Chiếc điện thoại của ba
Kết thúc cuộc điện thoại, sóng mũi tôi cay cay, khóe mắt đỏ hoe. Người cô phía nhà nội của tôi vừa thông báo ba tôi đang bị ốm, khuyên...
Kết thúc cuộc điện thoại, sóng mũi tôi cay cay, khóe mắt đỏ hoe. Người cô phía nhà nội của tôi vừa thông báo ba tôi đang bị ốm, khuyên tôi gọi ba về. Vài ngày trước, mẹ tôi gọi lúc 7h sáng nức nở chuyện ba tôi bỏ nhà đi. Mâu thuẫn của người lớn, nhưng chính bọn trẻ chúng tôi phải gánh chịu.
Tôi đã gọi cho ba, cuộc gọi đầu tiên trong suốt hai-mươi-mấy qua. Bởi đây cũng là chiếc điện thoại đầu tiên ông sở hữu trong cả cuộc đời tần tảo của mình. Lần đầu tôi được liên lạc trực tiếp với ba mình khi ở xa. Lần nào gọi về nhà cũng phải thông qua mẹ tôi hoặc em gái. Cả nhà đều có điện thoại, trừ ba. Từ lúc tôi còn ở quê chưa lên Sài Gòn lập nghiệp, mỗi lúc ba mẹ tôi cãi nhau, ba lại bỏ đi 1,2 hôm rồi về. Lòng tôi cũng lo, nhưng ba không có điện thoại, không cách nào liên lạc.
Lúc còn thuận hòa, mẹ tôi kể rằng ba đã vui mừng thế nào với chiếc điện thoại đầu tiên trong đời của mình. Bà kể ba tôi đã cố gắng tìm hiểu về thiết bị kì lạ này, cách bấm thế nào, sử dụng ra sao. Ông đi khoe với hàng xóm, chú thím, cô dượng về chiếc điện thoại rẻ tiền. Tôi thì cảm thấy xấu hổ…
Đây là chiếc điện thoại mà chính tôi mua cho ông. Ba tôi biết rõ là chiếc điện thoại này rẻ tiền, đơn giản và chẳng “xịn” bằng ai trong nhà. Nhưng ông vẫn cứ đi khoe, vì đó là điện thoại do con gái dùng tiền của mình mua tặng. Ba tôi đã ngoài 50, đôi mắt kèm nhèm, không hiểu biết về công nghệ. Vì vậy, chiếc điện thoại với tính năng nghe, gọi, nhắn tin, bật FM radio hẳn là phù hợp nhất với ông. Nhưng tôi thật xấu hổ, bởi tôi ước mình làm điều này sớm hơn.
Mẹ tôi là người bảo thủ, vội vàng, hấp tấp mà theo cách gọi của người miền quê là “cái tánh ào ào”. Những người phụ nữ trung niên ở miền quê (có khi cả thành thị) thường va phải cái tính không mấy tốt này. Họ hay cằn nhằn, đa nghi, xét nét kỹ lưỡng, đặc biệt với những người thân quen bên cạnh mình. Mẹ tôi không muốn ba có điện thoại di động riêng. Mẹ sợ ba khi say lại gọi lung tung, sợ ba sẽ có người đàn bà khác bên ngoài,… Tôi không trách mẹ. Một người phụ nữ sống trong bạo lực, nghèo túng, không được cảm thông từ phía nhà chồng, cực khổ nắng mưa hơn 20 năm đúng là không dễ dàng gì có thể bao dung và tha thứ. Mẹ tôi đã năm lần bảy lượt ngăn cản tôi mua điện thoại cho ông. Nhưng sau cùng tôi đã cãi lời mẹ…
Tôi ước mình cãi lời mẹ sớm hơn. Bởi ba tôi cũng đã rất già rồi. Ba tôi cần được tha thứ và yêu thương nhiều hơn ở cái tuổi đã hao mòn sức lực. Dù gì ba tôi cũng lao động tần tảo suốt đời và làm việc cực nhọc gấp nhiều lần từ khi tôi được sinh ra. Ông đã đi qua 3/4 đời người.
Có một điều mà mãi đến bây giờ tôi mới biết. Ông rất tự hào về tôi. Ông rất tự hào về đứa con gái từ một vùng quê nghèo nàn, lạc hậu đã có công việc ổn định nơi thành thị hào nhoáng ngoài kia. Ông vui mừng kể với mọi người rằng, tôi được đi nước ngoài, được du lịch khắp nơi tôi muốn. Ba “ghen tị” vì tôi được đi máy bay, còn ba thì chưa bao giờ trong đời.
Người cô nhà nội đã nghẹn ngào kể lại những niềm vui khôn xiết của ba, chuyện mà đối với nhiều người nó nhỏ bé đến mức chẳng đáng bận tâm. Đây cũng là lần đầu tiên sợi dây tình cảm phụ tử thiêng liêng thực sự hiện hữu giữa tôi và ông. Thứ tình cảm mà tôi ngỡ rằng đã mất đi từ mất lâu, kể từ khi tôi bước vào giai đoạn dậy thì với những nông nổi tuổi mới lớn.
Sau tất cả, tôi cũng đã trưởng thành. Tôi muốn gánh vác nhiều hơn, thay cho những sự hi sinh rõ ràng cũng như thầm lặng của 2 con người khắc khổ đó. Tôi ước gì mình là đàn ông. Tôi có thể đánh đổi được nhiều thứ hơn so với một người phụ nữ mỏng manh, yếu đuối. Tôi có thể thành công sớm hơn và bù đắp vào những sự tổn thương, mất mát và thiếu thốn của ba mẹ tôi. Nhưng dù là đàn bà hay đàn ông, tôi cũng cố gắng đạt được những thứ mà ba mẹ tôi không thể cho tôi. Rồi sau đó trao trả lại cho những “nhà đầu tư thiên thần” đó.
Cha mẹ yêu thương chúng ta theo nhiều kiểu khác nhau. Mỗi người có một cách bày tỏ khác nhau, người thì thầm lặng. Vì vậy, hãy bao dung và vị tha nhiều hơn. Bởi dù thế nào, họ vẫn mãi là những người thân yêu của chúng ta.
Tôi cũng muốn gửi gắm đến những ai đã làm cha mẹ và sắp sửa làm cha mẹ trong tương lai. Nếu đã là một gia đình, xin hãy nhường nhịn và bao dung nhau. Khổ đau của anh/chị có thể chính là vết thương trong lòng của trẻ con. Nhường nhịn, bao dung và vị tha vẫn là chìa khóa mở ra một mái ấm gia đình thật sự.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất