Có nhiều người bảo là chiến tranh chỉ là trò chơi của kẻ cầm quyền, chỉ có dân thường và binh sĩ là người phải hi sinh.
Thường thì đây là lý lẽ của chủ nghĩa phản chiến. Tuy nhiên công tâm mà nói mình thấy không hẳn như vậy. Nhà lãnh đạo không thể phát động chiến tranh, không thể theo đuổi chính sách chiến tranh nếu như họ không thể cho người dân một lý do chính đáng, họ phải thuyết phục người dân rằng trong bối cảnh hiện tại, chiến tranh là giải pháp tốt nhất, là cần thiết, phần lớn người dân phải ủng hộ chiến tranh, binh lính phải sẵn sàng cầm súng ra trận thì lãnh đạo mới theo đuổi chiến tranh được. Nhưng khi cuộc chiến không có kết cục tốt, mọi người bắt đầu nhìn thấy mặt tối của cuộc chiến, bắt đầu bất mãn khi thuế tăng, kinh tế khó khăn, bắt đầu cảm thấy con mình, chồng minh ra trận bỏ mạng xa quê hương không tìm được xác, phong trào phản chiến bắt đầu nhen nhóm, họ bắt đầu chỉ trích lãnh đạo, đổ hết lỗi lên đầu nhà cầm quyền. Và chúng ta bắt đầu được biết tới lý luận “chiến tranh là trò chơi của kẻ cầm quyền”. Bất kể rằng mọi lý luận ban đầu của nhà cầm quyền đưa ra là gì, rằng lý do mọi người nên theo đuổi chiến tranh là gì, cuộc chiến sẽ đem lại lợi ích gì cho đất nước, cho mọi người, khi đó nội bộ lại mâu thuẫn, giữa bên ủng hộ tiếp tục chiến tranh và bên không thể chịu được chiến tranh nữa, và họ bắt đầu tiếp cận lý luận phản chiến như kiểu mình là người yêu hoà bình nhất trên Trái Đất này, rằng chiến tranh là vô nhân đạo. Nhưng chấm dứt chiến tranh đâu đơn giản thế, liệu chính quyền đương thời chấm dứt chiến tranh và chịu kí vào cam kết đầy khiêu khích của bên thắng cuộc, thì bên đầu hàng liệu có chịu được các thoả thuận bất công đó không? Hay lại giống nước Đức sau thế chiến thứ nhất, dân của nước thua cuộc có thể sẽ trở lại trạng thái hoà bình, nhưng lại là hoà bình củ kẻ thua cuộc, phải chịu thuế cao và những chính sách bất công từ phe thắng cuộc, họ lại bất mãn, lại muốn chiến tranh tiếp. :))
Mặt khác, nhiều trường hợp chiến tranh lại chính là con đường mạo hiểm đối với quyền lực của nhà cầm quyền. Nếu bạn đã lên chức lãnh đạo, cầm đầu một lãnh thổ, hay một quân đội, đang yên đang ổn bạn có muốn chiến tranh, đối mặt với nguy cơ trở thành tù binh của thế lực khác không? Có rất nhiều lý do khách quan có thể thôi thúc bạn đưa ra quyết định chiến tranh, nhưng không phải lúc nào cũng đến từ việc bạn trở nên tham lam muốn cai trị vùng đất lớn hơn, hay chỉ là do hiếu chiến ngông cuồng.
Nó có thể là cảm thấy bị đe doạ, hoặc áp lực từ việc người dân kì vọng vào bạn - người sẽ đưa đất nước thoát khỏi các tình trạng khó khăn hiện có,…vv
Tất nhiên phe phản chiến vẫn có thể lý luận theo một kiểu khác nữa để giải thích tại sao ban đầu người dân lại đồng ý chiến tranh.
Có 2 kiểu lý luận phổ biến đó là
1 - tại chính quyền ép họ ra trận.
2 - tại chính quyền ép họ phải đi
Một quân đội mà phần lớn binh lính không tự nguyện tham chiến thì quân đội đó sớm sẽ xảy ra tình trạng đào ngũ không thể kiểm soát, dĩ nhiên không thể nói 100% bình sĩ đều tự nguyện, nhưng phải là phần lớn hừng hực khí thế, đủ để áp đảo phần nhỏ có tư tưởng phản chiến. Phải có một lý tưởng đủ khiến người ta cảm thấy cao cả, vĩ đại để gắn kết những còn người xa lạ đó lại với nhau, tạo nên một binh đoàn kề vai nhau chiến đấu. Quân đội mà không được làm công tác tư tưởng kĩ càng thì sớm muộn gì cũng tan rã từ trong trứng nước.
Hãy nhớ tới bài thơ:
Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ
Đồng chí!
