Ngày 19 tháng 5 năm 2021 là một ngày đặc biệt đối với thị trường crypto, chỉ là nó đặc biệt theo cách không ai muốn. Theo trang Reuters, “Chính Phủ Trung Quốc đã cấm các tổ chức tài chính và công ty thanh toán cung cấp các dịch vụ liên quan đến giao dịch tiền điện tử và cảnh báo các nhà đầu tư chống lại giao dịch đầu cơ tiền điện tử.” 
Ngay sau tuyên bố của Chính Phủ Trung Quốc, giá trị của Bitcoin, đồng tiền điện tử quan trọng nhất này đã giảm mạnh. Đến trưa 19/5, mức giá của Bitcoin đã tụt dưới 40.000 USD. Đến tối 19/5, Bitcoin tiếp tục giảm sốc thêm một lần nữa. Lần này, giá Bitcoin đã cán mốc 28.900 USD. Như vậy, chỉ sau có 8 tiếng đồng hồ, giá Bitcoin đã giảm thêm 7.000 USD, tương ứng với gần 20% giá trị.
Đây không phải là lần đầu tiên, và cũng không phải chỉ mỗi Chính Phủ Trung Quốc, lên tiếng phản đối lại thị trường mới mẻ này. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) cũng không ít lần ‘var’ trực diện với các dự án lớn như RippleX (XRP), Uniswap, Coinbase và cả Changpeng Zhao aka CZ, founder của sàn giao dịch Binance cũng đã phải chịu cảnh ngồi tù.
Vậy, có vẻ hiển nhiên rằng, các Chính Phủ và những người crypto luôn nằm ở 2 đầu chiến tuyến.
Ngày 11 tháng 1 năm 2024, tuy không phải là Tết, nhưng lại là giao thừa của Bitcoin, của crypto, và những người ủng hộ. Bitcoin Spot ETF đã chính thức được Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) thông qua, cho phép các nhà đầu tư có thể mua Bitcoin trực tiếp trên các sàn chứng khoán tại Hoa Kỳ.
Nói cách khác, sự kiện này không khác gì một tờ giấy công nhận, rằng Bitcoin đã là một tài sản hợp pháp và được thừa nhận chính thức tại một trong những thị trường tài chính lớn nhất thế giới.
Bitcoin spot ETF là điều ai cũng mong sẽ xảy ra, nhưng không ai ngờ nó sẽ đến sớm như vậy. 
Vậy, hóa ra Chính Phủ Mỹ, hay nói rộng ra Chính Phủ của các nước, không ‘giận’ crypto và Bitcoin đến thế. Có thể, họ còn ‘yêu’ là đằng khác. Vì sao ư? mình có thể chứng minh cho bạn ngay trong bài viết dưới đây.

Crypto và Chính phủ: Hai lối đi, một đích đến

Cũng không phải ngẫu nhiên mà nhiều người đã đóng đinh cái suy nghĩ rằng "Chính phủ và crypto không thể ngồi chung một thuyền." Ý tưởng này xuất phát từ một vài lý do phổ biến và có cơ sở.
Đầu tiên, điều dễ thấy nhất là crypto rất hỗn loạn và khó kiểm soát. Đây là một thị trường hoàn toàn mới mẻ, hoạt động trực tuyến và không bị giới hạn bởi biên giới địa lý hay thời gian. Điều này khiến việc quản lý trở nên cực kỳ thách thức đối với bất kỳ chính phủ nào. Các cơ quan quản lý phải đối mặt với một hệ thống tài chính không giống bất kỳ điều gì họ đã biết trước đây, làm cho họ cảm thấy bất an về khả năng giữ quyền kiểm soát.
Thứ hai, một mối lo ngại nghiêm trọng hơn là việc nhiều người tin rằng crypto có thể đe dọa quyền quản lý tiền tệ của quốc gia. Ở mọi quốc gia, ngay cả những nền kinh tế tự do, quyền quản lý tiền tệ luôn được coi trọng vì nó tạo ra sự ổn định cho nền kinh tế. Chính phủ sử dụng chính sách tiền tệ để điều tiết lạm phát, kiểm soát cung tiền, và đảm bảo rằng hệ thống tài chính hoạt động trơn tru.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu crypto trở nên quá phổ biến, vượt ngoài khả năng kiểm soát của chính phủ, và người dân bắt đầu sử dụng tiền mã hóa thay cho đồng tiền quốc gia trong các giao dịch kinh tế? Trông có vẻ là một cuộc chiến hỗn loạn, nhỉ?
Thực tế, crypto và blockchain đang tạo nên một tương lai mà có vẻ tương đồng với định hướng của các quốc gia.
Hãy nhìn vào xu hướng ở các quốc gia lớn, hay tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Chuyển đổi số đang là một trong những ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là về việc thay đổi thói quen dùng tiền mặt, chuyển sang tiền điện tử. Nỗ lực này của chính phủ, có thể nhằm tăng sự thuận tiện cho người dân, nhưng một phần không nhỏ rõ ràng là để tăng cường khả năng kiểm soát.
Crypto, về cơ bản, có cùng mục đích như vậy. Nó được xây dựng trên nền tảng công nghệ blockchain, nơi mà dữ liệu của mọi giao dịch đều được công khai và không thể bị thay đổi. Điều này chẳng phải cũng chính là điều mà các chính phủ đang mong muốn hay sao?
Cụ thể hơn, điểm giao thoa giữa crypto và mong muốn của khu vực công chính là CBDC (Central Bank Digital Currency). Đây là loại tiền điện tử mang đầy đủ các đặc điểm của crypto nhưng được kiểm soát bởi chính phủ.
Không cần nhìn đâu xa, bắt đầu từ năm 2020, Trung Quốc đã triển khai đồng Nhân Dân Tệ điện tử (e-CNY) tại 29 khu vực thí điểm. Các nhà bán lẻ nhất định chấp nhận e-CNY, và nó đã được triển khai trong hệ thống giao thông công cộng ở những thành phố lớn như Bắc Kinh. Trong Thế vận hội mùa đông, nó là một trong ba phương thức thanh toán được chấp nhận.
Mặc dù đúng theo bản chất, blockchain hay crypto là các hệ thống không cần sự cho phép (permissionless), sự cởi mở (openness), và sự minh bạch (transparent), nhưng khi kết hợp cùng với các công nghệ khác, chẳng hạn như Zero-Knowledge Proofs, chúng có thể hoàn toàn phù hợp với mục tiêu mà các chính phủ đang hướng đến.
Tuy nhiên, một câu hỏi lớn được đặt ra là: Nếu công nghệ blockchain và crypto có tiềm năng phục vụ mục tiêu chính phủ, tại sao nhiều quốc gia vẫn chưa chấp nhận và phát triển chúng một cách triệt để?

Vậy tại sao Chính Phủ lại ghét crypto?

Mặc dù những lợi ích mà blockchain và crypto mang lại là điều có thể trông thấy rõ ràng, nhưng vấn đề cốt lõi là các điều kiện để các quốc gia thực sự tận dụng những lợi ích đó vẫn chưa tồn tại. Nói cách khác, Bitcoin và crypto là sản phẩm đang đặt ra thách thức lớn cho hệ thống luật pháp của các quốc gia, khiến họ bối rối trong việc quản lý và kiểm soát. Điều này dẫn đến việc nhiều chính phủ phải tạm thời ngăn chặn hoặc thậm chí cấm sử dụng crypto để hạn chế các tác động tiêu cực tiềm ẩn không thể lường trước.
Thực tế, các nhà hoạch định chính sách tại Hoa Kỳ vẫn đang nhìn vào thị trường tiền điện tử dưới lăng kính mang tên luật chứng khoán. Các quy định hiện hành về chứng khoán chủ yếu được thiết lập vào những năm 1930, trước khi có sự xuất hiện của công nghệ thông tin hiện đại. Những quy định này được thiết kế nhằm bảo vệ nhà đầu tư khỏi những rủi ro do sự thiếu minh bạch và thông tin bất cân xứng. Chẳng hạn, đối với cổ phiếu của một công ty như Apple, có một nhóm người trong công ty, bao gồm ban quản lý, có quyền truy cập vào những thông tin quan trọng có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, điều mà nhà đầu tư thông thường không có được. Do đó, các quy định yêu cầu công ty phải công khai thông tin kịp thời để tránh tình trạng lợi dụng thông tin nội bộ.
