Review Chiến binh cầu vồng ✅ - Giáo dục & sự nghiệt ngã của số phận

Chiến binh cầu vồng là 1 cuốn sách thực sự rất đặc biệt. Với chủ đề là sự phân biệt giàu nghèo và giáo dục - những chủ đề không quá mới - tác giả đã viết lên một câu chuyện thật đẹp, thật ý nghĩa nhưng cũng thật xót xa về những đứa trẻ nghèo ở 1 đảo nhỏ thuộc Indonesia và cuộc chiến của chúng chống lại những khó khăn, thế lực, cám dỗ để có được quyền cơ bản của con người, đó là quyền được học.
Rất lâu rồi mình chưa đọc cuốn sách nào mang lại cho mình nhiều cảm xúc đến vậy. Có những đoạn hài hước khiến mình cười ra nước mắt, như đoạn kể về tình yêu ngây ngô, trong sáng của Ikal - nhân vật chính trong truyện. Có những khoảng lặng khiến mình phải suy nghĩ, đó là khi tác giả viết về giáo dục, về hố sâu ngăn cách giàu nghèo, về khó khăn của đứa trẻ phải vượt 80 cây số hằng ngày chỉ để được đến trường. Và sự thỏa mãn, khâm phục khi những Chiến binh cầu vồng của chúng ta công khai đứng lên chống lại cả một "chế độ", thứ đã luôn "cai trị" vùng đất thiếc Belitong trong suốt mấy trăm năm ...
Mở đầu cuốn truyện là buổi khai giảng của một trường làng. Nhưng buổi khai giảng này rất đặc biệt, vì có thể nó chính là buổi khai giảng cuối cùng của ngôi trường ấy. Nguyên nhân là vì có quá ít người đưa con mình đi học. Họ thà để con mình làm culi toàn thời gian, kiếm tiền phụ giúp gia đình còn hơn đặt niềm tin vào sức mạnh của giáo dục. Dần dần, các vấn đề được tác giả đưa ra ở những chương sau. Đảo Belitong là hòn đảo nhỏ giàu có nhất Indonesia thời đó, nó có trữ lượng thiếc khổng lồ. Nhưng người dân nơi đây đâu được hưởng lợi từ chỗ thiếc đó, công việc của họ là làm culi toàn thời gian cho mỏ thiếc, nếu không thì đi đánh cá hoặc làm nông dân. Trái ngược hoàn toàn với người dân nơi đây là những công nhân từ nơi khác đến làm chủ mỏ thiếc. Họ có một Điền Trang để sống, nhà của họ giống như lâu đài và con của họ được học trong trường riêng, khác xa ngôi trường xập xệ, nghèo nàn được giới thiệu ở đầu truyện ...
Trên cái khung là vùng quê ấy, sự phân biệt giai cấp ấy, tác giả đã vẽ nên bức tranh thật đẹp về phong tục, tập quán, con người đảo Belitong, bức tranh về hố sâu ngăn cách giàu nghèo và bức tranh về sự kỳ diệu của giáo dục. Và nổi bật trong bức tranh ấy là những em nhỏ, những chiến binh cầu vồng tỏa ánh sáng rực rỡ sắc màu. Cầu vồng hiện lên sau cơn mưa như biểu trưng cho niềm hy vọng của các em vào tương lai và giáo dục trong hoàn cảnh nghèo khó.

Bức tranh tuyệt đẹp về đảo Belitong

Peramun Hill Granite Forest — Belitong Geopark
Air Semular
Đảo Belitong dưới con mắt của nhân vật chính thật hoang sơ với những cánh rừng dài, những đầm lầy đầy cá sấu. Chỗ mua phấn cách trường học tận 30km và đường đi thì gồ ghề, phải leo qua những con dốc cao. Nhưng cảnh vật nơi đây cũng thật nên thơ với đỉnh Selumar đầy hoa andraeanum hay còn được gọi là Hoa tình yêu. Hay khung cảnh bãi biến Pangkalan Punai với thảo nguyên phía sau và đại dương bao la trước mặt, hàng ngàn con chim sẻ đồng đậu vắt vẻo trên những thân cỏ cao, chí chóe tranh nhau chỗ ngủ, những nhánh sông  nước lợ quanh co uốn khúc từ xa để cuối cùng hợp lại rồi cùng nhau đổ ra biển.
Nếu bạn đi dọc theo con đường này, đừng vội xuống thung lũng từ đỉnh Selumar. Hãy dừng lại nghỉ chân một lát. Hãy tựa người một lúc vào cây angsana nơi lũ sóc con đuôi vàng đang nô giỡn. Hãy lắng nghe bản hợp ca của rừng thông và bọn chim chí chóe giành mật hoa doi với bọn ong nghệ dưới ánh nắng mặt trời. Hãy tận hưởng sự hòa quyện ngọt ngào làm say đắm lòng người của núi, thung, sông và biển chốn này. Hãy nới lỏng khuy áo để hít căng lồng ngực làn gió tươi mát thoảng đưa hương của loài hoa andraeanum có cánh hình trái tim, mơn mởn tươi tốt như hậu duệ của nó mọc tít trên cao. Tên hoa được đặt dựa vào hình dánh của cánh hoa. Nhiều người còn gọi nó là Hoa Tình Yêu
Bên cạnh cảnh sắc tuyệt đẹp đó là những phong tục, tập quán ở đảo Belitong. Chúng ta sẽ được chứng kiến một đêm Lễ giật đồ - một lễ hội đến bây giờ vẫn còn được tổ chức. Hay được xem trò chơi của những đứa trẻ miền quê như trò Người kéo lá - một trò cũng rất quen thuộc với trẻ con Việt Nam, khi mà 2 đứa sẽ ngồi lên một tán lá to và 1 đứa sẽ kéo đi nhanh nhất có thể. 
Tất cả những cảnh vật ấy, những phong tục tập quán ấy là những nét cọ tài tình của tác giả để vẽ nên bức tranh tuyệt đẹp về đảo Belitong. Thế nhưng bức tranh ấy vẫn còn thiếu một thứ rất quan trọng, đó là con người, những người sống và làm việc trên hòn đảo nhỏ đó.

