Ngày 7/5/1954, cờ Việt Nam đã tung bay trên nóc hầm của Tướng de Castries, chấm dứt Chiến dịch Điện Biên Phủ sau 1 tháng, 3 tuần, 3 ngày chiến đấu ở lòng chảo Điện Biên và cũng là chiến thắng đặt dấu chấm hết cho sự xâm lược của Pháp ở Việt Nam. Ta luôn được nghe được những ý nghĩa này ý nghĩa kia nhưng điểm chung là ta luôn nghe nó dưới cái nhìn của người VN. Đương nhiên rồi vì lịch sử là do kẻ chiến thắng viết mà để rồi ta quên mất cái nhìn của những kẻ thua cuộc.
Với người Pháp, cuộc chiến ở Điện Biên Phủ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. 7/5/1953, Tướng Navarre được cử sang Đông Dương để chỉ huy quân Pháp ở đây. Suốt 8 năm chiến tranh ở Đông Dương, nền kinh tế Pháp vừa mới phục hồi sau Đệ Nhị Thế Chiến đã không thể chịu nổi gánh nặng mà cuộc chiến ở Đông Dương mang lại. 1954, hơn 73% chiến phí ở Đông Dương là do xứ cờ hoa chi trả. Navarre đã phải than trong hồi ký rằng:"Địa vị của chúng ta đã chuyển thành địa vị của một kẻ đánh thuê đơn thuần cho Mỹ". Người Pháp nhận ra là họ cần tìm 1 lối thoát "trong danh dự" và đồng thời họ cũng muốn duy trì quyền lợi của họ tại đây. Và trong hoàn cảnh đó, kế hoạch Navarre đã được ra đời. Kế hoạch Navarre như thế nào thì mọi người cũng đã rõ vì nó đã được nói đi nói lại nhiều lần rồi. Quan trọng là tại sao Pháp lại chọn Điện Biên là nơi quyết chiến năm đó? Điện Biên Phủ là một thung lũng phì nhiêu ở Tây Bắc Việt Nam. Dài 15 km, rộng 5 km, giữa thung lũng có sông Nậm Rốm chảy qua cánh đồng do người Thái cầy cấy quanh năm. Ở đó, có một sân bay dã chiến nhỏ đã bị bỏ hoang từ khi phát xít Nhật rời khỏi Đông Dương vào năm 1945, nằm dọc theo sông Nậm Rốm về phía bắc lòng chảo. Điện Biên Phủ cách Hà Nội 300 km về phía tây, cách Lai Châu 80 km về phía nam. Xung quanh là núi đồi trập trùng, rừng cây bao quanh. Nó dễ dàng trở thành nơi ẩn náu dễ dàng cho quân du kích. Cũng như Lai Châu và Nà Sản, Điện Biên Phủ là một điểm chiến lược bảo vệ tây bắc Lào và thủ đô Luangprabang. Tướng Cogny nhấn mạnh: Điện Biên Phủ là một căn cứ bộ binh - không quân (base aéroterrestre) lý tưởng, là "chiếc chìa khoá" của Thượng Lào. Với tầm quan trọng như vậy, phía Pháp chọn nơi đây với mong muốn rằng Việt Nam sẽ tự chui đầu vào đây rồi bị nghiền nát. Và thế là Pháp với sự trợ giúp của Mỹ đã bỏ ra hàng trăm triệu đô, hàng vạn người để xây nên tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đối với Pháp, đây là canh bạc cuối cùng nhằm kết thúc cuộc chiến trong danh dự. Nhưng mọi thứ đã không diễn ra như vậy. Pháp đã đưa tới đây cao điểm lên tới 16000 người, 10 xe tăng hạng nhẹ M24 Chafee (do tăng hạng trung trở lên không phù hợp với địa hình), 30000 binh sĩ hậu cần, 420 máy bay các loại, pháo vô sô kể đối đấu với quân Việt Minh mà họ nghĩ rằng sẽ không có pháo binh yểm hộ. Thật vậy, người Pháp không hề nghĩ rằng quân Việt Minh sẽ không có pháo binh hỗ trợ và rồi chắc chắn họ sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn do họ có hỏa lực áp đảo. Tướng Cogny đã trả lời phỏng vấn rằng: "Chúng tôi đã có một hỏa lực mạnh đủ sức quét sạch đối phương đông gấp 4-6 lần… Tôi sẽ làm tất cả để bắt tướng Giáp phải "ăn bụi" và chừa cái thói muốn đóng vai một nhà chiến lược lớn". Tướng Navarre nhận xét: "Làm cho Việt Minh tiến xuống khu lòng chảo! Đó là mơ ước của Đại tá Castries và toàn ban tham mưu. Họ mà xuống là chết với chúng ta... Và cuối cùng, chúng ta có được cái mà chúng ta đang cần: đó là mục tiêu, một mục tiêu tập trung mà chúng ta có thể " quất cho tơi bời". Charles Piroth, chỉ huy pháo binh thì tự đắc: "Trọng pháo thì ở đây tôi đã có đủ rồi… Nếu tôi được biết trước 30 phút, tôi sẽ phản pháo rất kết quả. Việt Minh không thể nào đưa được pháo đến tận đây; nếu họ đến, chúng tôi sẽ đè bẹp ngay... và ngay cả khi họ tìm được cách đến, tiếp tục bắn, họ cũng không có khả năng tiếp tế đầy đủ đạn dược để gây khó khăn thật sự cho chúng tôi!". Pierre Schoenderffer, phóng viên mặt trận của Pháp, nhớ rõ câu trả lời của Piroth: "Thưa tướng quân, không có khẩu đại bác nào của Việt Minh bắn được 3 phát mà không bị pháo binh của chúng ta tiêu diệt!". Chính họ cũng không ngờ được rằng họ đã quá tự phụ để rồi họ đã thất bại trong một cuộc chiến mà họ có lợi thế gấp nhiều lần. Những binh sĩ Pháp đã phải trải qua địa ngục trần gian. Sáng họ phải trải qua những cuộc chiến ác liệt với 1 đối thủ vô cùng kiên cường và sẵn sàng hi sinh trong chiến đấu. Ban đêm, họ cũng không thể yên ổn khi mà những tay bắn tỉa của Việt Minh luôn quan sát họ và có thể đưa họ về Tây thiên bất cứ khi nào. Nhiều binh sĩ muốn đầu hàng, người thì đào ngũ, người thì chống đối quân lệnh và chĩa súng vào nhau. Và rồi ngày 7/5/1954, de Castries cùng Ban Tham mưu đã đầu hàng. Và rồi 2 tháng sau, Hiệp định Genève đã được ký kết, chấm dứt 9 năm chiến tranh ác liệt ở bán đảo Đông Dương và rồi là cuộc đấu tranh của Algérie, Năm Châu Phi 1960 và rồi dần dần các thuộc địa giành độc lập, chấm dứt hệ thống thuộc địa của Pháp nói riêng và chủ nghĩa đế quốc nói chung.