh phía Tây Nam, các lãnh địa nội phụ khác như Nội – Ngoại Mông, Tây Tạng thì vẫn duy trì quyền thế tập của các thổ ty và khả hãn. Trong khi nhà Nguyễn, ở một tâm thế muốn khẳng định sự vượt trội của “Nam Hà văn vật”, có thể làm tốt hơn cả vương triều có xuất thân Man mọi, nên đã áp dụng triệt để cho tất cả các vùng lãnh thổ.
- Dù có thể đàn áp rất thẳng tay người Miêu, nhưng nhìn chung nhà Thanh không can thiệp một cách quá thô bạo vào văn hóa, phong tục của các sắc tộc thiểu số. Chính sách sắc tộc của nhà Thanh là sự kết hợp kỳ lạ của một vương triều vốn gốc gác là dân tộc du mục nhưng đã bị Hán hóa, cho nên một mặt nhà Thanh sử dụng tư tưởng bá quyền Hoa di truyền thống, một mặt lại chấp nhận sự hòa hợp sắc tộc ở một mức nhất định. Hoàng đế nhà Thanh vừa là Thiên tử với người Hán, lại vừa là một Đại hãn với các vùng nội phụ của các dân tộc du mục, là một Hoàng đế - Phật sống – lãnh tụ tôn giáo với Tây Tạng. Như Hoàng đế Ung Chính có Hãn hiệu là Nạp Y Lạp Nhĩ Đồ Thác Bố hãn, Tạng hiệu là Văn Thù Hoàng đế. Về phía nhà Nguyễn thì lại là một quan điểm Hoa di thuần túy.
Đến đây thì cần phải trích ngang nói rõ hơn về một điểm đã đề cập đến, đó là sự mô phỏng sách lược cải thổ quy lưu của nhà Nguyễn đã không tính đến độ khác biệt về điều kiện thực tế giữa Việt Nam và Trung Quốc. Sự khác biệt về điều kiện thực tế đó không chỉ khác biệt về tiềm lực kinh tế - quân sự - xã hội, mà còn là khác biệt về thực tế lịch sử.
- Các vương triều Việt Nam trước thời Nguyễn luôn có mối gắn kết đặc biệt với các dân tộc thiểu số, từ sự phát tích của vương triều hay huyết thống của hoàng tộc. Một điển hình là nhà Hậu Lê, Lê Lợi là người Mường, phụ đạo của Mường Lam, trong lực lượng của nghĩa quân Lam Sơn có một lượng lớn là người Mường, rất nhiều thủ lĩnh – công thần nhà Lê Sơ sau này cũng là các lang đạo xứ Mường Một, Mường Thôi tại Thanh – Nghệ, sau này nhà Lê Trung Hưng tiếp tục dựa vào đất Thanh – Nghệ.
- Bắt nguồn từ sự liên quan mật thiết đó, các vương triều Việt Nam trước thời Nguyễn vẫn luôn thực hiện 2 xu hướng:
+) Chấp nhận quyền tự trị và thế tập của các thổ ty, thổ tù. Không can thiệp vào văn hóa và tín ngưỡng của các sắc tộc thiểu số.
+) Tiến hành thông hôn giữa Hoàng tộc và các thế tộc thổ ty. Đây là điều hoàn toàn không xuất hiện vào thời Nguyễn.
Nhà Nguyễn, với một đường lối áp đặt ý chí, mang tính bá quyền đồng hóa sắc tộc và thiếu sự tôn trọng cũng như hiểu biết về bản địa, đã khiến vương triều này cuối cùng phải gặp “trái đắng” từ sự phản ứng của các dân tộc thiểu số, bị sa lầy trong chính hậu quả của tham vọng về một đế quốc Đại Nam thống nhất và thông suốt của mình.


Tài liệu tham khảo:
1) Nguyễn Chí Buyên (Chủ biên), Nguồn gốc lịch sử tộc người vùng biên giới phía Bắc Việt Nam (2000), Hà Nội, NXB Văn hóa dân tộc.
2) Nhóm tác giả编写组, Miêu tộc giản sử 苗族简史, (2008), Dân tộc xuất bản xã (民族出版社)
3) Nội các nhà Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (2005), Huế,  NXB Thuận Hóa, tập II.
4) Phương Thiết (方铁), Thanh Ung Chính triều cải thổ quy lưu đích nguyên nhân sách lược dữ hiệu dụng ( 清雍正朝改土归流的原因、策略与效用), đăng trên Hà Bắc học san (河北学刊), số 3 năm 2012.
5) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (2007), Hà Nội, NXB Giáo dục, tập 2, Chính biên, Đệ nhị kỷ, Thánh Tổ Nhân Hoàng đế Thực lục.
6) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (2007), Hà Nội, NXB Giáo dục, tập 3, Chính biên, Đệ nhị kỷ, Thánh Tổ Nhân Hoàng đế Thực lục.
7) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (2007), Hà Nội, NXB Giáo dục, tập 4, Chính biên, Đệ nhị kỷ, Thánh Tổ Nhân Hoàng đế Thực lục.  
8 ) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (2007), Hà Nội, NXB Giáo dục, tập 5, Chính biên, Đệ nhị kỷ, Thánh Tổ Nhân Hoàng đế Thực lục.
9) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (2007), Hà Nội, NXB Giáo dục, tập 7, Chính biên, Đệ tứ kỷ, Dực Tông Anh Hoàng đế Thực lục.