Câu chuyện về tấm bằng này bắt đầu từ lúc chúng tôi bước vào đại học cùng nhau và kết thúc trong năm 2020 vừa qua. Tôi chưa chính thức nhận được lời chấp thuận từ nhân vật chính- cũng là người bạn thân của mình, thế nhưng tôi vẫn viết. Vì biết đâu, nếu tôi cố gắng hết sức thì bài viết này sẽ làm cậu ấy đổi ý.
Quan trọng là, tôi tin điều tôi sắp viết sẽ có ích cho người đọc, nên tôi mạnh dạn viết mà không hỏi lại. Trong cuộc sống, hỏi đôi khi là cách nhanh nhất để bị từ chối thì phải?
Phần 1
-8 năm trước-
Ở quán trà đá, TQ thông báo tin muốn bỏ học. Tôi biết anh bạn này có thói quen thông báo sau khi đã thực hiện điều mình muốn, thay vì nói đến như là dự định.
Ngày đầu gặp nhau, TQ trên chiếc xe đạp và đeo cặp kính trắng nom rất thư sinh, điềm đạm. Thế rồi Hà Nội tưởng không vội mà lại buộc cậu phải vội để mưu sinh, học hành để có lí do ở lại nơi đông đúc, chật hẹp này.
Không nhận được sự hỗ trợ thường xuyên của gia đình, TQ phải tự lập ngay khi bước vào năm đầu đại học. Sự vất vả đương nhiên là khổ nhọc nhưng niềm vui sướng cũng khổ nhọc không kém, vì nó cám dỗ con người ta đến với sự buông thả. TQ có cả hai.
TQ vừa học vừa làm. Học thì đã có thời khóa biểu, cứ vậy mà theo, cứ đến hạn là nộp học phí. Còn làm thì phải lăn lộn, thử nghiệm. TQ làm rất nhiều việc và cũng từng bỏ việc theo rất nhiều cách khác nhau. Những cung đường dài đằng đẵng luôn có bóng dáng của chàng trai miệt mài đạp xe đến chỗ làm sau giờ học.

Dĩ nhiên câu chuyện này sẽ không kết thúc với hình ảnh TQ tốt nghiệp rồi thành công rực rỡ. Câu chuyện này viết về một con người bình thường như bao người khác.
Thời gian làm việc đã khiến TQ mệt nhoài. Cậu muốn bỏ học. Thành tích học tập lẹt đẹt, cộng thêm nỗi lo mưu sinh và những trò vui ở chốn thị thành hoa lệ thật quá sức đối với chàng trai trẻ không gia đình bên cạnh.
Khi cô đơn, con người ta bầu bạn với rượu và thuốc lá. TQ thường xuyên nghỉ học, lần do bận đi làm, lần do mệt mỏi sau cơn say. Cậu cảm thấy bế tắc về mục đích của việc học đại học.
Đột nhiên, mọi thứ thay đổi khi TQ gặp một cô bạn trong môn học cả hai cùng đăng kí. Guồng quay của chiếc xe đạp trở nên mạnh mẽ hơn, sách vở được chuẩn bị chu đáo hơn. TQ lên lớp và cảm thấy hạnh phúc khi đi học. Cậu đã có động lực để đến trường. Nguồn sức mạnh tinh thần làm TQ hào hứng hơn. Mỗi lần gặp nhau, tôi đều cảm thấy rất vui vì bạn mình đang tràn đầy sức sống, dù vất vả song có niềm tin vào tương lai.
Rốt cuộc, TQ vẫn bỏ học.
Chúng tôi trò chuyện về quyết định của TQ. Nếu có vấn đề xảy ra, cậu ấy luôn nhận lỗi về mình- một giải pháp đầy tự trọng song cũng tương đối ương ngạnh. Chẳng còn ai có thể giữ cậu lại nữa: bạn bè xung quanh bận rộn với lịch học, lịch hoạt động, lịch làm thêm của họ; gia đình ở xa; cô gái ung dung bước vào đời cậu cũng đã điềm nhiên bước ra.
Đó là lúc TQ chán nản tuyên bố với tôi lý thuyết về “người qua đường”, về dự định trong cuộc sống của cậu. Tiếp đó, sau cú va chạm bất ngờ trên đường, chiếc xe đạp của cậu gãy làm đôi. Cậu còn sống nhưng hi vọng thì tạm thời đã chết.
TQ rời đại học để đi làm tại một nhà hàng. Biết tôi đang tìm việc, cậu giới thiệu cho tôi làm thêm ở đây sau giờ học.Đây là công việc đầu tiên của tôi. Sau khi tan học, tôi thường làm ở đó từ sáu giờ tối đến mười một giờ đêm. Năm tiếng mỗi ngày.