Cũng là những người xa lạ, chẳng quen biết gì nhau, nhưng dựa vào đâu ta lại có thể phân định người lạ nào là thù, người lạ nào là bạn? Dựa vào lý tưởng, dựa vào niềm tin vô hình thôi.
Kể cả trong quân đội Mỹ, người da đen, da trắng, bất kể tới từ chủng tộc nào, tôn giáo nào, sắc tộc nào thì khi đã vào quân đội Hoa Kỳ họ sẽ đều vì mục đích phục vù cho đất nước Hoa Kỳ, họ được tuyên truyền là màu da của bạn không còn quan trọng nữa.
Đôi khi kể cả những thanh niên ngổ ngáo trẻ trâu cũng có thể được thuyết phục để trở thành một người lính dũng cảm, ở thời bình có thể những thanh niên này là mấy đứa ngông cuồng thích gây gỗ, nhưng ở thời chiến họ có thể trở thành những người lính dũng cảm sẵn sàng vác súng lao ra tiền tuyến băm xác quân thù, họ rất dễ lợi dụng.
Còn nói về tẩy não, thực ra chính những gì mà mình vừa nói ở trên đó là tẩy não rồi. “Tẩy não” nghe có vẻ như là cái gì đó tiêu cực, như kiểu bạn bị tẩy não có nghĩa là bạn không còn là chính mình nữa, như kiểu bạn không còn tự do ý chí, không còn tự điều khiển bản thân nữa luôn ấy. Thực ra chả phải thế đâu, từ đầu đến cuối, đều là tự bạn đưa ra quyết định của mình thôi, đều là bạn tự suy nghĩ, tự hành động thôi. Người khác có thể thuyết phục bạn làm điều họ muốn, nhưng họ không điều khiển bạn như con rô bốt, họ chỉ nói những điều bạn nghe và cảm thấy hợp lý, tác động tới cảm xúc của bạn, dẫn tới hành động của bạn. Ở một văn cảnh hoa mỹ hơn thì ta có thể nói tẩy não chính là “công tác tư tưởng”.
Nếu coi chính quyền là phe chính nghĩa thì bạn sẽ dùng từ “công tác tư tưởng”, còn nếu là phe phản diện bạn sẽ nói là “họ đang tẩy não binh lính”. Mặc dù bản chất đều là như nhau, đều là bơm vào đầu người ta những lý tưởng to lớn, cao cả, làm cho họ hừng hực khí thế để sẵn sàng xé xác kẻ thù.
Những kịch bản mà mình nói ở trên có thể không hoàn toàn đúng với mọi quốc gia, nhưng mình nghĩ là nó khá phổ biến. Cho nên đôi khi ta phải nhìn nhận rằng chiến tranh không phải lúc nào cũng chỉ là tham vọng quyền lực chính trị, không phải chỉ đơn giản là do nhà cầm quyền xấu xa hay độc tài, mà chỉ đơn giản là do lợi ích nhóm giữa các quốc gia, dân tộc, do những mâu thuẫn hết sức tự nhiên, lỗi không thuộc về riêng cá nhân nào cả, không có ai hoàn toàn là kẻ xấu phải chịu trách nhiệm cho một cuộc chiến cả. Lỗi là ở tất cả chúng ta, tất cả mọi người. Hoặc chẳng có ai có lỗi, hoặc có thể lỗi là do tạo hoá, tạo hoá sinh ra thế giới này vốn dĩ đã khắc nghiệt, và buộc các sinh vật phải đấu đá lẫn nhau rồi. Tổng thể cả hành tinh này như một trò chơi sinh tồn vậy.
Tất nhiên phải nói rõ, bài viết này không nhằm ủng hộ chiến tranh, không có ý muốn nói rằng chiến tranh xảy ra là điều cần thiết. Ta phải hiểu rằng, không ai muốn chiến tranh, nhưng nó vẫn luôn là điều khó tránh khỏi. Những cái đầu lạnh nhất đang lãnh đạo chúng ta cũng luôn cẩn trọng từng bước một trong các chính sách chính trị để tránh phải dẫn tới chiến tranh, mâu thuẫn sinh ra là hệ quả tất yếu của tự nhiên. Chúng ta chỉ mong là nó đừng xảy ra thôi, tuy nhiên một khi đã xảy ra, thì khó mà quy tội lỗi hết cho riêng từng cá nhân nào được.
Thế giới này mặc dù có chiến tranh, nhưng không phải chiến tranh luôn là giải pháp tối ưu nhất, chúng ta vẫn có thể sống hoà bình, miễn hoà bình đó phải là hoà bình không gây bất mãn cho ai cả. Điều đó rất khó, nhưng nhân loại vẫn đang luôn cố gắng.