Đối với thế giới crypto, đặc biệt là các đồng coin hay token, việc áp dụng các quy định về chứng khoán hiện tại gây ra rất nhiều khó khăn. Nếu các đồng coin bị xếp vào loại chứng khoán, việc giao dịch sẽ phải tuân theo các quy trình phức tạp như đăng ký qua các công ty & nhà môi giới chứng khoán. Điều này sẽ phá vỡ giá trị cốt lõi của blockchain – tính phi tập trung và khả năng giao dịch tự do mà không cần trung gian. Nếu mỗi lần người dùng muốn sử dụng một ứng dụng blockchain, họ sẽ phải trải qua các thủ tục tương tự như mua cổ phiếu, điều này thật không thoải mái mà còn làm mất đi sự linh hoạt và tiềm năng của công nghệ.
Đây chính là vấn đề to lớn, khiến Chính Phủ ngần ngại trong việc chấp thuận Bitcoin, crypto và các công ty trong thị trường Web3. Công nghệ đã đi nhanh hơn tốc độ phát triển của luật pháp.
Luật chứng khoán hiện tại không được thiết kế để điều chỉnh các tài sản kỹ thuật số như crypto. Chúng được tạo ra cho giới tài chính truyền thống, nơi chứng chỉ, cổ phiếu được chuyển qua các công cụ vật lý. Blockchain, ngược lại, là một sản phẩm số thuần chủng, đòi hỏi một trải nghiệm người dùng liền mạch và nhanh chóng. Nếu phải đối mặt với những cản trở pháp lý nặng nề, tiềm năng của blockchain sẽ bị hạn chế nghiêm trọng.
Hơn nữa, việc xác định crypto là hàng hóa hay chứng khoán cũng là một thách thức lớn. Trong khi Bitcoin được xem là hàng hóa vì đã đạt đến mức độ phân quyền đầy đủ, nhiều dự án blockchain mới vẫn chưa đạt đến mức độ này. Các quy tắc hiện hành không rõ ràng về việc khi nào một dự án được coi là đủ phân quyền để không bị xem là chứng khoán. Điều này tạo ra một khoảng trống pháp lý, khiến các nhà phát triển blockchain phải đau đầu trong việc tuân thủ luật pháp mà vẫn duy trì được tính phi tập trung của hệ thống.
Vì lẽ đó, để kịp thời xóa đi khoảng trống giữa công nghệ và luật pháp, các chính phủ, đặc biệt là ở các nước lớn, thường chọn cách hạn chế tốc độ phát triển của công nghệ bằng cách ngăn cấm. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách cần thời gian để xây dựng một hành lang pháp lý phù hợp cho thị trường. Việc cấm tạm thời này không phải là sự từ chối hoàn toàn, mà là biện pháp bảo vệ nhằm đảm bảo rằng công nghệ mới như crypto không gây ra những tác động tiêu cực cho hệ thống tài chính hiện tại khi chưa có các quy định rõ ràng.
