Tôi dành ra 5 tiếng xem ba bộ phim, trong một buổi tối. Cả ba phim cùng chung một đề tài về chiến tranh, mà ở đây nhắc tới sự ảnh hưởng của Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ hai. Lần lượt là "Phía Tây không có gì lạ" ("All quiet on the western front" - 2022), "Chú bé mang pyjama sọc" ("The boy in the striped pyjamas - 2008) và "Nghệ sĩ dương cầm" ("The Pianist" - 2002).
Phim phản chiến khiến tôi nhận ra những người làm phim này họ có chủ đích đi theo một motif chung quen thuộc. Đó là tập trung khắc hoạ mặt trái của cuộc chiến trong tương quan với số phận con người, đi từ những gì nhỏ bé và quen thuộc nhất, cho tới bức tranh toàn cảnh xã hội trong mưa bom đạn lạc. Bỏ qua hướng làm phim mang tính tuyên truyền, đậm tính lí tưởng và khí thế hào hùng trong giai đoạn diễn ra cuộc chiến, phim hậu chiến phần lớn đều đi theo lối ấy. Có lẽ đây là một hướng khai thác và phản ánh hiện thực có tác động mạnh mẽ tới đại chúng và đồng thời chưa bao giờ thôi hết những câu chuyện con người khác biệt nhưng cùng chung những nỗi đau cho chiến tranh để lại. Và chỉ bằng cách phác hoạ số phận, mong ước của con người nhỏ bé, bình thường giữa khung cảnh vĩ mô của chiến tranh mới có thể gợi sự đồng cảm nơi mỗi cá nhân, và gợi được bài học về nỗi đau chung nhân loại.
"Phía Tây không có gì lạ" là một tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Erich Maria Remarque và cũng là remake của một phiên bản điện ảnh từ năm 1930. Ở đây, trong một không gian tiền tuyến, tại mặt trận phía Tây của nước Đức diễn ra vào Thế chiến thứ nhất, có bốn chàng thanh niên tri thức hồ hởi kéo nhau đi lính tự nguyện. Câu chuyện phía trước đó là những mảng màu tươi sáng, với những nụ cười, niềm tin phơi phới, với lòng kiêu hãnh danh dự vì mình là một phần của tương lai đất nước được thêu dệt từ lời hứa cổ động của những người lãnh đạo trong trường và quân đội. Sự hạnh phúc ngập tràn tới nỗi từng chi tiết nhỏ của cuộc chiến đẫm máu chỉ được thoáng qua, bằng lối tả khung cảnh rất hiện thực. Rồi khi đặt chân tới chiến trường, mọi thứ vỡ mộng. Cùng một lúc, đớn đau, sợ hãi, hối hận, bàng hoàng, bối rối cùng ập tới trong đầu những chàng thanh niên trẻ. Từng người ra đi trong sự đột ngột, và tâm tính những người lính này đã dần thay đổi, tới độ nhân vật chính chiến đấu mà luôn cảm thấy trống rỗng và nghi hoặc. Ngay giây phút anh giết kẻ địch đầu tiên, cũng là lúc anh nhận ra “kẻ địch” cũng chỉ là một người bình thường, làm nghề bình thường, có gia đình và nơi chốn tinh thần bình thường, rồi cầm súng vì một điều bất bình thường như mình. Cũng từ đây, những mảng màu xanh xám u đậm bám lấy toàn bộ phim. Rồi họ cũng ra đi, dù cho thoả thuận đình chiến được kí kết, dù không còn đạn lạc bom rơi, họ chết vì lí tưởng của những kẻ mù quáng hãnh diện, ngay trước thềm hoà bình vừa tới.
Trong khi đó, “Chú bé mang pyjamas sọc” lại khắc hoạ nạn diệt chủng Holocaust trong gam màu tươi sáng hơn, dưới con mắt trẻ thơ của chú bé Bruno. Nhà thám hiểm Bruno đang trong hành trình đi khám phá một thế giới mới, nơi mà gia đình cậu chuyển đến thay vì ở trung tâm thủ đô Berlin hoa lệ. Thật khó để nói rằng những điều cậu dần phát hiện ra là mới lạ theo hướng tích cực hay tiêu cực, nhưng lại gợi tôi nhớ đến cách mà Zeze trong “Cây cam ngọt của tôi” bị phá vỡ thế giới tưởng tượng tuổi thơ và gặp gỡ đối mặt với hiện thực. Sự cách biệt của hai thế giới ấy, Zeze bị đột ngột và bàng hoàng, còn với Bruno thì được bóc tách dần như lột vỏ một củ hành tây. Rồi đỉnh điểm là cậu hiểu hình tượng người cha mình luôn tôn thờ và đầy ngưỡng mộ, đã dần hiện rõ là một kẻ như thế nào. Nhưng không vì thế mà Bruno đánh mất đi sự thơ ngây hoàn toàn, vì cậu còn tìm được niềm vui phía bên kia hàng rào. Chỉ không ai ngờ đó lại là kết cục cuối cùng cho toàn bộ bức tranh của cuộc chiến diệt chủng.
