Bài viết này mình tổng hợp từ kinh nghiệm của bản thân và những chia sẻ sau đây mình nghĩ sẽ thích hợp cho định hướng page mang tính cộng đồng nhiều hơn là kinh doanh. 
Khi xây dựng nội dung, mình luôn nhớ đến câu thần chú “nội dung mà người đọc muốn share”. Share ở đây có 2 ý: mục đích của bài viết không nhất thiết phải đo lường bằng số lượng người share và ngoài bấm nút share thì người đọc còn muốn chia sẻ câu chuyện của chính họ. 
Mặc dù nghe câu thần chú này có vẻ.. dĩ nhiên nhưng thật sự khi xây dựng cộng đồng mình rất dễ bị sa ngã vào việc nói quá nhiều về bản thân mà quên mất đi việc xây dựng sự liên kết với đọc giả mình hướng đến (đặc biệt với những page nhỏ như của mình). Nên câu thần chú đó giúp mình có hướng đi đúng đắn và đặc biệt dễ dàng nghĩ ra ý tưởng cho bài viết hơn. 

Vậy “nội dung mà người đọc muốn share” là gì?  Phân loại dựa trên động cơ, thì theo mình sẽ bao gồm: 
  1. Share vì nội dung liên quan đến bản thân người đọc: người đọc tìm thấy ở bài viết (hoặc bất kỳ hình thức nào khác) có chung sở thích với mình, có cùng một vấn đề nào đó, hoặc có cùng một trải nghiệm nào đó.
  2. Share để dành: ở đây bao gồm những nội dung về kiến thức, hay bài học cuộc sống.
  3. Share vì đồng tình: người đọc share vì nội dung giúp thay lời muốn nói, liên quan đến một vấn đề xã hội/ cá nhân nào đó. 
Bây giờ sẽ đào sâu hơn về những ý trên:
1. Nội dung liên quan đến bản thân người đọc:
  • Sở thích (chung) :  bạn có thể giới thiệu về một người nổi tiếng/ người truyền cảm hứng/ hoặc một nhân vật nào đó mà bạn ngưỡng mộ hoặc có ảnh hưởng sâu sắc đến bạn. Hoặc  nói về một chương trình truyền hình/ game/ review sách…. đã giúp bạn học hỏi được điều gì… Hoặc bạn có thể chia sẻ về một thú vui/ môn thể thao/ thói quen nào đó có ích…
  • Vấn đề: ở đây mình nghĩ có thể chia thành vấn đề tâm lý và vật lý. Tâm lý nôm na là những lo lắng, suy tư như việc hay suy nghĩ tiêu cực, overthinking… Còn vật lý là những vấn đề về tài chính, công việc, cuộc sống, tình yêu, sức khoẻ… Ở đây bạn nêu ra vấn đề mà mình đã gặp phải và chia sẻ về cách giải quyết của bản thân. 
  • Trải nghiệm: nội dung ở mục này khác với vấn đề là ở mức độ ảnh hưởng. Đó là những câu chuyện vui, ngắn mà bạn bắt gặp trên đường, trong cuộc sống và thường đó chỉ là một khoảnh khắc rất nhỏ. Nội dung này mình thường thấy ở các page về nhân vật hư cấu như Chuyện thằng FA, Quỳnh Aka, Chuyện của mấy toà nhà…
2. Nội dung “để dành” :
  • Kiến thức: ở đây bạn có thể chia sẻ những công cụ ( các ứng dụng, các vật dụng…) đã giúp ích cho cuộc sống của bạn. Hoặc là những mẹo, tips hay trong cuộc sống và công việc hằng ngày. Hoặc thông tin/ kiến thức về một lĩnh vực nào đó. 
  • Bài học cuộc sống: đây có thể là những câu nói, trích dẫn hay từ sách, phim ảnh hoặc người nổi tiếng.. Hoặc những câu chuyện từ chính cuộc sống của bạn và bạn rút ra được một bài học nào đó.