Ở các nước nhỏ hơn, lợi thế về tốc độ thích nghi với công nghệ mới thể hiện rõ hơn. Một ví dụ tiêu biểu là El Salvador với chính sách hold Bitcoin của Tổng thống Nayib Bukele. Mặc dù chính sách này ban đầu nhận về rất nhiều chỉ trích từ cả trong và ngoài nước, nhưng thời gian đã chứng minh rằng Bukele đã đúng. El Salvador đã trở thành quốc gia tiên phong trong việc hợp pháp hóa Bitcoin, mở ra một hướng đi mới cho nền kinh tế của họ và thu hút sự chú ý toàn cầu. Điều này cho thấy rằng các quốc gia nhỏ, nhờ tính linh hoạt và khả năng nhanh chóng thích nghi, có thể vượt qua các nước lớn trong cuộc đua chấp nhận tiền mã hóa.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các nước lớn như Mỹ hay Trung Quốc đang dần bày tỏ thái độ tích cực hơn đối với crypto và blockchain. Trong vài năm qua, họ đã bắt đầu xây dựng và hoàn thiện các khung pháp lý sơ bộ để có thể áp dụng cho thị trường này. Khi đã sẵn sàng về mặt pháp lý, các quốc gia này phải nhanh chóng quay trở lại cuộc đua, bởi họ hiểu rằng đây không chỉ là một công nghệ mới mà còn là một cơ hội kinh tế lớn. Cựu Tổng thống Mỹ, Donald Trump đã nhấn mạnh điều này khi phát biểu tại hội nghị Bitcoin tổ chức ở Nashville vào rạng sáng ngày 28/7: "Hoa Kỳ sẽ trở thành thủ đô crypto của hành tinh và Bitcoin, là siêu cường của thế giới."
Tuy nhiên, cuộc tranh cãi này lại dấy lên một câu hỏi khác: Liệu crypto có thực sự cần sự kiểm soát từ chính phủ hay không? 

Sự kiểm soát từ Chính Phủ, cần hay không?

Những công nghệ mới luôn gây tranh cãi, và blockchain cũng không ngoại lệ. Nhiều người thường liên tưởng blockchain, crypto với các vụ lừa đảo, hoặc những trò làm giàu nhanh chóng phổ biến trong thời gian gần đây. Và trong thực tế, thực sự có những chuyện như vậy xả ra. Tuy nhiên tình trạng này không phải chỉ xảy đến với thế giới tiền điện tử, đã từng có những lời chỉ trích tương tự về các cơn sốt tài chính dựa trên công nghệ trong quá khứ, từ sự bùng nổ đường sắt vào những năm 1830 đến bong bóng dot-com của thập niên 1990.
Bong bóng dot-com cũng đầy rẫy những pha thất bại ngoạn mục, như Pets.com và Webvan. Khi ấy, công chúng chủ yếu tập trung vào các vụ IPO và giá cổ phiếu. Nhưng tồn tại bên cạnh cơn điên cuồng về giá cả, cũng có những doanh nhân và nhà công nghệ không bị cuốn vào sự lên xuống của thị trường, mà thay vào đó, họ tập trung xây dựng các sản phẩm và dịch vụ thực sự có giá trị. Mặc dù có những kẻ đầu cơ, nhưng cũng có những người kiến tạo.
Hiện tại, tình hình với blockchain và crypto cũng tương tự. Có hai nhóm chính tạo nên thị trường: những kẻ đánh bạc "casino" và nhóm "builder" chân chính. Nhóm casino, thường ồn ào hơn, chỉ quan tâm đến giao dịch và đầu cơ. Và còn tệ hơn, văn hóa đánh bạc này đã dẫn đến những thảm họa như sự phá sản của sàn giao dịch tiền mã hóa FTX và quỹ đầu tư Three Arrows. Nhóm này thu hút phần lớn sự chú ý của truyền thông, khiến công chúng dễ bị nhầm lẫn rằng đây là bản chất của toàn bộ ngành công nghiệp.
Trong khi đó, nhóm builders lại là nhóm nghiêm túc hơn, với tầm nhìn dài hạn. Nhóm này hiểu rằng khía cạnh tài chính của blockchain chỉ là phương tiện để đạt được một mục tiêu lớn hơn: xây dựng các mạng lưới và một internet tốt hơn. Những người trong nhóm này ít khi gây sự chú ý, nhưng họ là những người sẽ tạo ra tác động lâu dài. Nhóm này không phải không quan tâm đến lợi nhuận, nhưng họ biết rằng đổi mới thực sự cần thời gian để mang lại giá trị tài chính. Văn hóa của nhóm "builders" tập trung vào dài hạn, trong khi văn hóa "casino" thì không.