Sau cùng là “Nghệ sĩ dương cầm” (The Pianist) cũng đề cập đến nạn Holocaust cuối Thế chiến thứ 2 nhưng xảy ra trên mảnh đất Ba Lan bị Đức Quốc xã xâm lược. Đặt dưới góc nhìn của một nhà chơi dương cầm vĩ đại và tài năng bậc nhất Ba Lan, hiện thực thực sự tương phản mạnh mẽ và khốc liệt. Sự phân biệt chủng tộc, những hành động diệt chủng đột ngột và không khoan nhượng cứ thế diễn ra trước mắt người dân vô tội như lẽ dĩ nhiên. Không một lúc nào người ta thấy được bầu trời thôi u ám xám xịt, và không khi nào những người gốc Do Thái ấy hiểu được lí do mình bị săn lùng diệt chủng đến thế. Quyền con người của họ bị tước đoạt không khoan nhượng, từ việc ra sắc lệnh đeo băng tay phân biệt sắc tộc, cho đến dồn họ vào trại tập trung ngăn cách biệt lập với phần còn lại của Ba Lan, và những biệt đãi khác mà Đức Quốc xã tự tạo nên với niềm tin vớt vát sức mạnh quyền lực trong bối cảnh thua trận trong Thế chiến thứ hai. Nhân vật chính đứng giữa trung tâm của sự hỗn loạn, đưa người xem trải qua từ đứng trước bức tường gạch đến sống chui lủi trong căn hộ bỏ hoang hay cả gác xép trú ẩn trong một căn nhà người Đức. Và bên trong đống đổ nát hỗn loạn đó, tài năng âm nhạc và tinh thần đam mê bất diệt của người nhạc sĩ thực thụ vẫn hiện lên cháy bỏng, sáng ngời và lay cảm sự rung động của một sĩ quan người Đức, người đã giúp anh trốn thành công đi qua những tháng ngày truy lùng ác liệt. Cái kết của The Pianist có thể nói là cái kết có phần tươi sáng nhất trong số ba bộ phim tôi xem, với sự trở lại của nhân vật chính được sống và làm việc trên nền hoà bình được thiết lập, dù anh đã mất tất cả gia đình. Một cái kết có hậu dành cho một nhân tài đã đủ để được sống sót qua nạn diệt chủng khốc liệt năm nào.
Điều còn lại trong tôi sau những bộ phim ấy, không chỉ có chiến tranh đẫm máu và khốc liệt, không chỉ có sự thảm thương của những nạn nhân, mà còn là những khát vọng của con người trong thảm cảnh ấy còn đọng lại sau cuộc chiến hiện lên như thế nào. Có một kiểu câu thoại mà các nhân vật trong ba bộ phim đều đề cập tới, là hai người lính nghe tin đình chiến hồ hởi đi kiếm thức ăn mà hỏi nhau: “Giáng Sinh này (ngày lễ đầu tiên sau chiến tranh kết thúc), cậu sẽ làm gì?”, là ông Pavel - tù nhân Do Thái hỏi Bruno “Sau này lớn lên cậu sẽ làm nghề gì?” và là người sĩ quan Đức hỏi nhạc sĩ “Anh sẽ làm gì sau chiến tranh?”. Một motif câu hỏi lặp lại trong những bộ phim khiến tôi nghĩ về khao khát được sống của những người đã trải qua cuộc chiến bỗng chốc trở nên nhỏ bé và bình dị bất thường. Người lính trong mặt trận phía Tây không mong gì hơn được ngồi với gia đình ăn gà nướng với khoai tây và củ cải đỏ. Người nhạc sĩ không tha thiết gì khác ngoài việc muốn được chơi đàn cho đài phát thanh Ba Lan như trước, và Bruno bừng ngộ khi nhận ra sứ mệnh của cậu sẽ là một nhà thám hiểm chứ không phải người lính mang tinh thần tàn nhẫn như bố cậu. Đó là những khát vọng bình thường, nhưng nhẹ nhàng và gợi lên một bầu trời bình yên, mà chỉ những ai đã đi qua và đã thấm những nỗi đau mới hiểu.