Còn TQ là tám tiếng mỗi ngày và mười hai tiếng vào những dịp đặc biệt. Cậu ấy luôn chủ động gánh vác thêm công việc mỗi khi chúng tôi làm cùng nhau. Có lần, dù đã hết giờ làm TQ vẫn gắng sức ở lại bưng giúp tôi chuyến đồ cho khách. Mười chiếc đĩa nặng nề, nóng bỏng đặt trên đôi tay đã xa rời sách bút mà gần gũi với đủ mọi công việc tay chân ở nơi đất khách quê người. Đến giờ, tay TQ vẫn lưu lại những vết bỏng năm nào.
Chúng tôi bàn về việc quay lại học đại học. TQ từ chối. Cậu cảm thấy cuộc sống hiện giờ khá ổn. Mệt nhọc về thể xác, nhưng nhẹ nhõm về tinh thần. Thâm chí, cậu còn có tiền để giúp đỡ hai người anh và sắm sửa đồ đạc cho gia đình ở quê. Mặc dù sau giờ làm, TQ chỉ biết tìm vui trong làn khói và hơi men. Không mục đích, không gánh nặng, ngược lại cũng không có tương lai.
Tình trạng này kéo dài một vài năm.
Mọi chuyện đột nhiên thay đổi trong dịp tết TQ về quê, mang theo cuốn lịch của trường đại học. Vốn dĩ cậu đã thôi học nên không được phát lịch, song tôi tặng cậu làm kỉ niệm. Chính bản thân tôi cũng không ngờ hành động nhỏ này đã mang lại kết quả.
Ngày TQ về quê, mẹ cậu và họ hàng nhìn vào cuốn lịch để hỏi han và mong chờ ngày cậu tốt nghiệp. Có lẽ, cha cậu trên cao cũng mong chờ người con trai phấn đấu học hành để trở thành cử nhân đại học. Khoảnh khắc hồ hởi, kì vọng của gia đình đã nhắc TQ nhớ, cậu lên Hà Nội, vào đại học vì điều gì.
Không phải việc có tấm bằng, mà hành trình để có được tầm bằng mới làm nên giá trị thực sự của người theo đuổi nó.
TQ không có sự ủng hộ về vật chất của gia đình, phải tự xoay sở để nuôi sống bản thân nhưng cậu chịu khổ được. Cậu khổ quen rồi nên không sợ khổ nữa.

 Chúng tôi gặp lại khi tôi đang làm sinh viên tình nguyện hỗ trợ các thí sinh tham dự kì thi đại học. TQ tươi cười bước vào phòng thi. Sau khi thi xong, cậu còn mua tặng tôi một chai trà để uống cho đỡ khát.
Cậu đã thi đỗ thêm lần nữa, nhưng hành trình để lấy bằng vẫn còn ở phía trước…
 
Phần 2
Quãng thời gian quay lại thật nhọc nhằn, phải cân đối với thời gian làm việc và học tập. TQ cần chiến thắng từ chính nơi trước đây cậu từng thất bại.
Tâm trí cậu lại bắt đầu dao động, nhiều lúc cậu chia sẻ muốn gắn bó với nhà hàng luôn và quên câu chuyện tấm bằng đi. Nó quá sức với cậu.
Rốt cuộc tấm bằng ấy có ý nghĩa gì, khi nó không thể đảm bảo chắc chắn có thể nuôi sống bản thân TQ, trong khi trước mắt, điều cậu cần nhất là kiếm sống?
Đột nhiên có một tia hi vọng lóe lên, khi cậu được người thân giúp sức mua chiếc xe máy. Đó không đơn thuần là phương tiện đi lại, mà sẽ là cánh cửa giúp cậu bước sang công việc mới. TQ dứt khoát nghỉ làm ở nhà hàng, vượt qua sự ổn định tạm bợ để tiếp tục theo đuổi tấm bằng đại học.
Mặc dù thiếu trước, hụt sau, thâm chí nợ nần nhưng cậu không bỏ cuộc. Tình hình dần tốt lên khi cậu bắt đầu đi giao hàng. Cùng thời điểm ấy, tình yêu lại đến với TQ. Cậu cảm thấy tốt hơn, cười nhiều hơn. Những người em học cùng đại học cũng rất quý mến và tôn trọng sự nhiệt tình của “ông anh lớn tuổi” này. Thỉnh thoảng, cậu cũng cảm thấy ngại ngần khi học cùng toàn những sinh viên nhỏ tuổi hơn. Thế nhưng, cậu cũng tự hào vì mình đang đi học.