Vì vậy, cuộc tranh luận về việc liệu crypto có cần sự kiểm soát từ chính phủ hay không thực chất là một cuộc đối đầu giữa hai văn hóa: builders và casino. Chính phủ lo ngại về nhóm "casino" bởi những hành vi đầu cơ và rủi ro mà nó mang lại. Những thảm họa tài chính từ các sàn giao dịch hay dự án lừa đảo là minh chứng cho những tác động tiêu cực của việc thiếu kiểm soát. Đây là lý do tại sao nhiều người tin rằng cần có một khung pháp lý để hạn chế tác hại từ nhóm này.
Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào những tiêu cực của nhóm "casino," chúng ta có thể bỏ lỡ tiềm năng to lớn của blockchain và crypto. Cũng giống như các công nghệ khác, blockchain có khả năng vừa giúp vừa gây hại. 
Một cái búa có thể xây dựng một ngôi nhà hoặc phá hủy nó. Các công cụ tài chính như thị trường chứng khoán giúp phân bổ vốn hiệu quả, nhưng cũng có thể tạo ra bong bóng đầu cơ. Điều quan trọng không phải là có kiểm soát hay không, mà là làm thế nào để tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu rủi ro.
Nhóm "builders" với tầm nhìn dài hạn hiểu rằng crypto có thể mang lại những cải tiến lớn cho hệ thống tài chính và xã hội. Chính phủ, thay vì đối đầu hoàn toàn với crypto, nên tập trung vào việc xây dựng một khung pháp lý thông minh, hỗ trợ sự đổi mới của công nghệ nhưng vẫn bảo vệ người tiêu dùng khỏi những rủi ro từ sự thiếu kiểm soát của nhóm "casino." Điều này sẽ tạo ra một môi trường mà cả công nghệ blockchain lẫn xã hội đều được hưởng lợi.

Kết luận

"Technology happens. It’s not good, it’s not bad. Is steel good or bad?" —Andy Grove.
Hỏi rằng "Blockchain giải quyết được vấn đề gì?" cũng giống như hỏi "Thép giải quyết được vấn đề gì so với gỗ?" Bạn có thể xây dựng tòa nhà hay đường sắt bằng cả hai, nhưng thép đã mang đến những tòa nhà cao hơn, những tuyến đường sắt mạnh mẽ hơn, và những công trình công cộng tham vọng hơn khi cuộc Cách mạng Công nghiệp bắt đầu. Tương tự, blockchain có thể mang đến những mạng lưới công bằng hơn, bền vững hơn và kiên cường hơn so với các mạng lưới truyền thống ngày nay.
Tương lai của crypto và khả năng ứng dụng rộng lớn của blockchain không phải ai cũng nhìn thấy, đặc biệt khi phần lớn mọi người vẫn tập trung vào biểu đồ giá và những biến động ngắn hạn. Nhưng điều đó không có nghĩa là tương lai này không tồn tại hay không mang lại giá trị. Giống như cách thép đã thay đổi cơ sở hạ tầng của cả thế giới, blockchain có thể làm điều tương tự cho hệ thống tài chính và xã hội toàn cầu.
Chính phủ – những người đóng vai trò kiến tạo và bảo vệ thị trường – có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình định hình tương lai này. Sự cân bằng giữa việc kiểm soát và khuyến khích đổi mới là yếu tố then chốt. Họ không chỉ có trách nhiệm ngăn chặn những rủi ro từ đầu cơ và gian lận, mà còn cần đảm bảo rằng tiềm năng của công nghệ này được phát huy tối đa, mở ra những cơ hội lớn hơn cho cả xã hội.
Blockchain, giống như bất kỳ công nghệ nào khác, không tự nó tốt hay xấu. Điều quan trọng là chúng ta sẽ sử dụng nó ra sao và liệu chúng ta có thể tạo ra một khung pháp lý phù hợp để tối đa hóa lợi ích, giảm thiểu rủi ro hay không. Khi chính phủ và các nhà phát triển công nghệ có thể hợp tác để xây dựng một tương lai mà blockchain đóng vai trò trọng yếu, chúng ta sẽ chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của các hệ thống tài chính, xã hội, và kinh tế.