Bức tranh về hố sâu ngăn cách giàu nghèo

Thật buồn khi những người ở đảo Belitong hiện lên không hề có cuộc sống tốt đẹp như vẻ đẹp của chính đảo ấy. Con người ở đây bị phân chia thành 2 tầng lớp thực sự rõ ràng. 
Tầng lớp những người giàu có là những người làm chủ mỏ thiếc. Họ sống một cuộc sống xa hoa trong một nơi gọi là Điền Trang, trong những ngôi nhà như những tòa lâu đài. Khu họ sống được xây trong những hàng rào, những tường cao, có những tấm biển cảnh báo "không phận sự miễn vào" được dán ở khắp nơi. Trường học của con em họ là một trường được đầu tư thật nhiều. Có giáo viên giỏi, có giáo cụ trực quan. Ngày đầu tiên đi học đúng là một ngày hội với "hàng tá xe hơi bóng lộn xếp hàng dài trước cổng trường".
Trong mắt chúng tôi - những đứa trẻ làng nghèo khổ - Điền Trang đúng là không khác gì lời cảnh báo "không được đến gần"
Trái người hoàn toàn là những người thuộc tầng lớp nghèo khó. Họ đa phần là những người dân gốc ở đảo, công việc của họ phần lớn là làm culi toàn thời gian cho công việc khai thác thiếc, ngày ngày, dưới tiếng còi thúc giục, các culi "vội vội vàng vàng túa ra từ mọi ngóc ngách trong làng đứng dọc bên vệ đường, chen nhau nhảy lên những chiếc xe tải chật cứng người chở đến chỗ những chiếc máy khai thác thiếc". Những người còn lại thì đi làm ngư dân hoặc nông dân. Cuộc sống của họ phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, khi gió lặng họ đánh bắt được nhiều cá tôm, nhưng trong suốt mùa mưa kéo dài, họ trở thành những người nghèo nhất trong số những người nghèo nhất sống trên đảo.
Ấy là một thực tế hết sức mỉa mai với cuộc sống của chúng tôi nơi đây : Sự lộng lẫy xa hoa của Điền trang và nét quyết rũ khôn cưỡng của ngôi trường PN tài trợ bằng tiền kiếm được từ những mỏ thiếc khai thác trên chính mảnh đất quê hương chúng tôi. Giống hệt vườn treo Babylon được xây cho kẻ bạo chúa Nebuchadnezzar III để thờ thần Marduk, Điền Trang là thương hiệu của Belitong được xây nên để tiếp tục giấc mơ bành trướng thuộc địa - một giấc mơ đen tối. Mục tiêu của nó là trao quyền lực cho thiểu số để sai khiến đa số. Vị thần được tôn thờ không ai khác hơn chính là địa vị xã hội, cái địa vị được xây trên nền tảng của sự phân biệt đối xử với những cư dân bản xứ nghèo khó.