Tấm bằng dường như vẫn chơi trò trốn tìm với cậu.
TQ nhận ra bạn gái không chung thủy. Cậu quyết định chia tay, dù người con gái ấy là chỗ dựa tinh thần quan trọng với biết bao tin yêu cậu đã gắng sức vun vén.
Thời điểm này,  TQ suy sụp. Sự chán nản khiến cậu hờ hững với mọi thứ. Cậu bắt đầu phải đóng thêm tiền cho việc học lại, thi lại kèm theo tiền sinh hoạt hằng tháng vẫn đều đều thúc bách.
Và rồi cậu mất chiếc xe máy nhưng vẫn còn lại nhiều khoản tiền phải lo cho đúng hạn.
Có thể, mọi thứ đã quá giới hạn chịu đựng. Nhớ lại lúc ấy, có lẽ nếu TQ tâm sự với tôi về ý định bỏ học lần nữa, tôi sẽ im lặng. Không phải tôi ủng hộ mà bởi vì chính tôi cũng cảm thấy hoang mang cho tình cảnh bi đát này.
Quãng thời gian thực sự khó khăn đó sẽ mãi tồn tại trong kí ức của TQ.

TQ đã gắng gượng làm lại mọi thứ, từng chút một. Một nơi ở mới, một chiếc xe mới, một công việc mới. Cậu dồn toàn bộ sức lực vào việc kiếm tiền. Cậu kể với tôi nhiều ngày đi được cả gần trăm cây số trong nội thành. Ngày nắng, ngày mưa, bụi bặm cùng rét buốt cậu vẫn kiên trì nhặt nhạnh từng đồng từ việc giao hàng, chở khách, đưa giấy tờ.
Chẳng mấy chốc năm thứ tư đại học cũng đến. Nó đến kèm với quy định chuẩn đầu ra tiếng anh dành cho sinh viên khi ra trường. TQ không tự tin lắm với tiếng anh. Cậu không tin mình sẽ thi qua được. Cậu dần dần tin vào việc số kiếp của mình là mãi mãi không chạm được đến tấm bằng.
Tấm bằng đỏ tươi ở phía trước mà vẫn cảm thấy thật xa vời với TQ.
Cậu thay đổi, ít nói những khó khăn bản thân gặp phải, mà nói nhiều hơn về những chuyện vui. Ai hiểu cậu thì đều biết đó là lúc TQ đang hết sức nỗ lực. Trong khi đó, cậu vẫn lặng lẽ nhìn bạn bè xung quanh ra trường, bắt đầu xây dựng sự nghiệp và đạt được những thành tựu đầu tiên. Cậu làm vậy để sống với áp lực và tự tạo cho mình động lực vươn lên.
TQ thi trượt tiếng anh đẩu ra.
Ba chúng tôi ngồi lại với nhau khi nghe TQ báo tin ấy. Tôi có ước mơ, anh bạn kia cũng có ước mơ, vậy nhưng ước mơ của chúng tôi sẽ không trọn vẹn nếu TQ chưa tìm thấy ước mơ của mình.
Ở quán bia, TQ đăng kí thi lại tiếng anh đầu ra một lần nữa. Nghĩ cũng kì lạ, chính hơi men xô cậu ngã giờ đây lại là thứ tiếp thêm cho cậu sức mạnh và lòng can đảm để đứng lên.

Lần này, TQ đỗ và không còn gì ngăn trở cậu lấy tấm bằng đại học nữa.
Đó không phải là một tấm bằng xếp hạng xuất sắc, khá giỏi mà đó là một tấm bằng có giá trị. Bởi chủ nhân của nó đã không buông xuôi mà kiên trì đến cùng với tất cả khả năng của bản thân. Chỉ cần duy trì tinh thần ấy, tôi tin tương lai cậu nhất định sẽ thành đạt.
Ngần ấy câu chuyện xảy ra xoay quanh tấm bằng của TQ khiến tôi nhận ra một điều: Đại học và tấm bằng đại học là cách để con người ta trưởng thành, để học được bài học về sự chấp nhận hoàn cảnh, vượt qua khó khăn và kiên trì đạt mục đích thay vì chỉ đơn thuần bỏ mặc ngày tháng mòn mỏi trôi đi không dự định.
Mong rằng câu chuyện về bạn TQ của tôi sẽ hữu ích đối với những ai sắp vào đại học hoặc đang học đại học. Để chúng ta có thêm góc nhìn mới và trân trọng cơ hội học tập bản thân đang có, phấn đấu đạt được những tấm bằng thực chất hơn, xứng đáng hơn trước khi bước vào cuộc sống.
Xin cảm ơn TQ vì đã sống, đã nếm trải thất bại những không khuất phục. Nhờ bạn, ba chúng ta có thêm niềm tin vào thành công trên con đường lập nghiệp.