 Mình thấy đa số bài viết sẽ ở dạng liệt kê, giới thiệu hoặc tổng hợp: ví dụ như 10 công cụ giúp bạn làm việc hiệu quả hơn, 12 bài học cuộc sống cho tuổi 25 .… 
3. Đồng tình/ thay lời muốn nói: 
Đây là những bài viết chia sẻ ý kiến về một vấn đề trong xã hội mà được nhiều người quan tâm. Và sẽ thường mang tính tranh luận nhiều hơn. Ví dụ như bài viết: Có nên học đại học hay không? Hay việc cấm ống hút nhựa có giúp bảo vệ môi trường hay không? … 
Một vài điều mình muốn nói thêm :
  • Tuỳ theo chủ đề của page là gì mà chúng ta sẽ chắt lọc những nội dung phù hợp. 
  • Thường một nội dung được tạo ra sẽ là sự tổng hoà của nhiều yếu tố trên.
  • Đặc biệt là phần biên tập lại nội dung để thể hiện rõ “chất” riêng của mỗi page. Và mình nghĩ chỉ nên chia sẻ những gì mà bản thân đã tự trải nghiệm hoặc đã tham khảo nhiều nguồn chứ không chỉ tổng hợp thông tin đơn thuần, vì khi đó bài viết sẽ có cảm giác ít chân thật hơn.
  • Và những chia sẻ của mình chỉ là một cái sườn để chúng ta dễ dàng tìm kiếm và định hướng ý tưởng, ngoài ra mình nghĩ sẽ còn rất nhiều cách tiếp cận khác.
Về cách mình tạo ra nội dung.
Mình nghĩ có hai cách: bài dịch và bài tự viết. 
Về bài dịch: 
  • Bạn có thể chủ động xây dựng thư viện nội dung bằng cách theo dõi để nhận bài viết mỗi ngày về email từ những trang web liên quan đến chủ đề bạn đang theo đuổi. Sau đó chọn lựa những bài viết nào thích hợp nhất tiến hành dịch bài, biên tập, thể hiện hình ảnh… Mình thường follow trang medium, lifehack, psychologytoday… 
  • Ngoài ra Pinterest là một nguồn tài nguyên phong phú mà mình mới phát hiện gần đây. Ưu điểm của Pinterest là những bài viết thường được thể hiện dưới dạng infographic nên nội dung thường ngắn và đúng trọng tâm.
  • Và chắc chắn chúng ta phải để nguồn của bài gốc.
Về bài viết: 
Youtube là một nơi ý tưởng thường đến với mình ngẫu nhiên. Cũng bắt đầu bằng cách follow những channel mình quan tâm. Thường khi xem một video, nếu có một ý tưởng nào đó mình cảm thấy hứng thú và thích hợp với cộng đồng của mình, mình sẽ tìm kiếm thêm thông tin hoặc tự phát triển ý tưởng và tiến hành viết bài. 
Mình cũng muốn chia sẻ thêm về sức mạnh của các “ chiến dịch”:
  • Chiến dịch ở đây là chuỗi các nội dung về một chủ đề cụ thể. Ví dụ như vừa rồi mình có tạo một chiến dịch là #iknowme và sau đó phát triển lên thành #iknowme_more. Đây là chiến dịch mình tạo ra nhằm chia sẻ về việc tìm hiểu bản thân và thể hiện bằng 2 hashtag trên.
  • Chiến dịch giúp mình thống nhất và sâu chuỗi bài viết. Nhiều chiến dịch sẽ giúp cho page trở nên có hệ thống và dễ theo dõi hơn.
  • Ngoài ra, với vai trò của một bài viết, chiến dịch giúp mình duy trì hoạt động của page. Như nhiều khi một vài bài trong chiến dịch đó không được hiệu quả như mình mong muốn, mặc dù cũng có xíu nản và lười mình vẫn cố gắng theo đến hết chiến dịch như đã định. 
Đó là những trải nghiệm và bài học mình chắt lọc được sau gần 2 năm làm việc trong lĩnh vực content và đặc biệt 1 năm gần đây, khi mình quyết định tạo dựng một cộng đồng riêng cho bản thân thì những điều chia sẻ trên đã giúp mình rất nhiều. Mình mong muốn nhận được sự góp ý của các bạn và các anh/chị để tiếp tục học hỏi và trau dồi thêm. 
Cảm ơn mọi người rất nhiều. 
The Fool
Hình ảnh: pixabay
Fanpage nhỏ của mình: The Fool.