Bức tranh về những người cống hiến cả đời cho sự nghiệp giáo dục

Nhưng nổi bật lên trong những con người nghèo khó, thấp cổ bé họng kia là những người giáo viên, những người dành cả đời cho sự nghiệp giáo dục các em nhỏ. Đó là thầy Harfan và cô Mus. 
Thầy Harfan được miêu tả là một người đã cống hiến hơn 50 năm cuộc đời mình để dạy học cho những em nhỏ trong trường làng. Thầy cũng là người đã xây dựng nên ngôi trường ấy và mời những người khác về dạy học. Nhưng trong khi những người khác lần lượt ra đi, thầy vẫn bám trụ lấy ngôi trường. Dù phải dạy học không lương, dù phải chịu sự hắt hủi từ cấp trên, thầy vẫn luôn là ngọn đèn sáng, là người thuyền trưởng dẫn dắt những em nhỏ đến với ánh sáng của tri thức.
"Không đến lớp thì thầy còn mệt hơn ấy chứ" thầy luôn bảo thế. 
"Và nếu thầy có chết, thầy sẽ chết tại ngôi trường này" thầy đùa. [...]
Thầy Harfan đi dạy từ khi mới mười lăm mười sáu tuổi, tính ra đã hơn năm mươi mốt năm. Chính thầy đã đốn cây trong rừng mang về xây nên ngôi trường Muhammadiyah này. Thầy đã mang súc gỗ đầu tiên - và nặng nhất - trên chính đôi vai mình, và đó là cây cột chính hiện vẫn còn trong lớp học chúng tôi. Chúng tôi đã đo chiều cao của mình trên cây cột ấy trong suốt những năm tháng qua, để lại trên thân nó đầy vết cứa. Đối với chúng tôi, cây cột ấy thật thiêng liêng.
Người còn lại là cô Mus, khác với thầy Harfan, cô Mus mới được chuyển đến trường cùng lúc nhân vật chính bắt đầu đi học. Lúc chuyển đến trường cô mới chỉ 15 tuổi, và cũng vừa mới tốt nghiệp trường dạy nghề cho nữ sinh. Cô đã có thể có 1 công việc tốt hơn ở trong Điền Trang nếu không chọn làm một cô giáo. Nhưng cái ước mơ cháy bỏng với giáo dục ấy giúp cho cô vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống, dù phải làm việc không có lương, dù phải thức đêm may áo để lấy tiền trang trải, dù trường cô dạy có nguy cơ phải đóng cửa ngay ngày đầu tiên cô đi làm. Cũng có những lúc cô từ bỏ hy vọng, có những lúc cô không thể đi tiếp con đường dạy học của mình do áp lực từ Điền Trang, thì chính những đứa học trò cô dạy dỗ, những đứa học trò được cô truyền lửa lại là người giúp cô nuôi tiếp ước mơ của mình. Để cô có động lực đi đến những nơi xa xôi ở Belitong tìm những học sinh của mình về, để chống lại cả một "đế chế" đã làm chủ Belitong mấy trăm năm, để trở thành cô gái trẻ dám thách thức ông Vua Thiếc. Lúc đó mình thực sự phải thốt lên rằng : wow, mình đã yêu cuốn truyện này mất rồi.
Người thầy vĩ đại của những đứa trẻ nghèo ở Belitong - Sách hay
__________________________________________________

Vài điểm mà mình không thích

Một điểm mà mình không thích ở cuốn truyện này là có một số đoạn tác giả hơi lan man. Trong những phần tả về phong cảnh hay tập quán ở đảo Belitong, tác giả gần như bỏ qua luôn mạch truyện chính. Ví dụ như đột nhiên có 1 chương để tả những trò chơi của nhân vật chính và các bạn - tất nhiên là mình biết chương đó để xây dựng tính cách nhân vật và tình bạn của các em - nhưng mình cảm thấy nó không đóng góp được nhiều trong cốt truyện chính, và mạch truyện chính dường như bị bỏ ngang. Không những thế, lúc đó mình cũng chưa hình dung ra mạch truyện chính là gì, nên hoàn toàn bị mất phương hướng của truyện, kiểu không biết sau chương này thì mục đích là gì và sẽ đi về đâu ấy. Tuy nhiên với những bạn thích đọc về văn hóa hoặc muốn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Belitong qua những trang sách thì những chương đó lại hoàn toàn là phù hợp với bạn.

Điểm nữa mà mình không thích là nhân vật Lintang - bạn của nhân vật chính - được tác giả xây dựng quá hoàn hảo, vượt 80km đi học, bơi qua đầm cá sấu, hiểu thảo với bố mẹ, có chí lớn và luôn là người cuối cùng vực dậy tinh thầy ham học của các bạn. Thực sự là quá ảo rồi. Thêm nữa là trong 1 lớp có 10 học sinh, thì lại đột nhiên xuất hiện 2 thiên tài về nghệ thuật và toán học. Hơn thế, các em còn vượt qua tất cả những học sinh của Điền Trang nữa. Nếu 1 cuốn sách muốn phản ánh đúng hiện thực thì thiết nghĩ không nên có những chi tiết "hơi" khó tin như thế này, nhỉ.
__________________________________________________

Chính cô Mus và thầy Harfan đã truyền cho những chiến binh cầu vồng của chúng ta tình yêu với tri thức, giúp chúng biết ước mơ và hy vọng vào tương lai sau này. Dù kết truyện có như thế nào chăng nữa, dù sự thật có tàn khốc như thế nào chăng nữa, dù ước mơ của các em có thành hiện thực hay không, thì công việc của cô Mus và thầy Harfan cũng đã thay đổi cuộc đời của các em theo một hướng tốt đẹp hơn. Khắp nơi trên thế giới này luôn có những người tâm huyết như thế, những người nguyện cống hiến cả cuộc đời mình cho giáo dục như thế.  Và hãy luôn nhớ rằng đâu đó ngoài kia vẫn có những đứa trẻ phải đấu tranh vì quyền được đi học của mình, những thiên tài bị cuộc sống vùi dập, không đến được với ánh sáng tri thức. Khi nghĩ như thế, ta sẽ trân trọng, biết ơn vì đã được học hành và sẽ yêu cuộc sống của mình thôi.

Đọc thêm: