Lúc buồn thì hầu hết chúng ta thích nghe nhạc buồn. Nhạc buồn ở đây là kiểu nhạc da diết, tê tái, phù hợp với tâm trạng ủ ê vì tâm sự chất chứa.
    Nhưng cũng có lý nếu ai đó bảo rằng “Bạn ơi, buồn thì phải nghe nhạc vui, chứ buồn nghe nhạc buồn thì càng chìm đắm”.
    Mọi thứ đều thật dễ dàng khi người ta không buồn. Đây, chúng ta cần làm thế này, sau đó làm thế kia, rồi thì xong.
    Thật ra người ta nghe nhạc buồn không phải để tâm trạng ủ ê mà là để tìm nơi chốn đồng cảm, đồng điệu. Buồn là cảm xúc cần được thấu hiểu. Vì nó hiếm khi tự sinh ra (nỗi buồn của một cá nhân có thể do nhiều cổ đông xung quanh họ gom góp lại mà thành) nên để nó biến mất, người ta cần san sẻ.
    Trong thời đại ai cũng bận rộn, ai cũng đang có vấn đề và cần phải quan tâm đến vấn đề của mình trước, thì chúng ta ít dành thời gian cho sự san sẻ.
    Hình như các ca khúc Hot Hit gần đây cùng toàn là những đề tài về nỗi buồn và sự nuối tiếc. Trong lòng người nhiều vụn vỡ đến nỗi không ai đủ kiên nhẫn lắng nghe ai.
Thành ra chỉ còn mỗi cách đi nghe nhạc buồn.
    Thỉnh thoảng tôi nghe câu Rap trong mấy bản nhạc buồn cũng thấy khá triết lý, kiểu:
“Những ngày buồn thương và đời anh chỉ toàn quen, những người lạ” (trích từ ca khúc Nước Mắt Em Lau Bằng Tình Yêu Mới)
    Điều này được một anh bạn tôi ngộ ra trong lý thuyết “người qua đường” do anh ấy tâm đắc từ lâu.
    Đời mình thường sẽ có một người xuất hiện, tìm cách bước vào, vào rồi thì họ tìm cách đi ra. Để khỏi vương vấn cũng như khỏi hi vọng trước, thất vọng sau thì mặc định tất cả đều là “người qua đường”- ở một quán trà đá mịt mờ khói thuốc, anh ấy giải thích.
    Rồi thì ngày hôm kia, một người bạn khác của tôi được trải nghiệm chính điều ấy. Sau khi gọi một bát phở tái nạm, chàng trai đầy sức sống hôm nào giờ chỉ đủ hơi sức khều vài sợi bánh rồi bỏ lại kèm câu nói: “Ừ thì đời toàn phiêu bạt mà”
    Lần này thì tôi không hiểu anh ấy đang muốn nói rằng do phiêu bạt nhiều nên ca từ của Rapper thành triết lý hay anh ấy đang nói về chính cuộc đời phiêu bạt của mình với cái dạ dày trống không bị nỗi buồn bỏ quên, với cảm xúc của mình bị người khác bỏ quên.
    Có lẽ, mỗi người nên tự có trách nhiệm với nỗi buồn của chính mình. Bởi đằng sau nỗi buồn sâu sắc là những bài học đắt giá mà vĩnh viễn người ta không quên.
    Biết căn nguyên nỗi buồn, cảm nhận về nó và vượt quá nó là kĩ năng sinh tồn cần có ở tuổi trẻ. Đối với những vết thương nghiêm trọng thì buộc phải sát trùng bằng cồn, dù nó có đau đớn thế nào đi chăng nữa. Còn nếu chỉ trầy xước ngoài da thì tự nhiên cảm thấy mình đau đớn là điều không cần thiết.
    Làm thế nào để vượt qua nỗi buồn?
    Sách sẽ nói: Gặp gỡ bạn bè, suy nghĩ tích cực, vận động cơ thể, làm việc mình yêu thích, tìm kiếm các mối quan hệ mới v.v…
    Còn tôi thấy: Để người ta buồn xong đã rồi tính. Nếu họ muốn nghe nhạc buồn thì cứ cho họ nghe nhạc buồn thôi. Nghe chán, họ tự tắt nhạc, tháo tai nghe để sống cuộc đời mới.