Tôi không phải là người chuyên sâu nghiên cứu Phật giáo, càng không phải là người tu hành, nhưng tôi tự nhận là tôi có ngộ tính cao. Vì sao lại nói vậy ư? Đây.
Thứ nhất, chẳng hiểu từ bao giờ, lúc nào và hoàn cảnh nào mà trong tôi đã hình thành những ý niệm về Phật pháp, về những nét khái quát của kinh Phật, về lý thuyết giải thoát sự đau khổ của con người trong đạo Phật. Nếu chuyên sâu nghiên cứu hoặc là một người tu hành thì không lạ, nhưng ở tôi giống như một sự tình cờ du nhập từ đâu đó và từ bao giờ đó.
Thứ hai, tôi không theo tôn giáo nào nhưng cũng không bài xích tôn giáo nào. Riêng với Phật pháp, tôi có một sự giác ngộ với những gì mà đạo Phật đề cập. Tôi không giải thích được và thuyết phục được rằng mọi lý luận của Đức Phật đều đúng, đều có lý và hiện hữu, nhưng tôi tin vào giá trị và thành quả mà niềm tin vào chúng mang lại cho con người. Nói một cách ngắn gọn, Phật pháp rất khoa học và khi người ta tin, làm theo một cách kiên trì và tử tế, người ta sẽ đạt được thành quả bất ngờ.
Thứ ba, tôi tin rằng đức tin vào một tôn giáo (theo nghĩa tích cực) nào đó có thể cải tạo con người, nhất là giáo lý của Đạo Phật. Khi bạn có đức tin không đồng nghĩa bạn là người mộ đạo, mà đơn giản là bạn có một lý tưởng để mà ngưỡng vọng trong cuộc sống. Chính điều này là sợi dây giúp bạn hướng thiện và tu thân. Nó cũng chính là sức mạnh siêu nhiên có thể cải tạo con người bạn, hướng bạn từ một kẻ u mê dần đến với ánh sáng, từ một kẻ tham, sân, si đầy mình dần thành người vị tha, nền nã...
 Và cuối cùng, với bản thân tôi, tôi đã biết buông xả và hài hoà hơn với cuộc sống, điềm tĩnh đón nhận mọi biến động và thử thách của cuộc sống. Tuy chưa cắt nghĩa được tận cùng "tứ diệu đế" và "bát chính đạo", nhưng chí ít tôi cũng giác ngộ được rằng nguồn gốc căn bản của mọi đau khổ là do chính mình tạo ra. Vì thế, chiến thắng lớn nhất của đời người là chiến thắng chính bản thân mình.