Sáng nay, một người chị hỏi tôi: Em biết Nam Em không? Mấy hôm nay nổi rần rần trên Tiktok ấy. Tôi cười: Dạ, tin về bạn đó lan qua Facebook nên em cũng biết rồi ạ. Chị lại hỏi vậy em nghĩ gì về việc chia sẻ các vấn đề riêng tư lên mạng xã hội hay livestream “bóc phốt” người khác? Dạ, đó là một câu chuyện dài (mà tôi trình bày ngay sau đây)
Tuần trước, có một thông tin nổi bật cũng liên quan đến việc chia sẻ đời tư lên mạng xã hội. Một tài khoản tên Reesa Teesa đăng tải một loạt 50 videos kể về việc cô đã bị lừa như thế nào trong suốt quá trình làm quen, yêu đương, kết hôn và ly hôn với chồng cũ cô. Câu chuyện này được lan truyền mạnh trên tiktok, nhiều video lên đến vài triệu lượt xem và mang về cho cô hơn một trăm nghìn Mỹ kim.
Câu chuyện của Reesa có thể xem là một tình huống “được”: bản thân cô được nổi tiếng, có tiền, khán giả thì được nghe kể một câu chuyện thật nhưng khó tin cùng hưởng thụ cách kể chuyện cuốn hút của cô. Ngoài ra, câu chuyện này không trực tiếp tổn hại đến người khác, cũng không gây nên công phẫn của dư luận hay một hệ lụy xấu nào trước mắt.
Tất nhiên không việc gì chỉ có một mặt tốt hay xấu, mạng xã hội nói riêng hay internet nói chung càng là con dao hai lưỡi. Câu chuyện của Reesa có thể đơn thuần là giải trí cho người khác, mang đến lợi ích cho cá nhân cô, cũng có thể sẽ khiến một số người cho rằng mình tìm thấy con đường nổi tiếng, phát tài chăng?
Chuyện của Nam Em có thể xem là “mất”. Cô lên livestream kể về cuộc tình cũ và “bóc phốt” một số nghệ sĩ khác nhưng không đưa ra chứng cứ. Sự việc này gây nhiều tranh cãi, ảnh hưởng đến người khác, không có lợi cho ai và khiến khán giả mất thời gian, tâm trí thì chìm trong những điều tiêu cực. Kết quả là cô phải nhận giấy triệu tập của thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM để làm rõ về vụ việc trên. Ngay cả việc này cô cũng đưa lên livestream để “tạm biệt khán giả”, thậm chí còn nói thêm “chuẩn bị đi một năm”.
Ông bà xưa vẫn khuyên hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói. Nhưng ngày nay với nhu cầu sản xuất những sản phẩm thông tin và xuất bản dễ dàng thông qua các tài khoản mạng xã hội cá nhân để nhận về những lượt view, share, like, dường như nhiều người quên đi lời khuyên đó.
Ảnh: liveboldandbloom
Ảnh: liveboldandbloom
Có một câu chuyện khác về triết gia Socrates ở Hy Lạp: khi người hàng xóm muốn kể cho ông nghe một chuyện, ông hỏi rằng trước khi kể thì hãy trả lời ông ba câu hỏi: Chuyện đó có thật không? Chuyện đó có phải là chuyện tốt không? Và chuyện đó có giúp ích cho ai không?
Tôi có một vài người bạn rất hay. Họ cũng làm kênh Tiktok. Họ lên đó chỉ các mẹo học tiếng Anh, giới thiệu những thứ hay ho mà họ biết, chia sẻ kiến thức chuyên môn.. và đạt được hàng trăm nghìn người theo dõi chỉ sau vài tháng. Tất nhiên số người chưa thành công nhiều hơn rất nhiều lần. Nói điều đúng, tốt và có ích là cơ bản, còn phải phụ thuộc vào cách trình bày và cả… hên xui nữa. Nhưng dù sao vẫn nên hướng đến điều tốt vì trước hết là nó tốt cho bạn.
Chia sẻ tâm tư, tình cảm hay những việc cá nhân khác lên mạng xã hội chắc chắn thu hút sự chú ý của người khác, ít nhất là những người xung quanh bạn. Nếu câu chuyện đó gây tranh cãi, quá hi hữu, quá bi thảm, quá bức xúc… nói chung là phải làm quá lên thì sẽ thu hút càng nhiều người hơn. Nhưng chuyện đó sẽ khiến bạn nổi tiếng, có tiền hay bị thanh tra mời làm việc thì không chắc được.
Sở dĩ người ta quan tâm đến những câu chuyện riêng tư là vì nó thật, như tình huống của Reesa (dù cô dùng tên giả). Chuyện đó nếu là chuyện tốt thì ổn, còn chuyện xấu cũng có thể nói ra nếu mục đích là muốn giúp cho người khác. Nếu một chuyện không tốt, chẳng giúp ích gì cho ai và đặc biệt là không thật thì không nên nói cũng chẳng nên nghe.
Giật mình ngẫm lại những điều mình đã nghe và đã nói và đặt ra câu hỏi: nếu “uốn lưỡi ba lần” kiểu Socrates thì chẳng phải mình không nghe, không nói gì hết sao? Có thể lắm. Nhưng không nghe, không nói điều xấu thì tốt hay xấu cho mình?
Nếu ta ngừng nghe những điều tiêu cực, để cho tâm trí mình yên tĩnh, xa lánh những nguồn tin không tốt thì ta mới có thời gian để nghe được điều hay, lẽ phải, những chuyện khiến cho cuộc sống ta nhẹ nhàng, vui tươi. Cũng vậy, ngừng nói những điều không tốt một thời gian thì ta có thể nói điều tốt đẹp, lời nói của ta cũng có ý nghĩa, có trọng lượng hơn.
Việc chia sẻ tâm tư tình cảm và những việc đau lòng, bức xúc là một nhu cầu của con người, nhưng hãy cân nhắc khi đưa lên mạng xã hội, hãy phân biệt đâu là không gian riêng tư, điều gì có thể nói với công chúng. Hãy uốn lưỡi bảy lần, rồi im lặng. Hãy trao đi những điều tích cực vì người tặng hoa thì tay sẽ được thơm.
* "Heal the world" là tên một chương trình lắng nghe, tư vấn kết hợp chiêm tinh, Tarot do mình thực hiện. Bắt đầu từ tháng 6/2022 đến nay mình đã xem bản đồ sao cho hơn 400 người và các dịch vụ khác trên 600 lượt khách. Nhắn cho mình nếu bạn cần nhé.