Nguồn: LLUIS GENE/AFP/Getty Images
Đây chính là thời khắc mà Huawei Technologies Co. đã chờ đợi từ lâu.
Các nhà sản xuất chip lớn như Qualcomm Inc., Xilinx Inc. và Broadcom Inc. đã thông báo với nhân viên của mình, rằng họ sẽ ngừng cung cấp linh kiện cho gã khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc, cho đến khi những thông báo mới hơn được đưa ra. Các tập đoàn này sẽ cần phải làm rõ hơn thông điệp của chính quyền Tổng thống Donald Trump, nên trong thời điểm hiện tại, những động thái trên thể hiện một sự cẩn trọng cần thiết nhằm tránh vấp phải những sai lầm không đáng có.
Một quy trình tương tự đã từng diễn ra, khi lệnh cấm các doanh nghiệp Hoa Kỳ bán sản phẩm cho tập đoàn ZTE được ban hành. Nguyên nhân là do tập đoàn này đã từ bỏ các thoả thuận nhằm giải quyết các cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt thương mại do phía Hoa Kỳ đưa ra. Các công ty được yêu cầu tạm ngưng hoạt động vận chuyển hàng hoá, cho đến khi xác định chính xác danh mục các hàng hoá được phép và không được phép buôn bán. Cuối cùng, chính quyền Hoa Kỳ ban bố lệnh cấm vận (sau đó đã được dỡ bỏ), làm tê liệt hoạt động của tập đoàn viễn thông này.
Khả năng chính quyền Hoa Kỳ cắt giảm nguồn cung linh kiện cho tập đoàn, chính là điều mà các nhà lãnh đạo Huawei đã dự đoán và chuẩn bị phương án ứng phó trong vòng một năm trở lại đây. Quá trình tích trữ linh kiện đã được diễn ra trong hơn ba tháng. Đó không phải là khoảng thời gian dài, nhưng đủ để thể hiện sự nghiêm túc của tập đoàn đến từ Thâm Quyến với mối hiểm hoạ trước mắt.
Doanh thu của tập đoàn Huawei qua từng năm - Nguồn: Bloomberg
Có nhiều ý kiến cho rằng những động thái leo thang căng thẳng gần đây chỉ là cách mà Hoa Kỳ thu hút sự chú ý của thế giới đến cuộc chiến tranh thương mại của họ, và chúng hoàn toàn có thể được giải quyết thông qua các thoả thuận thương mại đa phương. Huawei, hay các nhà lãnh đạo Trung Quốc, sẽ khó có thể ngây thơ đến mức tin vào giả thuyết ấy. Đối với họ, ngay cả những lệnh cấm vận nhỏ nhất cũng có thể là bằng chứng, cho thấy rằng Trung Quốc không còn có thể phụ thuộc vào những nước bên ngoài.
Ở thời điểm hiện tại, chúng ta có thể trông đợi rằng Trung Quốc sẽ giải quyết vấn đề này bằng cách phát triển một hệ điều hành nội địa cho điện thoại thông minh, thiết kế những con chip riêng, tự phát triển công nghệ bán dẫn (bao gồm các công cụ thiết kế và thiết bị sản xuất), và triển khai các tiêu chuẩn công nghệ của riêng mình. Điều này sẽ càng đẩy nhanh tiến trình tạo ra một "hàng rào công nghệ", chia thế giới thành hai khối công nghệ hoàn toàn riêng biệt.

Thị phần điện thoại thông minh Android quý 1 năm 2019 - Nguồn: Bloomberg Intelligence, IDC
Phiên bản Android của Trung Quốc - tạm gọi nó là Chandroid - sẽ không thể hoàn thiện như nguyên bản được phát triển bởi công ty con của Alphabet Inc. - Google. Những con chip viễn thông do Trung Quốc tự sản xuất sẽ thua kém hơn về nhiều mặt so với sản phẩm đến từ Qualcomm và Xilinx. Nhưng mặc cho việc những nỗ lực để phát triển các sản phẩm nội địa có thể bị kìm hãm bởi các sản phẩm tương tự đến từ phương Tây, thất bại sẽ không còn là vấn đề trong mắt các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc sẽ đầu tư một lượng lớn nguồn lực để đảm bảo nền công nghiệp công nghệ sẽ không bị hụt hơi quá sớm, và rất nhiều tiền bạc có thể bị lãng phí. Tiền không giải quyết được tất cả vấn đề. Nhưng sau một khoảng thời gian nhất định, những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc sẽ giúp họ vượt qua những khó khăn ban đầu, và đưa các sản phẩm nội địa, ít nhất là có thể xuất hiện trên thị trường, trong trường hợp chúng không thể cạnh tranh với công nghệ phương Tây. Sẽ khó có khả năng chính quyền Hoa Kỳ hỗ trợ các doanh nghiệp nước này nhiều đến mức như vậy. Lý do là vì chúng [những khoản hỗ trợ] không quá cần thiết vào lúc này, khi họ vẫn đang giữ thế độc tôn. Nhưng tham vọng chiếm lĩnh công nghệ di động 5G của Huawei cho thấy rằng vị trí dẫn đầu của Hoa Kỳ sẽ không tồn tại mãi mãi và hoàn toàn có thể bị đe doạ.
Chiến tranh lạnh công nghệ đã chính thức bắt đầu. Bên chiến thắng có thể sẽ không phải là bên có những chiến binh giỏi nhất, mà là bên có đủ khả năng chống chọi với những tổn thất lâu dài.
Dịch từ bài viết "The Tech Cold War Has Begun", của tác giả Tim Culpan, đăng trên Bloomberg.